Dưới tán cây gỗ chiều – Truyện ngắn của Ngân Kim

568

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hồi đó chú Dĩnh cũng bảnh trai lắm. Trong làng cũng nhiều cô thương. Chú không có để ý cô nào hết, rồi tới ngày đi bộ đội. Cái ngày cuối cùng trước khi lên đường nhập ngũ, cô Lam tới tặng chú một cái khăn và một đôi áo gối thêu cặp chim phượng hoàng rất đẹp.

Tranh minh họa – Tác giả: Nguyễn Quốc Hưng

Thấy Tráng cứ đứng tần ngần chưa chịu về, thằng nhỏ kéo áo:

– Về thôi ba ơi, sắp tối rồi.

Ừ phải, ráng chiều đã nhạt màu lắm rồi, bắt đầu có sợi đêm rơi xuống trên nền trời phía xa, không nhanh chân thì hạt đêm sẽ loang đầy không khí mất. Tráng thở dài gật gật cái đầu, rồi nhìn nơi ngày trước đã từng có cái cây tán che rợp một vùng rộng lớn. Ba cây nhang thành ra trơ trọi, vô duyên giữa cái nền cát đỏ phẳng lì.

– Sao ba cứ tới bãi đất thắp nhang hoài vậy? Bộ chỗ đó có gì hả ba?

– Ờ, hồi trước nó là con mương, chỗ ba thắp nhang là gốc cây gỗ chiều.

– Cây gỗ chiều là cây gì? Con chỉ thấy chỗ đó là bãi đất hoang, có mương, có gốc cây gì đâu! Có khi nào ba bị ảo tưởng hôn?

– Cũng có thể đó con!

Tráng nói với thằng nhỏ như vậy. Cũng có thể anh bị ảo tưởng thật rồi nên cứ nhớ hoài chỗ đó có con mương, có gốc cây gỗ chiều. “Mương” và “cây” là hai từ xa lạ với tụi nhỏ bây giờ, rồi khi anh chết đi, hai từ đó mất hút theo luôn cũng nên. Anh cũng không chắc cái làng này có bao nhiêu người nhớ chỗ đó từng có con mương và cây gỗ chiều to ế. Thói đời là vậy, người ta sẽ quên đi tất cả những gì không còn hiện diện trong mắt mỗi ngày nữa. Nhưng với Tráng, chỗ đó sẽ vẫn là con mương và cái cây hoài cho đến khi chết, cũng như anh sẽ nhớ hoài về cái người có tên chú Dĩnh.

Cả làng này ngày trước mỗi lần nghe tên chú Dĩnh là ai cũng phá lên cười miệt thị:

– Thằng khùng!

Tráng thì thấy chú không khùng chút nào, ngược lại rất thông minh. Chú đã chỉ cho Tráng bao nhiêu là trò mà tụi bạn cùng lứa chẳng đứa nào chơi hay bằng chú sất. Dưới tán cây gỗ chiều mỗi trưa Tráng cùng chú Dĩnh bày đủ trò hay, nào là chơi ô ăn quan, làm cần câu cá dưới mương, làm ná bắn chim sẻ. Chú có một bí kíp giăng lưới cọc bắt chim cu rất tài. Mấy con chim cu mập ú đem đắp bùn nướng quả là ngon hết sẩy.

Con mương cái và cây gỗ chiều là hai chứng vật cho tình bạn khắng khít của Tráng và chú Dĩnh. Mương cái hồi đó cá nhiều lắm. Lũ cá rô gai ham mồi dễ bắt nhất, muốn câu cá bống thì phải đi xuôi theo dòng nước qua khúc nước lợ hơn câu mới có. Đôi khi chú Dĩnh bắt được cả rắn nước. Chú bày Tráng cách lột ra rắn, giờ nghĩ lại Tráng còn thấy sợ. Lúc đó, Tráng tè ra cả quần, chú cười ha hả biểu mày là đờn ông mà nhát dữ, vậy sao đi lính hả con. Nghe bảo hồi trước chú đi lính bên biên giới, rồi đạp mả Mọi nên về bị khùng. Có người thì nói tại chú yêu cô gái Thượng bị bỏ ngải nên đâm ra khùng khùng. Tráng thích nghĩ theo cách thứ hai hơn. Đôi lần nó gài chú chơi xù xì để khai ra mối tình truyền kỳ đó. Tới hồi thua chú cười ha hả:

– Tao vầy ai thương mà dính ngải? Ba sàm ba láp hông hà.

Tráng ngó cái bộ dạng của chú thiệt kỹ. Ờ, hổng xịn thiệt. Tóc thì dài vô trật tự, móng tay móng chân đen sì, da tay da chân chai sạm đóng phèn, cả cái bộ quần áo cũng xộc xà xộc xệch nữa. Vầy thì gái không thương nổi thiệt.

– Mà sao chú hổng cắt tóc, tút tát ngon ngon xíu cho gái thương?

– Con nít, hỏi chi mầy!

Chú ký đầu nó đau điếng biểu vậy. Cha! Cái kiểu ăn nói đó sao mà khùng được, chắc chú giả khùng á. Tráng đem thắc mắc với cha chuyện chú Dĩnh khùng thiệt hông. Cha ký muốn lủng đầu:

– Muốn thiệt thì thiệt, muốn giả thì giả. Bộ mày tính khùng theo nó hay sao mà ráp kèo chơi hoài vậy?

– Thì tại…

Tráng bỏ dở câu nói, chớ biết nói tại gì bây giờ. Nếu nói tại chú Dĩnh giỏi mấy trò bắn bi câu cá thì chẳng khác nào công nhận chú dở người thiệt, mà như vậy thì cha chắc chắn cấm tiệt không được chơi nữa. Cha Tráng dường như cũng lờ mờ đoán ra ý nghĩ của nó nên tặc lưỡi:

– Thằng đó dở người thiệt đó chớ giả bộ gì. Cũng tội nó, phải chi hồi đó đừng tìm con Lam thì đâu đến nỗi! Đờn ông mà quỵ đờn bà là đời chẳng ra khoai ra cháo gì nha con.

À, thì ra tên người yêu của chú là Lam. Cha, coi bộ chú Dĩnh cũng lãng tử thiệt chớ, quỵ đờn bà tới mức dở người luôn hả trời.

– Cha, mà hồi trước chú Dĩnh có đẹp hôn? Cái cô Lam đó bỏ chú Dĩnh lấy người khác hả cha?

Lại một cái ký muốn lủng đầu nữa. Tráng chỉ muốn ré lên nhưng ráng nhịn đau để chờ cái câu trả lời đang đến hồi gay cấn:

– Cha bây! Con nít con nôi nhiều chuyện làm gì?

Thôi rồi hai cái ký oan uổng, không khai thác được gì nữa rồi. Đàn ông kín tiếng hơn đàn bà, Tráng nghe mấy bạn nhậu của cha hay nói vậy. Nó quyết định kiếm má khai thác. Nó lăng xăng phụ má quét nhà, quét sân, rửa chén, tưới rau, bằm cây chuối cho vịt… Nói chung là làm tất cả những gì nó có thể làm. Má nó ra chiều ngạc nhiên hết sức:

– Dạo này giỏi vậy tụi!

– Thì con lớn rồi, phụ bớt cho má.

– Ờ, ráng đi con, mốt nhập học má mua tép[1] mới cho.

Phụ má chừng nửa tháng hơn, nó lân la gặng hỏi trong một lần nhổ tóc ngứa cho má:

– Má, chú Dĩnh hồi trước thương cô Lam hả má?

– Ờ, mà sao bây biết?

– Ba nói á!

– Cha này đờn ông mà nhiều chuyện hà, nói với con nít chi hông biết!

– Mà con sắp thanh niên rồi chớ bộ, năm tới con lên lớp 6 rồi!

– Ờ, sắp nhổ giò rồi. Hèn chi quan tâm chuyện gái trai!

– Má, kể nghe má!

Chắc tại được nhổ tóc ngứa đã quá nên má quên béng mất Tráng chỉ mới mười hai tuổi. Má rì rà kể:

Hồi đó chú Dĩnh cũng bảnh trai lắm. Trong làng cũng nhiều cô thương. Chú không có để ý cô nào hết, rồi tới ngày đi bộ đội. Cái ngày cuối cùng trước khi lên đường nhập ngũ, cô Lam tới tặng chú một cái khăn và một đôi áo gối thêu cặp chim phượng hoàng rất đẹp. Cô Lam là thợ may có tiếng vùng này, đẹp gái lắm, cũng nhiều người theo, trong đó có ba bây nữa. Cô Lam tặng quà cho chú Dĩnh thì khác gì ngỏ lời thương, chú Dĩnh không nhận trả lại biểu cô thương ai thì lấy chớ chú đi lính rồi biết sống chết ra sao mà chờ. Chú Dĩnh nói vậy thôi chớ trong lòng cũng thương cô Lam từ lâu rồi mà không dám nói, nên tối đó buồn quá rủ ba bây nhậu. Hồi đó má còn là hàng xóm với ba bây, chưa có thương nhau. Má cũng qua uống chung. Tới hồi say, chú Dĩnh cầm tay má mà tỏ tình với cô Lam. Má chố cho ổng mấy cái biểu thương người ta thì nói ra, mắc gì giấu chi. Nhờ mấy cái chố ổng tỉnh người chạy đi tìm cô Lam mà tỏ tình. Hổng biết hai người đó có mần ăn gì hông, nhưng sau khi chú Dĩnh đi cái bụng cô Lam lù lù một đống. Lệ làng hồi xưa khắc nghiệt lắm con, đàn bà chưa chồng mà chửa là tội nặng lắm, vậy nên cô Lam bỏ xứ đi biệt tích. Năm năm sau chú Dĩnh mới về, nghe tin cô Lam bỏ đi khi bụng mang dạ chửa, ổng bỏ đi tìm cũng cả năm trời, rồi ôm tấm hình con nhỏ về thờ. Ổng nói con nhỏ xấu hổ quá tìm ra sông Dinh tự vẫn, đờn bà có chửa chết thiêng lắm, dân vùng đó lập miếu thờ, nhờ vậy mới tìm ra. Từ dạo đó tới giờ ổng đâm ra khùng vậy chớ.

– Thiệt chuyện đời biết sao mà lần được. Phải chi má đừng chố ổng thì khác rồi!

Má kết thúc câu chuyện tình bi ai đó bằng cái thở dài hơn cả ngọn bấc đầu mùa. Giờ Tráng mới hiểu hết cái từ “quỵ đờn bà” của ba. Tội chú Dĩnh quá, hèn chi chú cứ đi nghêu ngao ngoài đường mặc người ta đua nhau giành giựt từng cái trụ thanh long.

Có lần nằm ngủ trưa cạnh nhau dưới tán cây gỗ chiều, Tráng sờ cái giống đờn ông của chú xem còn hay mất. Chú gạt tay nó đe:

– Thằng quỷ! Muốn ăn đòn hả mày?

Tráng nhe răng cười hè hè:

– Con kiểm tra coi lâu ngày hổng xài nó còn hông chớ bộ!

– Khùng hả bây, hông còn sao xả nước tưới cây được mày?

– Chú, vậy từ hồi nảo hồi nao tới giờ chú gần đờn bà có một lần một hả?

Chú Dĩnh chống tay bật dậy nhìn nó tò mò:

– Nay sao bây nhiều chuyện vậy?

– Thì tại con muốn biết.

– Biết cái này hông tốt đâu con. Còn nhỏ là phải lo học hành đờn hoàng!

Khuôn mặt chú lúc ấy nghiêm nghị lắm, lanh lẹ lắm không giống cái bộ khù khờ của chú hàng ngày. Lúc đó Tráng dám chắc chú Dĩnh giả khùng thôi. Nhưng nó mới dám chắc được dăm hột nắng rơi xuống mặt thì chú đã cười khà khà lắc lư cái đầu trở về dáng điệu dở người bằng bài ca tưng tửng: “Cuộc đời có chi đâu, vài ngày chẳng ăn thôi, thế là tiêu tán đường!”

Cuộc đời thì không bao giờ tự làm mình tửng để dừng lại ở một ký ức đẹp như chú Dĩnh, nó cứ chảy trôi hoài, mà cái dòng chảy càng ngày càng dữ dội thác ghềnh. Thời thanh long có giá, người ta đua nhau đúc trụ, đào ao trồng thanh long. Chẳng mấy chốc cánh đồng bạt ngàn lúa thành những thửa ruộng lổm nhổm cọc thanh long. Đất hoang không còn nữa, chỗ chăn bò cũng thu hẹp dần. Nhà Tráng phải bán bớt bò đi vì không còn chỗ để giòng. Mấy cái đổi thay đó không làm Tráng buồn, nó buồn nhất là cái cây gỗ chiều bị người ta đốn hạ để nhường bầu trời lộng nắng và gió cho đám thanh long mới trồng. Thế là hết những trưa hè thẩn tha ngắm cảnh và tán dóc với chú Dĩnh, hết những ngày câu cá nướng trui. Nó buồn. Chú Dĩnh có buồn không thì chẳng rõ, chú bận hơn ngày trước. Giờ người ta thuê chú làm đủ việc: cắt cỏ, gánh phân, gánh rơm. Người ta thích thuê chú vì một thằng khùng không bao giờ trả treo giá cả, mà lại làm nhiệt tình chẳng nề hà như mấy người khôn. Vậy là chẳng ngày nào chú rỗi để câu cá cùng nó nữa. Chắc tuổi thơ của nó kết thúc mất rồi…

Diện tích thanh long càng ngày càng mở rộng, người ta phải mở rộng mương cái ra để đủ nước tưới tiêu. Cái cần trục khoáy sâu vào lòng mương vét hết lớp cát mặt. Cũng cái cần trục ấy khoét vào lòng đất bứng gốc cây gỗ chiều lên. Tráng bật khóc khi gốc cây bị ném ra mép con mương mới. Người ta biểu nó sắp khùng, chắc chơi với chú Dĩnh nhiều nên lây bệnh. Tráng không trách miệng thiên hạ, nó chỉ trách chú Dĩnh sao không có mặt để khóc tiễn người bạn một thời.

Mương Cái giờ sâu lắm. Dòng chảy của nó dữ tợn không hiền hòa như xưa. Thỉnh thoảng có xoáy nước ở giữa lòng mương. Cha Tráng biểu là do lớp cát ở trên mặt bị vét hết nên đất ở dưới dễ bị lún. Tráng níu giữ tuổi thơ bằng cách ngày ngày đi câu cá, dối má rằng đi kiếm đồ ăn giúp má. Nó chỉ mong một ngày tình cờ nào đó chú Dĩnh đi qua và ồ lên khi thấy nó ngồi cắm câu, rồi sà vào câu phụ nó như hồi trước. Nhưng chú Dĩnh chẳng bao giờ đi ngang qua hết. Nó buồn dập tắt tuổi thơ vào cái màu xanh ngút ngàn của thanh long đang thì trổ tàu.

Nhưng chắc Tráng đã lầm, một ngày nọ chú Dĩnh tình cờ đi qua chốn cũ. Chú thấy dân làng bu dày ken dọc bờ mương, tiếng la, tiếng hét trộn lẫn tiếng khóc ai oán. Chú tò mò chen đám đông vào trong. Chú dòm thấy dưới mương có thằng nhỏ đang vẫy vùng đuối nước. Cái bàn tay chới với của thằng nhỏ sao quen quen, ngón út bị cụt mất một lóng. “Mèng ơi, là thằng Tráng chớ ai, cái lóng tay đó tui lỡ chặt đứt khi hai chú cháu tìm chặt tre làm cần câu. Từ bao giờ con mương này có cái hố xoáy giữa lòng vậy cà? Còn thằng nhỏ sao tự dưng lọt xuống hố vậy hông biết? Kiểu này chắc thằng nhỏ không sống nổi”. Sao hổng ai chịu nhảy xuống cứu vậy trời. Trong khi chú Dĩnh cứ phân vân hỏi bao nhiêu câu thì cái cánh tay đã chìm dần, chìm dần. Tiếng rú của mẹ Tráng rơi và lọt thỏm vào bầu trời bao la phía trên. Tiếng kêu của tận cùng tuyệt vọng. Có tiếng gì rơi vào dòng nước cuốn, và rồi thằng nhỏ được quăng lên bờ như một phép màu siêu nhiên. Không có ai trở lên sau nó. Hình như dòng nước xoáy dịu lại khi đã cuốn phăng được thứ gì. Dân làng phút ấy mới định thần lại. Ai? Ai là người đã nhảy xuống cứu đứa bé? Người ta truyền tai nhau câu hỏi ấy. Không có ai trả lời được, chỉ duy nhất một người biết, là mẹ Tráng. Bà hét lên trong mớ cảm xúc giữa mừng vui và ai oán:

– Thằng Dĩnh đã cứu con tui! Trời ơi, chỉ có thằng khùng mới dám cứu con tui!

Người ta cúi đầu làm thinh. Người ta lặng lẽ lui về. Câu chuyện về thằng khùng từ đó chấm dứt. Những thứ gì không còn đập vào mắt sẽ lui vào dĩ vãng. Chỉ có một người luôn nhớ về con người dở hơi đó, là Tráng. Nên mỗi chiều cuối tuần anh đều ra gốc cây ngày xưa thắp cho chú ba nén nhang. Đều đặn từ ngày đó tới bây giờ khi đã là cha của một đứa trẻ, khi con mương và cây gỗ chiều đều đã được san bằng. Thời gian có thể làm mọi thứ phẳng lì nhưng làm sao có thể xóa được ký ức về tuổi thơ ngày ấy trong lòng Tráng được. Và Tráng sẽ còn đến cái nơi một thời là con mương và gốc cây gỗ chiều để thắp nhang cho chú Dĩnh, cho đến khi nào mảnh đất có chủ mới và họ bao bọc tường rào thì thôi…

K.N

[1] Từ địa phương có nghĩa là cặp, balô.