13.4.2018-23:00
Nhà thơ Dương Kiều Minh
>> Dương Kiều Minh tiên phong đổi mới thơ
>> Mang hơi xuân từ những cánh đồng
>> Thơ đi giữa đời không lấm bụi
Dương Kiều Minh – thi sỹ của những thôi thúc
và quyến rũ từ những khoảng trống đời người
NGÔ KIM ĐỈNH
NVTPHCM- Nhà thơ Dương Kiều Minh, sinh năm 1960 (tên thật Kiều Văn Minh), sống và làm việc ở Hà Đông, quê gốc làng Nam Cường, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội. Anh là Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội viên Hội Nhà báo VN. Anh đã công bố 7 tập thơ, 2 tập tiểu luận – tuỳ đàm văn chương. Năm 2011, Dương Kiều Minh tập hợp 7 tập thơ đã xuất bản và một tập bản thảo in lại thành tuyển Thơ Dương Kiều Minh – NXB Hội nhà văn.
Ở trang 481 – “Lời phụ ghi bên bản thảo tập thơ chưa hoàn thành” – tuyển Thơ Dương Kiều Minh có viết: “Cảm giác này rất thật và mạnh đến nỗi, hiện tôi chưa có cách gì để hoá giải được chúng và trả lời cho rành rọt sáng tỏ câu hỏi: “Những bài thơ đã được viết là bởi lực thôi thúc và quyến rũ từ đâu?”. Ngay cả bài thơ tôi vừa viết chưa ráo mực, cũng chưa có thể trả lời một cách khúc chiết về câu hỏi đó. Thi ca là một cái gì ở ngoài ta, bao trùm quanh ta? Hoặc nó ở quanh ta, trong sâu thẳm cõi lòng? Tôi đồ rằng “Thi ca nằm ở những khoảng trống” trong thế giới của con người”.
Đọc thơ Dương Kiều Minh và những suy ngẫm như trên, tôi bật ra ý: đây chính là “vấn đề” đau đáu nhất mà thơ anh hướng tới. Và tôi xin rút tít bài viết về thơ anh ngay từ gợi mở này.
Tôi yêu thơ và yêu quý thơ của nhiều nhà thơ đương thời. Thơ hay tự nó giải toả (và hoá giải) mọi vấn đề của đời sống – xã hội. Có thể nghĩ nhanh: thơ Phú Trạm – Inrasara gợi cho tôi suy tưởng về số phận những kiếp người và những mật mã của lịch sử còn vương vất đâu đó trên những cổ vật, trong những thềm đất cổ; thơ Nguyễn Quang Thiều mang lại sự hứng thú quan sát và nhận biết về con người, về thiên nhiên kỳ vĩ mà bí ẩn cùng những khát vọng và tầm nhìn đẹp mà lương thiện; thơ Nguyễn Linh Khiếu dẫn dắt tôi đến thế giới của phồn sinh – giao hoà, của ân ái – hoà hợp, của hoan hỷ và bi tráng; thơ Trương Đăng Dung lại mở ra một đời sống trầm lặng mà quyết liệt, hân hoan mà buồn nản nơi cõi lòng Con Người. Thơ Dương Kiều Minh ám ảnh tôi về những khoảng trống, những vô ngôn trong thế giới nội tâm con người tri thức. Có phải sự tự dằn vặt – sự tự vấn lương tâm thi sỹ ấy đã thôi thúc hồn thơ anh nẩy ra những câu thơ, những tình thơ cả nghĩ và mê đắm, lấp đi những khoảng trống khắc khoải trong đời. Hoặc có thể mơ hồ nói thế này: Thơ của các nhà thơ chợt kể để “so sánh” ở trên, thấy thấp thoáng hoặc tràn đầy vẻ viên mãn và hào hển sự sinh tồn; còn thơ Dương Kiều Minh lại có sự thiếu vắng, sự mơ vọng mãi chăng?…
Tôi được biết và được đọc thơ Dương Kiều Minh khi anh cùng nhóm thơ Sông Đà – Hoà Bình “xuống núi” hoà mình vào không khí thơ Thủ đô và cả nước. Tuy nhiên, tôi thấy lạ về anh và thơ anh. Con đường khởi nghiệp và dựng nghiệp công chức Văn – Sỹ của anh hình như luôn suôn sẻ cùng sự tự học – tự vượt lên rất nhiều. Có phải thế chăng mà ở vị thế một nhà thơ, Dương Kiều Minh luôn có phong thái sống đĩnh đạc, khiêm nhã của một cán bộ văn hoá có nền tảng. Trong đời sống và đời viết Dương Kiều Minh luôn ý thức học hỏi, trau dồi kiến thức không mệt mỏi. Anh ưa đời sống vận động, chan hoà giao lưu bạn bè văn chương một cách nhân hậu trong sáng. Ngoài sáng tác thơ, anh còn nghiên cứu và viết tiểu luận – tuỳ đàm văn chương một cách nghiêm ngắn và chừng mực. Anh tìm hiểu về người xưa, bình phẩm về lịch sử và mê đắm vẻ đẹp văn hoá truyền thống. Nhưng nặng lòng, thôi thúc suy tư nhất, lãng đãng mơ tưởng nhất là dành nỗi niềm thơ hướng về những khoảng trống trong lòng, trong đời. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tình – ý, anh đều mong bộc lộ qua thơ. Có thể do duyên cớ đầu đời thích đọc, thích tìm hiểu văn học Trung Hoa cổ – cận đại, mà hồn thơ anh có chất liêu trai mà thôn dã, cổ điển mà tươi mới, chi tiết mà gợi – tả, nhỏ – tĩnh mà xao động… Và, vượt lên những cảm niệm về tâm trạng, về hình ảnh thơ ấy là một ý niệm, một tư tưởng thao thiết về Con Người và thời đại với những cung bậc của sự tồn vong vĩnh hằng. Tinh thần thơ ấy có không khí Đường – Tống một chút nhưng rõ tình quê Việt, chất Việt: trọng tình mà cam chịu, vong thân không vong bản, mơ mộng xa gần nhưng gia tộc – cố hương vẫn là trên hết. Chẳng hạn, có một khổ thơ lục bát thuần Việt mà mộng mị mê hoặc, mà bâng khuâng chất Hàn sỹ:
Trong mưa có một ngôi đền / và mưa từng ngón buông mềm mái tây
và mưa từng ngón ngón gầy / len len rây rẩy bàn tay gượng gàng.
(Trong mưa, tr37)
Trước khi thích thơ Dương Kiều Minh, tôi yên tâm với một nhận thức về thơ (đã đọc được ở đâu đó): Thơ hay dễ thuộc và như một câu chuyện dễ kể lại… Vâng, tôi thường kể về các bài thơ hay như vậy thật. Đến khi được tiếp cận kỹ càng với các văn bản thơ Dương Kiều Minh thì trong tôi có sự xao xuyến nhận thức cũ. Thơ Dương Kiều Minh và một số thi sỹ khác chưa hẳn là một câu chuyện, chưa hẳn là một áng văn dễ đọc và dễ thuộc lòng. Nhưng thơ ấy chìm vào tâm chí vấn đề thơ, tình – ý thơ. Hồn cốt thơ ấy ám ảnh và sáng mãi trí nhớ. Đấy là thơ hay. Nhiều bài thơ của Dương Kiều Minh thoảng nhẹ như hởi thở buổi xuân sớm; như chợt nhớ, khẽ reo lên điều gì định nói, chợt thôi; như tâm trạng định giãi bày lại ngừng; như một cảnh đẹp phố núi lộ ra sau mây tan, nhưng lại vụt hết khi ùn ùn một đám mây mờ kéo đến; như một ấm áp vòng tay thật chặt mà không phải nói thêm gì… Tuy thế, cũng có một số bài, Dương Kiều Minh “cho nói” nhiều hơn. Khi ấy, đã nói nhiều thì tố chất của thơ, vấn đề của thơ sợ cũng bị ảnh hưởng mờ đi.
Tư duy người làm thơ (hay ở hầu hết người làm văn chương nào) cũng thường chịu ảnh hưởng từ nền văn chương – văn hoá lớn nào đấy, hoặc ít ra là văn hoá và phong cách của những tác gia nào đấy, miền đất nào đấy. Đọc thơ Dương Kiều Minh, tôi thấy lối thơ anh gần gũi với tâm hồn Nho Giáo thuần chất. Chợt nhớ tới một nhận định của nhà văn hoá Phan Ngọc trong công trình Tuyển thơ Đỗ Phủ. Ở Lời đầu sách, Phan Ngọc viết: “Sự phê phán của Đạo Giáo thường dẫn tới nông dân khởi nghĩa. Sự phê phán của Nho Giáo chỉ dẫn tới những trào lưu nghệ thuật đặc sắc”. Có phải thế, mà tâm hồn Dương thi sỹ luôn thao thức bởi những thôi thúc nghệ thuật thi ca. Anh luôn muốn làm một cái gì đấy, một điều gì đấy bởi vẻ đẹp quyến rũ của Con Người và Thi Ca đang hao khuyết, đang có những khoảng trống cần được khoả đầy.
Phù Ninh, tháng 3.2012
_________
* Vài dòng nói thêm: Tôi viết bài về thơ Dương Kiều Minh là do ban tổ chức một hội thảo thơ Dương Kiều Minh dự định tổ chức ở Hà Nội khoảng tháng 4.2012 “đặt hàng”. Tuy nhiên, hội thảo thơ chưa được mở thì nhà thơ Dương Kiều Minh đã đột ngột từ trần ở tuổi 53, ngày 28.3.2012 tại Hà Nội. Một vài tờ báo (in và mạng) đã dùng bài viết này đăng vào dịp đó, như một nén tâm hương từ biệt Người thi sỹ tài hoa. Hôm nay xin gửi tời trang Nhà văn TPHCM đăng lại bài viết, để cùng nhớ về một nhà thơ trẻ có bóng dáng kẻ sỹ Bắc Hà một thuở. (Việt Trì, tháng 3.2018 – tròn 6 năm Dương Kiều Minh đã đi xa mãi – NKĐ).
>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC