Đứt ruột với miền Trung

415

Đã trắng tay trong ngôi nhà của chính mình vì mưa lũ, đã không còn gì để mất mà vẫn còn những người bà và con chó nhỏ ở miền Trung chênh vênh trên cái chòi dưới chân là nước lũ…


Chúng ta cùng ghé vai gánh vác sau nạn lũ, chúng ta còn giàu có đó là đầy sự thương nhau…

Có thể vẫn còn ngôi làng khuất trong thị trấn thành phố, họ nghèo, không có tiếng kêu cứu bằng điện thoại, có thể điện thoại ngoài vùng phủ sóng. Dưới chân họ vẫn là nước lũ. Sống với nước lũ dân ta chưa có kinh nghiệm nhiều. Nhiều đêm ở Hà Nội ngớt mưa, và dù không mưa thì trái tim tôi như một quả chuông rung lên, lạc nhịp nức nở với sự vật vã của đồng bào mình. Chỉ một dòng tin vắn của nhà văn Hà Khánh Linh ở Huế, chị nói cũng mất ngủ triền miên dù vẫn thiền tọa, dù uống thuốc cũng vô hiệu hóa. Chị ngồi ghi chép nhật ký về Huế, như mình đang ghi chép sử vậy. Chị viết quê hương mình, ở Phong Điền nước đỏ và người chị 80 tuổi từng tham gia cách mạng ở vậy một mình. Một mình đang chèo chống với nước và bà chị ấy không biết bơi. Giấc mơ của chị gái nhà văn là có một chiếc áo phao, giá như có chiếc phao thì ra được chỗ cao hơn, không bị bỏ đói mấy hôm. Làm sao kêu ở một vùng ngập mênh mông nước bà con mình cùng chịu cảnh như nhau. Không thể ngủ được khi nước cuốn đi hàng ngàn con trâu bò của cải tất cả của bà con nông dân miền Trung, nó tràn qua người mình. Nạn lũ tàn phá như giặc giã. Có thể bà ta, mẹ ta sẽ không còn nước mắt, nước mắt sẽ cạn khô, và không còn sức để khóc nữa. Gió, mưa và rét sẽ lấy đi sức lực của họ.

Nhà văn Hà Khánh Linh thuộc lòng kinh phật, bà vẫn mất ngủ, dằn vặt với vùng quê Phong Điền, với đồng bào mình đang oằn lưng với lũ. Nạn lũ, dân ta chưa có kinh nghiệm bằng đánh giặc. Nạn lũ nó cuốn phăng đi tất thảy giấc mơ sách vở, tranh vẽ, tô màu của các em thơ. Làm sao ngủ được khi lũ tràn vào giấc mơ của tình yêu thương thấu hiểu đồng loại. Chị Hà Khánh Linh đã đi qua chiến tranh, đạn bom, đói khát, thấu hiểu sự tàn phá của lũ. Sẽ là những chân móng nhà có thể bị nứt toác, tường nhà sẽ ngấm ẩm, sẽ là dịch bệnh sau lũ nếu không sớm lo dịch bệnh khác, cũng nguy hiểm như Covid-19. Dưới tầng 1 ở ngôi nhà nhỏ phố Chế Lan Viên đã ngập nước, ếch nhái kêu à uôm, một nhà văn già thức với màn đêm và nhớ ra tất cả tuổi thơ ở quê hương Phong Điền, êm đềm với đủ loại bánh đồng quê, với lá với tôm cua đồng áng. Quê ở Huế thích nhất là nhà vườn. Vườn sẽ lụi tàn hết những cây cảnh và cây hoa hiếm mà người Huế có sở thích làm vườn. Sẽ mất đi tất cả vườn tược, tài sản bao năm mồ hôi nước mắt của bà con gây dựng, mà đâu chỉ có Phong Điền? Ở Quảng Trị , Nghệ An, Hà Tĩnh, những người vợ chới với giơ hai tay lên trời, muốn ôm lấy chồng; mẹ già chới với muốn ôm lấy con – đều không được nữa rồi. Nỗi đau đớn cũng đang ngập sâu trong nước trong lòng họ. Chẳng dễ gì chữa trị nỗi đau trong mất mát lúc này.

Hẳn là những cây đại thụ trong rừng cây bị bàn tay con người tàn phá, cũng đau đớn như người? Có cây đã hàng trăm tuổi bị máy cưa xoẹt xoẹt, hàng ngàn héc ta rừng lụi tàn, khi lũ tràn không có rừng cây để ngăn lũ. Chúng ta đã không kịp gìn giữ rừng già, để cho cây lớn phải ngã xuống như những người lính từng xông pha trận mạc phải ngã xuống trong một viên đạn lạc của kẻ ác. Hình như kẻ ác đang tung hoành trong rừng cây, và cây cũng có cách nghiêm mặt trở lại. Những thân cây chìm trong nước kia, cũng đang tồn tại như sinh linh con người. Cây cũng khóc mà con người không nhìn ra đấy thôi. Nạn lũ này chưa từng có trong hơn nửa thế kỷ qua, một cụ già người Hà Nội cũ có con sống ở Huế, và kể lại cho mẹ những chi tiết của lũ. Những mái nhà sắp lọt thỏm, sắp bị nhấn chìm, nào ai biết được, có số phận nào không vượt qua lũ đã bị nước xóa đi tên tuổi chỉ có vài dòng trong chứng thực của làng quê.

Cơ thể đất nước tôi hình chữ S, cái thắt lưng miền Trung, của gió Lào và nắng lửa, nay lại bị nhấn chìm vì thác lũ. Một giấc mơ chập chờn khi đã nhìn thấy sự cứu trợ của áo phao, thuốc men, và dầu gió. Người Việt vốn thơm thảo và hào phóng, có rất nhiều đôi bàn tay chia lửa với miền Trung, cái thắt lưng của đất nước tôi đang được sưởi ấm bởi tình người không bỏ bê đồng loại. Cứ nhìn bộ đội cụ Hồ trong gió mưa, vạt đi hàng bao nhiêu tấn đất đá để tìm kiếm đồng đội, cứ nhìn sau dịch Covid sẽ thấy người Việt ta vẫn “bầu ơi thương lấy bí cùng”, và chúng ta cùng ghé vai gánh vác sau nạn lũ, chúng ta còn giàu có đó là đầy sự thương nhau.

Hoàng Việt Hằng/Thanh Niên