Duy Bằng & Người đàn bà xa xứ – Kỳ 2

814

15.3.2018-00:30

Nhà văn Duy Bằng

 

>> Người đàn bà xa xứ – Kỳ 1

 

Người đàn bà xa xứ

(Kỳ 2)

 

TRUYỆN KÝ CỦA DUY BẰNG

 

NVTPHCM- Một số Việt Kiều kinh doanh giỏi mang tiền về đầu tư, số người ấy không nhiều. Cũng có số Việt Kiều lâu lâu chắt bóp gửi về cho ba mẹ và người thân một vài trăm đô, thuốc bổ và thực phẩm chức năng vài lọ. Một số người ở nước ngoài làm công nhân, về vung tiền ăn chơi khoe mẽ, khi trở lại lo làm trả nợ. Vì thế quê mình họ đều nghĩ Việt Kiều giàu có sung sướng. Mình sang đây mới hiểu được cuộc sống nơi xứ người, muốn làm ra đồng tiền phải lao động cật lực.

 

Ở Việt Nam cũng vậy, chỉ có quan chức là giàu có, còn người dân lao động còn vất vả lắm. Người địa phương bảo nhà mình có máu mặt mới cho con đi du học. Nhưng thực chất cha mẹ lao động vất vả, chắt bóp cần kiệm dành dụm. Trước khi đi ba mẹ còn nhắc khéo, con cố gắng học giỏi sau này xin việc bên ấy làm một thời gian lấy kinh nghiệm, tích lũy thêm kiến thức sau về nước xây dựng quê hương.

 

Quê mình còn nghèo lắm. Bao nhiêu người du học về, đã xin được việc làm đâu. Nhiều đứa con gái muốn đổi đời phải đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Thanh niên học xong xin việc làm khó, việc ngon lành, con ông cháu cha họ giành hết, đâu đến phần mình. Ai muốn vào làm những cơ quan lớn phải có tiền đút lót, đồng lương đâu đủ sống. Ba thấy cực lắm con ạ.

 

Lời dặn của ba má làm tôi băn khoăn suốt bốn năm học, rồi bạn gái ở Sài Gòn dần dần không thư từ và im luôn.

 

Sau hôm gặp tôi, không thấy bà đến nữa. Tôi hơi chột dạ, có lẽ do mình nói vụng về chạm đến tự ái làm bà không vừa lòng.

 

***

 

Mấy hôm nay bà bị cảm và quyết định không ra vỉa hè bán rau. Từ ngày gặp cậu thanh niên, đêm nào bà cũng suy nghĩ miên man. Bà hiểu thêm một ít về xã hội Việt Nam. Bà nhớ chồng.

 

Không biết bây giờ ông ở đâu và đang làm gì, sao không gọi điện thoại về cho tôi, còn sống hay đã chết, hay có con bé nào rước đi. Cái tuổi già ấy làm gì được để đủ sức phục vụ cho mấy đứa gái trẻ, không khéo lại mang thêm bệnh tật. Nếu mắc phải Aids thì trời ơi! Nó nghĩ Việt Kiều lắm tiền, ông làm gì có tiền nhiều để thờ phụng chúng. Nó bòn rút xác ông đến cạn kiệt rồi bỏ theo thằng khác.

 

Hay ông lại hứa, bảo lãnh cho nó sang bên này, ôi thật hão huyền, tôi còn đây pháp luật nào cho phép. Bà nghĩ quẩn nghĩ quanh, hai hàng nước mắt lăn trên gò má xám xịt. Bà đứng dậy lấy ba cây nhang thắp lên bàn thờ khấn mấy câu nhờ ông bà tổ tiên phù hộ cho chồng khỏe mạnh trở về.

 

Bà ngồi ủ rũ bên chiếc bàn. Tủ lạnh đựng thức ăn rỗng tuếch. Cô đơn buồn bã, bà ít đi chợ, hàng ngày ăn qua loa gì đó cho xong.

 

Hồi ông ở nhà, trong bếp bao giờ cũng đầy nhóc món ăn, bia rượu đều có cả. Tuy già nhưng tình cảm lắm, lâu lâu hai người chở xe đi ăn uống, mua sắm. Những khu vui chơi giải trí ông bà đều góp mặt, ngày hè picnic ra biển, đến công viên.

 

Bây giờ bà chẳng đi chơi đâu, bạn bè người Việt thưa thớt muốn gặp người quen cũng khó. Chỉ có ngày lễ tết, thứ bảy hay chủ nhật, đồng hương hẹn hò gặp nhau cùng tổ chức bữa ăn vui vẻ, rồi ai về nhà nấy.

 

Nhớ lại ngày mới sang bà chủ yếu làm nghề nail thu tiền mặt, nay 65 tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng của chính phủ. Những lúc nào buồn, bà lén đi làm vừa vui lại có thêm thu nhập.

 

Tuy làm công nhân vất vả, gia đình bà mỗi người một chiếc xe hơi để đi lại. Người giàu mua xe cao cấp đắt tiền, còn bà Toyota loại thường, nếu người ít tiền mua xe cũ hai đến ba ngàn là xài tốt. Ai muốn làm giàu thì khó, nhưng tất cả đều có đời sống vật chất thoải mái ổn định…

 

Người về già, ốm đau bệnh viện chăm lo, thuốc men miễn phí. Hàng năm mỗi người còn dư tiền dành đi du lịch hoặc cho con cháu.

 

Lâu lâu, bà nhắc đến anh chàng sinh viên đồng hương hiền lành, khôi ngô tuấn tú, chắc sinh trưởng trong gia đình nề nếp gia phong. Theo lời hứa sẽ đến chơi, bà trông mãi không thấy cậu ta trở lại. Có lẽ anh chàng đang chuẩn bị thi tốt nghiệp nên chưa có thì giờ. Bà rất trọng chữ tín, ai đã hứa là phải giữ lời.

 

Bà có ý định sắp xếp công việc và bảo con gái cùng về thăm quê một lần. Con người có tổ có tông, “Lá rụng về cội”, ở hiền mới gặp lành, cái đức hàng đầu. Lòng bà chân chất những điều có phúc.

 

Tuy đã ở trên hai mươi năm, bà chưa mua nhà riêng, đành thuê căn hộ của khu nhà xã hội, hai phòng ngủ, có phòng khách, bếp rộng rãi. Một tuần bà lái xe đi chợ một lần. Từ ngày ông đi vắng, bếp trở nên lạnh lẽo hơn nhiều.

 

Đang buồn nghe tiếng chuông cửa reo con gái về. Chủ nhật này nó bảo công việc bận lắm. Những lần trước chưa bước chân vào đã gọi léo nhéo từ hành lang, tự động mở cửa, sao giờ nó làm như khách lạ, bà mừng chạy ra:

 

“Mày bảo tuần này không về, con bé đâu sao không nghe tiếng. Tao một mình ở nhà buồn quá”.

 

Bà vừa hé cửa thấy người đàn ông.

 

– Cháu chào bác, bác quên cháu rồi sao?

– Bà nhìn khách một lúc, ồ cháu Hòa, bác nhớ rồi, xin lỗi cháu, bác già lẩm cẩm, vào nhà đi cháu.

 

– Thưa bác, cháu đang ở trường, tốt nghiệp vào loại ưu, chờ ngày nhận bằng nữa là xong. Cháu mừng quá chạy đến gặp bác báo tin chia sẻ niềm vui. Cháu quên cả gọi điện thoại trước. Cháu xin lỗi bác.

 

– Cháu đến bác mừng. Từ ngày gặp cháu nay cả tháng phải không?

– Xin lỗi bác mấy tuần nay cháu bận chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp.

 

– Hôm nay cháu ở lại, bác làm cơm, vui cháu sắp ra trường.

– Hòa đưa tay lên gãi gãi đầu có vẻ e ngại.

– Bác cháu mình cùng quê mà, cháu không ngại gì cả.

 

– Xa quê bốn năm trời cháu nhớ nhà lắm, nên ngày nhận bằng tốt nghiệp cháu muốn ba mẹ sang dự lễ. Những phụ huynh của bạn bè ở bên này họ đều có mặt, còn gia đình cháu xa không biết sao! Ba mẹ chưa đi lần nào xin visa chắc gì được, cháu muốn luôn tiện ông bà đi du lịch Canada một chuyến.

 

– Được thế thì vui biết mấy, ba mẹ tới, cháu dẫn vào nhà bác chơi nghen, lâu ngày gặp đồng hương mừng lắm đó.

 

Thấy bà chân thật lòng Hòa cảm động:

 

– Mấy năm nay cháu ở bên này không có bạn Việt học cùng trường cùng khóa, chủ yếu người ngoại quốc. Do khác văn hóa nên không thân thiết gì, nay gặp bác cởi mở cháu mừng. Lúc cháu chưa về Việt Nam bác cho cháu lui tới thăm.

 

– Ngày nào rỗi cháu cứ đến, không ngại gì cả. Mình sinh ra từ Tiền Giang mà đi, tuy hai huyện khác nhau, nhưng không cách xa là bao, xa quê gặp đồng hương là quý lắm.

 

Trời đã chiều. Nắng thu nhạt dần. Những hàng cây hai bên đường, lá bắt đầu chuyển sang màu vàng, chỉ có cây thông quanh năm xanh tốt.

 

Đứng lặng một lúc, Hòa nhỏ nhẹ:

 

– Xin phép bác cháu về.

– Chủ nhật sau cháu tới chơi nghen.

– Dạ! Trước khi tới cháu gọi điện thoại xin phép bác.

 

Hòa ra về, bà lại thui thủi một mình trên lầu năm chung cư. Phía trước mặt tiền nhà, khu công viên rộng, cây cối xanh tươi. Mỗi chiều ngày hè các cháu tụ tập đông, chạy nhảy nô đùa. Công viên rộng có dành một khoảng không gian cho cháu nhỏ vui chơi. Khu được trang bị bàn trượt, máng trượt, ống trượt, bập bênh, dụng cụ giải trí… cho trẻ. Các cháu thiếu nhi leo lên, tuột xuống sau mỗi chiều tan lớp.

 

Bà thường mở cửa sổ nhìn ra quan sát cho đỡ buồn. Có hai vợ chồng con sóc nâu đi du ngoạn. Chúng lặng lẽ lên ban công bà sục sạo trong những đám đồ chơi bằng nhựa của trẻ con. Con nào cũng vậy, lông mượt, béo tròn vo, mình xù cong cớn, ve vẩy đuôi như đang biểu diển một vũ điệu rất tuyệt dáng.

 

Nhìn thấy bà chúng chẳng sợ. Biết ý, mỗi lần ăn bánh mì bà dành nó vài mẩu. Hai con này quen thói hàng ngày thường mò đến đòi ăn, dần chúng trở thành bạn thân của bà. Chiều nó bò xuống công viên, tối trở về hốc cây là nhà.

 

Dưới thảm cỏ mấy con sóc màu đen, lốm đốm trắng, nhảy nhót tìm ăn. Nếu ai đến gần, nó nghiêng đầu, mắt nhìn chằm chằm như thách thức với con người. Nếu trẻ con đuổi, đuôi nó ngoắt ngoắt, lông xù lên, theo bản năng tự vệ, rồi chúng nhảy phốc lên cây nép mình vào cành để người không nhìn thấy.

 

Bà ở nhà bao giờ cũng xem truyền hình. Phía sau tường gần cửa sổ có gắn cái chảo, đường kính cở 65cm, có chức năng thu tín hiệu từ vệ tinh để phát lên ti vi. Chương trình VTV4 xem được nhờ từ đây, và chục đài tiếng Việt nữa. Những đài này của người Việt ở Hoa Kỳ, chủ yếu quảng cáo. Bà thỉnh thoảng vào xem phim, ca nhạc, hài, thời sự, y tế, cách nấu nướng chế biến thức ăn… Bà xem nhiều đài để đổi khẩu vị tinh thần.

 

***

 

Lại ngày chủ nhật đến, con gái hẹn hôm nay đưa cháu về thăm. Bà đánh xe ra siêu thị người Tàu, mua mấy con ghẹ, con tôm, mớ rau về nấu lẩu. Bà không quên mua đồ chơi cho cháu gái, nếu Hòa đến nữa thì vui biết mấy.

 

Hòa hiền lành có học. Nếu anh ta biết Phượng từ xưa, bà sẽ bàn với ông nhà tác hợp cho thành đôi. Nay con gái đã nạ dòng, lỡ thì, tuổi tác hai đứa xấp xỉ nhau. Hòa trai tơ, con nhà tử tế đời nào anh ta chịu.

 

Bà biết tính nết con mình, nó xốc nổi: “Ruột để ngoài da”, đã lỡ một lần mà như trẻ nhỏ, cũng “kén cá chọn canh”.

 

Đang lan man suy nghĩ, ngoài hành lang đã nghe tiếng gọi má ơi… má ơi, và tiếng thỏ thẻ của đứa cháu. Bà biết con gái về nên đon đã chạy ra mở cửa. Bà ôm cháu hôn từ má lên đầu. Vừa bước vào nhà, Phượng vội vã vào bếp:

 

– Có gì ăn không má.

– Sáng chưa ăn hay sao? Má vừa đi chợ mua mấy thứ thực phẩm con thích, con vào bếp nấu đi.

 

Bà đang hí hoáy soạn đồ, chuông điện thoại reo. Lại quảng cáo nữa rồi, bà hơi bực mình, nhiều khi khó chịu nhưng vẫn bắt máy:

 

– A lô, a lô ai gọi đây.

– Dạ thưa bác cháu Hòa.

 

– Cháu Hòa đến liền nghen, bác đang mong. Bà không nói có con gái về, sợ anh chàng ngại ngùng.

 

– Thưa bác cháu đến liền.

 

Phượng đang nấu ăn trong bếp. Nồi lẩu bắt đầu sôi. Mấy con ghẹ con tôm đỏ cọng, mùi thơm bốc lên sống mũi cay cay làm bao tử thèm ăn.

 

Cô tò mò:

– Má nhận điện thoại ai, lại bảo đến chơi nữa?

 

– Phượng ạ, má có quen anh sinh viên cùng quê mình sang du học và mời anh ta đến chơi cho vui nhà, gặp được người đồng hương bên này quý lắm con ạ.

 

Lần này đến, Hòa băn khoăn mua một món gì làm quà, mình mới quen sao thấy khó. Lần trước được bà tiếp ăn uống niềm nở, mình tay không hơi quê. Cuối cùng Hòa mạnh dạn chọn chiếc áo mùa thu tặng bà để tỏ ra người biết điều.

 

Hòa bấm chuông.

 

– Vào nhà đi cháu.

– Dạ.

 

Cầm trong tay gói quà, vừa bước vào nhà, thấy đứa bé gái cỡ ba tuổi. Anh biết con gái bà về, nên đứng ngẩn người ra, biết nói sao để trao quà bây giờ.

 

Đang lúng túng, bà Mai biết anh chàng mắc cỡ.

– Cháu đưa túi đây bác cất dùm cho.

 

Hòa rụt rè:

 

– Cháu mua chiếc áo tặng bác.

– Cháu là sinh viên làm gì có tiền mà bày đặt, thôi được, cứ để đấy bác nhận.

 

Bây giờ Hòa thở phào nhẹ nhõm.

 

Phượng nghe hết câu chuyện nhưng không để ý, lo loay hoay trong bếp chăm sóc nồi lẩu.

 

– Phượng ơi, có anh sinh viên Việt Nam đi du học đến chơi nè. Con để mẹ làm cho, hãy ra tiếp chuyện.

 

– Dạ. Con tới liền.

 

Phượng chạy ra trong bộ quần áo làm bếp, giơ tay vén lại mấy sợi tóc lõa xõa trước trán cho gọn gàng. Bởi sức nóng của lửa, hai gò má đỏ hồng lên trông xinh như cô diễn viên sắp ra sân khấu hội diễn.

 

Hòa đoán cô ta cỡ tuổi mình, nên xưng hô thế nào cho tiện. Cô đưa mắt nhìn chàng trai chưa kịp nói gì, Hòa đã nhanh nhẩu:

 

– Chào cô Phượng

– Dạ chào anh.

 

Hòa cởi mở:

 

– Tên tôi Hòa, cô Phượng mới về thăm má?.

– Dạ.

 

Con bé lai Tây tóc hơi he, mũi cao, da trắng, hai má đỏ hây hây đang ôm búp bê chạy tung tăng trong nhà.

 

– Con gái em đó, bé chạy vào ôm bà ngoại rồi chạy tới đứng trước mặt Hòa, anh đưa tay ôm cháu vào lòng vuốt ve từng sợi tóc.

 

– Cháu xinh quá, ngồi chơi với chú được không?

 

Bé không biết tiếng Việt, Hòa phải phiên dịch sang tiếng Anh. Từ ngày sang bên này anh chưa bao giờ được chơi với trẻ con như ở Việt Nam, anh quý bé và ngược lại bé cũng mến anh.

 

Chờ một lúc cho bé dãn ra cô tâm sự:

 

– Công ty em làm cách đây hơi xa, nên thỉnh thoảng mới về thăm ba má được.

 

Hòa khôn khéo giới thiệu:

 

– Phượng cách má mấy tiếng chạy xe hơi, còn má tôi cách đây nửa vòng trái đất. Quê tôi ở Mỹ Tho, Tiền Giang, du học sinh bốn năm nay, giờ tốt nghiệp và chuẩn bị về nước.

 

Cô nhìn Hòa một lúc rồi mỉm cười và nói:

 

– Anh học môn gì?

– Tôi học Kinh tế.

– Sao anh không xin việc làm bên này.

 

– Tôi cũng muốn thế nhưng khó quá Phượng ạ. Bốn năm xa nhà nay muốn về thăm ba má rồi tính sau.

 

Lúc này má Phượng đã chuẩn bị bữa ăn xong. Bà tiếp lời:

 

– Hôm nay con gái về, bác làm bữa cơm thân mật, cháu ở lại ăn cùng bác và em cho vui.

Nồi lẩu được bê lên đặt giữa bàn đang sôi, bốc hơi ngùn ngụt, một đĩa bún ngồn ngộn trắng tươi bên rổ rau cùng bát nước chấm, với đĩa gà luộc.

 

Hòa nhìn mâm cơm, nhìn Phượng tỏ ra bối rối.

 

Phượng đỡ lời:

 

– Không có gì đâu, anh em mình người đồng quê mà, ở xứ sở này gặp được là quý. Mỹ Tho, Cai Lậy tuy khác huyện nhưng cách nhau chẳng bao xa, anh quen má em, coi như người nhà rồi.

 

Bà mở tủ lạnh lấy ba chai bia, rót ra ba cốc. Ông có nhà ngày nào cũng uống, còn tôi có khách và vui lắm mới nhấp một tý cho hưng phấn. Phượng nhỏ nhẹ:

 

– Má ơi con đâu uống bia bao giờ.

– Thế con lấy nước cam.

 

Ba người cùng nâng ly chúc mừng ngày vui.

Bác có ý kiến thế này:

 

– Bác đoán Hòa và em Phượng, tuổi xấp xỉ nhau, nên các con tự nhiên, xưng hô anh em cho thân mật.

 

Lúc này bé chạy đến ôm bà ngoại, rồi ôm má. Mới gặp lần đầu, Phượng hơi bối rối nên chẳng có chuyện gì để nói, cô chuyển gam cho đỡ ngượng:

 

– Má ơi. Sao ba đi lâu quá chưa thấy về, con tính cũng gần sáu tháng rồi.

– Má không biết nữa, thôi giờ này là ngày vui, ta nói chuyện vui.

 

Tuy bà nói vậy, nhưng tôi nhìn trong mắt bà hiện lên một nét buồn rõ rệt.

 

Lâu lắm rồi Hòa mới có bữa ăn gia đình thân mật ngon miệng như thế này, lại có Phượng bên cạnh nhí nhảnh làm Hòa phấn chấn. Câu chuyện của ba người trở nên rôm rả, mới quen biết gần gũi, Hòa cảm thấy ấm cúng thân thiện như cùng một gia đình.

 

Trời đã chiều. Hoàng hôn buông xuống. Hòa đứng dậy xin phép bác và Phượng, cháu về.

 

– Nhớ lần sau rảnh tới chơi nghe cháu.

 

Phượng tiếp lời:

 

– Anh về vui, lúc nào rỗi nhớ tới nhà, má em đỡ buồn. Anh Hòa cho em xin số phone có gì mình liên lạc.

 

Hòa rút trong túi ra chiếc điện thoại đã cũ.

 

– Hòa ghi số của Phượng vào danh bạ và gọi lại.

– Có số của anh rồi.

 

Còn tiếp

(Trích từ Những thăng trầm của người Việt trên nước bạn,

NXB Hội Nhà văn 2017)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC