Duy Bằng & Người đàn bà xa xứ – Kỳ 3

916

16.3.2018-19:30

 Nhà văn Duy Bằng

 

>> Người đàn bà xa xứ – Kỳ 2

>> Người đàn bà xa xứ – Kỳ 1

 

Người đàn bà xa xứ

(Kỳ 3)

 

TRUYỆN KÝ CỦA DUY BẰNG

 

II.

NVTPHCM- Hoà ra về, Phượng tiễn chân một đoạn đường dài. Chờ lúc Phượng trở lại bà tâm sự với con gái:

 

– Má cũng mới quen anh chàng này, qua tiếp xúc thấy cậu ta chân thật, hiền lành, có học. Con thấy thế nào?

 

– Thế nào là thế nào hở má? Má kiếm đâu ra anh chàng này đó. Bà nghiêm nghị:

 

– Lớn rồi mà nói như trẻ con.

– Má nói sao con nghe vậy, con có chồng có con rồi má.

 

– Nhưng chúng bay đã chia tay, làm đàn bà con gái xứ sở này không chồng thì buồn và khổ. Má thấy anh ta thương bé, nhưng còn trai tơ, không biết anh chàng suy nghĩ thế nào, có chấp nhận con không?

 

Phượng nhõng nhẽo:

 

– Con không lấy chồng nữa đâu má, ở vậy nuôi con và nuôi ba má.

– Không được, về già buồn lắm con ạ. Ba mày đi mấy tháng, không tin tức gì, tao thấy cô đơn, ở xứ này chẳng bạn bè, chủ yếu nhà nào vui nhà nấy cùng con cháu trong gia đình.

 

– Bây giờ má bảo con sao?

 

– Má thấy cậu thanh niên thật thà, nếu nó yêu con. Con có chấp nhận không? Trên mạng xã hội thường đưa tin “Phi công trẻ, lái máy bay bà già”, con thấy đấy, khi đã yêu nhau không tính toán, chỉ có tình yêu hòa hợp, hai con tim cùng chung nhịp đập, và phải có lòng vị tha.

 

– Má ạ, con chẳng biết tính sao nữa, cuộc đời nông nổi đã đẩy con vấp váp một lần, giờ con sợ quá.

 

Bà an ủi:

 

– Vợ chồng là duyên nợ, có duyên, không có nợ, chẳng đến được với nhau.

 

– Má ơi! Mình mới tiếp xúc sơ sơ với anh ta, làm sao tin được hở má.

 

Anh Hòa ở Việt Nam có vợ có con rồi thì sao, những anh chàng xa nhà thường hay đàng điếm lắm.

 

– Má có biết chút ít về tướng mạo con người, anh ta không đến nỗi tệ đâu con. Nói thế thôi, con cứ dần dà tìm hiểu, nếu con đồng ý, cậu ta chấp nhận, bảo ba má anh ta sang chơi, mình còn về quê nữa mà.

 

– Má sợ con ế rồi sao, nhiều anh chàng trai lơ theo đuổi, xin chết. Con cho de luôn.

 

– Mày tính trẻ con vẫn chưa bỏ được, loại cha vơ chú váo đâu không biết, má muốn hai đứa tìm hiểu, xem có hợp nhau không? Có sống với nhau đến đầu bạc răng long không? Con gái có thì, lại lỡ một lần, ba má già rồi, muốn con yên bề gia thất.

 

Sau giờ gặp Phượng, Hòa trở về ký túc xá sinh viên. Sự việc đến bất ngờ anh không thể nào chợp mắt được. Phượng xinh thật, lịch sự có học hành, ăn nói dễ thương.

 

Buồn thay đã có con với người khác, sao số phận lại đẩy đưa một kẻ hiền lành vào bước đường dang dỡ. Phượng chẳng có gì đáng chê trách, có lẽ do tính ham vui, còn ít tuổi, nên bị người lừa gạt. Trên đời này lắm Sở Khanh đâu phải một mình Phượng rơi vào hoàn cảnh này.

 

Chuyện Phượng có chồng và con, mấy đêm liền Hòa không ngủ. Tự nhiên mình thấy mến và thương cô ta. Ngày về nước sắp đến, mới nhen nhúm được ngọn lửa tình yêu, giấc mơ Hòa tan biến, biết thế này đừng gặp Phượng tốt hơn không!

 

Hòa bắt đầu nghĩ quẩn, chưa quen hơi bén tiếng đã phải xa Phượng, hay cô này có bùa ngãi làm mình khó ngủ. Anh chàng si tình nghĩ kế, bây giờ chỉ còn cách xin việc làm ở đây một thời gian. Ba mẹ lúc mình ra đi căn dặn thế, nhưng biết tìm đâu ra việc. Hòa có thể bưng bê nhà hàng hay quán cà phê người Việt để kiếm tiền qua ngày rồi dần dà tìm việc ổn định. Người Việt mình sang bên này đa số không có chuyên môn, chủ yếu làm nail. Con trai mân mê ngón tay, bàn chân đàn bà, vuốt ve bôi trát xanh đỏ, mắc cỡ đến chết.

Mấy ngày nữa nhận bằng rồi, đâu còn chỗ ở trong kí túc xá, đành xách va li về nước. Nếu muốn ở lại phải thuê chỗ khác để đi làm. Hòa gọi điện thoại về ba má góp ý, muốn tâm sự với mẹ về chuyện gặp Phượng cũng không giám. Hoàn cảnh của Phượng như thế làm sao ba chấp nhận. Mình có cảm tình với Phượng “vương thì dở, ở không xong”, Hòa biết ba nghiêm khắc không bao giờ cho mình yêu cô gái lỡ thời có con.

 

Bây giờ Hòa còn cách nấn ná ở lại thêm mấy ngày tìm phương sách mới. “Đầu rối như mối tơ vò”, trong cùng quẫn anh nảy ra sáng kiến, Hòa vào mạng xã hội tìm việc. Nếu không được nhờ Phượng quen biết nhiều, có thể giúp mình được. Suy đi rồi tính lại, Hòa quyết không làm như thế, người con trai mới quen biết Phượng chưa thân mà đã nhờ cậy người ta, nhục lắm.

 

Vất vả cả tuần, Hòa đưa ra nhiều phương án, nhưng tất cả đều bế tắc. Hòa hết con đường ở lại, số phận mình như vậy đành chấp nhận, không còn duyên nợ với Phượng, Hòa đành ra đi. Có nên báo tin này cho Phượng biết không? Dù sao trước lúc ra về phải đến chào má Phượng, người đã truyền cho mình ngọn lửa yêu thương.

 

Đang buồn, nhận được điện thoại của Phượng gọi đến, Hòa mạnh dạn nói thật:

 

–  

Anh lên mạng tìm việc và đến nhiều nơi để phỏng vấn, tất cả người ta từ chối vì mình không có kinh nghiệm. Anh đang có ý định mua vé máy bay về nước.

 

Phượng an ủi:

 

– Mới ra trường xin việc khó lắm, anh chờ vài ngày nữa, em đang liên hệ một vài cơ sở quen, có công ty hứa nhận.

 

– Được thế mừng quá, Hòa reo lên.

 

–  

Nhưng anh phải chấp nhận, bước đầu thử việc lương còn thấp.

 

– Bây giờ chỉ cần có việc làm, có tiền ăn và trả tiền nhà là tốt.

 

– Anh yên tâm, mình làm một thời gian có kinh nghiệm, chịu khó học hỏi, dần dà người ta thấy làm được việc họ nâng lương, nếu may mắn hơn họ cho mình đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn thì tốt lắm.

 

Hòa vui vẻ và cảm ơn Phượng. Niềm vui như mở cờ trong tim, anh điện thoại về nhà, nhưng giấu chuyện tình cảm của mình với Phượng. Hòa nói như năn nỉ:

 

– Ba má đi du lịch một chuyến để biết đó biết đây, xem phong cảnh đất nước người, luôn tiện đến dự lễ phát bằng tốt nghiệp của con, rồi tất cả cùng về một thể.

 

– Con nói có lý nhưng để ba má suy nghĩ, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa.

 

Hòa chờ đợi ba trả lời đi hay không để tính tiếp. Đêm ấy Hòa trằn trọc mãi, rồi chợp mắt lúc nào không hay. Hòa đang mơ màng trong giấc ngủ, nghe tiếng điện thoại reo, anh bật dậy như chiếc lò xo, có lẽ ba gọi đây.

 

Hòa nhìn vào máy thấy số của ba, anh mừng rỡ không có gì tả nổi. Thế là công việc của mình sẽ trôi lọt bọt lành, mình biết ba má tới gặp Phượng, thấy cô ta xinh đẹp giỏi giang thế nào cũng chấp nhận.

 

Phượng ơi tình cảm chúng ta tốt đẹp rồi, Hòa sẽ báo tin vui này cho Phượng nghen. Hòa đang lâng lâng mơ màng trong cảm xúc. Bốn năm trời bận rộn học tập, ngày ra trường gặp Phượng, có lẽ tạo hóa đã sắp đặt từ trước nên mới được may mắn thế. Ba má sang, mình dẫn tới nhà Phượng chơi, đưa ông bà đi đây đi đó, Phượng là hướng dẫn viên du lịch và trổ tài nấu nướng cho ba má ăn. Ba khó tính mấy, khi gặp Phượng khéo léo, ngây thơ, ba không nỡ nào chê Phượng. Lòng Hòa như mở hội. Anh vui vẻ nghe điện thoại:

 

– Con chào ba, ba má khỏe không?

 

Giọng ba trả lời nghe rất rõ ràng, chắc nịch:

 

– Ba quyết định rồi lần này chưa đi được, em con vừa đậu vào đại học, còn phải chuẩn bị tiền để nộp học phí cho nó, chưa đi lần này, năm sau chưa muộn.

 

Nghe ba nói vậy mặt Hòa buồn thiu như người thua bài, Hòa biết ông đã quyết rồi không bao giờ thay đổi. Hòa nằm vật vã trên giường, hôm ấy không muốn ăn uống.

 

                                                    ***

 

Sau khi bà nghe điện thoại ông nói chuyện với con, bà phản đối:

 

– Ông ạ! đành rằng mình không dư giả tiền bạc, nhưng có thể vay mượn được để nộp tiền học cho thằng em, ông làm gì khó khăn thế? Thằng Hòa vinh dự tốt nghiệp đại học, ông không tới dự lễ nhận bằng, nó buồn hay sao. Tôi biết trong xóm mình có đứa du học ở Mỹ, lúc nhận bằng cả hai vợ chồng bay sang dự lễ, khi về mang theo bao nhiêu ảnh chụp khoe làng xóm. Nhà mình đâu kém gì họ, ông phải ngẩng đầu lên, sao lại thua người ta để họ hàng con cháu buồn. Thằng Hòa con mình học giỏi và ngoan, ông không thương nó hay sao, ông phải đi để có lý do về khoe với mọi người nhất là bạn gái nó. Tôi còn phải nói với ông bà nhà cô Lâm mà mình có ý định làm sui gia, để họ tự hào con rể chứ.

 

– Bà nhắc chuyện này tôi lại buồn thêm. Tôi và ông bạn thân đã nhã ý hai nhà kết thông gia, cô Lâm xinh đẹp lại giỏi giang, có học, con nhà tử tế. Sau khi nó về nước, tôi dẫn sang làm quen, hai gia đình môn đăng hộ đối. Thằng Hòa bây giờ như vây, tôi không biết ăn nói với người ta sao!

Bà tiếp lửa thêm cho con:

 

– Ông cổ hũ lắm, cho con đi Tây học mà đầu óc còn nặng phong kiến. Nhân việc này ta phải du lịch một chuyến. Đã bao giờ ông đưa tôi đi chơi xa đâu. Người ta đưa vợ đi Đông đi Tây về khoe nước này nước nọ tiến tiến, phong cảnh đẹp. Còn tôi ông bắt du dú ở nhà. Ông có nghe họ bàn tán mình cho con du học, có tiền mà không chịu chơi? Chúng ta tuổi lớn rồi, nên tranh thủ sang thăm con và biết đất nước họ, mấy năm nữa già sức khỏe yếu muốn đi cũng không nổi.

 

Ông nghe bà nói xuôi tai và tội nghiệp, thôi thì “Lệnh ông không bằng cồng bà”:

 

– Lần này tôi nghe, bà gọi điện thoại báo cho con biết.

 

Đang “buồn như mẹ mất con”, Hòa nhận được điện thoại của má, anh reo lên, mấy người đứng xung quanh ngỡ ngàng không hiểu gì, tưởng có anh chàng điên xuất hiện. Hòa nhảy cẩng lên vội vàng báo tin vui cho Phượng.

 

Còn tiếp

(Trích từ Những thăng trầm của người Việt trên nước bạn,

NXB Hội Nhà văn 2017)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC