Duy Bằng & Người đàn bà xa xứ – Kỳ 4

696

18.3.2018-22:00

 Nhà văn Duy Bằng

 

>> Người đàn bà xa xứ – Kỳ 3

>> Người đàn bà xa xứ – Kỳ 2

>> Người đàn bà xa xứ – Kỳ 1

 

Người đàn bà xa xứ

(Kỳ 4)

 

TRUYỆN KÝ CỦA DUY BẰNG

 

III.

 

NVTPHCM- Ông Hoàng trở về quê hương được gần ba tháng. Thời gian qua nhanh, ông chưa thăm hết người thân, có nhiều người trách móc, thôi đành lỗi vậy, phải trở về theo lời hứa với vợ.

 

Ông ở xứ lạnh quen, khí hậu Tiền Giang nóng quá, mồ hôi nhễ nhãi, phải luôn lấy khăn giấy lau cho dễ chịu. Trời đã chiều gió từ sông Tiền thổi về làm dịu cơn nóng nực của mùa hè, ông thấy vui. Trước ngày lên máy bay trở lại Canada, ông về Sài Gòn thăm mấy người bạn thân một thời cam go, một thời bao cấp.

 

Chuyến xe đò chất lượng cao vừa dừng bến. Người chưa bước xuống, xe ôm đã vây kín, tranh nhau đòi xách hành lý. Ai muốn thoát ra khỏi vòng vây không phải dễ. Ông Hoàng thấy không khí ngột ngạt, muốn đi nhanh một mình ra khỏi khu vực, sau đó về đâu, đi xe nào sẽ tính, có được đâu, còn một tay nhũng nhẵng theo ông đến cùng.

 

Nghe nhiều người bảo, ở bến xe hành khách dễ bị lừa gạt, móc túi hay cướp dật, ông lo lắng nhìn trước nhìn sau cẩn thận. Ngoảnh lại thấy một ông già có tuổi, thật tội nghiệp, ở cái tuổi này còn phải chạy xe ôm kiếm sống.

 

Ông liền nói:

 

– Anh cho tôi về khách sạn đường Hoàng Văn Thụ quận Phú Nhuận.

– Vâng, tôi chở ông đến tận nhà.

 

Bác xe ôm đưa tôi chiếc nón bảo hiểm, vừa úp lên đầu, nghe nồng nặc mùi mồ hôi, của đàn ông đàn bà gửi lại hàng tháng, không giặt. Tôi thấy khó chịu, nhưng cố gắng chấp hành luật giao thông.

 

Trời đã tối. Đèn hai bên đường ánh sáng quàng qua vai người đan chéo nhau nhấp nhô lúc mờ lúc tỏ. Xe máy, xe hơi chật như nêm, người đóng băng trên đường, thỉnh thoảng nhích từng tí. Khói từ ống bô vô tư xả vào mặt, vào mũi. Đàn ông đàn bà đều mang khẩu trang chống khói, bụi. Tôi chưa quen không khí này nên khó chịu.

 

Một đêm qua đi lẹ làng. Sáng hôm sau, vừa bước ra khỏi khách sạn, người lạ, cảnh lạ, tôi chưa kịp gọi điện thoại cho bạn đến đón. Bị hai tay thanh niên đi cùng xe máy, tay ngồi sau giật túi xách. Tôi hoảng hốt ú ớ hét lên: “Cướp… cướp….” Vì quá bất ngờ những người đi đường và tôi không phản xạ kịp. Chiếc xe máy tăng tốc, một thoáng rồi mất hút.

 

Thế là tiền nong giấy tờ hộ chiếu, điện thoại đều bay theo mây khói, được mấy người chung quanh đến an ủi: “Chú vào đồn cảnh sát trình báo. Những tên cướp giật này có trong sổ đen công an, may ra họ tìm được.” Tôi nghĩ Sài Gòn xì ke ma túy, trộm cắp như rươi làm sao quản lý hết, bắt nó giam vài ngày rồi thả, “ngựa quen đường cũ”.

 

Rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười, bây giờ tôi biết xử lý thế nào. Tiền nong có thể vay mượn, hộ chiếu không có làm sao vào Canada. Tôi đến đồn cảnh sát gần nhất trình báo. Anh đại úy mặt lạnh như tiền, có lẽ nghĩ tôi là người phạm luật giao thông. Anh đưa tôi một tờ giấy bảo ghi họ tên địa chỉ số điện thoại liên lạc rồi lại cúi đầu làm việc.

 

Tôi ghi rõ địa điểm bị mất cắp và mất lúc mấy giờ, tài sản có những thứ gì. Trình báo xong anh công an nhận ra tôi là người bị hại, và nở nụ cười nhân hậu, ân cần, dặn dò:

 

– Ông mới về chưa quen, đi đường hành lý, điện thoại phải cẩn thận. Chúng tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, mọi thứ cũng thành quen.

 

Tôi thấy cử chỉ, cung cách làm việc của họ thân mật, lòng an tâm phần nào.

 

– Chúng tôi sẽ điều tra, nhiều người bị tai nạn như vậy và đã bắt được kẻ gian trả lại tài sản cho khổ chủ.

 

Ông Hoàng ở nhà bạn đã hai, ba tuần, hy vọng tìm lại được giấy tờ. Ngày nào cũng mong ngóng nhận điện thoại của cảnh sát gọi đến. Thời gian chậm chạp trôi qua tất cả đều biệt tăm vô âm tín, tôi thật sự hoang mang.

 

Anh bạn chở tôi đến đại sứ quán Canada ở Sài Gòn xin cấp lại hộ chiếu. Tôi chỉ có giấy khai cớ mất do công an chứng nhận. Ngoài ra chẳng có gì để chứng minh, mình là Việt Kiều về nước.

 

Để xác minh sự thật, việc này gây khó khăn cho tôi, và cơ quan luật pháp. Trường hợp như tôi phải chờ đợi có khi cả tháng. Tôi muốn về, lòng như lửa đốt.

 

Lâu lắm xa quê, làm sao có kinh nghiệm, người khôn bảo trước khi đi đâu, phải photo lại giấy tờ, chụp ảnh hộ chiếu vào điện thoại, nếu bị đánh rơi, hay mất cắp, xin chính quyền cấp lại cũng dễ dàng. Ai biết được chữ ngờ, chẳng có dại nào giống dại nào, tôi tự an ủi, rút kinh nghiệm “của tản tài, người sức khỏe”.

 

Trong thời gian chờ đợi có hộ chiếu, công ty anh bạn đang ăn nên làm ra và thiếu người quản lý một bộ phận, đề nghị tôi ở lại giúp anh. Tôi đồng ý làm để có tiền mua vé máy bay, trang trải nợ nần. Ông bạn bảo:

 

– Bây giờ anh về hưu rồi còn khỏe, làm thử nếu thích sau này về tham gia cùng tôi cho vui.

 

– Anh để từ từ tôi tính.

 

Biết ở nhà, vợ, con đang chờ đợi từng ngày, nếu gọi điện thoại báo, bà xã sẽ tìm mọi cách lôi mình về. Nếu không chấp nhận, điện thoại ra rả khó chịu lắm, chi bằng im lặng một thời gian ngắn, lúc gặp nhau tạo không khí bất ngờ thú vị.

 

Ngày về đã đến, anh bạn đưa tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất. Hơn hai chục tiếng bay, tôi chẳng chớp mắt tí nào. Do mệt mỏi, các bữa ăn tôi cố nuốt, miệng đắng nghét chẳng ngon lành gì. Sau chuyến bay dài trên mây trên gió, mười giờ đêm tôi đến Toronto.

 

Chiếc taxi đưa tôi về lúc vợ đã yên ắng ngủ. Tôi bấm chuông, bà nhà tôi bảo:

 

– Ai lại bấm chuông vào giờ này, nếu có đến phải gọi điện thoại báo trước.

 

Chuông reo, tôi biết một mình bà sợ không dám ra mở cửa.

 

– Tôi đây bà ơi, Hoàng đây mà.

 

Bà đang ngái ngủ nghe câu được câu chăng, nên làm thinh để dò xét thế nào. Bà đứng ở cửa kính ra vào để theo dõi những động tĩnh ở bên ngoài.

 

– Bà Mai ơi! Tôi, Hoàng đây mà.

 

Nghe gọi đến tên, bà bật đèn sáng ngoài hành lang mới nhận ra tiếng chồng mình nên vội vàng mở cửa. Bà nhìn tôi từ đầu tới chân tưởng như người ngoài hành tinh tới.

 

– Tôi lạ lắm sao mà bà nhìn kỹ thế?!

 

– Sao ông về vào giờ này, không báo tin, tôi ra sân bay đón. Ông có khỏe không? Bà mừng quá nên hỏi đi, hỏi lại một câu. Ông ăn uống gì chưa? Đi đường có mệt không? Bà hỏi liên tục tôi không kịp trả lời.

 

– Có một ít quà mua từ Việt Nam về tặng bà cùng con gái và cháu ngoại, một số bà con biếu nữa, hai va ly chật ních.

 

– Thôi để đó ngày mai hay, ông đi đường chắc mệt lắm, vào tắm rửa, tôi làm mì tôm  ăn đỡ đói. Ông ngồi trên máy bay không ngủ được, về đây lại thay đổi múi giờ tha hồ mà thức. Ông sai hẹn, sao không báo tin về cho tôi. Tôi lo quá, sợ con bé nào Việt Nam dắt đi. Tôi lại sợ bị tại nạn giao thông, hết nghĩ này, nghĩ khác, toàn nghĩ những điều không hay.

 

Ông cười:

 

– Dễ gì mà dắt tôi, thôi để ngày mai tôi kể bà nghe, dài lắm. Con gái không về hở bà, tôi nhớ đứa cháu quá.

 

– Hôm thứ bảy mẹ con nó về, chiều hôm qua chủ nhật đi rồi.

 

Sáng hôm sau ông ngồi kể chuyện cho bà nghe, quê ta cuộc sống còn vất vả, nhưng đường sá thay đổi nhiều. Tôi về thăm nội ngoại, phải có cháu dẫn đường nên không bị lạc. So với trước, nhà cửa khang trang, đường sá mở rộng, trải nhựa phẳng lì. Tôi gặp ai họ cũng quý, chiều đến rượu đế, câu vọng cổ nghe ngọt lịm.

 

Tình bà con làng xóm, làm sao từ chối được, có những buổi say mềm thế mới vui. Hai đứa cháu gái họ, mới đi lấy chồng Đài Loan. Thằng Ổi, thằng Xoài con nhà ông bác đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, còn cháu Lê đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự… Tôi không thể nào đi thăm hết, về vui lắm, tình cảm lắm…

 

Ông Hoàng nâng li uống một hớp nước chậm rãi. Ông bắt đầu kể bị cướp giật như thế nào, khó khăn xin cấp lại hộ chiếu…, đến làm việc ở công ty anh bạn…, bà chú ý nghe không bỏ sót một câu.

 

Bà nhỏ nhẹ:

 

– May nhờ bạn tốt để tá túc trong những ngày gặp nạn, sau mình về mua quà trả ơn người ta.

 

Lúc chưa về bà giận, nghĩ xấu ông, bây giờ ân hận và thương ông vất vả.

 

***

 

Phượng nghe tin ba về, thứ bảy mẹ con có mặt ở nhà liền. Bé ôm chặt lấy cổ ngoại, nhõng nhẽo đòi quà. Con bé tình cảm lắm, ông bà cưng hết cỡ. Bé muốn gì ông cũng cho.

 

Sau bữa ăn bà nói:

 

– Hôm nay có ông và con, tôi bàn thế này. Lúc ông về Việt Nam. Tôi có quen cậu thanh niên du học sinh, quê Mỹ Tho Tiền Giang. Anh ta đến đây chơi hai lần và đã gặp mẹ con Phượng. Nhân tiện ông đi xa về, tôi muốn mời cậu ta đến dùng bữa cơm thân mật. Ông thấy thế nào?.

 

– Bà và con đồng ý, tôi đồng ý.

 

Bà quay sang Phượng:

– Ý con thế nào?

 

– Có gì quan trọng đâu má. Cổ nhân có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Má ạ, anh Hòa đã xin được việc làm và thuê tầng hầm của người Việt để ở. Mẹ cũng biết hầm của những ngôi nhà biệt lập bên này rồi nhưng con nói thêm, gọi là hầm nhưng thoáng mát rộng rãi được thiết kế chìm trong lòng đất để giảm độ cao của ngôi nhà. Cầu thang lên xuống được xây dựng liên kết chung với cầu thang trong nhà. Phòng có đầy đủ bếp núc, nhà tắm, giường ngủ, phòng vệ sinh. Mùa hè có máy lạnh, mùa đông có máy sưởi. Những nhà khá giả họ dùng nơi này làm chỗ sinh hoạt văn hoá thể thao như đặt bàn bóng bàn, bida dụng cụ tập thể hình cho nam nữ… Những gia đình còn khó khăn họ cho khách thuê làm phòng ở, thường giá 500 đô/tháng. Hoà thuê được căn hầm khá rộng rãi thoải mái, đi làm về tự nấu ăn. Anh ta bảo ba má sắp đi du lịch qua có chỗ để ở.

 

– Thế tốt quá, con bảo Hòa chủ nhật này ghé nhà mình.

– Dạ.

 

Sau buổi họp gia đình. Phượng gọi điện thoại cho Hòa:

 

–  Ba em về rồi chủ nhật anh ghé chơi nghen.

– Anh muốn mua một món quà tặng bác trai em đồng ý không?

– Thôi đừng bày đặt nữa.

– Anh tới nhà ăn uống luôn không có quà ngại quá.

– Nói thế, tùy anh.

 

Hòa ra siêu thị Walmart, chọn mua chiếc áo mùa thu rất đẹp. Màu sắc giống như áo trước tặng bác gái.

 

Lần này đến gặp bác trai anh lúng túng. Hòa vừa bước vào cửa, Phượng biết ý khôn ngoan chạy ra cầm gói quà.

 

– Anh vào nhà đi, ba em vừa ở Việt Nam về.

 

Hòa lễ phép:

 

– Dạ cháu chào bác. Hòa không quên mua cho bé một gói kẹo socola. Và một thứ đồ chơi. Bé chạy ra ôm chầm lấy Hòa vừa reo vừa nhảy.

 

Ông mừng thầm, thấy con bé quấn quýt bên Hòa.

 

– Tôi mới về nghe Phượng nói ông bà sắp đi du lịch sang bên này.

 

Hòa nhỏ nhẹ:

 

– Ba mẹ cháu đang thu xếp công việc để sang dự lễ tốt nghiệp của cháu.

– Ba mẹ cháu còn đi làm nữa không?

– Dạ về hưu cả rồi.

 

Cả gia đình vui vẻ, chuyện nở như bắp rang.

 

Bữa ăn xong, ông bà Hoàng tự động rút vào trong. Phòng khách dành cho hai đứa tự nhiên.

 

– Ba mẹ em bảo, khi nào hai bác sang, anh dẫn đến nhà em chơi.

 

Phượng có giọng nói nhỏ nhẹ, ngây thơ và còn nhõng nhẽo nữa, Hòa càng say đắm. Hòa nắm tay Phượng, hai dòng điện âm dương chạy qua nóng rực. Một chốc Phượng rút tay về.

 

– Ba má thấy kìa.

Hòa giật mình tưởng thật.

 

– Em là đứa con gái hư hỏng, sao anh lại thích em.

– Em không hư hỏng, em thật thà ngây thơ nên bị thằng Sở Khanh lừa gạt.

– Khi yêu ai cũng bảo vậy, anh yêu em điểm nào?

 

– Em đẹp ăn nói có duyên, em đừng hỏi nữa, giải thích khó quá. Em cứ nhìn vào mắt anh là biết hết tất cả.  “Làm sao định nghĩa được tình yêu”? Em hỏi nhà thơ Xuân Diệu, “Yêu là chết trong lòng đi một ít”. Còn anh, em chất vấn hoài như thế là anh chết luôn. Khi yêu tự hỏi con tim mình, có thổn thức, đau khổ, giận hờn ghen tuông, ích kỷ hẹp hòi rồi tha thứ, chung thủy, hạnh phúc…

 

– Anh có lòng vị tha không? Và không nhắc đến chuyện quá khứ, có thương con em và chăm sóc như con mình, hay hất hủi, ghét bỏ nó, tội nghiệp lắm.

 

Hòa cảm giác mình là nhân vật được nhà báo phỏng vấn trước lúc lâm trận, nhưng may, không có chuẩn bị trước anh vẫn trả lời lưu loát. Cô vừa nói, vừa nhõng nhẽo, vừa đá lông nheo. Hòa phát điên lên mất.

 

Tiếng sét ái tình làm anh chàng mê mẩn, tình yêu của họ đã bắt đầu chớm nở. Những chiều thứ bảy và chủ nhật hai đứa thường hẹn hò đi chơi. Cứ vào đầu tháng mười đôi bạn lại dắt tay nhau đi xem lá phong đổi màu, thưởng lãm sự quyến rũ lãng mạn đa tình của mùa thu. Anh chị không thể bỏ qua mùa ngắm hoa Tulips, hoa anh đào hay đi mua sắm, và đến nơi du lịch nổi tiếng ở Toronto…

 

Hòa thấy đến giờ phút này phải báo cáo với cha mẹ, anh điện thoại nói thật với ba má về hoàn cảnh Phượng. Bà im lặng, ông tỏ ra phản đối gay gắt:

 

– Con thu xếp về nước ngay. Việt Nam thiếu gì gái mà lấy đứa hư hỏng.

 

Hòa phân trần:

 

– Không phải thế đâu ba. Cô ta bị bạn trai lừa gạt. Ông bà Phượng quý con lắm. Con yêu thật lòng, không có tính chất lợi dụng gì cả.

 

– Ba bảo không được là không được.

 

Hòa im lặng không nói câu nào, anh biết ba thương mình, nhưng rất nghiêm khắc, không bao giờ ông nhân nhượng. Bây giờ chỉ còn cách, lúc ba đi vắng mình gọi điện thoại năn nỉ má. Nếu má không đồng ý, ngậm ngùi từ biệt Phượng và xách va ly về nước.

 

Tối ấy cuộc đấu tranh tư tưởng trong đầu Hòa. Ba dứt khoát như thế biết tính sao bây giờ. Phượng yêu Hòa thật lòng, ngược lại Hòa cũng vậy. Hòa chỉ còn cách làm liều ở lại, gặp Phượng tìm phương án mới.

 

Hai ông bà hòa giải cho con trai mấy lần không xong, ngày ra sân bay đã tới. Hai người chuẩn bị chuyến du lịch dự lễ tốt nghiệp của con. Ông bảo bà:

 

– Ta đã có ý định làm sui gia với nhà ông bạn, nay thằng Hòa lại mê đứa con gái một đời chồng và có con riêng. Ông lại nói tiếp:

 

Tưởng thằng Hòa khôn ngoan, bây giờ lại khôn như vậy.

 

Đêm nằm, bà tâm sự với ông:

 

– Ông chẳng dặn nó học giỏi, tìm việc làm bên ấy.

 

– Tôi nói thế, đâu bảo nó lấy vợ có con riêng. Bà không sợ về quê họ hàng người ta cười cho.

 

– “Cười hở mười cái răng”, ông thấy Việt Nam có thằng đẹp trai lấy vợ hơn cả chục tuổi. Vợ đã có hai đời chồng và mấy đứa con.

 

Ông im lặng.

 

Sáng hôm sau ông bảo bà, con mình thường đến nhà người ta chơi và ăn uống. Dù không là sui gia đi nữa, theo phép lịch sự bà ra chợ mua cho tôi một ít quà có giá trị, thế nào mình cũng vào thăm ông bà Hoàng, mua tặng cô Phượng món quà gì có ý nghĩa quê hương.

 

Hòa được tin ba má mình sắp sang, anh bàn với Phượng, bây giờ chỉ còn sách này. Hôm ấy em mặc thật đẹp nhưng kín đáo, các cụ ghét con gái hở hang lòe loẹt. Nhà gọn gàng sạch sẽ, giữa bàn đặt một bình hoa tươi thơm. Lúc anh ra sân bay đón ba má, em chuẩn bị một bữa ăn lịch sự, ngon miệng.

 

Nghe Hòa nói vậy, Phượng nhõng nhẽo, em tưởng trong tình yêu anh cù lần ai ngờ lại có kế hay, em sẽ trổ tài hết cỡ. Ngừng một lát Phượng nói tiếp:

 

– Nếu không thành công thì sao hở anh?

– Nếu không thành thì số phận chúng ta đã an bài, anh tạm biệt em xách va ly về nước.

 

Nghe Hòa nói, Phượng tiu nghỉu:

 

– Anh còn có sách gì nữa không? Em thấy anh yếu đuối và cổ hũ lắm, không vượt lên được chính mình, lại hoàn toàn phụ thuộc vào cha me. Anh sang đây không học được cái gì tốt đẹp mới mẻ của nước ngoài hay sao? Ở đây, trai gái sau 18 tuổi có quyền quyết định hạnh phúc của mình.

 

Hòa thấy đuối lý đành im lặng một lúc.

 

Phong tục quê mình còn nặng phong kiến lắm. Các cụ bảo: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “áo mặc sao qua khỏi đầu”.

 

Phượng lúc này không tỏ ra đùa giỡn nữa. Cô nghiêm khắc:

 

– Em thất vọng về anh. Con trai mà lúc nào cũng nghe cha mẹ, phụ thuộc vào cha mẹ, núp áo mẹ, không có ý chí tự lập sau này chẳng làm nên cơm cháo gì.

 

Nghe Phượng bảo vậy, Hoà chẳng giận mà lại cười:

 

– Em yên tâm, anh nói thế thôi, chứ không đến nỗi lạc hậu cù lần như Chí Phèo. Ba má anh dù sao cũng thương con, cho con đi du học là có tư tưởng Âu hóa rồi đó.

 

Phượng hồi hộp, tất bật ra chợ mua trái cây thứ đắt tiền hợp khẩu vị, cô không quên mua mấy lon bia và chai rượu ngoại. Phượng biết người miền Tây, thích rượu đế, nên cô mua cả hai thứ. Hòa mách nước ông bà thích nhất món lẩu hải sản, bên chén nước chấm cay cay tuyệt hảo, và thêm thứ nào tùy Phượng chọn, để ba má về có dùng liền.

 

Xe taxi vừa dừng trước cổng, cô đon đả chạy ra:

 

– Cháu xin chào hai bác.

 

Ông bà nhìn Phượng, bà bấm tay ông khen thầm, con bé xinh thật, giỏi dang, lễ phép, lịch sự.

 

Trong bữa ăn bà đắc ý cô gái đầu bếp nấu ngon. Chiều về ông tâm sự:

 

– Cô Phượng tôi không chê một điểm nào về hình thức, nhưng tiếc thay cô ta đã qua một đời chồng và có con. Ở quê, gia đình mình thuộc lớp có uy tín với bà con trong dòng họ. Nếu chấp nhận Phượng làm con dâu, thế nào người ta cũng ì xèo con trai du học nước ngoài lại lấy nạ dòng.

 

Đối với gia đình ông bà Phượng tuy chưa gặp mặt, nhưng được Hòa kể lại, tôi rất kính nể, con người chất phác thật thà hiền lành mang tính cách của người con Nam bộ. Tôi còn băn khoăn một chút ấy, bà thấy thế nào?

 

Suy nghĩ một lúc bà nói:

 

– Chuyện này ông đã bàn nhiều ở Việt Nam rồi, sang đây sao còn nhắc lại làm gì. Tuy Phượng đã qua một đời chồng, nhưng con mình yêu để nó tự quyết định. Vợ chồng sống với nhau suốt đời, còn tôi với ông đến tuổi phải ra đi. Người ta bảo: “Dâu hiền rể thảo”. Tôi thấy cô ta ngoan hiền lễ phép có học, biết cách đối nhân xử thế. Chưa được tiếp xúc nhiều nhưng tính cách cô Phượng cởi mở thân thiện gần gũi, tôi thấy mến. Mẹ chồng con dâu hòa hợp trong gia đình sẽ hạnh phúc. Thôi ông ạ, cuộc đời chúng nó để tự nó quyết định, ta muốn ép chẳng được đâu. Thằng Hòa lớn rồi đâu còn dại dột gì nữa, nó biết suy nghĩ, chọn lối đi tốt cho mình.

 

IV.

 

Ngày hai gia đình gặp nhau đã đến. Phượng lo sửa soạn quét dọn nhà cửa sạch sẽ, giữa bàn đặt một lọ hoa ly đủ màu sắc rực rỡ làm cho không gian phòng trở nên ấn tượng quyến rũ và cá tính. Lọ hoa đẹp như nói lên sự thanh tao lịch lãm của chủ nhà đối với khách.

 

Hôm nay bà Mai mặc chiếc áo dài, trang điểm chút son phấn, hai má hồng lên trông bà trẻ hơn chục tuổi. Ông Hoàng tuy tóc đã mang màu muối tiêu nhưng được chải chuốt gọn gàng, đi đôi giày da trong bộ quần áo sơ mi đóng thùng lịch sự.

 

Khách vừa tới cửa, hai ông bà chạy ra niềm nở chân thành. Phượng vội vàng tới chào hai bác xong lại lúi húi vào bếp, chuẩn bị bữa ăn.

 

Phượng được mẹ trang bị kiến thức về nấu nướng và hiểu rõ phong cách ẩm thực của người Nam bộ. Cô thường vào Youtube học thêm kiểu làm các món ăn mới. Lần này Phượng có dịp để trổ tài của người đầu bếp. Cô biết khách miền Tây rất thích món đặc sản lẩu mắm. Phượng mua đủ nguyên liệu như cá bông lau, thịt ba chỉ, mực tôm, đậu bắp và một ít mắm cá sặc… và gia vị để nấu ngon món này. Phượng không quên cá lóc hấp mẻ, cá lóc nướng trui, một chai rượu đế và thêm một vài món đặc sản của người miền Nam.

 

Phượng tất bật, có Hòa bên cạnh lanh lợi để sai vặt như nhặt rau, rửa rau hay lấy gia vị… Hai má Phượng đỏ hây hây bởi sức nóng của tình yêu hay của lửa? Hòa lăng quăng như con rối.

 

Còn đứa bé quấn quýt bên ông bà ngoại, rồi lại chạy đến ôm cổ mẹ nhõng nhẽo.

 

Trời đã chiều, cuộc hội ngộ của hai gia đình cách nhau nửa vòng trái đất thật đậm đà ấm cúng. Lúc chia tay lòng ai cũng quyến luyến.

 

Ra về má Phượng cầm tay má Hòa thân thiện:

 

– Những người sống xa Tổ quốc, về già buồn và nhớ quê cha đất tổ chị ạ. Chúng tôi lúc nào cũng nghĩ tới nơi mình sinh ra, nhưng vì công việc nên lâu lâu vợ chồng mới sắp xếp thời gian về được một lần. Ở bên này gặp người đồng hương là quý lắm, “bán anh em xa mua láng giềng gần” mà chị. Nơi đất khách quê người, chỉ có tình yêu chung thủy, hạnh phúc gia đình, cần cù làm việc để sống vui khỏe và có niềm tin vào tương lai.

 

Hai bà tâm sự, hai ông bắt tay rất chặt và nở nụ cười thân mật. Ông bà Hoàng hẹn năm sau tất cả gia đình chúng tôi về thăm hai bác. Hòa không quên chụp chung một kiểu ảnh hai gia đình làm kỷ niệm.

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC