Duyên khởi từ tập thiền nhạc “Sống chân như” của hòa thượng Thích Viên Thanh

1243

Nguyễn An Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi có cái duyên được gặp gỡ hòa thượng Thích Viên Thanh ở thiền viện Vạn Hạnh vào một ngày cuối đông khi đi cùng họa sĩ Nguyễn Sông Ba đến thăm sư.

Tôi biết sư được Giáo Hội Phật giáo Lâm Đồng bổ nhiệm về làm viện trưởng thiền viện Vạn Hạnh từ ngày 19/09 năm Canh Thân khởi đầu cho việc hoằnh dương Chánh Pháp Báo Phật Ân Đức. Cũng chính nơi nầy sư đã thi hóa kinh Di Giáo – những lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn – để làm kỷ cương cho bước đường tu học của mình. Hằng ngày ngoài công việc của một viện trưởng chăm nom thiền viện, sư còn dành nhiều thời gian để rèn luyện thư pháp, vẽ tranh và làm thơ chắt lọc tư tưởng hiến dâng cho Phật pháp. Nơi làm việc của sư là một căn phòng khá rộng rãi nhưng xem ra lại không đủ sức chứa những vật phẩm được sưu tầm và những sáng tác thư họa của sư chất đầy trên các kệ.

Lúc đó tôi chỉ được biết sư là người đam mê thư pháp, một họa sĩ với nét họa uyển chuyển, mềm mại, tác giả của nhiều bức tranh thủy mạc đẹp như tranh cổ Trung Quốc mà tôi được thưởng ngoạn, sau nầy lại biết sư là một nhà thơ sáng tác rất nhiều và đang in bộ sách “Viên Thanh Thiền Họa Thi Tập” lên đến hơn mười quyển và còn đang tiếp tục thực hiện những thi tập còn lại, chắc hẳn sẽ là bộ thi tập quý dành cho những ai yêu mến sức học uyên thâm và đam mê sáng tác như sư. Ngạc nhiên hơn nữa tôi được nghe những bài thiền ca phổ từ thơ của sư được viết thành ca khúc.

 Cái duyên của tôi khi tiếp xúc thơ, họa của hòa thượng Thích Viên Thanh chắc hẳn sẽ khác với cái duyên mà nhạc sĩ Phạm Ngọc Lợi phổ nhạc thơ sư. Nhạc sĩ từng bộc bạch tình cảm của mình:“Tôi đến thăm hòa thượng Thích Viên Thanh, viện chủ thiền viện Vạn Hạnh được hòa thượng tặng cho tập thơ Suối Nguồn Vi Diệu. Khi đọc xong tập thơ tôi thấy có nhiều bài thơ đầy tính nhạc nên tôi đề nghị hòa thượng cho phép tôi được phổ nhạc, hòa thượng rất hoan hỷ về điều đó, tôi rất vui và đem phổ nhạc, cũng từ đó tôi học rất nhiều về thơ thiền và xin được tri ân hòa thượng”, nhưng tựu trung cũng là sự đồng cảm và quí trọng nhân cách của bậc trí giả đã cống hiến cuộc đời mình cho Phật pháp thông qua tác phẩm của mình đem lại niềm an lạc, thanh tịnh trong tâm hồn mỗi người hướng đến chân-thiện-mỹ, giống như suối nguồn vi diệu chảy qua bao cánh đồng khô hạn đem lại màu xanh tươi mát cho cuộc đời còn nhiều bụi bậm và gập ghềnh đá sỏi.

“Sống Chân Như” chính là tập thiền ca tôi muốn nhắc đến với bạn đọc và mong một ngày không xa sẽ được phát hành, những phật tử quen biết hòa thượng Thích Viên Thanh sẽ hoan hỷ cầm được nó trên tay. Như đã nói tập thiền ca chủ yếu được phổ từ các tập thơ trong bộ sách “Viên Thanh Thiền Họa Thi Tập”, chứa đựng triết lý nhân sinh đậm chất Thiền của Phật giáo mà sư nguyện một đời tu tập và dâng hiến. Hòa thượng Thích Viên Thanh tâm sự: “Thơ là tiếng thổn thức của con tim. Là suối nguồn tịnh lạc của nội tâm vi diệu. Là nghệ thuật sống trong ngôn từ huyền diệu. Là tiếng nói của cỏ cây sỏi đá trăng sao. Là giọt nắng trong sương ngàn mây nước thong dong, là nhạc thác reo vang cùng sắc hương theo gió thoảng ngàn phương, cùng quay về nguồn tỉnh thức vô biên trong thiết thực hiện tại thấy rõ cuộc đời là huyễn mộng, khổ đau, vô thường ẩn hiện trong giọt nắng sương mai.”

Chính vì thế chúng ta bắt gặp trong tập thiền ca “Sống Chân Như” nét đẹp của một bậc hiền giả với “triết lý huyền diệu thoát từ tâm thanh tịnh, như nhiên, giao cảm nguồn cảm xúc chân thành, đối với cuộc sống”, đó chẳng phải là sự huyền nhiệm trong lẽ sống hay sao?

Sớm mai sư xuống núi

Tâm tịnh lạc hóa duyên

Huyền nhiệm trong lẽ sống

Gieo duyên khắp mọi miền

(Xuống núi hóa duyên)

Cuộc đời cũng chỉ là huyễn mộng, được rồi mất, đến rồi đi, tất cả chỉ là “Mưa pháp rưới trần ai/Dập tắt bao ưu phiền/Đóa thiên hương tinh khiết/Nở thơm ngỏ ý thiển”, nhận thức được điều đó hẳn phải là người thấu hiểu sự nhiệm mấu của tạo hóa:

Tuệ giác chân như hiện

Trong hơi thở nhiệm mầu

Đến đi trong chốc lát

Hoa tạng mãi xanh màu

(Tuệ giác chân như)

Chính sự hòa nhập vào thiên nhiên, có được sự giao cảm giữa trời và đất, thơ sư đã vượt những tạp niệm đời thường, luôn giữ cho tâm hồn sự thanh tịnh thuần khiết để rồi “Nhấp một ngụm trà an lạc, ngâm những câu thi kệ, thực tập thiền trong lúc uống trà. Ngồi an tịnh lắng lòng thất sâu uống một tách trà với tâm hoan hỷ sẽ cảm nhận sự vi diệu của trà thiền trong cuộc sống”:

Sớm mai theo lối mây ngàn

Hái hoa sương tuyết ướp làn trà hương

Từ trong hương sắc diệu thường

Chung trà hoa tuyết nhả hương diệu vời

(Thiền trà an lạc)

Lúc ấy mọi dư âm xung quanh cũng rơi vào tĩnh lặng, bên tai chỉ còn “Thoáng nghe văng vẳng thiền ca nhiệm mầu”:

Uống trà một chén thảnh thơi

Nghe sông núi hát vọng lời đạo ca

Từ trong lạc định tâm hoa

Thoáng nghe văng vẳng thiền ca nhiệm mầu

(Thiền ca)

Tâm hồn bây giờ đã hóa thành “viên sỏi chân nguyên” tự tại an nhiên trước cuộc tử sinh của kiếp người:

Thấy đời mình như viên sỏi châu nguyên

Trong cuộc đời chông gai và thử thách

Tĩnh lặng cười đá tự tại an nhiên

Hãy lắng nghe sỏi đá gửi tâm thiền

(Suối nguồn hạnh phúc)

Tôi nhớ một lần được nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng về chữ Duyên trong cuộc đời mỗi người chúng ta đại ý là: Trong thế giới nầy rộng vô cùng nhưng cũng hẹp không thể tả, có những người luôn đi tìm chân lý hay khát khao bắt gặp một điều gì đó nhưng đi suốt cuộc đời cũng không bao giờ thấy hay gặp được, nhưng cũng có người không tốn công sức đi tìm mà nó lại tự đến, tự hiển hiện trước mắt. Tất cả đều do chữ “Duyên”. Có cái duyên là có tất cả, được hay mất đều do chữ duyên mà thành. Chính từ những giây phút đó chúng ta bỗng cảm nhận được sự kỳ diệu của thời gian, không gian chuyển động chung quanh ta luôn tỏa ánh sáng huyền diệu vô cùng. Có người nói: “Khi tâm ta khởi thì trùng trùng duyên sẽ khởi”. Phải chăng lúc đó nguồn năng lượng trong ta thăng hoa phát tiết thành những thi tứ mang tư tưởng thiền sâu lắng của một bậc hiền giả đã đạt đến sự giác ngộ… Điều nầy tôi bắt gặp trong những bài thiền nhạc của sư Thích Viên Thanh:

Pháp âm nguồn suối lạc

Tâm hoan hỉ sinh thiên

Dứt hết mọi ưu phiền

Sống an lạc vô biên.

 

Sài Gòn, bên bờ Kênh Tẻ, 07/08/2022

                Nhà thơ Nguyễn An Bình