Duyên tình thơ đôi đồng phương, một haiku một lục bát của Nhật Chiêu

1071
Nguyễn Thị Tính
(Bài viết được trình bày tại Hội thảo Nhận diện thơ lục bát Việt Nam đương đại do Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức ngày 24/12/2020)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn chương là lĩnh vực của sự độc đáo, sáng tạo. “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao). Trước thử thách đó, Nhật Chiêu đã khẳng định Tôi là một kẻ khác – như tên một tập thơ của ông. Sau khi khởi xướng hai loại thơ mới: Thơ giao lời kể, và Thơ tượng quẻ; gần đây, Nhật Chiêu tiếp tục là người tiên phong cho một lối thơ lạ nữa: Thơ đôi đồng phương – một haiku, một lục bát. Đến hết tháng 9 năm 2020, Nhật Chiêu đã công bố 95 bài thơ đôi trên mạng xã hội.
Tác giả Nguyễn Thị Tính 
Lối kết hợp thơ đôi, trước đây đã có. “Phối hợp thể nọ với thể kia là một sở thích của các thi sĩ Việt Nam, bác học cũng như bình dân; chúng ta có thể song thất lục bát, và rất nhiều câu ca dao hỗn hợp thất ngôn với lục bát. Tuy nhiên, trong trường hợp nào cũng chỉ có các thể thơ thuần Việt hòa hợp với nhau mà không hề có chuyện Hoa Việt hợp thể. Trong bài hát ả đào, hai câu “thơ” được thỉnh vào không phải để hòa mình, mà là để tách riêng ra đứng sừng sững một mình như vị khách lạ: lạ về thi luật, lạ về nhạc điệu, lạ về ngôn ngữ (trong bài hát Việt, hai câu ấy viết bằng Hán văn). Hóa ra thơ không dễ dàng chịu hợp thể như người hợp chủng. Câu thơ, coi vậy mà nó không ngoan ngoãn đâu”.
Đến nay, trên thi đàn văn học Việt Nam có sự trở lại hình thức thơ đôi – khởi xướng là tác giả Nhật Chiêu. Tuy nhiên, Nhật Chiêu không kết hợp Hán – Việt. Ông sáng tác thơ đôi theo một lối mới: kết hợp một haiku, một lục bát và gọi đó là “Thơ đôi đồng phương”. Với tên gọi “đồng phương”, Nhật Chiêu như muốn hướng người đọc hướng tới tính chất đồng văn, cùng hướng, hòa quyện làn hương giữa haiku và lục bát. Hướng đi đột phá này của Nhật Chiêu có thành công?
1. Thơ đôi đồng phương một haiku một lục bát của Nhật Chiêu – cặp “duyên tình” về hình thức
Khi kết hợp haiku với lục bát, Nhật Chiêu luôn để haiku ở trước, lục bát đứng sau.
Thơ haiku của Nhật được coi là thể thơ ngắn nhất thế giới, thường vỏn vẹn chỉ 17 âm tiết, ngắt làm 3 dòng (5 + 7+ 5). Tiếng Nhật đa âm tiết; do đó, bài thơ haiku rất ít từ. Haiku trong sáng tác của Nhật Chiêu là haiku đã được Việt hóa, sáng tác bằng ngôn ngữ đơn âm tiết tiếng Việt. Trong các bài haiku Việt Nam, số lượng âm tiết không phải giữ nguyên 5 + 7 + 5 nữa. Âm tiết trong các dòng thơ linh hoạt hơn, tuy nhiên, số lượng âm tiết trong mỗi dòng, mỗi bài cũng hết sức ít ỏi, có thể gọi là cực ngắn (cũng chỉ trong khoảng 10-18 âm tiết). Các âm tiết trong mỗi câu cũng không đều nhau làm cho các câu thơ haiku có sự xô lệch về độ ngắn dài của dòng thơ. Trong khi đó, lục bát luôn có sự ổn định về câu chữ: một câu 6 âm tiết; một câu 8 âm tiết. Số lượng âm tiết của mỗi câu lục bát thường nhiều hơn lượng âm tiết mỗi dòng của thơ haiku. Do đó, đặt câu thơ haiku ngắn ở trước, lục bát dài ở sau, hình thức câu chữ của bài thơ đôi lập tức có tính tạo hình, hội họa với bố cục và đường nét cân đối, nhịp nhàng. Có thể liên tưởng hình thức câu chữ bài thơ như một quả núi, như một cái cây đẹp, có chân nền ổn định (lục bát) và có ngọn cao, nhiều cành nhánh nhấp nhô, khoáng đạt (haiku). Cũng có thể hình dung haiku như núi rừng với những ngọn cao thấp tiếp nối, còn lục bát như suối sông êm đềm… Cùng có thể hình dung haiku, lục bát như một sự sóng đôi song trùng cây, song trùng hoa, song trùng núi, song trùng sông… Sự sóng đôi haiku, lục bát đã khiến ngay hình thức câu chữ của bài thơ đôi đã có tính “thi trung hữu họa”- một đặc điểm nổi trội của thơ ca phương Đông truyền thống. Thêm nữa, người đọc cũng có thể liên tưởng tới tính chất âm (lục bát), dương (haiku); động (haiku), tĩnh (lục bát)… từ hình thức câu chữ – điều này thêm khiến cặp đôi haiku và lục bát như một cặp đôi vừa tương đồng vừa khác biệt.
Cùng với hình thức số lượng câu từ, cặp đôi haiku lục bát còn “kết gắn” với nhau bởi vần. Thơ haiku Nhật vốn không có vần. Sang “sinh sống” ở nước Việt, haiku đã được các nhà thơ biến cải, thêm vần. Sự xuất hiện vần trong các bài haiku Việt cũng đã khiến cho thể haiku của Nhật đã có trong mình một phần đặc điểm của thơ lục bát Việt: luôn có vần. Điều đó khiến cho cặp bài haiku, lục bát đã có cùng điểm tương đồng: có sự bắt nối âm, liên kết giữa câu thơ này với câu thơ khác. Thêm nữa, nhiều bài thơ đôi, vần của các câu haiku đã được bắt nối sang vần của lục bát. Ví dụ:
NGƯỜI MẪU
Người mẫu thanh tân
khoác lên thân thể
một tâm hồn trần
*
Vì trăng buông áo phù vân
em ôm nhật nguyệt đôi vầng tắm mưa
SỮA
(tặng H. thai phụ)
Mưa đêm nay
bé nào trong mẹ
nằm nghe sữa đầy
*
Em ơi mưa bắt đầu bay
thánh ca giọt nước ơn đầy thinh không
Sự có vần ở câu thơ kiểu haiku và sự bắt vần sang các câu lục bát đã khiến cho cặp thơ đôi có sự gắn kết tự nhiên về hình thức với nhau.
Tiếp nữa, mối duyên của hai thể thơ này còn được thể hiện ở tính chất “đồng phương”- cùng hướng, cùng mùi hương như tác giả đã đặt tiêu đề. Thơ đôi được sáng tác theo ý tưởng mới của tác giả: “Một cảm xúc bất chợt sẽ diễn thành một cặp thơ khác thể nhưng đồng phương”, “mỗi đôi là hai bài song hành trên một con đường cùng cảm hứng nhưng thể thức khác nhau” (Nhật Chiêu). Chủ đề của các cặp bài có sự hô ứng với nhau. Ý từ câu haiku gọi tới câu lục bát như một sự dẫn dắt để lục bát tiếp nối, lan tỏa, âm vang. Giai điệu trên trời cao trong câu haiku:
Chim xuống từ mây
đầy buông giai điệu
đẹp và say
như lời tha thiết gọi cỏ cây:
Thả mình đi cỏ may ơi
bay lên áo mộng say đời phù du
(Đẹp và say)
Từ bức họa “Người mẫu” khỏa thân, được mô tả từ điểm nhìn khách quan:
Người mẫu thanh tân
khoác lên thân thể
một tâm hồn trần
đến lời bộc bạch táo bạo, đáng yêu từ tiếng nói chủ quan của chính người mẫu:
Vì trăng buông áo phù vân
em ôm nhật nguyệt đôi vầng tắm mưa
Từ hiện tại với người yêu giữa lòng biển cả:
Bơi biển chiều
ẩn sau tiếng sóng
nàng như nói… yêu
đến hồi ức như trên mây hạnh phúc kỉ niệm hồn nhiên thời thơ ấu:
Trong mây nàng bé thơ bay
tấm chăn xưa ấy dựng ngày thần tiên
(Nàng)
Cứ tiếp diễn, hô ứng cùng nhau như vậy, cặp haiku và lục bát trong thơ đôi của Nhật Chiêu gần như hai vế đối kiểu lưu thủy, mạch ý câu trên trôi chảy như nước, được tràn sang câu dưới, sóng sánh, dư âm và tình tứ. Haiku phá đề, lục bát thừa đề, nối tiếp, bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể ăn ý, thống nhất.
Nhà thơ Nhật Chiêu 
2. Thơ đôi đồng phương một haiku một lục bát của Nhật Chiêu – cặp “duyên tình” về chủ đề cái đẹp tình yêu
Thơ đôi đồng phương một haiku một lục bát của Nhật Chiêu có rất nhiều chủ đề. Trong đó, có nhiều bài là chủ đề của haiku truyền thống Nhật Bản. Đó là tư tưởng Thiền:
Tóc mưa
thân thuyền độc mộc
đêm xưa
*
Đêm mưa người cứu độ người
đưa hương cực lạc về trôi vô thường
(Người cứu độ người)
Tôi thường rơi
như chiếc lá nào đó
vào hoang vắng tôi
*
Ta là tặng vật ta ơi
mà ai gởi tặng về nơi vô hình
(Vô hình)
Chủ đề thiên nhiên:
Bồ công anh
tan mình trong gió
sao mà long lanh
*
Gió ngày sẽ chạm vào mơ
thổi muôn tia nắng trong bồ công anh
Tác giả cũng thể hiện những chiêm nghiệm, suy tư về lẽ đời:
Đất ơi
đa mang biển núi
và ôi… mang người
*
Bi thương này cõi đất ơi
nặng mang cuồng vọng con người mà quay
(Này cõi đất ơi)
Thậm chí cất tiếng nói phẫn nộ, đau đớn bằng thơ đôi:
Bầu trời này
mà các ngươi chiếm đoạt
là nơi chim bay
*
Phố dài không một bóng cây
bỗng nghe sa mạc chờ thay cát người
(Không bóng chim)
Mi giết người Vâng
mi có tội Vâng
mi toi rồi Vâng
*
Trái tim người với lông chim
ai cân bóng tối đừng tìm ánh mai
(Ai cân trái tim)
Song, nổi bật lên trong thơ đôi đồng phương một haiku một lục bát của Nhật Chiêu là những bài thơ viết về tình yêu. Nhật Chiêu có 52/94 bài thơ đôi tình yêu (đây chỉ tính số bài có nội dung trực tiếp về tình yêu. Nếu tính cả những bài viết về thiên nhiên nhưng có thể liên tưởng đến tình yêu nam nữ thì số lượng tăng lên nhiều hơn nữa, ví dụ bài Bồ công anh đã dẫn ở trên). Những bài thơ đó giàu mĩ cảm, ngời lên cái đẹp. Đó là cái đẹp tự nhiên, thanh lịch, xuân thì… Nhân vật “em”- người con gái là biểu tượng của sự xinh đẹp, trong ngần. Nàng hội tụ tinh tế của đất, nước, gió, lửa, mây trời, trăng sao, kim cương, lụa ngọc v.v…: Ngực bồng bềnh gió biển (Điệu gió), suối khe em đẹp lũng đồi em xinh (Điệu đất), em nằm mây trắng (Đẹp và trôi), mắt người rực ánh kim cương (Khắc dấu)… Nàng khỏa thân đẹp đẽ: đào nguyên hé mở đất trời bao dung (Đẹp và trôi) và thiên nhiên cũng thành trang sức cho nàng thêm đẹp, thêm lả lơi, mời gọi:
Trăng dư tình
xuống khe nước nhỏ
tắm mình và em
*
Đêm xuân người tắm dư vang
tiếng thanh thanh ấy ướt tràn hồn tôi
(Nước)
và tuyệt mĩ là lúc nàng ân ái. “Điệu lửa”, “Điệu nước”, “Điệu gió”, “Điệu đất”… (nhan đề các bài thơ) và nhiều cung bậc khau nhau nữa – những động thái, đặc điểm của thiên nhiên như đều gợi đến dáng vẻ, hành động ma mị, kì diệu của người con gái. Những khi ấy: Khi thân thể diễm đem trồng cõi mơ (Trồng), lửa yêu ửng mọng thân ngời lên thân (Lửa), trong đêm ửng mọng đào nguyên tận nguồn (Điệu nước), em khe xuân hát em đồi hạ ru (Mùa)…
Đó là người con gái. “Đồng phương” với nàng (như haiku với lục bát), chàng trai trong thơ Nhật Chiêu say tình. Người yêu đến là cả một thế giới niềm vui mở ra với chàng:
Em đến đây rồi
ta trôi sáu cõi
yêu hơn nụ đời
*
Phút giây hạnh ngộ là thơ
đến đây là đã sang bờ dấu yêu
(Hạnh ngộ)
Chàng rất đỗi hào hoa, thanh lịch với bạn tình. Mỗi cử chỉ của người yêu, chàng đều nhìn thấy vẻ đẹp thơ mộng:
Nhìn em thay áo trong đêm
tấm chăn cũ trải ánh huyền trăng thơ
(Nhìn)
Khi em cài nút vào khuy
nghe thiên thu động nhu mì đồi trăng
(Khuy)
Đặc biệt, chàng hết mực trân quý bạn tình:
Yêu trong phai tàn
có gì như mê chạm
ta và triêu nhan
*
Chạm mình vào nhau triêu nhan
ta thơ thẩn tới chạm nhàn nhã em
(Chạm)
Lạnh chiều em nắng lên tôi
em khe xuân hát em đồi hạ ru
(Mùa)
Thái độ “gói em như món quà” (Mưa, nắng và quà) khiến chàng trai trong thơ đôi đồng phương haiku, lục bát của Nhật Chiêu tương phản đối lập hoàn toàn với kiểu đàn ông phàm phu tục tử “Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hoa”, “Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ” (Truyện Kiều), “Qua sông phụ sóng”, “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không” (Hồ Xuân Hương)… Viết về những chàng trai lịch thiệp, say tình bên những cô gái đẹp xinh, nồng cháy, thơ đôi của Nhật Chiêu chỉ có các cuộc tình lãng mạn, tha thiết, tươi thắm.
Tình yêu đôi lứa trong thơ đôi Nhật Chiêu là điều kì diệu của cuộc sống. Nhật Chiêu diễn tả tình yêu bằng những yếu tố tinh hoa của tự nhiên, để thế giới thiên nhiên chan hòa với tình yêu. Bài thơ nào viết về tình yêu của ông cũng có hình ảnh thiên nhiên. Thêm nữa, các hình ảnh của thế giới tự nhiên cũng thường có đôi gần gũi, quấn quýt. Đó là hòn cuội với dòng suối, núi với mặt nước (Hôn), hồ và mây trắng (Đẹp và trôi), sương với cỏ (Đẹp và say), siêu hoa trăng với giàn mướp (Hoa trăng)… Vạn vật dậy hương tình yêu với con người, rất đỗi lãng mạn và thi vị. Ngay cả những bài thơ Thiền trong thơ đôi haiku của Nhật Chiêu cũng gợi đến tình yêu đôi lứa:
Trăng rơi nhanh
trong viên mưa đá
vỡ tan tành
*
Em về bục áo vai tơ
phút giây ta ngộ đôi bờ lộ thiên
(Ngộ)
Em trôi
với sông và nguyệt
qua mùa và tôi
*
Bơi vô hình một dòng sông
em trôi trên đất qua lòng Như Lai
(Trôi)
Cánh hoa rơi
thảnh thơi mơ thấy
mình đang ra đời
*
Nam mô Bụt nam mô em
nam mô nắng thả lên thềm lung linh
(Đản sinh)
Như thế, tôn giáo lớn nhất với Nhật Chiêu đã là tôn giáo của tình yêu, gắn với tình yêu. Thế giới đẹp nhất với ông là thế giới của tình yêu đôi lứa và có tình yêu đôi lứa mặn nồng, hạnh phúc. Đưa thơ tình lên ngôi trong thơ đôi đồng phương, Nhật Chiêu khiến haiku vừa kế thừa được sự phóng khoáng của văn hóa Nhật Bản vừa về gần với tiếng nói của thơ ca lục bát với ca dao dân gian và truyện Nôm truyền thống Việt Nam. Nhiệt huyết với tình yêu và vẻ đẹp sex như vậy, Nhật Chiêu đã làm mới cả haiku lẫn lục bát. Ông khiến cho thơ đôi đồng phương haiku và lục bát vừa bắt rễ vào truyền thống văn hóa xưa của Nhật Việt, vừa mang hơi thở hiện đại, văn minh. Đây có lẽ là đóng góp và cũng là điều ấn tượng nhất về chủ đề trong thơ đôi đồng phương của Nhật Chiêu.
3. Thơ đôi đồng phương một haiku một lục bát của Nhật Chiêu- thỏa sức đồng sáng tạo, đọc liên văn bản cho độc giả
Cả haiku và lục bát đều là những thể thơ lời ít, ý vô cùng. Haiku lại là thể loại ngắn và hàm súc nhất của thơ ca phương Đông nói chung, thế giới nói riêng. Để có sức chứa vô biên trong hình thức ngôn từ ít ỏi, thơ haiku tích hợp trong lòng nó đa dạng các hình thức văn hóa phương Đông: nghệ thuật tranh thủy mặc, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật trà đạo… Bên cạnh haiku, lục bát cũng là thể thơ ngắn. Trong thơ ca dân gian Việt Nam, chỉ một cặp lục bát cũng đã đủ trở thành một chỉnh thể tác phẩm hấp dẫn, sinh động. Bằng tài hoa của mình, Nhật Chiêu kết hợp được vẻ đẹp kì diệu của tính hàm súc, gợi mở ở haiku và lục bát, tạo nên được hình thức thơ “xứng đôi đẹp lứa”. Đến với thơ đôi Nhật Chiêu, người đọc được đồng sáng tạo với tác giả bằng những sự cảm nhận phong phú, đa dạng qua đôi mắt và tâm hồn mỗi bạn đọc.
Tính chất hàm súc, đa nghĩa, dư ba ở thơ đôi Nhật Chiêu có nhiều cách thức khác nhau.
Thứ nhất, người đọc có thể thoải mái suy luận từ ngôn từ và ngữ nghĩa câu chữ. Ví dụ câu từ của bài Lửa sau đây:
Cây hồng ơi
hoàng hôn chín đỏ
quả ngon em mời
*
Hoàng hôn nằm xuống bên đồi
lửa yêu ửng mọng thân ngời lên thân
“Cây hồng” là chỉ một loài cây – “cây hồng”, có quả chín hồng và sai quả, quả nọ san sát cạnh quả kia (thân ngời lên thân)? “Cây hồng”- ấy là “lửa” cháy trông như cây hồng- đỏ? “Cây hồng”- vùng trời bừng ánh sáng “hoàng hôn” cháy đỏ? “Cây hồng”- là “em” đang rực hồng đôi má, đôi môi tràn trề sinh lực của tuổi trẻ? “Cây hồng”- trạng thái cảm xúc nàng đang rạo rực, khát khao hạnh phúc? “Lửa”, “cây hồng”, “hoàng hôn”, “em”- mỗi từ đều có thể khiến bài thơ có thêm một ý nghĩa. “Hoàng hôn nằm xuống” là ánh sáng hoàng hôn được nhân hóa? Ánh sáng hoàng hôn bừng lên, chiếu vào quả hồng đang chín đỏ làm quả hồng vốn đã đẹp lại càng rực sáng hơn, lung linh hơn? Hay “Cây hồng” kia là “em”, “hoàng hôn” là “anh”? Bài thơ nghiêng tả cảnh một màn sex thăng hoa “ửng mọng thân ngời lên thân” của một đôi bạn trẻ? Biết đâu, cũng có thể đó là tình của một người đã về “hoàng hôn” của cuộc đời với một người đang thắm hồng như lửa cháy? “Lửa”- chủ đề bài thơ là sức nóng của lửa, hay của vũ trụ lúc chuyển giao trạng thái giữa ngày và đêm, hay là “độ nóng” trong lòng bạn trẻ, hay là sự bùng cháy của người đã sắp về bên kia thế giới? Bất tận ý nghĩa có thể tạo ra từ sự kết hợp, liên kết các câu từ, tùy theo sự tưởng tượng, liên tưởng bay bổng của người đọc.
Không bài thơ đôi nào của Nhật Chiêu có tính đơn nghĩa. Đọc bài thơ về thiên nhiên, thấy tình yêu đôi lứa; đọc bài thơ đôi lứa, thấy triết lí Thiền tông; đọc bài thơ tình yêu lại có thể thấy cả thế giới tự nhiên và suy tư về cuộc sống con người… Nhiều khi khó có sự tách rời giữa chất Thiền tông với bức tranh thiên nhiên và những cung bậc cảm xúc của con người. Nhật Chiêu thường hòa điệu các chủ đề đó trong một bài thơ. Trong đó, như đã nói, nổi bật lên là chủ đề tình yêu. Không ít bài, Nhật Chiêu khúc xạ thiên nhiên, chiêm nghiệm cuộc sống nhân sinh bằng đôi mắt và tâm hồn đôi lứa. Những hòn cuội, núi non, dòng sông trong thơ đôi của Nhật Chiêu thật tình tứ:
Hòn cuội nghiêng dần
lên hòn cuội khác
dưới dòng suối xuân.
*
Nụ hôn của núi hằn sâu
lên gương mặt nước một màu hoàng hôn.
(Hôn)
Đá cuội, dòng sông, mặt nước… tất cả đều được tác giả nhân hóa, có tâm hồn. Chẳng những “Sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn) mà chúng còn có cách thức đến bên nhau thật dịu dàng, tinh tế: “Hòn cuội nghiêng dần/ lên hòn cuội khác”. Chúng ở bên nhau thật diễm lệ: “dưới dòng suối xuân”. Dòng suối xuân tình, luôn ở mùa của tuổi trẻ, mùa của sự sống, mùa của sự khởi đầu đã, đang và sẽ nuôi dưỡng, tắm mát muôn đời cho tình yêu của những hòn cuội. Những hòn cuội sống đời sống tình yêu bất tử. Thật thú vị và hạnh phúc biết bao. Cùng với những hòn cuội, núi cũng hành động trong yêu thương với dòng nước. Tuy nhiên, nó không “nghiêng dần” nhẹ nhàng, chậm khẽ như những viên cuội; ngược lại, nó “hằn sâu” nụ hôn mạnh mẽ, bạo liệt: “lên gương mặt nước một màu hoàng hôn”. “Màu hoàng hôn”- là màu chói chang bừng lên mạnh mẽ? Núi đã hôn dòng nước đắm say bằng tất cả trái tim nồng cháy của mình? Dòng nước mang “Một màu hoàng hôn”, e thẹn, đỏ ứng vì nụ hôn của núi? “Một màu hoàng hôn” là bóng núi in trên dòng nước xuân? Câu thơ đa nghĩa, có thể hiểu theo rất nhiều chiều liên tưởng khác nhau. Vì rằng, tài thơ của Nhật Chiêu đã khiến ông “chưng cất” được đặc điểm của thơ ca phương Đông nói chung, haiku nói riêng: ý tại ngôn ngoại, chỉ vài âm tiết ít ỏi mà ý tứ mênh mông, vô cùng. Mà cách hiểu nào cũng thi vị. Cả thế giới thiên nhiên là một bản tình ca. Nhật Chiêu đã thấy mọi vật, đá cuội hay dòng nước, ngọn núi cũng có đời sống tình yêu của chúng. Niềm tin “vạn vật hữu linh” đã được Nhật Chiêu diễn tả thăng hoa qua trạng thái và xúc cảm tình yêu đôi lứa của vạn vật. Thiên nhiên hòa điệu với con người. Nhật Chiêu nhìn hòn cuội, thấy tình yêu của cuội, nhìn bóng núi dưới làn nước thấy tình yêu của non nước…, nhìn đôi mi của người yêu, ông lại thấy cánh bướm chập chờn:
Rập rờn lay
đôi cánh nhung mi ấy
cánh bướm mơ bay
(Mi)
Đôi mắt người con gái như đôi “cánh nhung”- đây là một sự liên tưởng kì thú. “Cánh nhung”- màu den huyền diệu và mượt mà, mát rượi – rất đẹp. Đó là “cánh bướm” nhung? Hay bờ mi của người con gái được trang điểm lộng lẫy nhiều màu sắc, làm nền cho đôi mi khiến tác giả tưởng đôi cánh bướm sặc sỡ, điểm tô nhiều màu? Lại là thêm một ví dụ nữa để thấy tính chất ý tại ngôn ngoại, liên tưởng đa dạng, phong phú từ hình thức câu từ! Điều đáng nói nữa là: Nhật Chiêu đã nhìn thấy ở thiên nhiên có con người; ở con người có hình hài của tự nhiên. Như thế, thiên nhiên với con người là một mối tổng hòa hữu cơ, hòa kết. Đó cũng là tính chất Thiền tông cùng hòa quyện trong mỗi bài thơ đôi đồng phương của Nhật Chiêu.
Sẽ thêm ý vị nếu như đến với thơ đôi Nhật Chiêu bằng cách đọc liên văn bản. Người đọc có thể liên hệ đến nhiều tinh hoa văn chương nghệ thuật của ca dao, truyện thần thoại, các kiệt tác văn chương Đông – Tây trong thơ đôi đồng phương haiku lục lát của Nhật Chiêu.
Bài Lụa:
Một làn hương
bắc cầu với lụa
người thương người thương
*
Con sông buồn bỏ đi đâu
mà nghe áo lụa qua cầu gió bay
với nhiều bài ca dao:
– Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
– Yêu nhau cởi áo trao nhau,
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
– Em như tấm vải lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Bài Lạnh:
Lạnh và lẻ loi
sự thật ngồi trong tối
không có ánh đèn soi
*
Em ngồi đâu đó trong mơ
mỗi khi lạnh lẽo tôi sờ tường không
gợi tâm trạng não nề của chàng Trương sinh khi tỏ thấu nỗi oan của vợ (Người con gái Nam Xương). Bài Tắm hoa, Khoảng vắng liên quan đến Truyện Kiều. Bài Ảnh có nàng tiên bước ra từ tranh trong Bích Câu kì ngộ (Đoàn Thị Điểm). Bài Gió bụi có bút danh Phong Trần của Hàn Mặc Tử. Bài như có ca từ Suối mơ của Văn Cao, lời thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính. Bài Mưa và Miu gợi đến truyện ngắn Mèo trong mưa của Ernest Miller Hemingway. Đáy mắt có đồng điệu với Trăng soi đáy nước của Kawabata. Nàng chứa Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust… Đọc liên văn bản như vậy, thơ đôi Nhật Chiêu mở thêm nhiều ý nghĩa, vừa như “cô đọng” tinh hoa văn chương đông tây, kim cổ vừa thêm vào những ý nghĩa mới mẻ với sự đồng điệu, hoặc đối thoại, hoặc bổ sung, mở rộng, viết tiếp tác phẩm. Bạn đọc, bằng vốn sống, kiến thức, tâm hồn của mình, tha hồ liên tưởng, kết nối, đồng sáng tạo của tác giả.
KẾT LUẬN
Với sự sáng tạo thơ đôi đồng phương haiku và lục bát, Nhật Chiêu đã có sự sáng tạo. Các bài thơ đôi trở thành thi phẩm kết hợp hai nền văn hóa Nhật Việt. Ông tạo ra cái mới hiệu quả đồng thời làm mới chính haiku và lục bát truyền thống. Mỗi bài thơ đôi của ông trở thành một phát minh mới cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Thơ đôi đồng phương thêm một lần nữa khẳng định cá tính sáng tạo mãnh liệt của Nhật Chiêu. Đó là sự tiếp nối thành công cho những cố gắng tìm tòi của ông trên văn đàn từ khoảng 2006 với nhiều ấn phẩm Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi… Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt – Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với như (thơ ca tương chiếu)…
Thơ đôi của Nhật Chiêu cũng là một minh chứng cho quy luật giao lưu, tiếp biến văn hóa. Trong giao lưu, các hiện tượng văn hóa có thể đan xen, ảnh hưởng, kết nối, giao thoa, hỗn dung với nhau. Thơ ca là những hiện tượng văn hóa, năm trong quy luật đó. Khi tiếp thu các thể thơ nước ngoài, các nhà thơ Việt Nam đã có tinh thần cởi mở trong tiếp nhận. Họ có nhiều sáng tạo, cách tân. Nhiều nhà thơ chơi thơ theo các cách khác nhau. Sáng tác “kép”- kết hợp thơ đôi haiku lục bát là hình thức chơi thơ tài hoa, độc đáo của Nhật Chiêu.
N.T.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhật Chiêu (1994), Basho và thơ Haiku, biên khảo, NXB Văn học, 1994.
2. Nhật Chiêu (1998), Thơ ca Nhật Bản, biên khảo, NXB Giáo dục, 1998
3. Inoue Yasushi (2019), Luật thơ Haiku, Nguyễn Vũ Quỳnh Như dịch, NXB ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.