Duyên! – Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thái

859

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau khi khách, cùng chàng rể tương lai ra về, bố Duyên sặc mùi rượu hùng hổ xông đến túm cổ cô con gái tội nghiệp cứ thế mà nện túi bụi. Vừa đánh ông vừa chửi, la hét rầm trời! 

Tranh minh họa – Tác giả: Stella Im Hultberg

Câu chuyện tôi kể là kỷ niệm khá lâu từ những năm thập niên 80, tưởng chừng quên lãng, sau lần viết không thành trang bản thảo đành gác lại. Lần này lục tìm, đào bới trong đống sách vở cũ mèm theo thời gian, bỗng nhiên lại hiện lên một hình ảnh Duyên chợt về trỗi dậy thôi thúc tôi cầm bút giống như duyên nợ. Duyên cũng giống bao cô gái tôi từng thấy, từng để ý, với nét vẻ bề ngoài tương đối hấp dẫn, khiến những chàng trai si tình chết mê chết mệt, không riêng gì tôi. Chẳng trách người xưa nói, nghiệm thấy đúng: “Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt!”. Đấng mày râu chết vì dại gái. Ở Duyên có nét quyến rũ bề ngoài, thân hình vóc dáng thanh mảnh thắt đáy lưng ong, theo tiêu chuẩn bình chọn người phụ nữ đẹp phong cách Ắ đông. Đôi mắt bồ câu nâu hạt dẻ, đôi môi trái tim, má lúm đồng tiền, làn da mịn màng, khuôn mặt trái xoan, tóc bồng bềnh kiêu sa vừa đôn hậu, dễ gần gũi, giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm, dễ nghe như thôi miên, mê hồn… Tôi suýt nữa nhầm nếu không tìm hiểu tường tận, vẫn nghĩ một cách cảm tính, chắc cô ta phải là con nhà không vương gia, cũng thuộc vào hàng khá giả. May mà chưa nói ra điều ấy.

Vào thời những năm 80 về trước cuộc chiến, binh lửa kéo dài đằng đẵng 30 năm đầy tang thương mất mát. Trong gian khổ tột cùng, đã đào luyện nên một lớp người dày dạn trận mạc, thích nghi cuộc sống cho dù khó khăn mấy cũng chấp nhận! Bởi còn sướng chán so với đổi cả bằng máu và nước mắt của dân tộc. Ngày độc lập thống nhất mà dân chúng vẫn khổ! Là trăn trở của lớp cán bộ trẻ có học vị bằng cấp, được đào tạo bài bản, phải mạnh bạo tiến công vào mặt trận kinh tế, rút ngắn khoảng cách, nhìn ra thế giới để hoạch định chính sách đường lối theo kịp với xu thế phát triển.

Chuyện đi phép những người lính chúng tôi bấy giờ kể ra thật mà như bịa! Mỗt lần đi là mỗi lần đánh vật trên đường. Từ mặt trận Tây Nam (chiến trường K) Cam Pu Chia người lính Hải quân sau hai năm chín tháng xa nhà, được trở về Tổ quốc thăm gia đình. Hết xuống tàu lại lên xe ăn dầm ở dề, vật vã lăn lóc dọc đường, cảnh màn trời, chiếu đất chờ đợi, xếp hàng đăng ký mua vé, xe đi một đoạn, lại gặp trạm kiểm soát bởi ngăn sông cấm chợ, mỗi địa phương cát cứ, một vùng. Xe phải sắp hàng dài la liệt chờ đợi qua trạm, có ngày chỉ nhích lên được dăm ki lô mét. Về đến nhà ra tận Nghệ An phải gần cả tháng.

Hôm ấy vào một chiều đông. Tôi tất tưởi, hớt hải chạy muốn đứt hơi để bám theo xe, vừa mới được lệnh xuất bến, khởi hành độ dăm chục mét, hành khách vây đông nghẹt, chen lấn xô đẩy, không làm cách nào để lên nổi, cả đám không riêng gì tôi. Trong khi đồ đạc mọi thứ cồng kềnh, lỉnh kỉnh, góp nhặt cố mà mang về, “bỏ thì thương, vương thì tội”. Lên được xe chả kịp nhìn ai, thấy chỗ nào hở đủ để dán bệt cái mông cho đỡ mệt, mỏi nhừ rã cả giò, thở trút ra cho lại sức. Trông thấy người lính Hải quân khệ nệ tay mang tay xách, cô gái mỉm cười, thương tình! Nhìn khắp lượt trên xe người ngồi kẻ đứng mà ái ngại, giường như thấy tôi thật tội cô gái sắp gọn đồ đạc của mình dành một chỗ ngồi khiêm tốn bên cạnh cô. Tôi thầm cảm ơn cô gái trẻ tốt bụng, không ngần ngại, tôi liền ngồi vào chỗ cô dịch ra.

Xe chuyển bánh, trấn tĩnh trở lại, tôi tranh thủ kiểm tra hành lý của mình xem cái nào còn, cái nào mất, hoặc rơi rớt bỏ sót. Lúc này nhìn người ngồi kế bên, tôi mới giật mình, thấy như quen quen, tựa cô bạn gái ở quê. Đang lúng túng chưa biết nên bắt chuyện người đẹp thế nào, chợt trong suy nghĩ đã lâu chưa có dịp về, gặp được đồng hương ngoài Bắc quả là hay rồi, tôi chủ động hỏi han:

– Em về đâu?

– Dạ! Về Thái Bình ạ.

–  Em vào miền Nam đã lâu chưa? Làm việc gì ở đâu mà lên xe ở Kiên Giang?

– Dạ em công tác ở huyện Giồng Riềng cách Rạch Giá tới 30km, em lên từ tối hôm trước, may nhờ người quen gửi vé được mới có chỗ đó, anh vậy mà hên, chậm chân là trễ chuyến dài dài, sợ thật!

– Xin lỗi em! Anh quen tác phong người lính, mong em thông cảm không có ý tra khảo em đâu! Nhưng lâu rồi không được nghe giọng nói ngọt ngào dễ thương của người đẹp.

Tôi trổ tài tán dóc chơi cho vui trên xe để giết thời gian nhàn rỗi.

–  Không sao đâu anh! Em vào cũng mấy năm nay, công việc thì nhì nhằng miễn có việc làm là tốt lắm rồi. Tụi con gái nhà quê bọn em hẩm hiu ế ẩm! Không được như các anh. Chạy vào miền Nam, tới tận Kiên giang xuống miệt vườn là bước đường cùng còn ai ngó nữa phải không anh…

–  Em nói vậy là sao? Người như em đây phải hàng đại phú, đại quý sáng giá, em khiêm tốn làm chi. Biết đâu sau này lính thất nghiệp lại phải cậy nhờ tới em giúp đỡ.

Câu chuyện đang vào đề suôn sẻ bỗng sắc mặt cô gái thay đổi! Nhìn cô tôi ái ngại, chắc cô ta phật ý chăng.

–  Xin lỗi em sao vậy?

–  Dạ không có gì.

– Thú thật khi trò chuyện, chị em thường chê tôi vụng, lại kém trong giao tiếp, chuyện nọ xọ chuyện kia. Chẳng đâu vào đâu, lại thiếu tế nhị, dở mà khắc phục vẫn chưa được.

Biết là lính “hai quần” từ Cam Pu Chia trở về, lính trận mạc chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn về tình cảm nên cô gái không nỡ trách, trái lại còn đem đời tư của mình ra giãi bày tâm sự. “Niềm vui được chia sẻ nhân lên gấp bội, nỗi buồn được san sẻ sẽ vơi đi một nửa”. Tôi không hiểu ý cô gái đang nói gì chỉ như một đứa trẻ há hốc miệng nghe trông như tụi trẻ ngẩn tò te nghe kể chuyện cổ tích.

“Chuyện là như thế này cô gái kể:

–  Anh biết đó quê em con gái mười lăm, mười sáu tuổi còn khờ lắm, đâu đã biết yêu đương là gì nhưng đã đi lấy chồng: Sinh con, thành chồng, thành vợ, con bồng, con bế, cho các ông, các bà mở mày, nở mặt có cháu chắt sớm được lên cụ cố trẻ, được nể vì thiên hạ. Cũng bởi con gà tức nhau cái tiếng gáy ấy thôi! Tuổi học trò chúng em ngốc nghếch mà lại nghịch như quỷ “ăn không biết no lo chưa đến chốn” chẳng trách người ta gán “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Năm 16 tuổi em lớn như thổi trổ mã đẹp gái hẳn, nổi trội trong đám bạn nên lắm khách đến nhà đặt vấn đề với thầy mẹ. Họ tìm cách xem mắt nhờ mối mai em, trong đó có một người, con nhà khá giả mà ngông nghênh rõ ghét, nói năng lại cộc cằn thô thiển, hở một tí là chửi thề không biết ngượng: Em chúa ghét con người này. Thầy em hay uống rượu, cứ mỗi lần “tửu nhập là ngôn xuất” có đứa con gái mới lớn suốt ngày ông đòi bán, ông đòi cho, mấy bạn rượu. Hết người này sang người khác.

– Anh hỏi lúc đầu, tại sao lại phải vào tận Kiên Giang sinh sống?

Chuyện dài dòng lắm anh không hình dung nổi đâu!

Đời em là bể khổ, với đầy biến cố thăng trầm, “bảy nổi ba chìm chín lênh đênh”. Anh có tin hay không tùy ở anh thôi. Anh nực cười hay chê em cũng được! Chẳng sao cả, bởi ta gặp nhau giữa đường giữa sá lạị không quen không biết mà.

Câu nói rào trước đón sau, xem ra phải là người từng trải. Tôi thầm nghĩ nhưng không nói để nghe người trong cuộc tự bạch:

Tiếng là gia đình chức sắc, có từ thời ông cố: Gia trưởng, độc đoán có nòi, lừng danh thiên hạ, một nguyên mẫu chế độ phong kiến thời xa xưa. Trong nhà vợ con ông, sợ ông như sợ cọp. Ông khắt khe khó tính bậc nhất thiên hạ, rèn con như rèn đứa ở, rèn vợ như rèn bà vú trong nhà. Được cái may trời phú cho mấy đứa con đứa nào đứa nấy mặt mày sáng sủa, lại vừa sáng dạ. Duyên tính cách khác cả bố cả mẹ, là một cô bé cứng đầu đỏng đảnh, thông minh, tháo vát, là con út ít trong nhà nên được bố cưng chiều nhưng không vì thế mà Duyên hư hỏng như thường thấy con của mấy nhà giàu nứt đố, đổ vách, các cô “cớm” cậu “cớm” muốn gì được nấy có voi đòi tiên! Ăn chơi đàng điếm, nổi đình nổi đám, ỷ thế cậy quyền vênh mặt, làm càn… Trái lại Duyên hiếu thảo ngoan ngoãn, ở trường là một học sinh giỏi, thầy cô yêu quý, bạn bè mến thương.

Duyên đang ở độ tuổi lớn, đang xinh, phơi phới như nụ xuân e ấp, vậy mà đột nhiên đang học dở lớp 9, đúng lúc phong trào tòng quân nhập ngũ năm 1974 – 1975 như cơn lốc cuốn theo, đẩy Duyên vào vòng xoáy cuộc đời. Nhiều thanh niên nông thôn tham gia làm nghĩa vụ quân sự hăng hái lên đường nhập ngũ ở lứa tuổi 17- 18 cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Trong làng thỉnh thoảng lác đác có một vài vụ tảo hôn, lấy chồng lấy vợ sớm. Dù chính quyền không chấp nhận việc đăng ký kết hôn nhưng họ  lén lút vụng, trộm vì các ông bố bà sợ con trai vào chiến trường việc sinh tử phải tính đến, ít ra cũng còn để lại giọt máu nối dõi tông đường!

Chuyện Duyên phải bỏ học để lấy chồng khiến cả nhà trường lấy làm tiếc cho thân phận một người con gái vừa học giỏi, lại đẹp nết đẹp người, bông hoa sớm nở chóng tàn, khác nào như đóa phù dung. Bạn bè nghe tin còn trách “Sao đi lấy chồng cứ như là kẻ trộm, chẳng nói chẳng rằng kín như bưng”. Cô nữ sinh lớp 9B quay về! Đóng vai mẹ chắt, học giỏi là vậy, từng thi học sinh giỏi, đứng thứ nhất huyện cuối cùng thành công cốc. Duyên biết tin, như sét đánh! Cái tuổi thơ ngây mỗi lần đi học về đói bụng sà vào bếp lục nồi, giúp mẹ nấu ăn dọn dẹp nhà cửa nô đùa cùng lũ trẻ con trong xóm hồn nhiên. Vậy mà hôm nay cô sắp sửa lên xe hoa đi lấy chồng về bên kia sông. Nhìn thấy mọi người đông đúc khác thường khi tan trường về tới nhà Duyên ngỡ là giỗ mời khách tới. Khi mọi người đang ăn uống vui vẻ nghe bố Duyên đứng lên tuyên bố gả chồng cho con gái. Duyên hoàn toàn bị bất ngờ! Vậy là Duyên bị gả bán mà không hề hay biết. Duyên khuỵu xuống gào thét! Nước mắt hai hàng chảy tràn! Dàn dụa, Duyên bỏ bữa không chịu ăn uống chỉ muốn chết quách cho xong. Mặc dù đang cơn đói cồn cào hoa cả mắt. Duyên vừa mới nhận giải thưởng ở trường về chưa kịp khoe thì tai hoạ ập tới. Sau khi khách, cùng chàng rể tương lai ra về, bố Duyên sặc mùi rượu hùng hổ xông đến túm cổ cô con gái tội nghiệp cứ thế mà nện túi bụi. Vừa đánh ông vừa chửi, la hét rầm trời! Duyên rũ rượi, ngất! Tỉnh dậy Tỉnh dậy người bê bết máu! Quần áo rách tướp xơ mướp, tai ù ù, vẳng lời hăm dọa người cha.

– Khôn hồn thì nhận lấy người ta, bằng không tao chém chết! Không có đứa con gái nghịch tử. Con hư tại mẹ!

Duyên uất ức, máu rần rần chạy dồn lên đầu, giận hờn sục sôi, chèn lồng ngực khó thở! Thương mẹ phải chịu nhẫn nhục, tần tảo để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con. Sống cảnh ê chề! Vì con mẹ phải chấp nhận hy sinh tất cả, hy sinh cả tuổi thanh xuân để đổi lấy thứ tình yêu bạc bẽo, cam tâm làm kiếp tôi tớ. Nợ đời cho đến bao giờ trả mới xong, có lần chịu không nổi tính gia trưởng độc ác của chồng bà liều bỏ trốn, liền bị ông phát hiện. Ông đánh bà thành tật! Thân tàn ma dại làm bà khiếp từ đó. Được lướt, ông càng làm trời trong nhà. Sự bạo hành ngược đãi vợ con, bưng bít bởi vỏ bọc bên ngoài tỏ ra lịch sự, tử tế. Ông tuyên bố việc trong nhà không bép xép “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Còn khi đã nhậu, là nhậu tới bến ngoắc cần câu. Chữ nghĩa không được bao nhiêu nhưng tỏ ra ta đây hiểu đời, dạy khôn kẻ khác, có người một vài lần góp ý nhưng tính bảo thủ nặng, lại hiếu thắng nên mọi người xa lánh, chịu lún cho xong chớ dại mà dây kẻ hàm hồ càn gở. Vì lão là ông trời mà.

Duyên không thể chịu như mẹ, Duyên phản đối áp đặt trong hôn nhân và phẫn uất về hành xử vũ phu của người cha. Duyên trốn nhà ra đi trong đêm tối! Lủi bụi này, nấp xó kia, để không bị phát hiện! Vừa mệt vừa đói, áo quần rách bươn, ngất, xỉu mới thoát ra khỏi làng, xã, gần sáng Duyên tới được một xóm nhỏ cách khá xa, có lẽ tới cả chục cây số. Ở đây không ai biết được tung tích của Duyên. Khó khăn lắm, tới cả chục lần gõ cửa đều vô vọng. May thay gặp được một gia đình chỉ có hai ông bà già, họ chạy ra thấy Duyên lả đi, rũ rượi như tàu lá chuối, thương tình bèn đưa vào nhà chạy chữa thuốc thang, suốt cả tuần, dần dần cô mới hồi phục, nhưng còn rất yếu. Khi sức khoẻ hoàn toàn trở lại, cô nhìn quanh, thấy căn nhà tranh phên thưng vách nứa, hai vợ chồng già sống với nhau vật dụng đơn sơ. Họ nhường chiếc giường con ưu tiên để Duyên nằm, còn hai ông bà trải chiếu ra đất nằm tạm. Trận ốm kéo dài cả tháng may nhờ vợ chồng ông lão bà lão tốt bụng chăm sóc, coi cô như con, giang tay cứu giúp, giành giật từ tay tử thần trả lại mạng sống cho cô. Duyên coi họ như ân nhân đã sinh ra lần thứ hai cô sẽ mang ơn suốt đời.

Từ một cô bé sống một cuộc sống đầy đủ về vật chất, tiền đồ xán lạn, sau một đêm ngủ say, thức dậy bỗng trở thành cô lọ lem, phải tá túc nhà thiên hạ, ăn uống thanh đạm tựa như trong câu chuyện cổ tích. Duyên sống với ông bà cụ được hơn một năm thì cả hai ông bà cùng lần lượt ra đi về với tiên tổ. Trước khi nhắm mắt xuôi tay ông bà còn kịp trăng trối gửi Duyên cho người cô, ở mãi tận cùng xứ sở miền Nam. Lại một lần nữa Duyên đi ở với người chủ khác, tiếp tục cuộc hành trình xa xứ.

Ngày tháng trôi mau, để lại sau chuỗi ngày đắng cay đau khổ. Duyên đã tự mình gượng dậy để sống có ích cho đời. Nghị lực vươn lên của người con gái ở cái tuổi xuân thì chưa kịp học xong lớp 9 phổ thông, non nớt bất hạnh là thế, bỏ trốn khỏi nhà ra đi, giờ cô trở thành một y sĩ giỏi, đang tiếp tục hàm thụ chương trình đại học ở một bệnh viện cấp huyện, lập gia đình. Hai con học được ở mẹ ý chí nghị lực từ hai bàn tay trắng làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống.

Thế anh chàng rể hụt giờ sao rồi? Tôi hỏi Duyên!

– Anh ấy thật tình không có lỗi, chỉ tại ép duyên giữa hai gia đình mà con cái chịu tội. Sau khi không cưới được em, anh ta nghỉ học ở nhà một thời gian, sau đó vào bộ đội giờ cũng là sĩ quan. Lấy cô vợ trước là bạn học cùng lớp với em.

– Bố em sau lần bị sốc, lên tăng xông, đột quị vì bị cao huyết áp, liệt nửa người, tính tình thay đổi, mủi lòng hay khóc! Mỗi khi nhắc đến em! Mẹ em đã mất! Giờ em mới về. Em ân hận nhưng bát nước lỡ đổ, vớt lại làm sao được. Em có ngày hôm nay cũng nhờ bố mẹ nuôi, cô nuôi, cùng bao người khác đã đối xử tốt đối với em.

– Cuộc sống thật phức tạp anh nhỉ! Em không dám nhận là mình có nghị lực nhưng hoàn cảnh buộc em phải thích ứng! Chính hoàn cảnh đã dạy em cách sống biết tự chọn cho mình một hướng đi phù hợp.

Trong lần công tác tôi đã ghé thăm người bạn, gặp trên chuyến xe từ Rạch Giá về Thành phố Hồ Chí Minh. Thấy Duyên sống hạnh phúc vui vẻ, đón tôi như đón người thân lâu ngày. Bạn bè cơ quan của Duyên tới chung vui, nghe tác phẩm văn chương tán thưởng. Riêng Duyên tủm tỉm cười!

N.V.T

Đảo Phú Quốc tháng 10 năm 1992