“Duyên” và những nỗi niềm suy tư, khắc khoải – Bài của Nguyễn Văn Hòa

225

            (Nhân đọc tập thơ Duyên của Nguyễn Thế Kiên, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2023)                         

(Vanchuongphuongnam.vn) – Duyên là tập thơ mới nhất của Kiên lục bát. Đây là tập sách thứ 15 trong hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Thế Kiên. Lục bát là sở trường của anh, vì thế đọc những bài thơ lục bát anh viết bao giờ cũng để lại cho người đọc những ấn tượng đặc biệt. Không chỉ trên bề mặt câu chữ, hình ảnh, tứ thơ mà bằng tài năng, vốn sống, vốn hiểu biết của mình nhà thơ Nguyễn Thế Kiên đã mở rộng biên độ cho sự liên tưởng, sáng tạo. Mở ra hiện thực cuộc sống với bộn bề những giá trị thực – ảo, tốt – xấu, thiện lương – hiểm ác… Tất cả được anh chuyển tải, gửi gắm vào thơ bằng một giọng điệu lạ, trong trẻo và giàu chất suy nghiệm.

Trong vuông vắn bốn mặt ngày/ Ta tròn trịa những vai này vai kia/ Lật mình qua mỗi trang khuya/ Cơn mơ chẻ nỗi đêm chia bóng người (Duyên).

Tập thơ Duyên gồm 70 bài và được chia ra làm 3 phần:

Phần 1: Từ cõi em (18 bài)

Phần 2: Trong vũm thế (21 bài)

Phần 3: Dưới vòm chữ (31 bài)

Cả tập 70 bài thì có 54 bài được viết theo thể lục bát. Vì thế ta xem đây như là tập lục bát của Nguyễn Thế Kiên.

Sự khéo léo và linh hoạt trong cách vận dụng các hình ảnh, cấu tứ đã tạo nên sự độc đáo trong thơ lục bát của Nguyễn Thế Kiên nói chung và tập thơ Duyên nói riêng.

Xuyên suốt trong tập thơ Duyên là tình sâu nặng với làng, với quê hương, với những gì vốn dĩ gần gũi thân thuộc. Tất cả đã ăn sâu trong huyết mạch, trong tiềm thức nhà thơ. Bởi sống ở nơi phồn hoa, đô hội; phố thị dập dìu với bao hào nhoáng, lộng lẫy nhưng cũng lắm cạm bẫy, bất an nên Nguyễn Thế Kiên vẫn luôn hướng về mảnh đất chôn nhau bằng thứ tình cảm đặc biệt nhất.

Cái tôi mang nhiều nỗi niềm hoài niệm thể hiện hầu khắp các câu thơ, bài thơ của Nguyễn Thế Kiên. Có những hoài niệm đẹp đẽ trong quá khứ thì giờ đã không còn nữa. Nhất là sự thương nhớ khôn nguôi về những người thân yêu ruột thịt; tiếc nhớ cho làng quê một thuở yên bình giờ đang “hóa phố”; tiếc thương cho bản sắc văn hóa làng đang ngày càng mai một…

Hoài niệm đồng hiện cùng với thực tại càng làm cho nhà thơ có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Nhưng ta thấy chủ đạo vẫn là buồn, nỗi buồn đầy chắt lắng, xốn xang. Ta ngồi thơ chuốc rượu lành/ Nghe canh cách cạn mong manh vào chiều…/ Đã mờ bốn phía cho rêu/ Lõm xưa đã phẳng sau nhiều dửng dưng/ Ngỡ xoay tròn lại ngập ngừng/ Nào đâu chén cạn lại bừng lên men (Cạn…).

Nguyễn Thế Kiên sống thật với lòng mình và cất lên tiếng nói tha thiết từ đáy sâu tâm thức. Do vậy những gì anh viết đều là những dồn nén từ những điều có thật. Nhưng từ những điều có thật ấy thông qua những thủ pháp nghệ thuật, Nguyễn Thế Kiên đã ký gửi vào đó biết bao nỗi niềm: Mắc anh vào chiếc lưỡi chiều/ Tay mồi búng gió đã liều mấy cơn./ Ao quê về lại gốc mòn/ Câu thơ ấu giữa mạch nguồn bóng xưa…// Chân người thả một cơn mơ/ Góc cầu ao hóa bây giờ… biển xanh/ Câu năm, câu tháng cõi lành/ Phao chiều nổi trắng mong manh gió về (Câu).

Cái tôi cô đơn, khắc khoải, hoài nghi cũng luôn hiện diện và thể hiện xuyên suốt trong tập sách này. Mỗi lúc chông chênh, tinh thần bất ổn, hoang mang trước những dâu bể của cuộc sống thì quê nhà chính là nơi anh “trở về” để nương náu, để được chở che và xoa dịu những vết thương lòng. Con về dưới tán quê hương/ Câu thơ trĩu thắm gió sương đồng làng./ Bàn tay chuốt cọng rơm vàng/ Lạy muôn bồi khuyết đa mang thành mùa// Lá vườn xanh một khoang trưa/ Ầm ầm cơn gió, hồn mưa một thời/ Nhòe nâu kia bóng cha ngồi/ Những tần tảo vót bóng đời nan tre.// Con chuồn đậu ngủ dưới quê/ Sây hương mít chín thơm hè vô tư/ Tiếng rao kẹo kéo trong mơ/ Ngọt đường trưa níu vạt tơ hồng vàng// Giấc làng ngắt giữa hoang mang/ Smartphone đổ chuông ngang mạch chiều… (Về quê).

Chỉ 4 câu thơ trong bài Trong trang cổ thư mà chuyển tải và gợi cho người đọc biết bao suy ngẫm: Thế thời hóa kiếp vào đây/ Trong vuông vắn những đắng cay không mòn!/ Mắt đời đọc phía ngọn nguồn/ Đằng sau bóng chữ hiện muôn bóng người.

Với tư cách là một công dân, một người hoạt động ở lĩnh vực văn chương chữ nghĩa, Nguyễn Thế Kiên luôn có ý thức đấu tranh, phản biện trước những vấn đề nổi cộm, bất thường, nhức nhối của xã hội. Bởi Nguyễn Thế Kiên hiểu rằng, trong một xã hội, một đất nước văn minh, tiến bộ thì không thể để những cái xấu, cái ác, cái bất công, cái phi lôgic… sinh sôi, nảy nở. Phải bằng mọi cách thức, phương pháp loại bỏ, tẩy chay, phòng ngừa… Làm được như thế mới có thể có một xã hội an bình, văn minh theo đúng nghĩa. Thơ anh tất cả đều hướng về những điều nhân bản ấy. Tuy nhiên, ở tập thơ Duyên, hầu như nhà thơ không trực diện phản ánh những bất cập của đời sống xã hội như những tập thơ trước mà anh đã có những giãi bày sâu kín bằng cách của riêng anh. Mượn những câu chuyện tình yêu, những câu chuyện đời thường, những sự việc diễn ra trong đời sống thường nhật để anh chuyển tải đến những vấn đề có chiều sâu nhân bản. Nhà thơ đặt ra sự nghi vấn giữa đúng và sai, giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa đạo đức giả và phi đạo đức, giữa được và mất, lúc gặp thời và khi sa cơ…

Thấy mình bình chân như vại/ Ngoài kia sáu mặt bạc tiền/ Bể đời ngổn ngang danh lợi./ Tự cười kéo mặt mình lên// Bác thuyết tầm cao vời vợi/ Anh dạy toàn lẽ huyền vi/ Vênh vênh giả mùa khiêm tốn/ Biết gọi anh là nhà gì.//…… Lạ thời mười phương lễ bái/ Bao nhiêu thần thánh lên đài/ Phù sinh nối màu dạy đức/ Thế mà đời cứ luân sai! (Đúng và sai).

Có những lúc dường như anh nản lòng, bất lực trước những điều vô nghĩa, lệch chuẩn, tha hóa, đảo lộn, xuống cấp… Và có lúc nhà thơ cũng đành phải chấp nhận, “cố vui” để mà sống mà yêu cho trọn kiếp. Ngai vàng thếp cuộc máu rơi/ Muôn năm rớm mắt thế thời đây em./ Kìa mây gió ở muôn miền/ Trên sinh – tử cứ điềm nhiên vĩnh hằng (Buôn chuyện với em).

Những vần thơ về đời, về người, về làng quê, về phố thị, về tình yêu và tất cả những vấn đề thế sự nhân sinh lần lượt được ra đời. Bão đời quật, đất lại nâng/ Đồng làng vẫn vệt bâng khuâng xanh chiều./ Màu thanh minh biết đăm chiêu/ Nén hương đất cũng trổ nhiều thảo thơm./ Cỏ xanh thấm những nguồn cơn/ Quân vương ra rả vui buồn đẩu đâu./ Thế thời đỏ đắn lên màu/ Muôn năm vọng xuống đất nâu nghẹn mùa/ Chỉ cần vơi chát, bớt chua/ Còn hơn dựng vạn mái chùa nhân sinh (Thanh minh giữa bão).

Đó là cái hay và cũng làm nên nét độc đáo, trở thành thương hiệu, thành phong cách, thành “đặc sản” cho riêng anh là thơ lục bát/ Kiên lục bát. Hầu như bài lục bát nào của Nguyễn Thế Kiên cũng thấm đẫm những nỗi đời, nỗi người qua việc anh dùng từ ngữ rất “khéo”.

Mỗi ngày lên một hoang mang/ Ta ngơ ngác giữa dọc ngang cõi mình// Vèo vèo một cuộc – trường – chinh/ Tháng năm cuốn vụn nẻo lành chân mây/ Chỉ còn lỏng lẻo khuôn ngày/ Bóng ta diễn vội những đầy đặn suông (Trước một hoang mang).

Khéo và tự nhiên đến độ đôi khi tôi cứ nghĩ dường như anh nói chuyện bằng lục bát, kể chuyện bằng lục bát, biểu lộ tình cảm, cảm xúc bằng lục bát. Hình như trời sinh ra anh để làm thơ lục bát? Trong chốn hồng trần, mênh mang bao nỗi vui buồn nhân thế, nhà thơ tìm về làng và cất lên tiếng gọi da diết đầy thổn thức: “Làng ơi…”

Ta hoa cỏ một trần gian/ Giữa phù sinh cứ nhênh nhang trổ mùa/ Đất làng dạy ngọt từ chua/ Dạy phèn trả mặn những mùa nhân sinh// Em trong vía trúc đầu đình/ Cho ta phơ phất xanh nhành chiêm bao/ Mẹ ta kinh kệ trời cao/ Lưng còng đất thấp đỡ bao nỗi người// Chiếu xanh in bóng cha ngồi/ Vầng mây bạc lững lờ trôi cuối ngày/ Ngàn năm êm ả phương này/ Trăng sao kể chuyện vơi đầy thế gian…// Ta đi mang những tấc làng/ Gói vuông tròn giữa mênh mang bể đời/ Lúa khoai cần mẫn nuôi người/ Thẳm thiêng làng một ngôi Trời – Đất – Quê!.

Ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Thế Kiên mang vẻ đẹp và sự sáng tạo độc đáo. Bởi có những từ ngữ được anh sử dụng mang một ý nghĩa và giá trị riêng. Có những điều vừa quen, vừa lạ; có những thứ vừa thực, vừa ảo; có những điều trừu tượng, vô hình… Qua cách nhìn nhận, diễn đạt của nhà thơ tạo nên sức ám gợi đối với độc giả. Gặp mùa em… là một bài thơ thật sự ấn tượng, bởi nhà thơ có sự liên tưởng bất ngờ, độc đáo thông qua hệ thống từ ngữ rất riêng (“sậm sật chiều”, “lênh phênh gió”, “cơn cớ hạ”, “dấu chân lỡ mùa”…), cùng với các thủ pháp nghệ thuật được vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả; buộc người đọc phải suy ngẫm.

Nguyễn Thế Kiên đã tạo ra nhiều kiểu không gian, thời gian nghệ thuật đặc trưng có sức gợi vô cùng phong phú. Để từ đó nhà thơ có dịp bộc lộ những yêu thương, trăn trở, những suy nghiệm nhân sinh và cả những ẩn ức mà chưa có dịp tỏ bày.

Nhà thơ không bao giờ dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài mà luôn đi vào bên trong để khám phá, phát hiện ra bản chất của vấn đề và đưa ra những nhận xét, bình giá rất sâu sắc. Đối diện nhé, những nụ cười giả lả/ Cái bắt tay bên cốc chén nghiêng người/ Sâu thẳm nhé, ván đời luôn mặc cả/ Mức giá nào cho sự thật đang vơi?// Tin yêu ạ, chỉ một điều luôn thật/ Là cõi ta không tuyệt đối bao giờ/ Nếu chung thủy như những lời thề hẹn/ Thì cõi người chắc hết cửa sinh sôi (Đối diện 14.02).

Tiếng mùa trong chiếc cốc úp ngược là một bài thơ gợi cho người đọc, người nghe bao suy ngẫm về thế cuộc, sự đổi thay, bao nghịch lý đảo điên, xô bồ, hỗn tạp, bất thường, bất cập… luôn ẩn hiện và có thể ập đến bất cứ lúc nào. Chiếu vừa mới giải mật thư/ Cốc trong tay đã âm u gió lùa/ Ở đây nghìn nghịt nắng mưa/ Muôn nghìn cái miệng lên mùa ba hoa…// Vui buồn lảo đảo đi qua/ Rỗng không úp ngược cơn xa cớ gần.

Chuyện với bão, nhà thơ không chỉ đơn giản chỉ nói chuyện bão giông của tự nhiên như vốn có mà ở đó anh còn mở ra một trường liên tưởng rộng hơn, sâu lắng hơn. Mong nhận về những ngọt ngào, yêu thương, lẫn niềm tin, hy vọng trong tình yêu và nỗi nhớ. Ở đây ngọt nắng thơm mưa/ Trời xanh trong một cữ đùa hóa công./ Này cơn bão đã sang sông/ Ta mơn mởn gió đòi không nợ mùa?

Những nhận thức về tình yêu, về cuộc đời, về sự sống của chủ thể trữ tình thường được gửi gắm vào các sự việc, các hình ảnh tương đồng trong thế giới tự nhiên, hoặc sự liên tưởng thông qua các biểu tượng. Sự kết hợp giữa so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ… khiến cho thơ Nguyễn Thế Kiên chứa nhiều tầng nghĩa, tạo nên những bất ngờ trong nhận thức của người tiếp nhận. Biểu hiện một cách sinh động, đầy đủ, sát thực những nội dung tình cảm phong phú và phức tạp, thấm đẫm cảm xúc của chủ thể trữ tình. Bốn phương thế cuộc dương trần/ Gió âu lo thổi vũ vần nhân sinh/ Lặng nguyên khai những nụ lành/ Nỗi niềm gốc cội dâng thành khói sương./ Kiếp người trong cuộc âm dương/ Em ơi, thái cực theo đường trầm luân/ Dồn nhau trong cõi tão tần/ Đến bom đạn cũng âm thầm sinh sôi… (Trong tay đôi mụn ngày lành).

Nguyễn Thế Kiên là một trong số những nhà thơ hiện đại trung thành và nhất quán với thể lục bát. Nhà thơ đã ký thác được nhiều cung bậc, sắc màu khác nhau của đời sống tâm hồn trên cơ sở những trải nghiệm và suy tưởng. Nguyễn Thế Kiên kế thừa những tinh hoa của thể lục bát truyền thống, cùng với kinh nghiệm, vốn sống, sự sáng tạo của bản thân, anh đã đem đến cho người đọc những vần thơ lục bát đầy biến hóa, có khả năng biểu đạt những tâm thức sâu thẳm của con người hiện đại.

          NGUYỄN VĂN HÒA