Em chỉ là… – Truyện ngắn của Lê Văn Huân

914


Tác giả Lê Văn Huân.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tốt nghiệp ra trường, em về công tác cùng huyện với tôi. Tìm nơi để trọ lại tiếp tục một sự ngẫu nghiên rơi vào khu tôi đang ở. Lần đầu tiên sống tự lập xa nhà, với đồng lương ở mức khởi điểm của bản hợp đồng tập sự. Em toan tính đủ bề, nỗi lo cơm, gạo tiền… dằn xé trong em. Bốn năm xa nhà vùi mình trong sách vở, mẹ chắt chui từng đồng trên thúng cá vụn nơi bãi sông ngang để lo em no bụng, ấm người nơi đô thị. Em hiểu cảnh nhà, ghi sâu tình mẹ siêng năng học giỏi mong ngày đăng khoa, lập nghiệp… hằng mong mẹ vui.

Với sổ ghi chép chi tiêu hằng ngày, em bảo: “Ghi thế để biết mà chi tiêu cho có kế họach, đỡ lãng phí”. Tôi hiểu lòng em với lương tháng hơn một triệu ba trăm ngàn đồng. Tiền nhà ngốn hết ba trăm nên em phải làm thế. Ngày nào em cũng ghi tỉ mỉ như một thói quen, đôi lúc em cảm thấy vui vui vì được làm công việc kế toán tài chính nho nhỏ của riêng mình. Thế mà có tháng mẹ phải cho thêm.

Tôi cầm cuốn sổ lật lật, xem xem. Toàn chữ là chữ em ghi chẳng sót ngày nào mà ngày nào cũng từa tựa như nhau, đại khái: Điểm tâm năm nghìn; ăn trưa mười nghìn, ăn tối…, kem đánh răng…, xà phòng giặt, dầu gội …, card di động… Tổng cộng…

Bỗng tôi đọc to: ăn mai…, ăn trưa…, ăn tối… cho ăn xin hai ngàn đồng!

Em chạy lại giằng lấy quyển sổ.

– Mô phật – Tôi nhăn mặt như chọc tức em – Không thể chấp nhận được! ghi gì thì ghi chứ cho ăn xin hai đồng mà cũng ghi. Chi li quá, quá là chi li, dễ sợ thật…

Em đỏ bừng mặt cãi lại:

– Có chủ ý đâu, do thói quen đó. Còn hơn có kẻ nhìn thấy người ta khổ sở mà chẳng thèm động lòng xót thương.

Tôi không cười nữa, im lặng. Em cũng im lặng. Một cảm giác buồn, nặng nề bao trùm lên cả hai. Hôm nay mới thấy ở em có một sự thánh thiện muôn ngần. Thời gian trôi chầm chậm từng khắc, từng khắc…

***

Hôm nhận được phụ cấp tăng giờ, tôi đón em cùng ăn cơm chiều. Quán buồn vắng khách. Bàn bên ba người khách còn trẻ khá bảnh bao, áo quần sang trọng vừa uống, vừa bàn tán, thỉnh thoảng lại cười ha hả nghe có vẻ khoái trá. Một em bé tóc vàng hoe, xơ xác, áo vá, chân trần, tay bê rổ ổi bước vào quán rụt rè:

– Chú ơi! Mua giúp dùm con. Mẹ con bệnh, nhà không còn tiền…

Con bé chưa kịp nói hết câu một ngưòi lên tiếng: Bao nhiêu?

– Dạ chú cho con ba chục!

– Chỉ có mấy trái ổi vườn mà đòi ba chục!

– Tùy chú thương con, cho bao nhiêu cũng được để con về lo cho mẹ!

Một người rút từ từ trong ví ra tờ một trăm xanh lè, mới cứng. Em bé rụt tay lại vẻ sợ sệt, dường như nó nghĩ rằng chẳng ai hào phóng đến vậy. Người khách dúi tiền vào tay nó và giục cầm lấy. Nó ngạc nhiên không dám cầm. Tôi ngạc nhiên, em cũng ngạc nhiên, tất cả mọi người đều ngạc nhiên dồn ánh mắt về phía đó.

Người khách lại giục, con bé lưỡng lự, nửa tin nửa ngờ. Bất ngờ anh ta cười ranh mãnh hươ hươ tờ tiền và trịnh trọng hắng giọng:

Ờ… nhìn mày ông thấy cũng thương thương. Một người giàu lòng “nhân ái” như ta thì không thể đành lòng làm ngơ. Cho mày hai chục, tiền còn thối lại cho ông.

Hai thằng bạn vỗ đùi tán thưởng. Cả quán cơm cười ồ lên như chưa bao giờ được cười. Duy chỉ có em. Con bé tội nghiệp cụp mắt vô vọng định quay đi. Nó làm chi mà có số tiền để trả lại tiền thừa. Nếu có chắc nó không phải năn nỉ người ta để mong nhận chút lòng thương hại.

Thoáng nghĩ, em đứng lên bước nhanh lại, thản nhiên cầm lấy tờ tiền trong tay người khách đang bất ngờ sững sờ, đưa cho con bé và đặt xuống tất cả số tiền trong túi đủ tám chục ngàn y. Con bé òa khóc. Mọi người im lặng, ngượng nghịu nhìn lảng đi. Em vỗ vai cô bé dỗ dành và quay gót.

Người khách như rớt từ đài cao xuống đất, bực bội nhưng cũng chỉ lầm bầm: “Ranh con!”

Tôi và em bước ra khỏi quán. Tôi bảo:

– Em thật là tuyệt – hành xử như nhà triệu phú, như là hiệp sĩ – nhưng cuộc đời này đầy rẫy những chuyện tương tự như thế, liệu em có ra tay giải quyết được hết không, em thật là lãng mạn…

– Em chẳng là ai hết, em chẳng phải người chi li, cũng không phải là người quá lãng mạn, không phải là triệu phú càng phải chẳng là hiệp sĩ, em chỉ đơn giản là em. Thế thôi…

L.V.H