Em gái Cần Thơ

1361

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Việt Hồng hy sinh ngày 17/3/1969 tại Cần Thơ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cảm xúc trước sự hy sinh của nữ Anh hùng, nhà thơ Ngũ Lang (Nguyên Tổng Thư ký hội Văn nghệ Giải phóng TP. Cần Thơ) đã viết bài ca ngợi liệt sĩ cho Hội Trí thức Yêu nước TP. Cần Thơ đọc trong buổi mít-tinh tổ chức vào một ngày đầu vừa thống nhất đất nước năm 1975. Nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Thanh cũng nhắc đến Nguyễn Việt Hồng trong nhạc phẩm “Thành phố yêu thương” (giải Nhất – trong số 1/96 ca khúc) của cuộc thi âm nhạc Chào mừng Ngày Thống nhất Đất nước năm 1975 do thành phố Cần Thơ tổ chức và được trình bày trên Sân khấu Câu Lạc bộ và trên sóng đài Phát thanh Cần Thơ. Hiện nay, Anh hùng-Liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng có tên được đặt cho một trường Trung học Phổ thông lớn và tên một con đường khang trang rợp bóng cây xanh tại giữa lòng nội ô thành phố Cần Thơ.


Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Việt Hồng (1950-1969).

Trong đời, tôi như một gã lãng tử giang hồ có cuộc đời thăng trầm lang thang đây đó khi làm nghề gõ đầu trẻ. Nhưng đôi lúc tôi cảm thấy mình cũng may mắn đã nhận được ít nhiều vốn sống hữu ích cho việc cầm bút sau này. Thập niên 1970, khi đổi chỗ cho một người bạn, tôi về dạy Văn và Mỹ thuật tại trường Trung học Long Mỹ, Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang). Tính tôi có thói quen vào chủ nhật, ngày lễ cùng học trò đi về miền quê tham quan và vẽ phong cảnh ngoài trời. Những địa danh kháng chiến lịch sử nổi tiếng ở Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Xà Phiên,… thuộc huyện Long Mỹ khi ấy là những nơi người dân quê đang phải điêu đứng hứng chịu nhiều đạn bom lúc bấy giờ. Do vậy, tôi đã phải hai lần làm bảng tường trình (hình thức bản kiểm điểm ngày nay) nộp cho chính quyền địa phương! Nhưng cũng từ đó, tôi hiểu thêm để rồi cảm thông với bà con ở vùng trái độn nông thôn giữa hai thế lực đối dịch chiến tuyến. Nhờ vậy, sau ngày thông nhất, tôi được hiểu nhiều và cảm thấy yêu thương những con người yêu nước và bạn bè văn nghệ sĩ như các nhà văn Lê Vĩnh Hòa (Đoàn Thế Hối), Dạ Ngân (Nguyễn Thị Hồng Hoa), nhà thơ Trần Hồng Thắng, NSƯT Nhiếp ảnhTrịnh Thị Linh Phượng… và anh hùng – liệt sĩ  Nguyễn Việt Hồng… Các anh chị vốn là những người sinh ra và hoạt động tại vùng đất xa xôi từng chịu nhiều tóc tang vì bom đạn. Riêng chị Nguyễn Việt Hồng được coi là một biểu tượng đặc thù nổi trội trong số những người hoạt động cách mạng rất khả kính đó.

Nguyễn Việt Hồng (1950-1969) sinh ra và lớn lên tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc Hậu Giang) cách thành phố Cần Thơ khoảng 78 km. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng mà cha mẹ đếu là cán bộ kháng chiến.

Thân phụ Nguyễn Việt Hồng là Nguyễn Hùng Sơn (Nguyễn Văn Quý) hoạt động bị địch bắt. Mẹ chị là bà Phan Thị Tốt nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. HCM. Năm 15 tuổi, Phan Thị Tốt đã tích cực tham gia phong trào cách mạng tại huyện Tam Bình, bị địch bắt giam vì tội phỉ báng quận trưởng. Sau khi được trả lại tự do, bà Phan Thị Tốt thoát ly gia đình, đi gầy dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi như Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau…  Năm 1940, khi tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Cà Mau, bà bị địch bắt giam, giữ tại khám Chí Hòa cho tới năm 1945 mới được thả ra. Năm 1964, nghe cha bị bắt và hy sinh trong tù khi Nguyễn Việt Hồng mới 14 tuổi. Căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Việt Hồng xin mẹ theo cách mạng và được phân công vào đội biệt động thị xã Cần Thơ. Nợ nước thù nhà, trước khi thoát ly gia đình, Việt Hồng  khẳng khái nói với mẹ: “Con đi trả thù cho cha. Nếu hy sinh thì con theo bước anh hùng Võ Thị Sáu chết vinh quang vì Tổ quốc”.

Mới tham gia, Nguyễn Việt Hồng được phân công làm nhiệm vụ giao liên trong thị xã. Với vỏ bọc là một cô nữ sinh hiền lành, Việt Hồng đã nhiều lần qua mắt địch, đem được nhiều truyền đơn và vũ khí vô nội thành, tham gia rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà Lê Minh Châu, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ nhớ lại: “Tánh con Hồng giống hệt như mẹ nó, cương quyết, thẳng thắn, trung thành. Làm việc gì là quết làm cho tới nơi tới chốn, con nhỏ này gan cùng mình”.

Sau Tổng công kích Mậu Thân 1968, bọn giặc cay cú, tăng cường càn quét, khủng bố các cơ sở cách mạng. Ở cương vị chính thức là biệt động, Nguyễn Việt Hồng gan góc xung phong xin được đánh vào trung tâm thị xã Cần Thơ. Sau khi nghiên cứu, nắm rõ giờ giấc sinh hoạt, khỏang 9 giờ tối ngày 12/3/1969, Nguyễn Việt Hồng cùng một nữ biệt động khác nhận nhiêm vụ đặt mìn đánh cư xá Mỹ, bên cạnh điểm sinh hoạt của đám Phòng vệ Dân sự gần sân vận động, trên đường Quang Trung. Quả mìn được đặt an toàn đúng vào vị trí đã định và bấm kíp mìn hẹn giờ. Nhưng do sự cố kỹ thuật, đúng giờ mà mìn không nổ. 5 giờ sáng ngày 13/3/1969, vì sợ lộ điểm đánh và gây thương vong cho bà con, Việt Hồng quyết định quay lại chỗ cũ lấy mìn mang về. Nhưng không may, mìn phát nổ làm Hồng bị giập nát hai chân. Ngay lập tức, bọn lính Mỹ xông ra đánh Hồng, tra hỏi. Dù đau đớn, Nguyễn Việt Hồng vẫn mưu trí trả lời: “Gia đình tôi ở miền Trung bị giặc Mỹ giết hại nên tôi vô đây tìm diệt Mỹ, không có bà con thân thích gì ở đây…”. Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, bọn giặc đưa Việt Hồng vào nhà thương Thủ Khoa Nghĩa để chữa trị, âm mưu khai thác để tìm thêm manh mối cơ sở cách mạng. Trong mấy ngày nằm ở bệnh viện, bọn giặc đã dùng mọi thủ đoạn để điều tra. Từ ngon ngọt dụ dỗ, mua chuộc đến dùng vũ lực trấn áp hăm dọa, nhưng chúng cũng không lung lay được ý chí của người phụ nữ anh hùng. Trong đau đớn, Nguyễn Việt Hồng vẫn gan góc nói lên những lời lên án mạnh mẽ đanh thép trước kẻ thù: “Tao thù Mỹ, tao ghét Mỹ, chúng mày đừng có nói gì thêm. Muốn biết thì mổ bụng tao mà xem trái tim tao. Mỹ cướp nước, giết cha mẹ, đồng bào tao nên tao đánh Mỹ”.

Bất ngờ, Nguyễn Việt Hồng chồm dậy, dùng tất cả sức lực còn lại của mình sau năm ngày bị thương nặng không ăn uống, chớp nhoáng chụp cắn vào cánh tay tên Mỹ đứng gần. Hắn hốt hoảng kêu cứu. Bọn giặc xúm lại đánh chị bất tỉnh. Bực tức không khai thác được gì, bọn Mỹ cưa chân chị nhiều lần… Đến 2 giờ sáng ngày 17/3/1969, Nguyễn Việt Hồng bị giặc giết.

Một người dân có nhà ở gần sân vận động Quang Trung gần cư xá Mỹ khi ấy kể lại một câu chuyện rất cảm động làm người dân Cần Thơ nhớ mãi không bao giờ quên. Sau khi Nguyễn Việt Hồng bị giết, bọn giặc đem xác chị bỏ trước nhá xác cả ngày. Lúc này, mặt chị bị chúng đập giập nát và bụng bị đâm nhiều nhát. Nhưng sáng hôm sau thì xác Nguyễn Việt Hồng bỗng biến mất. Thì ra bác công nhân giữ nhà xác cảm kích tấm gương hy sinh của chị, nửa đêm lén lấy xác chị về chôn. Sau năm 1975, bác công nhân tốt bụng, giàu lòng nhân ái này đến thông tin cho chính quyền địa phương và hướng dẫn chỉ rõ nơi chôn xác của người nữ biệt động anh hùng.

Đồng chí Nguyễn Thi Nhung, nguyên Chủ tịch hội tỉnh Cần Thơ, sau ngày giải phóng, người đã tham gia trận đánh đó với Nguyễn Việt Hồng sau này nhớ lại: “Không khai thác được gì, bọn Mỹ cưa chân Việt Hồng từng đoạn, khiến chị ngất xỉu nhiều lần. Nhưng mỗi khi tỉnh lại, chị lại chửi Mỹ và bọn tay chân cho tới lúc hy sinh… Nguyễn Việt Hồng là một người con gái quá dũng cảm kiên cường”. Bà Nhung cũng có dịp kể thêm: “Do phải bí mật vì là biệt động thành, chị Hồng để lại những bức ảnh rõ ràng. Nhưng tôi nhớ ra chị là một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng, tóc nhiều và đôi mắt sáng long lanh đầy vẻ tinh nghịch”.

Ngày 10/02/1970, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã truy tặng Nguyễn Việt Hồng: Huân chương Chiến công Kháng chiến hạng Nhất cùng danh hiêu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Nguyễn Việt Hồng là người nữ chiến sĩ biệt động kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, xứng đáng là tấm gương sáng của phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, chiến tranh đuổi giặc giữ nước đã không còn, đất nước ba miền đã hoàn toàn sạch bóng quân thù. Mỗi khi được ai nhắc tới Nguyễn Việt Hồng hay có dịp đi ngang qua con đường mang tên chị, không ai trong lòng không cảm thấy bâng khuâng nhớ đến chị một thời quê hương còn đắm chìm trong bóng đêm nô lệ. Con đường Quang Trung bên cạnh sân bóng đá ngày xưa từng thấm ướt giọt máu hồng của người con gái quả cảm anh hùng ngày nay đã mang bộ mặt mới. Nó vừa trang nghiêm vừa trù mật với trụ sở của Ban Tuyên giáo thành phố, Hội trường thành ủy và Nhà hàng – khách sạn Cửu Long. Giờ đây ngày đêm tưng bừng nhộn nhịp với lớp lớp người qua lại, nồng ấm hơi thơ và tiếng nhạc lời ca của không gian một đất nước thịnh vượng thanh bình.

Nguyễn Việt Hồng trong tuổi thanh xuân đẹp nhất của người con gái, với cuộc đời đầy ý nghĩa đã sống và chiến đấu dũng cảm trong một thời binh lửa, Liệt sĩ Nguyễn Việt Hồng như một ngọn đuốc cháy bừng, rực sáng trên đất Tây Đô bất khuất anh hùng mà nhân dân Cần Thơ  ngày nay mỗi khi nhắc đến ai ai cũng xúc động và ngưỡng mộ.

N.T