“Em và tôi” – Nhớ nhau con mắt dẫn đường tìm nhau

903

Lê Xuân

(Đọc “Em và tôi” – Thơ Phạm Đình Sự – NXB Hội Nhà văn, 2021)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Tố Hữu đã nói: “Thơ là tiếng gọi đàn, là điệu tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Anh Phạm Đình Sự đã có tình yêu văn chương từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Rời mái trường quê hương ở Thái Bình, anh vào học ngành Dầu khí và Giao thông vận tải rồi trở thành kỹ sư cầu đường. Giấc mộng văn chương bị công việc lôi cuốn nên có quãng thời gian dài tạm xa thơ. Và từ khi nghỉ hưu anh mới dành nhiều thời gian và xúc cảm cho nàng thơ yêu dấu. “Em và tôi” là tập thơ tiếp theo các tập của anh đã xuất bản, như: “Buông diều” (NXB Văn hóa thông tin, 2012), “Trăng quê” (NXB Văn học, 2014).

Tập thơ “Em và tôi” của tác giả Phạm Đình Sự

Anh sáng tác thơ không mong mình trở thành nhà thơ mà đó chỉ là điệu tâm hồn của anh giãi bày cùng người thân, bè bạn, giãi bày cùng cỏ cây, hoa lá, đất trời, quê hương. Tiếng lòng sâu thẳm của tim anh, có khi cất tiếng hát, lại có khi ngậm ngùi suy tư sâu lắng, hoặc buồn vui bất chợt… cứ thế dâng đầy trong cảm xúc và ẩn vào trong mỗi dòng thơ. Hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ của quê mẹ Thái Bình hay ở vùng đất phương Nam đã thôi thúc anh cho ra mắt những bài thơ với sự rung cảm chân tình. Anh tâm niệm về lẽ sống thật đẹp với cái nhìn lạc quan:

Sống như lá thắm trên cành

Nắng mưa bão tố vẫn xanh hết mình.

(Xóm cũ)

Vì thế, mỗi vần thơ của anh đều nhằm phản ánh cuộc sống sinh động, phong phú qua sự cảm nhận, liên tưởng, suy tư về tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu cha mẹ, quê hương, đất nước. Anh làm thơ là để trải lòng mình với con người, cảnh vật, cuộc sống qua nhiều đề tài. Song, anh chỉ nhận mình là người tập làm thơ thôi:

Trời cho tôi tập làm thơ

Có dăm ba chữ mộng mơ ít từ.

(Tập)

Muốn có thơ hay đâu phải dễ, mà rất cần năng khiếu bẩm sinh mà ta thường gọi là “thiên phú” (trời cho). Thì anh đã có được ít nhiều của quý “trời cho” đó. Ta hãy nghe anh trải lòng mình cùng thơ và tự bạch như một tuyên ngôn về thơ:

Thơ và đời, đời và thơ

Đời xe sợi thắm dệt lời thơ hay

Ý thơ nắm gọn trong tay

Hương thơm lan tỏa ngất ngây lòng người

Bồng bềnh như thực như mơ

Chập chờn thể hiện trang thơ, trang đời

Chẻ đôi sợi tóc tình người

Hồn thơ chắt lọc những lời thanh tao.

(Thơ đời)

Anh quan niệm thơ của mình là do đời xe duyên cho tình thơ ngát hương cùng cuộc sống, làm ngất ngây lòng người. Và để có được những trang thơ bay lên cùng trang đời, tác giả phải làm một công việc rất tinh diệu như người “chẻ đôi sợi tóc”. Một con người có trách nhiệm và tấm lòng với thơ ca như thế thật đáng quý biết bao!

Đề tài anh tâm đắc hơn cả và có nhiều thành công ở tập thơ này là đề tài về tình yêu. Đó là đề tài vĩnh hằng của thơ ca nhân loại mà biết bao nhà thơ trên thế gian này đã viết. Nó là thứ nước mà như nhà thơ Xuân Diệu nói uống dập cả môi mà vẫn chưa đã khát. Những lời yêu của thơ anh cứ ngân nga theo nhiều cung bậc, khi vui vút cao như cánh diều, khi bâng khuâng ngậm ngùi, thủ thỉ, róc rách như nước trong vách núi chảy ra, khi đau khổ, dâng hiến. Nó như những đợt sóng lúc lăn tăn êm dịu, lúc cồn cào niềm thương, nỗi nhớ. Cảm hứng xuyên suốt tập thơ là những giấc mơ yêu luôn giục giã bước chân lãng du của anh trên sa mạc tình yêu đang tìm đến những ốc đảo để được uống ngụm nước mát lành của khát khao yêu thương:

Mắt em thả biển vào trong

Để con sóng sói nát lòng anh ra

Trời sinh nắng, đất sinh hoa

Ai sinh dan díu giữa ta với mình?

Rượu nồng dẫu một chén suông

Nhớ nhau con mắt dẫn đường tìm nhau.

(Mắt em)

Con mắt là “cửa sổ tâm hồn”, là “tuyệt tác của thiên thu”. Nhà thơ Lưu Trọng Lư trong bài thơ “Mắt”, đã viết: “Mắt em là một dòng sông/ Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em”. Còn với Phạm Đình Sự thì anh lại thấy “Mắt em thả biển vào trong” và anh ước sóng tình sẽ “xé nát lòng anh ra”, để anh tan vào con sóng đó trong biển tình của em. Tình yêu say đắm và cuồng nhiệt, dan díu ấy trong xa cách, anh chỉ tưởng tượng ra ánh mắt em là như đã gặp em rồi. Quả là “Nhớ nhau con mắt dẫn đường tìm nhau”. Một câu thơ có tứ lạ, tỏa sáng như ánh sao đêm trong biển tình dạt dào sóng nước. Tình yêu với nhiều cung bậc và lắm trăn trở này ta còn bắt gặp ở  bài “Em và tôi”. Anh khiêm tốn tự nhận mình là “hoa cải ven đồng”, là “hoa mộc”, là “thằng Cuội lỡ làng”…

Em như hoa huệ bên sông

Tôi như hoa cải ven đồng nhà quê

Em làm tôi phải bùa mê

Thế là lạc lối tôi về chiêm bao.

Các bài “Tự”, “Phu thê”… anh nguyện làm người chồng thủy chung và trách những ai đó để cuộc tình “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, để tình yêu chia năm sẻ bảy “tình đà san sẻ ai đầy ai vơi?”…

Say đắm trước vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa nhưng anh luôn đau đáu nỗi lòng về Mẹ và Quê hương. Đó là những hình ảnh luôn thường trực trong trái tim anh. Viết mẹ và quê hương, anh không bị sa vào những hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình đã trở thành mô-típ ước lệ mà những hình ảnh ấy luôn hiện lên thật gần gũi thân quen như những thước phim quay chậm, cận cảnh. Những vần thơ về Mẹ thật xúc động lòng người:

Mẹ tôi vốn dĩ nhà quê

Siêng làm từ thuở chưa về làm dâu

Mẹ tôi phơi lúa ngoài sân

Đàn gà tíu tít quanh chân quấy bà

Mẹ tôi tóc bạc răng đen

Nhớ thương thấm đẫm một miền nhà quê.

(Mẹ tôi)

Ở bài “Cúng mẹ”, ký ức ùa về làm hiện lên hình mẹ tần tảo bắt cua cá ngoài đồng giữa trưa hè nóng bỏng. Anh nhớ bát canh cua tỏa hương thơm ngát, và giờ đây anh chỉ biết cúi lạy mẹ yêu trước di ảnh và khói nhang nghi ngút:

Giờ đây quá nửa đời người

Chắp tay lạy mẹ, ngoài trời mưa giăng…                         

Anh là người gắn bó với vùng đât phương Nam đã hơn 20 năm, đi đến nhiều miệt vườn, phố thị nên những tên đất, tên làng, tên sông, tên núi ở miền Bắc hay miền đồng bằng châu thổ Tây Nam của Tổ quốc, nơi được coi như quê hương thứ hai của anh luôn ùa vào trong thơ. Những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ở miền quê Thái Bình hay ở Đồng bằng sông Cửu Long được anh ghi lại như một bức ký họa đầy sắc màu của cuộc sống, thể hiện một tình yêu quê hương, đất nước đằm sâu, da diết. Đây là tâm sự về “Xóm cũ” quê nhà:

Vẫn thôn xóm cũ ngày xưa

Đêm làng Mụa lất phất mưa một mình

Dặm đường mấy nẻo phù vân

Cuộc đời mờ tỏ bước chân ngập ngừng.

Về quê là về với hồn làng để ngắm vầng trăng sáng trên đồng ruộng, để được nghe tiếng sáo diều vi vu trong gió đêm, để nghe tiếng chuông ngân xóm đạo, để được nghe trẻ con hát đồng dao: “Vừa mưa vừa nắng/ Làng Giắng đánh nhau/ Làng Cau đi kiện/ Làng Kiến đi xem…”. Ở làng Mụa ấy có biết bao con người thân quen. Đó là thầy Chởi, anh Kiên, anh Đảm, chú Hùng, cậu Quyết, cậu Xuyền, cháu Trung…

Riêng bài “Thái Bình” dài 56 câu, khi họp mặt đồng hương Thái Bình trên đất Cần Thơ, anh nhắc tới mấy chục địa danh với nhiều kỷ niệm. Đó là Cầu Bo, Tân Đệ, Triều Dương, Trà Lý. Đó là Thái Thụy, Kiến Xương, Vũ Thư, Tiền Hải, Quỳnh Côi, Hưng Hà… Đó là những làng Nguyễn, làng Mẹo, Đầm Sâm, làng Vẽo, làng Mụa, làng Sen, làng Bùi… Và giờ đây trước sự xâm nhập của “đô thị hóa” thì nhiều thứ mất đi, tre làng, ao làng không còn nữa, đường làng đã bê tông hóa, nhà cao tầng mọc lên, tiếng nhạc trong quán sập xình cùng với các em “mặt hoa da phấn” làm chạnh lòng anh, để rồi anh phải thốt lên:

Thái Bình ơi, biết cho ta

Bấy lâu nén nỗi thiết tha nhớ người.

Bên cạnh những dòng thơ hướng nội tâm tình, anh còn có những dòng thơ hướng ngoại, dâng Bác kính yêu, nhớ tết trồng cây do Người phát động. Anh nguyện trọn đời theo Đảng, theo Dân. Các bài “Dâng Bác”, “Trồng cây”, “Đảng đã cho tôi tất cả”, “Đã là lính”, “Tôn sư trọng đạo”… là những lời tâm nguyện, lời hứa của anh với Bác, với dân tộc và đất nước:

Bác ơi! Bác cứ yên lòng

Dân ta còn Đảng máu hồng con sôi

Đường đi đã đổi mới rồi

Việt Nam sẽ đẹp hơn mười ngày xưa

Bác đi để lại ước mơ

Chúng con dệt tiếp thành thơ tặng Người.

Trước hiện thực cuộc sống muôn màu muôn vẻ luôn biến đổi anh đã điềm tĩnh nhìn nhận, đưa cảm xúc của mình đến với bạn đọc qua những bài thơ mang phong cách riêng. Tất cả đều nhằm phản ánh cuộc sống đa dạng, phong phú qua sự cảm nhận, nghĩ suy, rung động của con tim.

Thơ anh dù viết ở thể loại lục bát hay tự do, câu chữ, hình ảnh đều rất chân thực, giản dị. Trong thơ có nỗi đau nhân tình thế thái, có buồn vui cùng muôn kiếp nhân gian, có hoài bão, khát khao về một tình yêu lớn, có suy tư, trăn trở trước nghịch cảnh cuộc đời. Anh đến với thơ như một sự tình cờ, không chủ định nhưng khá thành công. Đúng như nhà văn Nam Cao đã nói: “Sống đã rồi hãy viết”. Anh đã sống rất nhiệt huyết và chân tình, gắn bó với đất và người miền Cửu Long Giang, đi nhiều, cảm nhiều, có vốn sống thực tế phong phú, nhưng trên hết là có một tấm lòng lộng gió bốn phương, luôn ngắm nhìn, nghĩ suy, xúc cảm chân tình để điệu tâm hồn luôn cộng hưởng, thăng hoa  cùng con người và cuộc sống. Bạn đọc tin rằng đường thơ của anh còn rộng mở và bay xa hơn nữa.

L.X

                                        (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)