Evtushenko cần sống thêm 20 năm nữa

651

06.4.2018-16:00

 Thi hào Evghenhi Evtushenko với bà vợ Maria và cậu con trai

 

Evghenhi Evtushenko:

“Tôi cần sống thêm 20 năm nữa”

 

TÔ HOÀNG chọn dịch

 

NVTPHCM- Còn nhớ, đầu những năm 1960, cùng với việc Thiếu tá Yury Gagarin – con người đầu tiên bay vào vũ trụ, một sự kiện khác cũng gây dư luận tại nước Nga – Xô Viết: những buổi đọc thơ của nhà thơ trẻ E.Evtushenko. Với thơ ông, lần đầu tiên công chúng yêu thơ không còn giới hạn trong các gian phòng chật hẹp, mà đã mở rộng ra những sân vận động. Không phải vô cớ, E. Evtushenko được mệnh danh là “Ngôi sao nhạc Rock” của nền thơ ca Nga thuở đó.

 

Tưởng niệm một năm ngày nhà thơ Nga Evghenhi Etushenko từ trần (1.4.2017-1.4.2018 ) báo Sự thật Thanh niên có cuộc trò chuyện với bà Maria Evtushenko, vợ góa của nhà thơ. 

 

* Bà vẫn tiếp tục thực hiện những dự định của ông nhà đã vạch ra đấy chứ? Còn nhớ trước đây, mỗi khi ghé qua tòa soạn chúng tôi, nhà thơ luôn luôn tỏ ra vội vã và rất thường hay nói: “Tôi cần sống thêm 20 năm nữa…”

 

Maria Evtushenko: – Đúng vậy đấy! Ông ấy cũng hay nói với tôi điều đã nói với các bạn. E. Evtushenko vạch ra nhiều dự định, muốn kịp làm tất cả khi tuổi già đã ập tới. Nói chung, ông ấy là con người ham công tiếc việc và rất ghét sống theo nhịp điệu bình thường.

 

Còn nhớ, vào năm 2015 khi chúng ta tổ chức Năm Văn học Nga. Khi đó chân của E.Evtushenko đã đau, ông đã cần tới chiếc gậy chống. Ấy vậy mà ông là nhà hoạt động văn học duy nhất đã tham dự mọi sinh hoạt suốt từ Saint-Peterburg đến tận thành phố Vladivostok, nằm tận cùng ở phía tây. Mà đi bằng tàu hỏa, cho tiện xuống các điểm mời. Các bạn tưởng tượng được không, trong 45 ngày ấy E.Evtushenko đã đăng đàn 26 lần. Buổi nào cũng từ 7giờ tối kéo dài tới tận 11-12 giờ khuya.

 

* Bà có thể nói gì về công trình nhiều tập “Hợp tuyển thơ ca Nga” của ông nhà?

 

– Với công trình này E.Evtushenko đã làm việc tới những giờ phút cuối của cuộc đời mình. Năm tập cả thẩy, bắt đầu với trường ca “Lời về trung đoàn Egoriev”. Ông ấy đã xem đi xem lại nhiều lần các bản dịch. Sau đó bản thân ông ấy đối chiếu các bản dịch với nguyên bản để chỉnh sửa lại. Ông ấy nói với tôi: “Masa, anh không thích họ dịch như thế này, như thế kia. Anh muốn tự dịch lấy”. Và E. Evtushenko bắt tay vào dịch.

 

* Bà gặp gỡ, làm quen với E.Evtushenko khi ông đã là một người từng trải. Vào lúc đó bà mới 23 tuổi. Xin được phép hỏi, khi đó bà hình dung cuộc sống tương lai của mình ra sao?

 

– Chắc các bạn cũng hiểu, tuổi 23 vẫn còn là thời kỳ mộng mơ. Lúc ấy tôi vừa tốt nghiệp ngành y của Trường đại học Tổng hợp Pretozavod và chỉ còn đợi 1 năm nữa là nhận bằng bác sỹ. Tôi muốn được chữa trị theo một chuyên khoa, nhưng là chuyên khoa nào thì chưa định hình…

 

* Nhà thơ có nói với bà rằng mọi mối quan hệ với Jean Batler đang được giải quyết. Bà có khuyên ông ấy giữ lấy gia đình của mình không?

 

– Chúng tôi ngồi ăn tối trong một khách sạn. Bỗng nhiên nhà thơ kể cho tôi nghe chuyện gia đình ông. Hai ông bà chưa chính thức ly hôn, nhưng Jean đã bỏ nhà mang theo hai đứa con trai của ông ra đi. Một ngày sau, qua bưu điện E. Evtushenko nhận được giấy ly hôn của bà ấy.  Nhà thơ nói: “Anh biết rằng, sống với anh là rất khó. Anh có nhiều công việc chưa hoàn thành, hay đi đây đó, luôn ngồi vào bàn… Anh không phải là mẫu người dành cho gia đình. Anh cũng hiểu Jean không dễ dàng đi tới quyết định này…”.

 

Mọi người đều biết con trai thứ của nhà thơ không được khỏe. Trên vai Jean là cả một gánh nặng; chị ấy luôn cảm thấy cô đơn, tuy anh ấy có trợ giúp. E. Evtushenko nói với tôi: “Anh không biết sẽ sống ra sao đây, khi từ nay chỉ có một mình, không vợ, không con”. Tôi nói: “Theo ý em, nên thay đổi hoàn cảnh và gìn giữ lấy gia đình của mình. Bởi vì nếu không làm như vậy, sau này anh sẽ ân hận”. Cũng có người đã hỏi tôi, có thật tôi đã khuyên nhà thơ như vậy không? Biết nói sao khác vào thời điểm cụ thể ấy?

 

* Chắc lúc đó ông đã say mê bà?

 

– Tôi không biết nữa!

 

* Ông bà làm quen nhau vào năm 1986 và ngày 31 tháng 12 năm đó thì cưới nhau. Khi nào thì bà nhận ra rằng bà đã yêu và sẽ lấy con người ấy làm chồng?

 

– Tình huống đó rất buồn cười. Chúng tôi thường nhớ lại để trêu chọc nhau. Anh ấy chính thức ly hôn với bà vợ vào tháng Chín và ngỏ ý cưới tôi. Lễ cưới diễn ra vào ngày 31 tháng 12 cũng là theo ý của anh ấy. E. Evtushenko nói: “Năm mới, một giai đoạn mới trong cuộc sống của anh, một cuộc đời mới”.

 

* Sang sống tại Mỹ, bà trở thành giáo viên dạy tiếng Nga. Bây giờ bà vẫn tiếp tục làm công việc ấy?

 

– Bây giờ tôi dạy cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh. Ở một trường tiểu học. Tôi giúp bọn trẻ lưu vong học tiếng Anh. Bọn trẻ đến Mỹ từ Mexico, từ các nước Nam Mỹ.

 

* Bà đã sống nhiều năm ở Mỹ. Nhưng bà vẫn là một người phụ nữ Nga như xưa, ngủ đêm tại bệnh viên với chồng khi ông đau ốm…

 

– Tôi hoàn toàn không hiểu nổi vì sao người ta cứ thích tách bạch ra giữa phụ nữ Nga với phụ nữ Mỹ, phụ nữ Italy… Theo tôi chỉ có những người phụ nữ nói chung thôi. Ở tất cả chị em đều có những quan tâm như nhau: gia đình, sức khỏe của những người thân, hạnh phúc và niềm vui. Trên thực tế, không có điều gì tách bạch chúng tôi ra cả, dù đó là đại dương hay lời ăn tiếng nói khác nhau. Tât cả chúng tôi đều là những con người. Giữa những bạn gái người Mỹ của tôi sẵn sàng gặp được những chị em ngủ trên ghế bố ở bệnh viện, bên cạnh chồng ốm đau.

 

* Thưa bà, sống tại Mỹ, hình như cũng có những điều khiến E. Evtushenko không vừa lòng?

 

– Có một lần ông ấy đã nói với tôi: “Anh đã sống ở rất nhiều nước. Và anh không bao giờ chứng kiến một dân tộc tồi, một xứ sở kém cỏi. Nhưng anh nhìn thấy nhiều kẻ tồi tệ ở mỗi nước”. Điều gì khiến E. Evtushenko không thể tha thứ được trong con người à? Đó là sự phản trắc, tội dối trá và thói đạo đức giả.

 

* Sống bên Mỹ, E. Evtushenko có quan hệ thế nào với những nhà thơ Nga đã sang Mỹ trước khi “ bức màn sắt” được vén lên?

– Ông coi họ như những người bạn. Mà số bạn ấy khá đông. Chắc các bạn cũng hiểu tình bạn không phụ thuộc anh là nhà thơ hay không; anh là dân “chạy trốn” khỏi đất nước từ bao giờ… Đơn giản ra, người ấy có làm anh cảm mến hay không thôi!

 

* Đôi khi xẩy ra trường hợp người ra nước ngoài bỗng gặp rào cản trong tiếp xúc bởi ngôn ngữ… E. Evtushenko có luyến tiếc những năm tháng được ăn nói thoải mái bằng tiếng Nga không?

 

– Ở các nhà văn, nhà thơ thường không xẩy ra tình trạng đó. Bởi họ vẫn viết bằng tiếng mẹ đẻ. Như Bunhin hay Turghenhev đấy! Họ mang theo mình nền văn hóa nơi chôn rau cắt rốn đến mọi nơi họ sẽ xây lại tổ ấm.

 

* Có thể, ông từng buồn chán chính bản thân mình?

 

– Không có chuyện đó đâu!

 

* Khi E. Evtushenko lên lớp tại Mỹ, ông thường xin lỗi vì “đã nói tiếng Anh theo kiểu Siberi” của mình. Điều đó nên hiểu ra sao?

 

– Ý là ông nói tiếng Anh với âm sắc vùng Siberi. Chắc anh cũng thừa hiểu, một người học một ngoại ngữ khác khi tuổi đã lớn, không tránh khỏi nhược điểm của âm sắc. E. Evtushenko lại còn là người tự học tiếng Anh. Ông ấy không có bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ nào cả. Nhưng trên thực tế ông ấy đã sử dụng tới 4 thứ tiếng: Giảng dạy bằng tiếng Anh và viết một chút bằng tiếng Anh. Trả lời phỏng vấn, đọc thơ, phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italy. Còn với tiếng Pháp, E. Evtushenko thường nói vui rằng: “Ông đủ trình độ để đọc các tít nhỏ trên các trang báo và gọi món ăn trong cách nhà hàng, khách sạn Pháp”.

 

* Còn cuốn tiểu thuyết mang tính tự chuyện của ông?

 

– E. Evtushenko chưa kịp đọc hết. Hiện nay chúng tôi đang tập họp lại. Không chỉ những gì ông ấy đọc để người khác ghi mà cả những gì trước kia, tại nước Nga ông đã kể trên đài “Ngôi sao”. Hy vọng rằng tháng Sáu năm nay, vào dịp sinh nhật lần thứ 85 của nhà thơ cuốn sách sẽ được ra mắt bạn đọc, dù chưa có phần kết thúc.

 

Theo Sự thật Thanh niên – CHLB Nga

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC