Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân
Ba đang ngồi đọc lại những trang viết về cuộc trò chuyện của cha con mình từ bấy đến nay. Và ngẫm ngợi lại những gì đã xảy ra trong chuyến Đông Du định mệnh.
Cho đến hôm nay người ta vẫn chưa biết phải giải quyết hậu quả do con người gây ra như thế nào.
một nơi chưa được xác định nằm dưới đáy thành phố Fukushima vẫn còn có 3 khối “blob” (là một chất lỏng đặc quánh, mang hình thù bất định) mà trong đó có chứa một chất phóng xạ cực kỳ nguy hiểm: Corium, phát sinh từ sự nóng chảy của 3 lõi trong 3 lò phản ứng hạt nhân. Bao nhiêu người liên quan và có trách nhiệm từ thảm họa này?
Trước đây, năm 1987, ở Chernobyl chỉ có một khối blob và nhanh chóng được xác định vị trí nên được ngăn cách với môi trường xung quanh bằng cách nhốt vào trong một hộp kín, nhưng ở Nhật thì không thể thực hiện điều này: Thảm họa vẫn tiếp tục và mỗi ngày nó tạo ra chừng 500 tấn nước bị nhiễm phóng xạ. Người ta tin rằng lượng nước
nhiễm này sẽ thoát ra Thái Bình Dương vì 3 trung tâm nguyên tử đặt trên bờ biển bị hủy hoại bởi trận động đất và sóng thần.
Không những con người không thể đến gần nơi này, mà tất cả những con robot đưa vào để quan sát, tìm hiểu tình trạng, đều bị “chết” vì lượng phóng xạ quá mạnh làm hỏng các bộ phận điện tử.
Ngay trong những ngày vừa xảy ra khủng bố ở Bỉ và có việc bầu cử Âu Châu nhưng nghị viện Âu Châu và Nuclear Transparency Watch vẫn không bỏ họp để thảo luận về vấn đề hệ trọng này. Các nghị viên, ý thức rằng mình cần phải làm mọi cách để sinh hoạt trở lại bình thường.
Thảm họa bắt đầu từ trận động đất ở Fukushima đã ngắt dòng điện dẫn đến trung tâm nhà máy điện hạt nhân và sau đó sóng thần còn làm hư hại máy phát điện khẩn cấp chạy bằng diesel. Trung tâm nguyên tử phát ra điện, nhưng về phần nó, cũng phải được cung cấp điện năng khi xảy ra sự cố, nếu không thì không thể nào làm lạnh lò nguyên tử được và sau đó các phản ứng hạt nhân sẽ không còn kiểm soát được.
Tất cả những nỗ lực can thiệp của chính quyền đều tập trung vào trung tâm nguyên tử vì ai cũng tin là thảm họa nguyên tử tuy nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm lắm, một phần do cơ quan quản lý Tepco ém nhẹm thông tin từ nhiều năm, kể từ ngày Fukishima bắt đầu xuất hiện trên trang nhất các tờ nhật báo.
Họ đã nói như thế nào để trấn an dư luận? Tepco thông báo là lò nguyên tử số 1 bị hư hại (chứ không phải nóng chảy!) chừng 70% nhiên liệu nguyên tử trong lò hạt nhân I; 30% trong lò hạt nhân II và “có khả năng hư hại” ở lò hạt nhân III. Nhưng sự thật là ở Fukushima đã xảy ra hiện tượng mà giới khoa học gọi là “melt through”: Theo đó nhiên liệu nguyên tử bị nóng chảy cùng với lớp thép bao quanh lò phản ứng và do đó trào ra ngoài. Nhưng mãi đến 8 tháng sau… Tepco mới thú nhận sự thật kinh hồn này, nhưng vẫn dùng ngôn ngữ nhập nhằng như “có thể bị hư hại” vỏ thép bao quanh lò hạt nhân số I. Sự thật vẫn con mơ hồ và cả chính quyền lẫn công chúng vẫn chưa hiểu hết.
Mãi đến thời gian sau… khi bắt đầu tìm kiếm những nguyên liệu nguyên tử còn lại để di dời hay cô lập nó như đã từng làm ở Chernobyl thì mới khám phá ra là ở lò nguyên tử số I không còn nhiên liệu và chỉ còn một ít ở lò II. Điều này có nghĩa là nhiên liệu đã trào ra sau khi làm nóng chảy lớp thép bao ngoài lò, tạo thành các blob. Lò thứ III cũng cùng số phận. Vậy thì các blob hiện đang ở đâu? Không ai biết. Toàn vùng bị phóng xạ rất nặng nên người hay robot đều không thể tiến hành các cuộc tìm kiếm!
Nhưng dù blob nằm ở đâu, nó cũng phải được làm lạnh liên tục. Hàng ngàn người hiện nay đang làm việc ở Fukushima phải chiến đấu với nhiễm xạ và nguồn nước nhiễm xạ. Hàng ngày người ta bơm 500 tấn nước ngầm bị thấm và nhiễm xạ nặng. Không ai biết phải làm gì để loại bỏ cho hết sự nhiễm xạ dù đã nhốt chúng vào các thùng chứa. Hiện nay ở gần trung tâm nguyên tử có hơn ngàn thùng chứa vĩ đại, mỗi thùng chứa hơn 1000 tấn nước và đang tiếp tục chế tạo các thùng chứa mới.
Ai cũng biết là nước ngầm sẽ thấm ra Thái Bình Dương nhưng cơ quan Tepco cho rằng sẽ hạn chế khả năng này bằng cách xây một bức tường ngầm bằng nước đá lạnh xung quanh nhà máy nguyên tử. Nhưng ý tưởng này bị bác bỏ vì khi làm như thế nước nhiễm xạ sẽ dâng cao bên trong bức tường, lên đến mặt đất, tràn ra ngoài, và cũng sẽ chảy vào biển.
Nói cách khác, chẳng ai biết phải làm gì.
Nước Đức vốn kiêu hãnh về trình độ công nghệ và kỷ cương cũng đã lập tức quay trở lại với chương trình “thoái hạt nhân”. Giới trí thức Đức vào tháng 3 hàng năm tưởng niệm thảm họa Fukushima với tên phong trào SAYONARA GENPATSU – vĩnh biệt hạt nhân – để nhắc nhở nhà cầm quyền.
Còn ở Nhật, thảm họa hạt nhân tuy bị cầm lại phần nào, vẫn
tiếp tục giữa một khu vực cấm nằm xung quanh nhà máy, nay đã trở thành một “vùng đất ma”. Tình trạng bấp bênh vì sự tháo gỡ những nhà máy tại Fukushima không khả thi, nên mỗi trận động đất, mỗi ngọn sóng thần, đều có thể khơi mào cho một thảm họa hạt nhân mới.
Tất cả các cường quốc đã không thể làm chủ được con quái vật hạt nhân khi nó sổ chuồng.
Albert Einstein đã từng nói: “Có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người” (Two things are infinite: the universe and human stupidity)
Người ta có thể biết có bao nhiêu vì sao trong vũ trụ nhưng nhìn được sự vô đạo trong cuộc sống của chúng ta thì khó lắm, khó kinh khủng.
Kẻ nào mù quáng tin rằng mình thông thái thì họ lại càng chẳng biết gì. Nhà triết học Bertrand Russell từng nói: “Thế giới đầy những kẻ ngốc nghĩ mình khôn và những người thông minh luôn cho rằng mình thiếu hiểu biết”.
Thượng Đế Toàn Năng, xin Ngài tha thứ cho sự ngu muội dốt nát kiêu ngạo của con người. Ngài đã ban cho họ một vườn Địa Đàng thật tuyệt vời nhưng họ đui mù không biết vui hưởng với món quà này mà ngược lại, vì tánh ngông cuồng tham lam, họ đã lượm món này ráp món kia, tạo ra bom nguyên tử, rồi cắt xén ráp nối phá trật tự của nó khiến nơi này đang đi vào cơ hủy diệt theo sự làm việc của Lập Trình. Việc họ làm, không thể đi lùi lại được, đã quá trễ. Chỉ cầu mong sau cơn gió bụi thịnh nộ sắp đến rất gần này, những sinh linh tốt còn sót lại sẽ chung sức tái tạo, sống xứng đáng, sống thiện lành trong trời mới, và đất mới.
Trương Văn Dân