Gã lãng mạn trong miền cô đơn của chính mình

806

Nhà thơ Trần Đức Tín

Nhân đọc Một kiểu kết khác của Nguyễn Hữu Trung

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cơ duyên đã đưa tôi đến một hồn thơ miền Tây mộc mạc làng quê Đồng Tháp, nhà thơ Nguyễn Hữu Trung vừa cho ra đời “Một kiểu kết khác”- Nxb Thuận Hóa 9-2019 – ở cái tuổi tam thập nhi lập, có lẽ ở độ tuổi này người ta không còn quá nhỏ để bị dẫn dụ, cám dỗ bởi thơ, nhưng Trung vẫn không thoát khỏi sự âm ba của lòng mình, và duy chỉ có thơ mới nói thay hồn Trung trong cuộc sống quá chật chội với ngọn lửa khát khao trong anh.

Tập thơ Một kiểu kết khác

“Một kiểu kết khác” đã dẫn tôi vào tâm hồn của chàng thi sĩ và cũng đưa tôi về với chính hồn tôi: không gì bức bối hơn, lãng mạn hơn là sự cô đơn!

một cuộc giao hoan ứa tràn
mồ hôi sót
hơi người
tôi băng qua con đường
như chấm bụi phía khát
sau trận diễu hành
cô đơn

(diễu hành)

Trung đã làm nhiều cuộc diễu hành trong thơ, trong đời anh, anh đi bằng đôi chân của tâm hồn, trên cọc nhọn đời mình để tìm cái mà ai ai cũng muốn tìm: Ý nghĩa sống!

Nhưng đáng thương thay cho thi sĩ, sau bao cố gắng, bao trằn trọc, cuối con đường riêng chỉ có một. Đúng vậy, luôn là vậy, không có cánh cửa đằng cuối chân trời kia, anh mục rỗng, anh buông thả mình vào sâu tận cô đơn của chính hồn anh sau cuộc diễu hành đầy nước mắt đấy.

Trung trở về ngồi lại với thực tại, và chấp nhận làm kẻ mộng du để… lẫn tránh. Anh lẫn tránh nỗi đau, chơi vơi khi đối diện và trả lời câu hỏi của riêng mình:

tôi đang mộng du
khi đi qua ồn ào cuộc sống
có ai nắm lấy tay tôi như thành vịn của cây cầu dây bắt qua dòng thác xiết
để khỏi chơi vơi
để khỏi lạc lõng
tôi sợ buổi chiều như con chim không có tổ
bay chập chờn dù có đôi cánh
tôi sợ tiếng nói đồng loại
ngọt như con dao vừa rời khỏi lò rèn
gốc cây cổ thụ phía cổng chào
chằng chịt vết xước.
(bài thơ không có dấu chấm hỏi)

Thường là vậy, khi bất lực với hiện tại, bị bủa vây bởi hiện tại, ta thường trở về để nâng niu quá khứ. Anh trở về với cái thuở đôi mươi, thời còn chưa va vấp, thời còn đẹp đến mênh mang… nhưng Trung không về để níu kéo, để giày vò mình, Trung về chỉ để ngồi lại với thanh xuân, ngồi lại với ngọn lửa đôi mươi, chắc có lẽ, anh muốn thì thầm gì đó với nó, rồi thôi.

chiếc xe có một vòng hoa trắng
chở theo dòng nước mắt. Chở theo thăm thẳm
người ở lại ôm ngực mình. Ngọn lửa. Tro
treo dòng status. Bạn nó nhớ tuổi hai mốt.
Hôm nay. Rồi thôi.
(thời niên thiếu ngủ trên thiên đàng)

Nhà thơ Nguyễn Hữu Trung

Chàng thi sĩ của ta – một gã mộng du của đời mình – đã bế tắc nhiều lần trước cuộc sống, anh tự tách mình ra khỏi cuộc người đảo điên danh lợi, anh chán nản ê chề với những thứ bẩn chật xung quanh. Và dường như anh đang tự tay đào hố chôn ngọn lửa của mình khi cuộc sống đã vắt đến cạn kiệt ước mơ, lẽ sống của anh:

ngày hôm nay đường phố đầy người
như dòng nước vỡ mạch
chảy không định huớng
và chảy vì lòng sông bị mất
chảy tìm niềm tin không có thật
(điều gì đang xảy ra!)

Theo một khía cạnh khác, khía cạnh tâm tư, “Một kiểu kết khác” đã bày ra những lối đi chi tiết của hồn anh, những ngoằn ngoèo giãy chết trên con đường tìm nguồn sống. Thi sĩ họ Nguyễn mang bó đuốc cuộc đời anh tự soi lối tìm chân lý sống cho riêng mình, đôi lúc ngã quỵ, đớn đau vì không lối thoát. Tôi tự cảm, Trung ghê sợ con người, ghẻ lạnh con người vì dưới mắt Trung không gì khác hơn là những hình hài biết chuyển động:

những ước mơ mang tên định mệnh
cuốn lòng thành bão giông
tôi nghe trên căn gác nhỏ
đợt mưa quá khứ ứ dột tâm tình
che chắn làm gì hỡi người nghệ sĩ vô danh
khi anh không có chốn trọ đàng hoàng
anh đã hành khất thế gian bằng cái nhếch mép
lỏng bỏng chuyến trở về
(câu chuyện bồ câu)

Anh biến mình thành gã hành khất thế gian, với đúng nghĩa đi xin, có lẽ là xin một chút lòng người, một chút thiên lương của những hình hài chuyển động kia. Với một thi sĩ như anh, tôi nghĩ anh có thừa hơn một thiên lương trong sáng, nhưng anh hành khất, có lẽ, chỉ để biết mình không lẻ loi, trơ trọi. Rồi thì, rốt cuộc, vẫn “lỏng bỏng chuyến trở về” mà thôi.

Tôi rất hiểu cảm giác của một giáo viên Văn, một người ôm hoài bão thật sự, Trung cũng thế, anh là giáo viên Văn ở Đồng Tháp, với hơn mười năm phấn bảng, đôi lúc, tôi đồng cảm vì tôi thấy sự bất lực đó trong anh. Không gì tàn nhẫn hơn khi chính bàn tay ta, khối óc ta chứng kiến ngọn lửa đam mê của chính ta le lói, nguội lạnh và dần tắt lịm vào dòng đời xuôi ngược.

sau lớp dạo đầu
lá tuôn hết diệp lục
và em như trang giấy ngả màu…
(như)

Và đã hơn lần chàng thi sĩ của ta bạo loan. Bạo loạn thật sự với chính tâm hồn mình. Không gì là không thể xảy ra, khi tất cả thành xa lạ… Anh xa lạ với mình của ngày xưa, cái ngày còn mang trong mình ngọn đam mê cháy bỏng của đôi mươi. Anh soạn lại mình, anh lục lọi tất cả ngóc ngách của tâm hồn, nhưng đã “ngả màu”, tất cả anh của ngày hôm qua thành xa lạ với chính anh. Anh bạo loạn, anh đập phá màn đêm vô tận trong tâm can mình:

chưa bao giờ ngọn lửa lại bùng cao đến thế
ngọn lửa không còn nguyên thuỷ
ngọn lửa màu xám
gục vào đam mê quá khứ
đốt lên những trận tự nhiên
(ngày cạn)

Nhưng dẫu sao đi nữa tôi vẫn tin chàng thi sĩ Nguyễn Hữu Trung của chúng ta sẽ vượt qua mọi thứ, dù không có mặt trời nào đằng sau cánh cổng ấy, không hết những khổ đau của nhân sinh. Thơ anh vẫn sẽ như những cơn mưa, vẫn đỏ chớp, vẫn mang khao khát mãnh liệt đến cho đời như anh từng nghĩ:

trận mưa này không bao giờ cạn đáy
khấn trước đời mình
tưng bừng nhảy múa cuồng phong
(mưa)

Để còn nhiều “Một kiểu kết khác” sau này nữa sẽ mang đến tâm tư người đọc những cơn mưa của đôi mươi, dù trái mùa nhưng sẽ ấm ấp và tươi mát xiết bao!