Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh – Tạp văn của Thanh Sen

1227

(Vanchuongphuongnam) – Đá gà là một trò chơi dân gian hấp dẫn đã có từ rất lâu đời, vừa có tính nghệ thuật vừa mang tinh thần thượng võ, là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam, được mọi người ở tất cả các lứa tuổi yêu thích, là thú vui không thể thiếu của người dân trong những lúc nông nhàn hay những dịp hội hè lễ Tết ngày xưa, và ở mỗi vùng miền đều có những giống gà đặc sắc riêng của mình, nhưng có lẽ gà nòi Cao Lãnh, vốn đã nổi danh khắp Nam kỳ Lục tỉnh xưa cho đến tận bây giờ, và xứng đáng được lưu truyền qua câu nói “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh…”.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Gà nòi Cao Lãnh đẹp mã, hùng dũng và nổi tiếng gan lì, đã bước vào đấu trường là chiến đấu đến cùng, nếu có hy sinh thì cũng nằm tại chỗ chớ nhất định không bỏ chạy. Thuộc giống gà lông nhiều, nhanh nhẹn, sở trường đá cựa. Nhìn cách xung trận của gà nòi Cao Lãnh, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh của một võ sỹ trên võ đài, với các ngón nghề rất đặc trưng như: đá giàn xạ, đá vai, đá mu lưng, đá sỏ mé, đá vỉa hay đá hồi mã thương… Tương ứng với mỗi kiểu đá, cựa sẽ đâm vào vị trí khác nhau vào mình đối thủ, trong đó có hai chỗ nghiệt nhất là mắc cầnnách eo làm cho gà bị xập lết tại chỗ.

Để có được một con kê chiến đem ra thi tài, đòi hỏi người nuôi phải bỏ nhiều tình cảm, công sức và có những bí quyết nhất định. Đầu tiên là khâu chọn giống. Gà được chọn để giống phải là gà hay, khỏe mạnh, đá thắng nhiều độ và gà mái cũng phải được lựa chọn kỹ theo kinh nghiệm là “chó giống cha, gà giống mẹ”. Khi có được lứa gà trống tơ, tiếp tục chọn những con không bị khiếm khuyết về hình thể và có vẩy tốt, cho xổ thử để chọn giữ lại những con có nết đá hay và bắt đầu bước vào quy trình chăm sóc đặc biệt, cũng chẳng khác gì nuôi con nhỏ. Và thật sự nuôi gà nòi đã được nâng lên tầm nghệ thuật, gởi gắm vào trong đó rất nhiều tình cảm của con người.

Thức ăn chủ yếu của gà nòi là lúa gút được ngâm nước loại bỏ đi những hột lép. Ngoài ra, mỗi sáng sớm gà được thả cho quần sương ăn cỏ, được cho ăn thêm những thức ăn giàu dinh dưỡng như: thịt bò, thằn lằn, lươn, cóc bằm nhuyễn… Ngày nay gà nòi còn được tăng cường thêm thuốc bổ các loại, và do xuất hiện dịch cúm gia cầm, gà nòi bắt buộc phải được chích ngừa cúm và các loại bệnh thông thường khác. Muốn gà nòi được săn chắc thịt và dẻo dai, người nuôi còn phải xức nghệ thường xuyên và cho gà bịt cựa xổ với nhau, để rèn luyện các miếng đánh như võ sỹ trên sàn tập, cá biệt hơn có chủ nuôi còn cho gà lội sông để tăng cường thể lực. Và sau quá trình được chăm sóc công phu như vậy, gà nòi Cao Lãnh mới sẵn sàng xung trận.

Trước năm 1975, đá gà được chính quyền cũ cho phép tổ chức, ở Cao Lãnh có một trường gà lớn bên trong khu vực ngã ba Cây Điệp (nay thuộc phường 6, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp), sân đấu bằng nền đất có đường kính khoảng 10 thước, được quây tròn bằng mê bồ cao khỏi đầu gối người lớn, có mái che và ghế ngồi chung quanh, chủ trường lấy tiền xâu theo tỷ lệ phần trăm số tiền độ ghi sổ của hai chủ gà mỗi trận, còn khán giả bên ngoài thì mua vé ngồi và tự do phóng bắt với nhau. Gà sau khi cáp độ xong, được trồng cựa thép dài khoảng 1 tấc, đầu cựa có gắn cựa gà thiệt để hạn chế bớt tầm sát thương. Mỗi độ gà thời gian được tính bằng nước nhang, hình thức là đốt cháy một cây nhang đặt nằm ngang, bên trên cây nhang treo một đồng xu cột sợi chỉ, phía dưới là một cái dĩa bằng kim loại, khi nhang cháy đứt sợi chỉ làm rớt đồng xu nghe tiếng keng là kết thúc một hiệp đấu, người thả gà sẽ săn sóc kê chiến của mình để chuẩn bị cho hiệp đấu sau…

Một trận gà như vậy thường diễn ra vài ba hiệp mới xong, tạo nên sự hào hứng sôi động và cũng thử thách không ít thần kinh của người xem, thỉnh thoảng cũng có những độ gà phải tạm hoãn vì trời tối mà hai bên vẫn bất phân thắng bại. Còn ngày nay, do đá gà đã bị cấm vì xem như là một hình thức cờ bạc, dân mê đá gà đành phải chuyển sang hình thức du kích đánh nhanh rút lẹ, tổ chức đá gà chui ở nơi vắng vẻ hoặc được canh gác kỹ càng, mức độ sát phạt cũng cao hơn trước, gà được trồng cựa thép loại dài hơn 1 tấc nên trận đấu diễn ra rất nhanh, có khi chưa qua giàn xạ là đã có kết quả, gà thắng hay thua cũng đều từ chết tới bị thương, vì vậy mà tính hấp dẫn của trò chơi này đã giảm đi rất nhiều.

Ngày xưa ba tôi vốn là một thầy gà nổi tiếng ở Cao Lãnh, nên từ khi học tiểu học tôi đã được đi theo ôm gà cho ba trồng cựa. Vì tôi còn nhỏ nên ba đã bao luôn cho tôi một chỗ ngồi ngay cây cột để phòng khi các chú các bác ham phóng bắt ăn thua không đè lên người tôi. Có một điều rất hay mà gần 50 năm tôi vẫn nhớ như in, là khi hai chú gà đang tỉ thí trên sàn đấu, thì dân cá cược như là huấn luyên viên coi rất kỹ gà của mình, phân tích điểm mạnh yếu và tình hình thương tật để kịp thời ra kèo, ngồi gần thì ngoéo tay, xa thì hai người giơ tay lên là coi như giao kèo cá cược hoàn tất.

Gần đây trong những dịp lễ Tết, thành phố Cao Lãnh đã cho phép tổ chức đá gà bằng hình thức thi đấu giải rất hấp dẫn, thu hút nhiều kê chiến các nơi về tranh tài, được đông đảo người xem hào hứng tham gia và nhiệt tình cổ vũ. Hy vọng rằng, trò chơi dân gian đậm chất nghệ thuật và tinh thần thượng võ này sẽ được khôi phục lại trong phạm vi kiểm soát của ngành chức năng, để tạo thêm một điểm nhấn thu hút khách du lịch về thăm thành phố trẻ Sen Hồng. Còn tôi và người dân Cao Lãnh sẽ được tự do thưởng thức những độ gà hay và tự hào khi nghe câu nói đã mấy đời: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh”

T.S