Gã thiên di trú đời vào thơ

815

Trúc Thiên

Bài viết giới thiệu tập thơ Tạ từ của Đào Phi Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc thơ của Đào Phi Cường khá trễ, khi anh đã bắt đầu định danh, nhưng tôi cho đó là duyên. Cuộc đời luôn cần một chữ duyên để gặp gỡ và thấu cảm, với văn chương, chữ duyên ấy lại càng đáng trân quí hơn một sự mời mọc nào hết.

Tập thơ Tạ Từ của Đào Phi Cường

Trên ban công của một căn nhà cổ xưa, nằm ngay phố Hàng Khay, ngó ra bờ hồ một đêm cuối Thu, tôi lật từng trang thơ của tập Tạ từ. Gió Hồ Gươm phả vào lòng mát rượi, như một sự khoan khoái khi lần đầu chạm ngỏ những cung bậc hiện thực giàu xúc cảm.

Thơ anh chẳng vần điệu, nhịp mạch chi cả. Thơ cứ giản đơn là chữ, là xúc cảm, là đúng tính cách của một cánh chim thiên di 24 năm xứ người. Câu chữ bàng bạc nhiều uẩn ức, nhiều tầng nghĩa, nhiều lắm những câu rơi một cách tự do, nhiều lắm những từ ngữ mang màu sắc buồn dại khờ tâm can. Đọc thơ anh, nếu tìm một lối viết đẹp, chuẩn mực thi phú hay phô diễn kĩ thuật, trưng trổ câu từ, lồng lộng chữ nghĩa, thì xin thưa rằng, chỉ nhận lại toàn những bài thơ phóng khoáng, bất cần, lẫn tự do một cách tự bản.

“… Mẹ ngóng ta nơi trời xa lắc
Ta nhìn trăng
Lệ hóa sao băng
Vọng lại tiếng cha:
“Con có về Tết chăng?”
Ấp úng hồn ta,
Đắng đôi dòng nước mắt.

Phút giao thừa lịm tắt
Leo lắt một tháp Eiffel
Lăng thinh một sông Seine
Vắng một lời chúc tụng
Rùng mình giục trời sáng.

Đêm giao thừa trống vắng
Chỉ còn trăng với ta
Mặn trào bờ môi đắng
Nhắn nhủ ai đôi lời
Xuân xa quê vời vợi
Nốt nhạc tuyết chơi vơi
Đời,
       Lữ khách
                      Lặng trôi.”

(Trích Xuân và những bông tuyết)

Đào Phi Cường sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội khoa tiếng Pháp, thế nhưng lại công tác trong ngành ngân hàng. Năm 1992, anh bắt đầu sang Pháp tu nghiệp và làm Trưởng đại diện cho một ngân hàng Việt Nam tại Pháp. Rồi cứ thế dòng đời đưa đẩy chàng trai trẻ với quãng đời thanh xuân làm cách chim thiên di ruổi rong nơi xứ người. Nhiều những khoảng đời thăng trầm dâu bể của anh cũng chỉ một mình chống chọi. Giữa bao la tuyết trắng, giữa một nơi chẳng tìm đâu ra tình cảm gia đình, thơ như một nỗi niềm lữ thứ cô quạnh giúp anh nhẹ lòng đi qua chông chênh.

Đào Phi Cường làm thơ rất sớm, từ những năm cấp 2 đã bắt đầu làm thơ cho báo tường của trường. Rồi đến cấp 3, thơ như một nỗi lòng của những lần yêu thầm kín. Thơ đến với anh tự nhiên như thể nó là máu thịt, luôn hiện hữu trong chính cuộc sống của anh. Cũng vì như là một phần máu thịt ấy, thơ anh mang màu tự bản một cách rõ nét, chẳng hề phảng phất một giọng thơ nào. Có thể tìm thấy thơ anh như một bức họa được sắp xếp lộn xộn chi tiết, được chấm phá bất tuân một nguyên tắc màu sắc nào hết, ấy vậy mà thơ cứ ngấm lại dần trong lòng người đọc, bởi chính cái hồn trong từng câu chữ anh viết ra.

Tác giả Đào Phi Cường

Đào Phi Cường hào hoa phong nhã, vừa có thể biên, phiên dịch, vừa làm tạo mốt, lại có gu trang trí nội thất đầy tính mỹ thuật, lại có thể tổ chức một sự kiện văn hóa giao lưu đầy rộn ràng cho đến sâu lắng. Dường như trong con người tài hoa này, luôn có một chất kết dính mọi thứ hiệu quả kinh khủng. Ví như mọi thứ nếu tách riêng ra sẽ là những rời rạc chẳng hề ăn nhập, nhưng dưới bàn tay sắp xếp của anh, sẽ là một tổng thể ấn tượng đến kì mỹ.

Thơ của Đào Phi Cường cũng vậy, như một thể loại sắp chữ của một gã phỡn đời, cứ nhàn nhã mà gieo vào đó câu chuyện của chính mình. Là một cú gieo đầy thanh thản với tâm thế an nhiên muộn mằn sau những bôn ba đường đời. Được hay mất, thắng hay thua, nắm hay buông, với anh chắc chẳng thể bằng một chữ An. Chọn cho mình cách trở về sau quãng đời làm cánh thiên di, chọn cho mình phong cách phỡn đời, chọn cho mình câu chữ để vỗ về, đó chính là chon một chỗ náu nương khi đã cạn cùng với mọi cuộc ruổi rong.

Đào Phi Cường, dựng một quán cà phê, trưng bày tranh ảnh đồ xưa cũ, bán từng cuốn sách của chính mình và bạn bè kí gởi, tụ tập giới văn nghệ sĩ Hà thành hằng ngày đàn hát say mê. Anh sống thong dong và tự tại, dẫu ngoài kia phố xá nao nức nhiều cuộc xáo động đua tranh. Với anh, những trải nghiệm đã đi qua, gói gọn vào thơ, như dằn lại cho chính mình một kí ức, như giữ lại cho chính mình một phần máu thịt cũ càng, để rồi mỗi một ngày mở mắt ra, lại chọn cho mình một niềm vui mới mà sống.

Đêm Hà Nội cuối Thu, gấp trang thơ của Đào Phi Cường lại, gió từ bờ hồ vẫn xao xác thổi. Mùa này là mùa đẹp nhất, nhưng cũng là mùa nao lòng nhất. Thơ Đào Phi Cường cũng là những vần thơ tự bản đẹp nhất tôi từng đọc, nhưng cũng là những vần thơ nao lòng nhất. Nghe như đâu đó, giọng anh vẫn vang dậy bên tai tôi, một bài hát mà tôi đã lặng yên ngồi nghe anh say mê: “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường…”*

T.T 

* Bài hát Em ơi Hà Nội phố – Nhạc Phú Quang, Thơ Phan Vũ