Gánh hàng vặt của người nhà quê

901

Trang Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Giữa những ồn ào phố thị, nhịp sống xô bồ kèm theo đó là những mặt hàng nông sản nhập về từ nhiều tỉnh thành thậm chí từ nhiều nước như Lào, Trung Quốc… thì vẫn còn đâu đó lặng lẽ những gánh rau củ quả từ những miền quê mà những bà nội trợ Huế hay gọi đó là hàng rẫy, hàng vườn…

Sở dĩ người ta hay gọi như vậy vì đa phần những thứ hàng ấy được trồng từ những khu vườn, những nương rẫy, do những người dân quanh năm trồng trọt hoặc có sẵn trong vườn nhà. Những loại rau củ quả ấy tuy đôi lúc có sử dụng phân vô cơ nhưng chủ yếu được bón từ phân chuồng nên chiếm được niềm tin của rất nhiều bà nội trợ với mong muốn món rau cho nhà mình sẽ an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

Không hẳn là rau được trồng để đem bán mà trong những gánh đồ vặt ấy thỉnh thoảng chỉ là mớ rau tập tàng nhổ ngoài vườn: rau má mọc hai bên con đường làng, khóm rau lang mỡ màng cạnh lu nước hay vài cây rau dền, sam đất, cụm lá lốt bên hàng rào cạnh mấy dây mồng tơi cũng đủ để mấy mệ bòn (gom) đủ một gánh. Vài bó rau me chua đất, chục trứng gà, vài quả ổi sẻ, rổ sa bô chê, rổ rau xà lách non tươi, vài bó cải, cà rốt, mấy gói bông bưởi thơm ngạt ngào hay vài ba chục bông đồng tiền được cẩn thận đậy đằng bằng ngọn lá vả, tàu lá chuối, vậy là mấy mệ đã có cái để đem ra chợ rồi.

Vì chỉ là hàng lưu động nên không có lô để ngồi và đôi khi mới thấy mấy mệ ngồi đầu chợ lát sau đã thấy ngồi ở cuối chợ là chuyện thường ngày, ấy là những khi mấy mệ bị đội quản lý chợ hay trật tự đô thị bắt dẹp. Có lẽ đã quen tần tảo sớm trưa với ruộng vườn, mấy mệ hiếm khi chịu ngồi một chỗ dù có những mệ gia đình con cháu đều khá giả thành đạt nhưng vốn đã “quen làm luôn tay luôn chân rồi nên chừ ngồi một chỗ thì buồn lắm!” Mệ An miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa xởi lởi bắt chuyện như thế.

Gánh đồ vặt của người nhà quê đôi lúc bán xong chỉ được chỉ vài chục ngàn nhưng đối với họ đó là một số tiền không hề nhỏ, bán xong trưa họ có thể mua được mớ cá tươi hay lạng tôm cho bữa cơm gia đình. Sắp tan buổi chợ, dưới gốc cây đa, lót cái đòn gánh để ngồi, mệ chậm rãi vuốt phẳng phiu những tờ tiền, to có nhỏ có. Đoạn nhìn trước ngó sau mệ mới cẩn thận lấy ra cái đãy bằng vải trong lớp áo cộc bên trong được gài bằng một chiếc kim băng. Mệ nhẩm tính số tiền ấy mệ sẽ mua cho mấy đứa cháu vài khúc mía lau, cặp bánh ú… Số còn lại mệ sẽ ki cóp cất vô đãy, tiền này thỉnh thoảng mệ dành cho việc hiếu hỉ, người Huế nhất là miền quê mệ ở thì một năm trên chục đám cưới, đám kị là chuyện bình thường. Rồi thỉnh thoảng mệ lên chùa, mệ tâm thành bỏ một ít tiền vô thùng phước sương, mệ gởi theo làn khói hương thơm ngát lời khấn Phật cầu cho con cháu được ánh đạo vàng soi rọi bình an.

Những bà mẹ quê vốn quen với vườn tược, quen với chơn chất thiệt thà nên luôn lấy hai chữ “nghĩa nhơn” làm trọng. Họ không hề biết đến những “thủ thuật” hô biến những quả bầu quả mướp sau một đêm là to đùng, hay vạt rau răm phun thuốc hôm nay sau một đêm là cắt ra chợ bán. Gánh đồ vặt của họ đôi lúc chỉ là những trái bầu eo thắt, những mớ tần ô hơi cằn nhưng họ bán bằng tất cả sự tử tế vốn có của người nhà quê và người mua họ trả tiền để mang cả một niềm tin mang về nhà. Ấy thế nên có những lúc gánh hàng của họ chưa kịp đến chợ đã hết là chuyện bình thường khi họ gặp những người khách tinh ý, nhất là trong thời buổi “loạn thực phẩm bẩn” đang đe doạ sức khoẻ từng gia đình.

Gánh đồ vặt của người nhà quê, đôi khi không chỉ nặng ở những thứ được chắt chiu bòn mót từ vườn nhà mỗi ngày, mà trên đôi quang gánh khó nhọc ấy lại chở cả tấm lòng cho những ước mơ hoài bão. Có bao nhiêu bác sĩ, tiến sĩ, kĩ sư… được lớn lên từ gánh đồ vặt tảo tần của những người mẹ, người bà, người chị ấy chắc không ai có thể thống kê được tất cả.

Cuộc sống vẫn hàng ngày vội vã vô tình trôi qua, bỗng một ngày như sáng nay mùi hoa bưởi từ gánh đồ vặt của người nhà quê níu kéo tôi dừng xe lại. Bạn có hiểu vì sao? Vì tôi cũng đã từng lớn lên nơi miền quê ấy, nơi có những gánh đồ vặt tôi luôn nặng lòng nhớ về!

T.T