“Gánh hát” tuổi thơ – Bút ký của Thanh Nguyên

984

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thế hệ 8x và 9x đời đầu chắc sẽ không xa lạ gì với những tối mùa hè rủ nhau đến hội trường xã hay đơn giản hơn là khoảng đất trống, đủ rộng để mỗi người ngồi mỗi kiểu xem chiếu bóng hay văn nghệ do những đoàn văn công diễn lưu động ghé qua. Từ buổi chiều trời còn hửng nắng, cả xóm đã ý ới nhắc nhau chuẩn bị cơm nước cho sớm để tối đi “coi hát”, những đứa trẻ thì khỏi phải nói háo hức đến độ nào. Ở thời điểm truyền hình hạn chế và còn chưa có ở những vùng quê, mỗi lần có đội lưu diễn ngang qua, dù chỉ một đêm cũng đủ để những ai lớn lên từ vùng quê nghèo khó có một vùng trời thương nhớ mỗi khi nhớ về tuổi thơ.

Những ánh mắt trẻ thơ háo hức và trong trẻo theo dõi chương trình văn nghệ – Ảnh Thanh Nguyên

Nhiều khi tôi tự hỏi, những đứa con của mình sau này, những đứa trẻ lớn lên giữa thời đại phát triển của công nghệ thông tin, khi truyền hình và internet dường như là thú tiêu khiển gần gũi nhất thì mai đây khi nghĩ về tuổi thơ những đứa trẻ ấy sẽ nhớ đến điều gì. Không chỉ ở thành thị, ngay cả vùng nông thôn, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng không ngoại lệ. Bây giờ ở những vùng quê, cạnh hình ảnh những đứa trẻ nhảy dây, bắn bi, chơi cò chẹp thì không khó để mọi người nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ chăm chú vào màn hình ti vi, tay lướt điện thoại xem hoạt hình hay chơi game…

Giữa những niềm tin mong manh, giữ lại cho tuổi thơ một khoảng trời để nhớ, gần gũi và thân thương, mộc mạc như cái tên gọi của vùng đất nổi giữa sông Tiền hiền hòa, Cù lao Chanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Chỉ đơn giản vì chúng tôi – những đứa trẻ đa phần được lớn lên từ vùng quê với những kỷ niệm tuổi thơ vừa háo hức vừa trong trẻo và chúng tôi sẽ tái hiện lại một lần nữa tuổi thơ mình. Sau những ngày đoàn Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh Trường Đại học Đồng Tháp gắn kết cùng bà con ở vùng đất cù lao vừa thân thương vừa hiền hòa lại càng thôi thúc chúng tôi, quyết tâm mang “gánh hát” về vùng quê.

Ngay từ ngày đầu tiên đoàn Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh về xứ cù lao, nhìn những vườn cây trái xanh tươi, những con rạch nhỏ chạy dọc xóm làng, những mái nhà đơn sơ quen thuộc, ý nghĩ về một “gánh hát” được nuôi lớn dần. Cả nhóm chúng tôi bàn bạc, lên kế hoạch, những ánh mắt lấp lánh niềm tin, những dự định thôi thúc và cuối cùng sẽ là một “gánh hát” phục vụ và gây quỹ cho những hộ nghèo.

Tái hiện lại “tuổi thơ” trước giờ chương trình bắt đầu – Ảnh Thanh Nguyên

Ngày nắng hiếm hoi xen kẽ giữa những ngày mưa cuối mùa tầm tã, nhóm thanh niên tình nguyện chúng tôi được sự hỗ trợ từ đội văn nghệ của Trường Đại học Đồng Tháp cũng như các anh, chị Đoàn thanh niên địa phương đã phối hợp cùng nhau với quyết tâm dành thêm một kỷ niệm tuổi thơ cho trẻ em nơi này và cũng cho chính mình. Từ ban sáng, loa phát thanh xã đã thông báo rộng rãi đến bà con xứ cù lao về chương trình đêm văn nghệ phục vụ miễn phí và kêu gọi gây quỹ từ thiện hộ nghèo. Những đứa trẻ háo hức lắng tai nghe loa báo và bàn tán, lời bà con bảo nhau đêm nay có văn nghệ… Kí ức của những năm 90 bất chợt ùa về và chúng tôi, những người thực hiện chương trình cũng mong chờ không kém.

Chương trình bắt đầu khi trời vừa sụp tối, những hàng ghế khán giả còn lưa thưa, nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ vẫn cứ sụt sôi, các bạn vẫn hát, vẫn múa và diễn. Đôi ba tiết mục trôi qua, những hàng ghế đang dần được lấp đầy, những tiếng vỗ tay dày hơn, những ánh mắt trong trẻo, những câu hát bè theo rõ hơn… và điều chúng tôi mong đợi đã đến. Khi những chiếc ti vi truyền hình kĩ thuật số được gác lại, những chiếc điện thoại thông minh được nghỉ ngơi thay vào đó là những tiếng hát, tiếng cười, tiếng vỗ tay cứ âm vang tại Nhà văn hóa xã. Những vòng tay được dang rộng ra hơn, những tấm lòng tương thân tương ái, nghĩa tình ấm áp, những ánh mắt lấp lánh, những lời trêu đùa “xã mình đêm nay có hội”… Micro được truyền đến những đôi bày tay đầy vết sạn chai, những câu hát được cất lên trầm, dày, mộc mạc như cây chanh, cây ổi của vùng cù lao lận đận lên xuống bao mùa… sao mà chân tình, thân quen quá thể.

Gần cuối chương trình, khi những thân tình còn chưa kịp nhắn gửi hết, điện tắt. “Giống hồi xưa đi coi hát mà máy hết dầu héng”, chợt đâu đó giữa khoảng không mờ ảo sáng tối, giọng chú nào đó cất lên, phá tan không khí im lặng. Những chiếc đèn pin lần lượt phát sáng rồi những tràng cười, tiếng vỗ tay, những bài hát không cần tiếng nhạc, tiếng đàn, không cần micro vẫn vang vang. Chúng tôi có thêm một kỷ niệm để nhớ, một niềm vui góp nhặt cho cuộc sống muôn màu, bà con xứ cù lao có một buổi tối giải trí, nhắc nhớ lại những “niềm vui nhỏ nhoi” của một thời quá vãng. Và, những đứa trẻ lớn lên ở vùng cù lao này sẽ có thêm một kỷ niệm, một nỗi nhớ khi kể về tuổi thơ mình, giống chúng tôi của ngày hôm nay hay không. Chúng tôi cũng không chắc lắm về điều đó, nhưng vẫn vững tin rằng, niềm vui sẽ không dễ qua nhanh.

T.N