Gánh vầng trăng rơi – Tạp văn của Mỹ An

665

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đến Ngày lễ kỷ niệm ngày 20 tháng 10 hằng năm tôn vinh người phụ nữ Việt Nam cũng là ngày mẹ tôi qua đời. Nên bên cạnh niềm tự hào sâu sắc về những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam luôn mang vẻ đẹp tiềm tàng và sức sống bất diệt của dân tộc, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” được trao gửi triệu đóa hồng tươi nguyên sắc thắm, tôi còn cài bồng hồng trắng trong tâm tưởng như màu trắng khăn tang buồn đau tiễn mẹ về nơi yên nghỉ cuối cùng. Lòng thầm nghĩ “Trên cõi đời này không có bài ca nào nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người”.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Mất mẹ, không biết bao đêm tôi trằn trọc nhớ mẹ, nhớ đến quặn thắt, đến tột cùng, đến nửa đêm nằm mơ thấy mẹ về kể chuyện ngày xửa ngày xưa: năm 1954, mẹ sinh tôi ra, tôi khóc mẹ cười. Tôi khóc vì lẽ tự nhiên, mẹ cười vì mừng vui mãn nguyện. Khi tôi cười bập bẹ nói được đôi ba tiếng “mẹ mẹ ba ba” thì mẹ lại khóc rưng rưng vì hạnh phúc. Ngày đầu tiên tôi đi học người lo lắng nhất là mẹ. Học ở xa tận Huế, mẹ một mình gói mấy chục bánh ú mang ra đến tận nơi thăm tôi. Khi cuộc chiến sắp kết thúc, tôi đi về đâu giữa cảnh ác liệt bom rơi đạn nổ, mẹ bồn chồn lo lắng ngồi khóc. Cuối cùng sáng ngày 25 tháng 3 năm 1975, mẹ một thân một mình, mang cái xách đựng mấy lon gạo đi bộ thất tha thất thểu từ Tiên Phước đến Tam Kỳ, ra quốc lộ 1 dưới cái nắng tháng Ba như thiêu như đốt đi về phía Thăng Bình Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn đến Đà Nẵng để tìm tôi. Khi nào mệt mẹ lại nghỉ rồi đi tiếp. Đến tối mẹ xin vào ở tạm trong căn nhà bên đường, mượn cái nồi, đổ vào mấy nắm gạo nấu cơm ăn với muối cho qua bữa. Mẹ chứng kiến những người lính Sài Gòn hớt ha hớt hải vất súng ba lô, quần áo chạy thục mạng và những đoàn quân giải phóng rầm rập tiến vào thành phố. Lòng mẹ như lửa đốt, người mẹ rã rời. Gạo trong túi xách đã hết từ ngày hôm trước. Mẹ vào các nhà bên đường xin ăn. Gặp người tử tế tốt bụng cho mẹ nắm cơm, ổ bánh mì. Mẹ chia nhiều phần, phần ăn, phần để dành hôm sau. Cứ thế mẹ đi hết đường này đến đường khác, hết chỗ này đến chỗ khác để tìm tôi. Mẹ không hỏi ai, mà giữa phố phường đông người như thế, biết ai mà hỏi. Cuối cùng mẹ kiệt sức như người mất hồn, quần áo tơi tả, đi không nổi nữa. Mẹ ngồi dưới gốc cây xà cừ trên đường Quang Trung  Đà Nẵng dõi mắt nhìn hết người này đến người khác đi qua với hy vọng thấy tôi ở đó. Cuối cùng thở dài nước mắt trào ra, mẹ thì thầm “Con ơi! Bây giờ con ở đâu?”… May mà gặp người quen báo với mẹ là tôi đã về nhà. Thế là mẹ mạnh mẽ đi về lại Tiên Phước.

Nhớ mẹ, nhớ cái đòn gánh năm xưa. Cả đời chiếc đòn gánh oằn trên vai mẹ. Thời con gái mẹ lấy chồng về ở với ba tôi, mẹ là người phụ nữ tảo tần chịu thương chịu khó gánh gồng buôn bán khắp nơi. Hằng ngày mẹ phải thức dậy từ bốn giờ sáng quảy gánh qua tận Hòn Nhón, Thanh Bôi, Tiên Châu để hái chè thuê, gánh về đến nhà thì trời tối mịt. Sáng hôm sau ra chợ bán mua cá mua tôm gánh về hôm sau đổi mít, đổi khoai… Có lần mẹ quảy đôi gióng đi bộ trên ba chục cây số xuống tận biển Tam Thanh, Tam Kỳ để mua cá. Hôm sau mẹ gánh hai thùng cá muối nặng trĩu đi bộ cả ngày đường đến khuya mới về tới nhà. Chợp mắt một lát nghe gà gáy mẹ lại thức dậy vội vàng phân ra phần để ăn, phần còn lại cho vào đôi giỏ, rồi tiếp tục gánh  bán từ làng này đến làng khác…

Cái đòn gánh thành bạn tri âm tri kỷ của mẹ, theo mẹ từng bước chân, không mỏi mệt, ngừng nghỉ, không một lời phàn nàn than vãn. Trời mưa hay nắng mẹ với cái đòn gánh cùng gióng mủng sớm khuya đi về, chắc chiu từng dồng tiền hạt gạo ít ỏi để lo cho tôi ăn học và trang trải mọi thứ trong gia đình. Đến khi tóc mẹ bạc lưng mẹ còng, sức mẹ yếu, đôi vai mẹ chùng xuống không còn gánh được nữa thì mẹ đội, mẹ bưng. Nhớ lại mà thấy thương mẹ vô cùng. Làm sao có thể quên được thân mẹ gầy, chân mẹ yếu nhưng mỗi sáng mẹ lại đội cái mũng, bước đi từng bước chúi người về phía trước cùng cái bóng mẹ ngã dài trên đường từ nhà lên chợ huyện để kịp bán những bó rau lang, chùm ngô luột…lấy mấy đồng tiền, tích thiểu thành đa.

Rồi một ngày trăng tròn lại khuyết, mẹ ngã bệnh ốm đau, bệnh suyển làm cho mẹ không thở nổi lúc trái gió trở trời, bệnh loãng xương làm cho chân tay mẹ gãy đứt, đôi lần bó bột, bệnh huyết áp làm cho mẹ bị tai biến liệt nửa người không hồi phục được.

Thế là mẹ nằm một chỗ trên giường gần hai năm rưỡi, con cháu trong nhà chăm sóc mẹ, lo tắm giặt, bón cho mẹ từng thìa cháo muỗng canh. Con tôi đêm nào đi làm về cũng đến ngủ bên bà. Có lúc bà cháu cười thút thít trên giường. Tôi hỏi: “Cái gì mẹ cười thế?”. Mẹ bảo: “Con mi nó sắp có chồng rồi mà còn rờ vú tau!”. Nghe vậy cả nhà cười mà thương mẹ vô cùng!

“Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi”, Và ngày ấy đã đến! Vào một chiều chủ nhật, tôi nói với mẹ rằng: “Bây giờ, con ra Đà Nẵng để ngày mai học. Mẹ ở nhà thứ Tư con lại về!”.  Mẹ tôi dường như biết trước mẹ không còn được bao nhiêu thời gian nữa nên nắm tay tôi và nói: “Con ở nhà với mẹ đêm nay nữa thôi!”. Tôi nghĩ rằng mẹ muốn tôi ở nhà nên nói vậy! Nào ngờ trưa hôm sau ngày 20 tháng 10 năm 2003, vừa ăn cơm trưa xong ở Phân viện – Học viện Chính trị Quốc gia tại Đà Nẵng, con tôi báo hung tin: Mẹ đã qua đời! Làm sao tôi không ân hận mình không ở được bên mẹ lần cuối cùng trước lúc lâm chung!?

Mẹ ơi! Đứng trước vong linh của mẹ lòng con làm sao không khỏi xót xa xa, tâm tư con làm sao không khỏi nghẹn ngào thổn thức!… Xưa gieo neo khổ cực, nay cách biệt nỗi niềm thương tiếc khôn nguôi. Bao nhiêu hình ảnh và kỷ niệm của mẹ ùa về đầy ắp trong tâm trí con. Mẹ ơi! Mẹ là người hiền từ mẫu mực, yêu chồng thương con vô bờ bến. Mẹ vỗ về chăm nom nuôi nấng lo cho chúng con từng miếng ăn, giấc ngủ, lo thuốc thang ve dầu những lúc trái gió trở trời. Mẹ nhọc nhằn dạy dỗ chúng con nên người. Mẹ sớm chiều vất vả đảm đang chu toàn mọi việc, chịu thương chịu khó cắt khâu may vá cho chúng con có được manh quần tấm áo lành lặn.

Mẹ ơi! Đường mẹ đi chiều xế bóng lâu rồi. Ngày hai mươi tháng mười lòng con thao thiết. Mẹ! Vầng trăng tròn rồi khuyết. Giờ ở cuối trời xa! Đêm bàng hoàng cắt cứa tháng năm qua, thương cái đòn gánh năm xưa oằn trên vai mẹ. Vầng trăng khuyết về cuối trời lặng lẽ, lá thu vàng theo sắt nắng đang phơi, con nghẹn lời gánh cả vầng trăng rơi. Và đêm ngày nhớ mẹ quá mẹ ơi!

Tiên Phước, tháng 10 năm 2020

 M.A