Gánh ve chai – Tạp văn của Song Nguyễn

610

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nó lầm lũi, cúi mặt bước đi vào lớp khi nghe ai đó nói: “Tao vừa thấy mẹ mày quảy gánh ve ngang trước cổng trường”.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Mỗi lần như thế nó chỉ nín lặng và bước đi.

Nó vẫn hay mặc cảm với mọi người về công việc của mẹ mình. Mỗi lần bắt gặp cái dáng liêu xiêu quảy gánh đi qua trường nó hay giấu mặt vào tường rào và mong cho cái dáng ấy đi qua thật mau. Nó không muốn để bạn bè nó biết nó là con của một bà mua bán ve chai. Nhưng trái lại trong suy nghĩ ấy, nó là đứa học sinh làm văn có nhiều cảm xúc nhất mà cô giáo và các bạn cùng lớp từng đọc được.

Hôm đó khi phát lại bài kiểm tra văn một tiết, giọng cô giáo run run, từng giọt nước mắt cô rơi theo từng dòng chữ trên đôi giấy tập học trò. Giọt nước mắt của sự đồng cảm, sẻ chia. Giọt nước mắt bằng cảm xúc vỡ òa vì sung sướng khi cô có một cậu học trò viết nên một bài văn cảm xúc đầy ý nghĩa về người mẹ. Bạn bè ánh mắt cũng ương ướt theo, thèm thuồng giá mình được như nó, được trải lòng bằng những câu chữ mượt mà, sâu lắng như tiếng nói của trái tim.

Bài văn đạt điểm 10 tròn trĩnh nét chữ trong lời phê “xuất sắc” của cô nổi tiếng là khó tính nhất trường. Đọc xong bài nó viết, cô lặng đi, các bạn hướng mắt nhìn về phía bàn cuối lớp để bắt gặp gương mặt bầu bĩnh của nó đang lưng tròng chực chờ tuôn chảy. Trong lời nói ngọt ngào chứa chang những lời dạy bảo sâu sắc ấy, cô đã xua tan đi những suy nghĩ chưa đúng đắn về công việc của những người vất vả mưu sinh.

– Các em ạ, chúng ta thường tôn vinh và quý trọng những công việc lớn lao của các nhà khoa học, hay những doanh nhân thành đạt mà quên rằng xã hội còn có những công việc thầm lặng mà thanh cao đáng được trân trọng. Họ là những cô quét rác, không ngại gió sương đêm hôm khuya khoắc để làm xanh, sạch, đẹp cho đời; họ là những bà mẹ, những chị quảy gánh ve chai kiếm tiền bằng sức lao động của mình để cho các em có được những chiếc áo mới, những trang vở thơm tho ngày hai buổi đến trường. Chính họ đã dệt nên những mảng xanh của bức tranh quê bằng những gam màu tươi sáng nhất, óng ánh nhất. Vậy tại sao ta lại không yêu quý họ? Nghề nào dù lao động chân tay hay trí óc cũng đáng được trân trọng phải không các em?

Trong từng lời của cô đã làm cho nó xóa đi biết bao suy nghĩ lệch lạc trước đây của mình. Nó cảm thấy có lỗi. Giờ tan học, nó đạp xe chạy nhanh về nhà. Người phụ nữ gầy guộc, làn da sạm nắng, mái tóc pha sương vừa buông gánh trên đôi vai còng một thời cõng những suy tư, trăn trở vào chiếc áo màu nâu sờn bạc là người mà nó mong gặp. Nó khoe với mẹ bài văn đạt điểm 10 tươi nguyên màu mực đỏ. Người phụ nữ ấy chợt tan hết đi bao mệt nhọc, đôi mắt ngước lên vòm trời xanh đầy tia nắng ấm, hạt nắng của niềm tin, hy vọng đang soi vào những vết chân chim.

Từ đó, Chủ Nhật nào nó cũng lẽo đẽo đạp xe theo mẹ mua từng vỏ lon bia, chai nhựa, mớ giấy vụn. Gặp bạn bè, nó ngẩng cao đầu và hãnh diện vì đã góp sức nhỏ của mình giúp mẹ mưu sinh.

Một sáng đẹp trời, gió lạnh về nôn nao trên những hàng cây quanh trường. Không khí khoáng đãng, nó nhận được gói xôi vò nóng hổi từ đôi tay của người mẹ nghèo trên vai quảy gánh ve chai. Nó cảm thấy ấm áp và hạnh phúc biết bao. Ấy vậy mà từ bấy lâu nay nó cứ lẩn tránh vì tự ti, mặc cảm.

Nó viết vào trang nhật ký đầu ngày: Cảm ơn cuộc đời vì con được làm con của mẹ. Mẹ ơi!

S.N