Gấp sách lại chợt thấy lòng bình yên – Lê Trương Thúy Diễm

751

(Vanchuongphuongnam.vn) –Tôi vừa đọc xong những dòng chữ đầy thi vị của Nguyễn Văn Hòa – tác giả người gốc xứ Nẫu đất Phú Yên. Nguyễn Văn Hòa vừa cho ra mắt tập tản văn “Bình yên từ phía quê nhà” với những ca từ bình dị, thân thương và chứa chan bao điều gần gũi. Tất cả gói ghém trong 16 tản văn không quá ngắn cũng chẳng quá dài nhưng đủ khiến tâm trí người đọc khẽ khàng chợt nhớ, chợt thương.

Bình yên từ phía quê nhà là những ca từ hết sức giản dị và đời thường, chắt chiu từng cảnh vật và khoảnh khắc giữa cuộc sống thường nhật. Nơi ấy có Ngôi nhà gỗ và những ban mai bình yên với cách tạo dựng ngôi nhà gỗ theo kiểu nhà sàn cách đất và những bức tường làm giá để các vật dụng. Với gian bếp được đắp nổi, cùng lớp cát cách nhiệt dày bên dưới để bảo đảm an toàn… trong gian bếp cất giữ nhiều vật dụng gia đình từ đời trước gìn giữ đến tận nay, mỗi vật lại gắn liền với một câu chuyện… Hay những lần cha lợp lại mái tranh giữa một ngày tháng Chạp, một hình ảnh quá quen thuộc với những người lớn lên giữa vùng quê nhưng mấy ai khắc ghi từng chi tiết. Vì nó quá quen nên người ta lờ đi, hay vì một lý do nào khiến tâm trí trở nên vô tình? Nhưng Nguyễn Văn Hòa đã tinh tế ghi lại từ khi “má nói đã đánh đủ tấm liếp tranh…” đến lúc “cha sang bên nhà bác Tám, mượn chiếc thang bằng lão để leo lên mái. Má cùng anh ba, anh tư dùng sức ném những tấm tranh đã được kết lại lên trên,…” đến cả việc lưu lại khoảnh khắc bóng cha ngồi trên mái nhà cũ, làm công đoạn cuối cùng là canh những tấm lá tranh ở giữa hai mái cho thật kỹ. Với tác giả, “ngôi nhà chính là nơi gắn kết tất cả những yêu thương. Dù trong cuộc sống áo cơm đầy những buồn vui được mất nhưng lúc trở về, bước qua bậc cửa thân quen, lại thấy lòng mình bình yên đến lạ…”. Ấy là những xúc cảm rất riêng mà chỉ những ai đã từng sống, từng trải qua giữa những khung cảnh mới có thể chiêm nghiệm những điều gần gũi, thân thuộc.

Bình yên từ phía quê nhà còn là những kinh nghiệm quý báu, những nét đẹp lưu truyền từ đời ông cha. Ấy là thói quen đọc sách, là những ngày hanh hao cuối Chạp, cả nhà mang những cuốn sách quý hong khô trước hiên nhà. Hay cả những công đoạn của việc gieo trồng hoa vạn thọ trưng lên ngày Tết, làm sao cho những cánh hoa thật đẹp, mang hết ý nghĩa một năm mới đủ đầy, ước vọng. “Tôi lớn lên qua bao mùa hoa vạn thọ quê nhà, qua bao mong ngóng tết để được tấm áo mới và nhiều ngóng trông thơ trẻ khác. Với tôi, dù có đi đâu, làm gì thì hoa vạn thọ vẫn luôn hiện diện trong bao nhiêu ký ức đẹp về quê nhà và hễ nhìn thấy hoa, nghe mùi hương đặc trưng của nó là như đã thấy tết về!”. Đọc những vần văn như chứa đầy thơ, tôi cảm được nỗi trân quý của tác giả đối với bao vốn sống quý giá giữa cuộc đời.

Bình yên từ phía quê nhà là những ký ức ngày thơ đẹp đẽ của không chỉ tác giả mà của bất kỳ ai đã từng là trẻ thơ. Ở đó có những mùa quả chín xôn xao trong khu vườn quê yên tĩnh và chậm lại, như chưa hề có những bộn bề của dòng đời tấp nập ngược xuôi. Ở đó chứa chan “…những mùa hè đã cũ, mùa hè mà những trái ổi sẻ chưa bao giờ kịp chín vì bao nhiêu vết bấm và bị hái đi khi vừa kịp chua lớp vỏ bên ngoài…”. Có những món quà thú vị từ những dây lạc tiên no nê nắng giá, chín đúng cỡ vàng ruộm, tự rơi xuống giữa thinh không. Bao nhiêu kỉ niệm thời non trẻ tác giả gom góp nhớ thương lên chuyến tàu thời gian đến tương lai cho những mưu cầu chữ nghĩa, cho cuộc sống áo cơm ngày trưởng thành. Để rồi “sớm mai, tôi ra vườn, trông thấy những quả ổi sẻ ruột đỏ và mấy quả mãng cầu bị ăn phân nửa, chợt thấy lòng dìu dịu nỗi nhớ thương…”. Rồi tác giả nhớ về nồi cháo nhái ngọt lành, thơm mùi vị của quê hương nơi chái bếp xưa mang “bí quyết” riêng từ bàn tay má. “Nồi cháo nhái bốc hơi nghi ngút và thịt nhái cuốn lá mãng cầu bắt than chín vàng thơm nơi căn bếp nhỏ”.

Bình yên từ phía quê nhà đâu đó có phảng phất tình cảm của tác giả với gia đình, với tình yêu đầu đời và có cả những cuộc gặp gỡ “những người ta gặp không người nào là ngẫu nhiên” của tác giả. Như một lời tri ân gửi đến người mẹ đáng kính, Nguyễn Văn Hòa tạc vào Một năm có 365 ngày…để ta báo hiếu! những dòng của bài thơ Gánh đời được sáng tác bởi chính tác giả và như một lời nhắn nhủ, đánh thức tất cả chúng ta về đấng sinh thành. “Trong cuộc đời này, mỗi người có một hoàn cảnh, một số phận điều kiện sống khác nhau. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, mỗi chúng ta cũng phải có cách riêng của mình để thể hiện sự “báo hiếu” đối với mẹ. Bởi mẹ mỗi lúc một già, mẹ rồi cũng sẽ rời xa chúng ta để đi về miền cỏ hoa mây trắng!”. Tận trong sâu thẳm con tim mình, tác giả vẫn tha thiết yêu một người con gái – một mối tình đầu. Nhưng tiếc thay đã đi vào dĩ vãng bởi cảnh đời trớ trêu cướp đi “em” trong một tai họa bất ngờ. Ở những trang cuối cùng của cuốn sách là cuộc gặp gỡ ngoài đời thật của Nguyễn Văn Hòa với tác giả của Trò chuyện với Thúy Kiều. Những ghi chép cho người đọc rõ hơn về cuộc đời, thân phận và dự án cuối đời của “nhà thơ từng gây tiếng tăm nhưng cũng còn nhiều điều chưa rõ”.

Tập tản văn “Bình yên từ phía quê nhà” mang đậm vị hương quê khép lại với những chiêm nghiệm, ngôn từ trong sáng mà bình dị thấm đẫm hoài niệm, âm hưởng của một người mang sứ mệnh “đưa đò cho khách sang sông”. Những bâng khuâng, luyến lưu của tác giả như nhắc nhở mỗi người về những ký ức, về giá trị sống giữa dòng đời tất bật.

L.T.T.D