Gia đình, bạn bè đọc thơ đưa tiễn Hoàng Nhuận Cầm

667

Vợ cũ, hai con đọc lại những vần thơ Hoàng Nhuận Cầm viết trong tang lễ thi sĩ, chiều 24/4.

Anh Hoàng Nhật Thành – con trai thứ ba của Hoàng Nhuận Cầm – thay mặt gia đình cảm ơn những người đến tiễn bố. Anh nghẹn ngào, phát biểu nhiều lần đứt quãng, nhường cho em trai đọc thơ của bố trong phút truy điệu.


Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 ở Hà Nội, từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học đến năm 1981. Ngoài những thành tựu thi ca, ông từng nổi tiếng với nhiều kịch bản phim, vai bác sĩ Hoa Súng của “Gặp nhau cuối tuần”. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Hoàng Nhật Lễ – con út cố thi sĩ – đọc bài Thêm một vì sao:

“Nếu tôi chết – gia tài để lại
Thơ mấy bài nào có gì đâu
Bạn đến viếng mua hoa thật rẻ
Cắm trên mồ cho được bền lâu…

Nếu tôi chết trời xanh bình lặng
Thêm một vì sao nữa rụng rơi
Bạn ngồi uống cà phê có nhớ
Uống cả vì sao ấy hộ tôi”

Nghe con đọc thơ của bố, diễn viên Điệp Vân – vợ thứ ba của Hoàng Nhuận Cầm – khóc nức nở. Ở kế bên, chị Thanh Tú – vợ đầu của ông – liên tục vỗ vai an ủi. Hai con lớn định cư ở nước ngoài không về kịp, hai con thứ còn nhỏ, chị Vân và chị Tú đứng ra lo hậu sự cho nhà thơ. Lâu nay, họ xem nhau như người thân.


Hoàng Nhật Lễ đọc thơ bố bên anh trai. Dù sống cùng mẹ, hai anh em thần tượng bố, thừa hưởng từ ông tình yêu phim ảnh. Cả hai học biên kịch ở Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Điệp Vân cho biết chia tay bảy năm trước nhưng chị vẫn kính mến, tôn trọng chồng cũ. Buổi chiều 20/4, nghe tin bạn bè báo không liên lạc được với nhà thơ, chị giục con trai đến nhà, phát hiện ông đã mất. “Tôi đau xót khi nghe tin, đó thực sự là cú sốc lớn với tôi”, chị nói, ôn lại những vần thơ ông từng viết trong một năm Tết xa nhà:

“Bởi vì bố có lỗi
Giao thừa đành vắng con
Bố chẳng mong gì hơn
Lúc hoa đào hé nở
Cả hai đứa cùng nhớ
Gọi điện cho bố Cầm”

Sống cùng nhau 20 năm, có hai con trai, diễn viên nói ngoài tình yêu, chị dành sự ngưỡng mộ cho chồng cũ giống như bao độc giả yêu thơ ông. Chị chăm chút ông từ bữa ăn, giấc ngủ, đến tóc tai, quần áo. Khoảng thời gian hạnh phúc nhất của hai người là khi cùng mở hãng phim Điệp Vân, sản xuất nhiều tác phẩm. Trong ký ức của chị, chồng cũ là người hồn nhiên, như “mãi mãi tuổi 20”.

Nhiều đồng nghiệp dự tang lễ, bày tỏ sự trân trọng với con người, tài thơ của Hoàng Nhuận Cầm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gọi Hoàng Nhuận Cầm là “nhà thơ chân chính, chỉ biết cúi đầu trước mẹ, Tổ quốc và cái đẹp”. Ông dẫn chứng bằng những câu thơ cố thi sĩ đã viết thay lời một người lính hy sinh khi làm nhiệm vụ gỡ bom:

“Mẹ ơi! Trước lúc con vĩnh biệt
Con không kip thấy chỗ con nằm
Con chỉ nhớ rằng sau tiếng nổ
Vẫn quỳ trước mẹ, trước vầng trăng”

Ông Phạm Xuân Nguyên nói: “Hoàng Nhuận Cầm sinh ra ở Hà Nội, là con nhạc sĩ Hoàng Giác, xuất thân tiểu tư sản nhưng lúc nào cũng bình dị, đậm chất lính. Ông không bao giờ phân biệt sang hèn. Bất kỳ ai yêu thơ ca đều có thể làm bạn với ông. Ông chinh phục độc giả không chỉ bằng những vần thơ mà còn qua lối nói chuyện hóm hỉnh, duyên dáng, giọng đọc thơ truyền cảm ở nhiều buổi giao lưu”.


Đạo diễn Thanh Vân chia buồn cùng tang quyến. Ông nhớ Hoàng Nhuận Cầm lúc nào cũng hào sảng, hết mình với bạn bè. 

Nhà báo, nhà thơ Anh Vũ kể về những buổi làm việc cuối cùng Hoàng Nhuận Cầm trong talk show về văn chương trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ấy, ông sức khỏe yếu vì bệnh phổi nhưng lúc nào cũng tham việc. “Anh Cầm chưa bao giờ nghĩ mình ra đi sớm như vậy. Anh còn một tập thơ, một tuyển tập phê bình chưa xuất bản. Anh đã làm việc và cống hiến cho thi ca trọn đời, đến tận phút cuối cùng”, Anh Vũ nói.

Trong điếu văn, nhà thơ Hữu Việt nhận xét: “Thơ ông viết về tình yêu trong trẻo, say đắm và mẽnh liệt, làm rung động biết bao con tim nhiều thế hệ trẻ. Nhiều bài thơ của ông đã trở thành tình ca của biết bao lớp thanh niên. Càng về sau, thơ ông càng đẹp, sang trọng, có độ vang vọng, với những suy ngẫm sâu xa về thân phận con người”. Trong giây phút cuối, những câu thơ trong bài Chiếc lá đầu tiên vang lên qua một giọng đọc nữ, thay lời tiễn biệt ông.

“Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say…”

Theo VnExpress