Gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa dành tặng thưởng giải Cống hiến cho trường cũ

385

Sáng 18/1 tại lễ tổng kết, trao giải thưởng Văn học và kết nạp hội viên mới (Hội Nhà văn TP.HCM), gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa đã dành toàn bộ số tiền 10 triệu đồng tặng thưởng để trao học bổng cho trường cũ Bình Tây.

Năm 2021, Hội nhà văn TP.HCM cũng như các Hội chuyên ngành khác chịu quá nhiều mất mát, với 16 nhà văn nhà thơ lần lượt ra đi như Vũ Hạnh, Lê Thành Chơn, Lê Văn Nghĩa, Trần Hữu Lục, Nguyễn Quốc Trung, Đoàn Vị Thượng, Triệu Xuân, Tôn Nữ Hỷ Khương, Nguyễn Vũ Tiềm…, trong đó có 3 nhà văn mất do Covid-19. Tuy nhiên, năm 2021, cũng là một năm ghi dấu sự nỗ lực hoạt động của Hội Nhà văn TP.HCM và những nỗ lực kiên cường góp phần mang lại sinh khí mới cho các hoạt động sáng tác văn chương tại TP.HCM.


Quang cảnh buổi lễ tổng kết và trao thưởng sáng 18/1 tại Hội Nhà văn TP.HCM.


Nhà văn Bích Ngân và Trầm Hương (từ trái sang), Bùi Anh Tấn (ngoài cùng bên phải) trao giải cho hai nhà văn nhận giải thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM.


Gia đình cố nhà văn Lê Văn Nghĩa (đeo kính) trao học bổng cho đại diện trường học cũ.


Các hội viên mới ra mắt.

Cũng trong năm qua, giải thưởng Thành tựu của Hội Nhà văn TP.HCM được mang tên mới là giải thưởng Cống hiến (do Quỹ Tình thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi tài trợ), vinh dự trao cho cố nhà văn Lê Văn Nghĩa với 3 tác phẩm xuất bản trong năm (Mùa tiểu học cuối cùng, NXB Kim Đồng; Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức, NXB Trẻ và Văn học Sài Gòn 1954-1975 – Những chuyện bên lề, NXB Tổng hợp TP.HCM) và cố nhà thơ Đoàn Vị Thượng với tập Thơ Đoàn Vị Thượng (NXB Hội Nhà văn).

Nhà văn Lê Văn Nghĩa “sống nghĩa tình – viết nghĩa nhân”

Hai Cù Nèo – Lê Văn Nghĩa còn là nhà văn đậm chất Sài Gòn, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng: Mùa hè Petrus Ký, Mùa tiểu học cuối cùng, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn, Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Văn học Sài Gòn 1954-1975 – Những chuyện bên lề, Nếu Adam không có xương sườn, Điệp viên không không thấy…

Nhà văn Bích Ngân viết cảm động về nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Tiếng cười mới có thể thấy rõ hơn những ngóc ngách tối tăm, để từ đó có thể nhận diện, mổ xẻ và tìm cách rọi vào đó thứ ánh sáng, trước nhất, ánh sáng nơi tâm hồn người viết”.

Còn Trưởng ban sáng tác, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trầm Hương nhận xét: “Ánh sáng nơi tâm hồn Lê Văn Nghĩa đã khắc họa vẻ đẹp nghĩa nhân của một vùng đất. Chưa từng thấy một nhà văn nào yêu Sài Gòn nồng nàn, sâu thẳm, máu thịt như anh, cho dù đó chỉ là ‘cây cà lem’, ‘tĩn nước mắm’, từng con hẻm, góc phố… Tình yêu ấy như chính hơi thở, cuộc sống của anh. Cũng chưa một người vợ nào yêu chồng đến vậy. Trên bàn thờ là bức di ảnh đôn hậu của nhà văn, luôn thơm ngát hương hoa Lys và những tác phẩm của anh – phần lớn là những tác phẩm anh viết trong hơn mười năm, chạy đua cùng cơn bệnh hiểm nghèo. Không kỳ vọng những điều lớn lao, thậm chí theo anh là những điều ‘bé nhỏ’, ‘vụn vặt’, chỉ là những mảng ký ức từ đáy vực thời gian được nâng niu, khâu lại mà làm nên một bức phù điêu đầy sức sống, nhân nghĩa của Sài Gòn. Anh đi về một thế giới khác nhưng đã kịp để lại một ‘di sản Sài Gòn’ trong ký ức, qua tâm hồn, con chữ. Như dự cảm một cuộc đi xa, anh đã dốc hết sinh lực trên giường bệnh, kịp trao lại cho những người bạn tuổi thơ ký ức Mùa tiểu học cuối cùng’…”.


“Nhà văn Lê Văn Nghĩa đi về một thế giới khác nhưng đã kịp để lại một “di sản Sài Gòn” trong ký ức, qua tâm hồn, con chữ”, nữ văn sĩ Trầm Hương khẳng định.


Nhà văn Bùi Anh Tấn và Trầm Hương biểu dương 3 cá nhân tiêu biểu: nhà văn Phương Huyền, nhà thơ Trần Mai Hường và nhà thơ Nguyên Hùng (thứ 2, 3, 4 từ trái sang).


Lãnh đạo Hội Nhà văn TP.HCM và nhà văn Trần Văn Tuấn (thứ 2 từ trái sang) trao thưởng cho nhà văn Bùi Tiểu Quyên và Trần Đức Tín (giữa).

Không khí buổi tổng kết và trao thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM như chùng xuống đầy xúc động khi thầy Nguyễn Thanh Hải – Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Huệ (Q.6, TP.HCM), thay mặt nhà trường lên nhận học bổng cho học sinh, vì các em vẫn đang phải học online. Gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa muốn dành toàn bộ 10 triệu đồng tặng thưởng giải Cống hiến dành làm học bổng trao cho ngôi trường mà nhà văn Lê Văn Nghĩa học tiểu học. Trường này trước đây có tên là trường Bình Tây mà ông từng có tác phẩm rất được yêu thích Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ.

Hội Nhà văn TP.HCM cũng trao quyết định kết nạp cho các hội viên mới: Thơ: Triệu Kim Loan, Vũ Hồng Lam, Khét (Trần Đức Tín), Nga Vũ, Ngã Du Tử (Phạm Ngọc Dũ), Hoa Cúc Vàng Anh (Đoàn Kim Ánh). Văn xuôi: Nguyễn Tặng, Lưu Đình Triều, Nguyễn Duy Toàn, Yudin (Nguyễn Thị Bích Trâm), Nguyễn Thu Hà, Tịnh Bảo, Phạm Xuân Trường, Trường An. Văn học dịch: Hiền Nguyễn (Nguyễn Thị Hiền) Nguyễn Lệ Chi.

Nhân tổng kết và trao thưởng cho các tác giả, trong đó có giải thưởng Cống hiến dành cho nhà văn Lê Văn Nghĩa và Đoàn Vị Thượng, Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM cũng đã bầu chọn và biểu dương những đóng góp tích cực của 3 ban công tác: Ban Sáng tác, Ban Nhà văn nữ, Ban Kiểm tra và Văn phòng Hội, cùng 5 cá nhân tiêu biểu: nhà văn Phương Huyền, nhà thơ Trần Mai Hường, nhà thơ Nguyên Hùng, nhà thơ Phùng Hiệu và nhà thơ Phạm Trung Tín.

Theo Báo Thanh Niên