Quốc Trầm
(Vanchuongphuongnam.vn) – Dịch bệnh – là hai từ không còn xa lạ với con người chúng ta từ nhiều năm trước, mỗi loại dịch bệnh sẽ khác nhau về mức độ nguy hiểm, phạm vi lan truyền và cách ứng phó cho phù hợp, điều mà ai cũng phải trăn trở đó chính là hai chữ “lòng nhân” trong mùa dịch.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Ngay khi không khí Tết chưa kịp đi qua, trong niềm hân hoan đón chào một năm mới với bao nhiêu hi vọng tốt đẹp, những cuộc sum họp ấm áp của mỗi gia đình chưa kịp phôi pha thì đại dịch mang tên Corona – xảy ra từ Vũ Hán – đã lan truyền qua nhiều quốc gia trên thế giới, mang đến cho mọi người bao nhiêu nỗi đau thương và mất mát. Và cũng chính trong những lúc hoạn nạn như thế này, chúng ta mới nhìn thấy được những tích cực và tiêu cực cả ở thương trường ngoài kia và ngay tại trong tâm của mỗi con người sống trên quả đất.
Đầu tiên là phải nói đến khẩu trang, nước rửa tay là mặt hàng khan hiếm trong mùa dịch này. Chúng là những vật dụng vừa dùng để trao đổi buôn bán vì đồng tiền, vì cuộc sống mưu sinh, chúng vừa là thứ có thể bảo vệ sức khỏe của con người, thế nhưng nó cũng lại là công cụ để đo lòng người rõ ràng nhất. Bởi bên cạnh việc chúng được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng miễn phí cho người dân thì cũng không ít người lợi dụng thời cơ để trục lợi cá nhân bằng việc tự ý tăng giá chỉ vì lợi ích của bản thân mà sẵn sàng chặt chém cả người giàu lẫn người nghèo khắp nơi. Đáng khen cho những nhóm thiện nguyện, những cá nhân đã tặng miễn phí khẩu trang, tăng cường tuyên truyền hiểu biết về kháng khuẩn phòng dịch, một số doanh nghiệp giữ nguyên giá thành cũng như chất lượng, không trục lợi trong mùa dịch.
Chính vì giao thương buôn bán bị hạn chế nên rất nhiều nông dân gặp nguy khốn khi dịch bệnh gây tồn đọng nông sản Việt. Những hình ảnh dưa hấu chất đống, bán vài ngàn/kg đầy các lề đường, thanh long ùn ứ, không bán được phải đổ bỏ khiến ai cũng không khỏi đắng lòng và xót xa rơi nước mắt. Mà cộng đồng đã trở thành những hiệp sĩ ra tay “giải cứu” nông sản mùa dịch. Nhiều nhóm hoạt động cộng đồng còn thuê hẳn xe, xuống tận vườn thu mua nông sản bị ùn ứ, sau đó đem về thành phố bán cho người dân với mức giá không lợi nhuận. Những chiếc xe căng bảng hiệu “giải cứu nông sản Việt” khiến người ta ấm lòng vì tình cảm người dân dành cho nhau trong hoạn nạn.
Và một nghĩa cử thiêng liêng vô cùng nhân đạo của quê hương đất Việt mà khiến cho bao đất nước trên thế giới phải suy ngẫm giữa tâm dịch, trong khi một số nước trên thế giới chấp nhận để công dân nước mình ở lại vùng dịch Trung Quốc để tạm thời cách ly với người dân trong nước, thì Việt Nam đã có một quyết định giàu tình người khi đưa những đồng bào đang “mắc kẹt” tại Trung Quốc về nước chỉ vì “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Những người Việt tha hương ở tâm dịch sẽ nhớ rằng: Đất mẹ luôn dang tay chở che, chào đón những người con dù nguy khó.
Nhưng vẫn không thể không nhắc đến những con người cá biệt mà cộng đồng mạng đã chia sẻ rầm rộ những ngày qua. Họ là những người con của nước Việt, sinh ra và lớn lên bằng những giọt sữa ngọt ngào của mẹ, của ông bà tổ tiên nước Nam, nhưng khi họ đi đến xứ người thì họ đành lòng quên đi nguồn cội, khi xảy ra đại dịch họ được quê hương gọi về và chào đón thì ngược lại họ buông lời khinh miệt hoặc cố tình trốn cách ly, thờ ơ trước nỗi đau của nhân loại. Họ không nghĩ lại còn bao nhiêu người con xa quê tha hương vất vả, chỉ mong được trở lại đoàn tụ với gia đình mà nào có được đâu.
Ở ngoài kia, dịch bệnh gây nhiều thiệt hại cũng như mất mát, nhưng có một giá trị tích cực mà nhiều người đang tìm lại giữa cơn hoạn nạn mang tên Corona, đó là giá trị của tình thâm. Vì dịch bệnh, nhiều gia đình đã có một kì nghỉ dài, đây là một kì nghỉ bất đắc dĩ, nhưng hóa ra lại là một cơ hội cho nhiều người có thể trả nợ ân tình, trả nợ những lời hứa mà bao lâu nay vì cơm, áo, gạo, tiền chưa thực hiện được, ví dụ như: đưa ông bà, cha mẹ, vợ con đi nghỉ dưỡng yên tĩnh đâu đó một cách an toàn, tránh xa cái ồn ào vốn có thường nhật. Hay cũng gia đình tạm rời Sài Gòn náo nhiệt về với quê cha đất tổ, về với sông suối hương đồng gió nội,… là dịp để mỗi người nhận ra cái gì là giá trị thiết thực mà bấy lâu họ lãng quên.
Có thể bạn sẽ thấy, cha mẹ mình vui như chưa bao giờ được vui như thế suốt mấy chục năm qua, khi ông bà được ăn bữa cơm sum vầy, con cháu quây quần. Có lẽ bạn sẽ thầm nghĩ rằng bấy lâu nay mình đã chưa đủ quan tâm và nhận ra rằng cha mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời, mà mình cứ vì những vấn đề riêng của mình mà trì hoãn việc thăm nom, chăm sóc,… Nhận ra rằng thứ quý giá nhất của cuộc đời này chỉ có thể là sức khỏe, là tình thương yêu giữa người với người mà thôi. Chợt chúng ta hiểu, hạnh phúc vỏn vẹn chỉ có thế và đơn giản vậy thôi.
Dịch bệnh lại tái bùng phát. Thêm những ngày nghỉ và hạn chế ra đường, dù mọi người mọi nhà phải vất vả nhiều hơn khi vừa gánh vác chuyện nhà, chăm nom con cái, nhưng các thành viên cũng có cơ hội để ở bên nhau lâu hơn, nhiều hơn và từ đó, nhận ra nhiều giá trị quý báu, một cảm nhận đầy tươi sáng và tích cực. “Nếu ngày mai hết dịch bệnh, chắc chắn tôi, chúng tôi sẽ sống tốt hơn, trân quý hơn từ những điều nhỏ nhặt nhất”.
Nhìn ra thế giới, một điều mà không ai muốn nhắc đến, bởi lẽ rất đau lòng quặn thắt, đó là những cái chết vô cùng xót xa do trận dịch để lại. Thần chết không từ một ai, từ những người dân nghèo đến những đại gia giàu có. Từ những nông dân đến các bác sĩ – những người hùng đã vì sự sống của cộng đồng mà hi sinh bản thân mình một cách thầm lặng. Có những quốc gia số lượng người mất đi vì dịch rất lớn, không kịp để họ an táng một cách đàng hoàng trong giây phút cuối cùng của một kiếp người. Đau đớn nào hơn khi nhìn những con người chết đi như những con vật, không ai dám tiếp xúc. Ảm đạm làm sao những đám tang diễn ra trong cô đơn của người xấu số mất đi giữa đại dịch vì ý thức tự cách ly, chắc hẳn ai cũng sẽ trầm tư không nói câu nào nhưng lòng tột cùng ai oán.
Thế đó, đại dịch còn ở phía trước, diễn biến thì không ai lường được. Kinh tế bị đình trệ, xã hội có nhiều hệ lụy đi theo, thế giới “yên tĩnh” như chưa từng có… và còn nhiều, rất nhiều điều cần phải nói. Nhưng việc lựa chọn cách gạt nước mắt đi và mạnh mẽ đối mặt với dịch bệnh thì nằm trong tay mỗi người chúng ta. Và bên cạnh trang thiết bị, kiến thức, thuốc men… còn có một vũ khí lợi hại vô cùng để chống lại dịch bệnh, không gì hơn là tình người, là tình thương yêu, đùm bọc che chở, chia sẻ nhau qua cơn hoạn nạn này.
Q.T