Giã từ Canh Tý bao lưu luyến

456

Như mọi lần, hễ bắt đầu vào một bài viết mới tôi đều thấy rất khó khăn, và trong cái khó đó nhiều khi “cùng tắc biến” lại “ló cái khôn”, chợt ông Trời cho nẩy ra một ý tưởng lạ, chẳng hạn lúc này tôi tự nhủ thôi thì cứ bắt lấy ngay cái ý gì vừa đột ngột nẩy sinh ra trong đầu mình, hay dở tính sau, miễn là cứ phá tung cái cửa mở đầu tiên đi đã…

Và lần này thì đấy là việc tôi đột nhiên nhớ lại mấy câu thơ mình làm thời khắc chuyển giao từ năm 1999 sang năm 2000, đã 20 năm rồi chứ ít gì, nhưng lúc này nghe ra lại có vẻ hợp, thế mới lạ. Mấy câu ấy vốn là thế này:

Giã từ Thiên Kỉ lòng tê tái

Ngàn năm dài như một câu thơ

Mây trắng bay về Thiên Kỉ khác

Riêng Lầu Hoàng Hạc vẫn nằm trơ.

Và bây giờ thì chỉ cần chế biến đi một tí thôi:

Giã từ Canh Tý bao lưu luyến

Một năm dài như một câu thơ

Năm cũ bay về Miền Quá Khứ

Riêng bao Kỉ Niệm vẫn nằm trơ.

Thế là đầu đi rồi nhé, hi vọng là đuôi sẽ lọt…

***

Vâng, 365 ngày của năm Canh Tý mà chúng ta sắp từ giã đây đúng là cả một kho kỉ niệm. Kỉ niệm gì vậy? Buồn hay vui đây?

Biết nói thế nào nhỉ? Đúng là có cả hai. Nhưng niềm vui thì cứ nói cho… vui thôi, còn nỗi buồn, chính xác hơn là nỗi đau thì sẽ còn lại mãi trong tâm trí ít ra là của tôi đây, khi tôi ngồi viết những dòng này mà trong đầu vẫn âm thầm nhớ lại những kỉ niệm vẫn còn tươi rói…

Ấy là vào cái thời khắc giao thừa sang năm Canh Tý, như một thói quen từ bao năm, tôi thường tự bước ra khỏi nhà dạo một vòng để quay về nhà làm người đầu tiên tự xông đất nhà mình, và như các bạn biết đấy, lần đầu tiên trong đời vào cái phút chuyển giao năm cũ sang năm mới ấy, giao thừa năm Canh Tý trời chợt đổ mưa rào, có cả sấm chớp hẳn hoi như là đang mùa hè vậy, và ông Trời còn rào rạt ném xuống cả một cơn mưa đá. Một hiện tượng chưa từng có ít ra là trong đời tôi từ khi tôi biết để ý đến thời khắc giao thừa. Ông Trời như tức giận gì ai mà cứ ném rào rào những viên đá xuống mái nhà, đường phố và các cánh đồng ở cái xứ mà mùa đông vẫn được gọi là mùa khô này. Thiên hạ lo lắng kháo nhau: Điềm gì đây?

Tôi không phải là người duy tâm, nhưng tôi biết diễn biến của thiên nhiên thật sự là khôn lường và đầy bí mật mà tôi không dám chắc là con người đã hiểu được hết.

Và chẳng phải đợi lâu, chỉ ra tết ít ngày, tai họa đầu tiên của năm Canh Tý đã xuất hiện từ cái địa danh có tên là Vũ Hán ở bên Trung Quốc. Cái lũ virus Covid-19 ấy đã nhanh chóng mở một chiến dịch tấn công vào cả loài người như một cuộc đại chiến thứ ba vậy. Phải nói ngay là cho đến lúc này, cuộc chiến tranh thứ ba ấy vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu và nước Mĩ, người ta thống kê rằng đâu như chỉ mấy mươi giây lại có một người chết vì con virus khủng khiếp này. Nói nó là một cuộc đại chiến chắc cũng không ngoa.

Và ở nước ta cũng vậy, ngay từ những ngày đầu năm Canh Tý bệnh dịch đã theo chân những người nhập cư lan tới Hà Nội và hối hả kéo lên những hồi còi báo động khiến ai ai cũng phải đóng cửa tự nhốt mình trong nhà. Theo sự chỉ đạo rất kịp thời của Bộ Tư lệnh chống dịch của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu, cả nước tiến hành một cuộc cách li chưa từng có. Và các em học sinh các cấp bắt đầu một kì nghỉ tết dài bất tận, cũng chưa từng có luôn. Đó là những ngày đường phố vắng tanh như chùa Bà Đanh, và ai có việc cần ra khỏi nhà đều phải trang bị cái khẩu trang che hết già nửa khuôn mặt. Suốt ngày ngồi nhà, bật tivi lên là thấy cảnh những chiếc xe cứu thương rú còi, những khu cách li có cái biển to tướng cấm người qua lại. Đất nước nhiều nơi biến thành những cái bệnh viện khổng lồ.

Buồn là thế. Lo là thế. Nhưng điều gì đã xảy ra ở cái xứ sở không lớn lắm cũng chưa giàu có mấy là đất nước chúng ta khi chúng ta đã vượt qua giai đoạn thứ nhất của đại dịch một cách phải nói là ngoạn mục: Số người mắc phải dừng lại rồi giảm dần, số người hồi phục và khỏi hẳn tăng lên từng ngày và số người không may tử vong cũng dừng ở con số rất hạn hữu! Đó là nhờ sự chỉ đạo riết róng và hiệu quả của Đảng và Nhà nước, là ý thức chấp hành nghiêm lệnh của toàn dân với ý thức cứu người và tự cứu mình thật đáng nể.

Đến đợt dịch bùng phát thứ hai ở Đà Nẵng cũng vậy. Hoang mang và lo sợ lùi lại rất nhanh khi chúng ta đã kịp thời bế quan tỏa cảng toàn thành phố này và xiết chặt quy chế nhập cư với sự xét nghiệm và cách li không khoan nhượng đối với những người nhập cảnh đường bộ, đường không và cả đường thủy. Bao nhiêu khu nhà rộng rãi khang trang được huy động làm nơi ở cách li của hàng vạn khách nhập cư và bao nhiêu bệnh viện được huy động làm cơ sở khám chữa bệnh cho người bị dịch.

Công lao hàng đầu trong công cuộc chống dịch này là thuộc về các thầy thuốc của chúng ta, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã bất chấp hiểm nguy, gian khổ, kể cả mất ăn mất ngủ, đói rét theo nghĩa đen để túc trực ngày đêm bên dường bệnh, sáng tạo ra những phương cách trị bệnh đầy hiệu quả mà ấn tượng nhất là với ông bệnh nhân phi công người Anh đã được các anh chị cứu thoát khỏi lưỡi hái của từ thần sau một thời gian điều trị kỉ lục, trường hợp mà có người đã nói rằng nếu không mắc bệnh ở Việt Nam thì có thể ông ấy đã không sống nổi. Gọi các anh các chị ấy là những “Thiên thần áo trắng” cũng hoàn toàn không ngoa, tôi nghĩ thế.

Ở đây có một điều vô cùng xúc động liên quan đến đồng đội của tôi, những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ấy là cảnh những khu doanh trại rộng lớn khang trang của các đơn vị quân đội ta đã được biến thành những khu dành cho người cách li sử dụng. Những người lính chúng ta đã nhường nơi ăn chốn ở tiện nghi của mình cho những người cách li, và họ đi đâu để sống? Xin thưa: Tôi thật không biết hết mọi điều gì đã đến với các đồng đội của mình, chỉ không thể cầm lòng được khi nhìn thấy trên màn hình tivi cảnh những người lính căng lên những tấm ni lông mỏng che tạm ở tận những nơi hoang vắng, ven một bìa rừng hay một vùng biên cương hẻo lánh. Và, một lần nữa tôi gặp lại cảnh những người lính ngả mình trên những chiếc võng bạt dã chiến tưởng đã lùi vào quá khứ của chúng tôi trong những năm tháng chiến tranh cách nay đã gần nửa thế kỉ. Đó là hình ảnh một cuộc chiến đấu chứ còn gì nữa – một cuộc chiến đấu cam go ngay giữa thời bình. Giá tôi có mặt bên những người lính của hôm nay mà đọc cho họ nghe bài thơ Khoảng đất dưới võng mà tôi làm từ cái đận năm 1972 ở mảnh đất Quảng Trị khói lửa thì khéo cũng rất hợp người hợp cảnh. Ấy là nói đùa bất nhẫn một chút cho vui, không ai mong chiến tranh và dịch dọt trở lại để những người lính lại bỏ giường bỏ chiếu vào rừng mắc võng mà làm bạn với lũ cây rừng, chim thú làm gì. Nhìn các chiến sĩ lại ngồi bên những cái nồi quân dụng dã chiến để ăn bữa cơm dã chiến ở trong rừng mà ứa nước mắt. Một sự hi sinh đáng nể của những người lính thời bình – không có cách nói nào khác!

Cho đến giờ này, khi tôi ngồi gõ những dòng này, trong khi thế giới vẫn khốn khổ vì làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 thì ơn Trời, ở xứ ta tình hình đã được kiểm soát. Không chủ quan với cái con virus ghê gớm này, nhưng được đến đâu ta hãy mừng đến đấy, phải không các bạn?

***

Thế là trận đại dịch, “cuộc đại chiến thứ ba” ấy ở xứ ta may mắn đã tạm thời qua đi, một kỉ niệm buồn vui mà ta tạm gác sang một bên.

Và đây, một kỉ niệm khác đã kịp ùa đến, kỉ niệm đau thương không thể quên cho cái mảnh đất miền Trung, khúc ruột của đất nước ta, quê hương của chính người viết những dòng này.

Ấy là cái đợt tổng tấn công của những cơn bão mang số hiệu từ 1 chữ số rồi đến 2 chữ số, mà tôi thú thực là không nhớ hết được, chỉ biết những ngày ấy cứ bật tivi lên là thấy cô MC xinh đẹp của Bản tin dự báo thời tiết đang khua tay chỉ vào những hình tròn xoay tít trên bản đồ, từ phía Philippines hướng vào Biển Đông và lần nào như lần ấy, cái lũ vòng tròn tai ác này cứ nhằm thẳng vào giải đất dọc miền Trung nước ta mà thẳng tiến. Những thuật ngữ cấp 11 cấp 12, giật cấp 14, cấp 15… cứ vang lên như cái điệp khúc buồn tẻ, ngán ngẩm. Bão đã đành là đổ nhà đổ cửa, nhưng đâu chỉ có thế. Đi kèm với bão bao giờ cũng là những trận mưa lớn, mưa liên chi hồ điệp khiến nước sông nước suối dâng lên ào ạt phá vỡ mọi con đê con đập biến đất liền phút chốc thành biển cả, những mái nhà ngoi ngóp giữa biển nước đỏ quạch, đục ngầu… Người sống dỡ ngói, dỡ tranh leo lên ngồi chịu mưa và nhịn đói trên mái nhà, và đau đớn thay cái cảnh người chết không nơi chôn cất và cũng bó chiếu nằm phơi mưa phơi nắng cùng người sống. Nhìn những cảnh ấy trên tivi, trên báo chí liệu có ai cầm lòng cho được. Đúng là một năm bão chồng lên bão và lũ chồng lên lũ hiếm có xưa nay.

Nhưng chưa hết, cái lũ bão cuồng điên ấy không chỉ kéo theo mưa, mà rồi chính mưa lũ đã gây nên cái thảm nạn khủng khiếp là những trận lở đất kinh hoàng. Chỉ cần xem một cái clip mà ai đó đã kịp ghi lại, chỉ vài phút mà ta đủ chứng kiến thế nào là sạt lở đất: cả một tảng núi trong nháy mắt đổ sập xuống, người ta chỉ kịp kêu lên một tiêng “chạy!” và ba chân bốn cẳng lao đi, nhưng chạy thế mà vẫn có người bị lũ đất đá kịp đè chết. Ấy là người tỉnh đấy nhé. Còn với những người đang ngủ thì đúng là chết mà không biết mình chết. Mà sao cái nạn lở đất ấy lại hay xảy ra vào ban đêm thế không biết. Vâng, những cái chết do sạt lở đất vùi, nói ra thì quá thương tâm và bất nhẫn, nhưng không có cách gọi gì khác hơn đó chính là bị chôn sống. Tôi thật không thể và không dám viết gì thêm về những thảm cảnh như vậy ở nhà máy điện Rào Trăng 3, ở Trà Leng, Nam Trà My… Vô cùng thương xót bà con ta, những chiến sĩ, những người đi công tác và đi cứu hộ đã tuẫn nạn quá thương tâm. Nhìn những cảnh đào bới giữa bùn lầy, nhất là cảnh những chiếc cần cẩu máy xúc to đùng cứ vục những cái gáo có hàng răng cưa bằng sắt thép xuống để tìm thi thể các nạn nhân thật không dám hình dung thêm được nữa…

Đó là những ngày mà những cái địa danh của một giải đất miền Trung từ Nghệ Tĩnh Bình Trị Thiên, Nam Ngãi Bình Phú Khánh Hòa… không ngày nào không vang lên trên tivi và mọi phương tiện truyền thông như những tiếng kêu cứu. Và may mắn thay, cả nước chúng ta đã ngay lập tức đáp lại lời kêu cứu ấy tận tình và hiệu quả vô cùng.

Vâng, chúng ta hãy nói chuyện này để ấm lòng một chút.

Trước hết lại vẫn là hình ảnh những bộ quân phục của đồng đội chúng ta đã có mặt ngay ở những nơi xảy ra thảm nạn. Vẫn là thế, những anh bộ đội của thời bình. Tạm thời rời xa doanh trại, tạm dừng những buổi luyện tập thường nhật để lao đến những nơi đang cần đến các anh. Nhìn các anh trèo đèo lội suối, lặn lội ở trong bùn lầy, thận trọng đào bới từng mẩu đất để tìm thi thể các nạn nhân, nâng niu những thân thể người bị nạn như thể những người thân của mình khiến ta càng thấu hiểu thêm mấy từ “Quân đội nhân dân” tưởng nghe mãi đã sáo mòn. QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN, đó là những từ mà tôi muốn viết hoa khi viết về các đồng đội của mình vào lúc này. Xin được nói lời biết ơn và ngả mũ ngưỡng mộ những người con của Nhân Dân đúng nghĩa.

Tiếp theo, như có người đã ví von: trong những ngày ấy có hai dòng lũ cùng đổ vào miền Trung – một dòng lũ nước bùn, đất đá của ông Trời đổ xuống và một dòng lũ tiền bạc, lương thực, vật dụng của nhân dân ta từ khắp nơi trên cả nước đổ về giải đất này. Đặc biệt tôi muốn nói đến những đoàn thiện nguyện, trong đó có những tên tuổi là người của công chúng đã quyên góp được một lượng tiền bạc nhiều đến mức đáng kinh ngạc. Phải có một lòng tin và tình yêu thương con người đến mức nào đó người ta mới có thể có những nghĩa cử cao đẹp đến nhường ấy. Nhìn những người thiện nguyện, trong đó có những cô gái chân yếu tay mềm lặn lội trong bùn đất đến tận những thôn bản xa xôi đang ngập lụt để trao quà tận tay cho những người bị nạn, chúng ta mới thấm thêm hai chữ Đồng Bào mà tôi lại xin được viết hoa. Vâng, hai chừ ĐỒNG BÀO mà tôi viết hoa ở đây tưởng không bao giờ có thể đúng chỗ hơn.

***

Chúng ta đi từ những kỉ niệm buồn đau đến mừng vui, như quy luật ở đời không thể khác…

Ấy là, trong cái năm Canh Tý mang đầy hiểm họa như đã nói ở trên, lại cũng là cái năm chẵn 2020 mà nước ta có bao nhiêu ngày lễ kỉ niệm cảm động.

Đó trước hết là kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, một con số quá tròn trĩnh và cũng là quãng thời gian lâu hun hút. Có lẽ vì thế mà Ban Tuyên giáo trung ương đã kịp tổ chức thực hiện và cho phát bộ phim tài liệu dài đúng 90 tập, dài đúng bằng số tuổi của Đảng ta, bộ phim có cái tên cũng rất dài Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh biên niên sử truyền hình mà cho đến nay chúng ta cũng mới xem được sáu bảy mươi tập gì đấy. Cùng với ngày kỉ niệm dài trong suốt cả năm này, năm 2020 cũng là năm toàn Đảng ta tiến hành những công việc chuẩn bị toàn diện và kĩ lưỡng vô cùng để tạo điều kiện cho kì Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp tới phải thật thành công tốt đẹp. Đó là niềm tin và cũng là hi vọng của tất cả chúng ta.

Tiếp đó là một ngày mà tôi rất xúc động – ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là ngày kỉ niệm của toàn quân, toàn dân nhưng cũng là của riêng chúng tôi, những người lính từng tham gia vào Chiến dịch Mùa Xuân 1975 và may mắn có mặt ở Sài Gòn ngày 30/4/1975. Chả thế mà suốt bao nhiêu năm nay, cứ đến ngày 30/4 là lũ chúng tôi lại gặp gỡ nhau ôn chuyện cũ. Còn năm nay thì với tôi, may mắn thay, lại được gặp gỡ một người bạn cùng tiến vào Sài Gòn năm 1975 là nhà báo Mạnh Hùng, một phóng viên Báo Quân đội nhân dân như tôi, một cuộc gặp gỡ quá cảm động trước ống kính của Đài truyền hình Việt Nam, một chương trình được trình chiếu trên VTV1 vào đúng ngày 30/4/2020. Thú thực khi ngồi trước ống kính cùng với các chiến sĩ lái xe tăng từng húc đổ cánh cổng, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, tôi sung sướng đến ứa nước mắt, vì như tôi đã nói vài câu trong video clip quảng cáo chương trình rằng tôi chỉ là một thằng lính làm báo, đã đi sau lại chẳng có công lao gì mấy thế mà lại có cái diễm phúc vô song được có mặt ở cái đích cuối cùng của cuộc chiến vào cái thời khắc toàn thắng của quân dân ta. Thú thực, hễ cứ nhớ đến ngày này là tôi lại bồi hồi xúc động như tất cả vừa mới diễn ra hôm qua vậy. Và không biết có bạn nào xem chương trình này và còn nhớ không, khi tôi, để trả lời câu hỏi của chị MC Tạ Bích Loan, đã xúc động đọc mấy câu trong bài thơ tôi viết vào những thời khắc đầu tiên có mặt ở Sài Gòn, một bài thơ ngắn viết đúng cái tâm thế của tôi lúc ấy. Bài thơ ấy nguyên văn như sau:

Lần đầu về với Sài Gòn
Loay hoay tìm nơi mắc võng
Nhìn bốn bức tường nhẵn bóng
Thương tình chẳng nỡ đóng đinh

Suốt đêm nằm không trở mình
Hai đầu võng treo song cửa
Mơ màng nửa thức nửa ngủ
Bâng khuâng nửa phố nửa rừng

Ru anh như chiếu như giường
Đệm chăn đầu không bén gối
Trong mơ chợt nghe tiếng suối
Mở mắt quạt trần đang quay.

Chuyện là chuyện riêng của mình, nhưng tôi tin là tâm thế ấy cũng có ở nhiều người lính như tôi vào những thời khắc ấy.

Tiếp đó là một ngày thiêng liêng với toàn dân tộc – kỉ niệm 75 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Năm nay do tình hình đại dịch Covid-19, chúng ta không tổ chức mít tinh và duyệt binh rầm rộ như thường vẫn thế. Thay vào đó, các phương tiện thông tin đại chúng lại có rất nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn. Một lần nữa tôi phải cám ơn Ban biên tập Đài truyền hình Việt Nam lại cho tôi cơ hội được có mặt chớp nhoáng trong video clip phóng sự chiếu trên VTV1 tối 2/9/2020 để nói vài lời và đọc mấy câu trong trường ca Điệp khúc vô danh, đoạn viết về Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cách lĩnh hội của riêng tôi, đoạn ngắn ấy nguyên văn như sau:

Bản tuyên ngôn có tên là Giải phóng

Giải phóng con người, giải phóng tình yêu

Giải phóng trái tim, giải phóng cái đầu

Giải phóng bàn tay cầm cày, cầm búa

Bàn tay cầm súng, bàn tay cầm bút

Mỗi con người cháy bỏng một khát khao

Hô: Tự do cho mỗi một tế bào!

Những năng lượng tiềm tàng trong máu đỏ

Mỗi con người một trái bom chờ nổ

Phá tan tành những xiềng xích ngàn năm

Những trái tim đòi được sống đúng mình

Hô: Tự do cho từng nhịp đập!”

Vâng, đó chính là những kỉ niệm khó quên của tất cả chúng ta và của riêng tôi trong cái năm 2020 đầy ắp những buồn vui.

Để kết thúc bài viết đã khá dài, xin được trở lại với câu thơ tôi chế biến ở đầu bài: Một năm dài như một câu thơ. Thế là được dịp tôi xin mượn câu chuyện thơ phú văn chương để khép lại một năm đầy kỉ niệm này.

Ấy là việc những đại biểu của giới văn chương cả nước, trong đó có tôi, bất chấp đại dịch Covid-19, đã kịp kéo nhau về tụ họp tại Thủ đô Hà Nội để tiến hành cuộc Đại hội nhà văn lần thứ X. Câu chuyện vui về cuộc Đại hội rất vui này dẫu sao cũng là chuyện riêng của giới văn chương không dám xem là kỉ niệm chung của toàn đất nước. Tuy nhiên, chứng kiến cuộc bàn giao thế hệ những người lãnh đạo Hội nhà văn, nhìn những nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ chống Mĩ của chúng tôi tự nguyện rời các trọng trách của Hội để trở lại làm những nhà văn, nhà thơ bình thường, dẫu biết có chút lưu luyến thường tình, tôi tin các anh trong lòng cũng rất vui. Vui vì cuộc sống vẫn tiến lên theo quy luật tất yếu của nó. Vui vì được trở lại sống trọn vẹn với chính mình vốn là hạnh phúc lớn nhất của những người cầm bút xưa nay. Tôi đem những suy nghĩ ấy đến chúc mừng người bạn của mình, một người đã nhiều năm làm lãnh đạo của Hội và rất vui vì được anh tán thưởng.

Xin được kết thúc bài viết về một năm Canh Tý đầy kỉ niệm ở đây. Cầu mong trong năm Tân Sửu sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục có nhiều kỉ niệm mới và dĩ nhiên, mong rằng sẽ chỉ toàn là những kỉ niệm vui!

Theo Anh Ngọc/VNQĐ