Giấc mơ chuồn chuồn tre – Tản văn của Lê Công Vũ

581

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cái tôi mong nhất, hy vọng nhất là những chú chuồn chuồn tre của mình sẽ mang lại sự lãng mạn, hồn nhiên cho các em thiếu nhi trên mọi vùng miền để sau này lớn lên chúng sẽ có được kỷ niệm thiêng liêng khi tìm về ký ức tuổi thơ.

 

“Chuồn chuồn có cánh thì bay
Có thằng cu Tý thò tay bắt chuồn”

Pha ấm trà đãi khách, anh Nguyễn Văn Tái, người nghệ nhân có “thương hiệu” riêng với nghề sản xuất – kinh doanh sản phẩm chuồn chuồn tre phấn chấn kể, một thời, ngoài làm ruộng, người dân xóm chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, Thạch Thất – Hà Nội), nơi mình sinh ra từng có “đồng ra, đồng vào” nhờ làm mây tre đan xuất khẩu.

Nhưng rồi một lúc nọ, nghề chẳng nuôi nổi người khi cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp xuất hiện, tiếp theo là kinh tế thị trường mở ra. Cùng với đó là sự đổ vỡ về chính trị kéo theo những sa sút nghiêm trọng về kinh tế của một số nước Đông Âu, khiến cho anh Tái và những người bà con của mình mất đi những bạn hàng truyền thống.

Trân trọng mời khách ly trà nóng, nghệ nhân Nguyễn Văn Tái bỗng buông một cái thở phào nhẹ nhõm, đoạn tủm tỉm bảo: “Không ngờ trong cái rủi lại có cái may anh ạ. Trong lúc tôi và bà con xóm chùa này vô cùng hoang mang bấn loạn vì không biết bắt đầu lại từ đâu ngoài cây lúa sau khi “vỡ trận” nghề mây tre đan thì thật bất ngờ, phúc may kéo tới!”. Nghe anh Tái úp mở thế, tôi nôn nóng đặt câu hỏi bởi cảm giác tò mò sốt ruột: “Anh muốn nói tới sự xuất hiện đầy thần diệu của chú chuồn chuồn tre đầu tiên tại xóm chùa Tây Phương?!”.

Nhoẻn cái cười hiền hậu thuần phác, anh Tái xúc động gật đầu thay cho lời đáp. Rồi ngay sau đó, những dòng hồi ức tinh khôi hiện ra trước mắt người nghệ nhân “có tiếng có tăm” ở xóm núi chùa cổ Tây Phương. Chuyện rằng, cách đây hơn 20 năm có lẻ, buổi trời đẹp hôm đó, cái xóm nhỏ thanh bình dân dã nằm dưới chân núi Câu Lâu trầm mặc uy nghiêm chợt trở nên sống động khác thường khi xuất hiện trong đoàn du khách viếng thăm chùa có một nhân vật mang theo chú chuồn chuồn chế tác bằng tre nhỏ xinh.

Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy chú chuồn chuồn tre lạ mắt, đáng yêu tức thì người dân xóm chùa Tây Phương nổi máu hiếu kỳ xúm đen xúm đỏ quanh người lữ khách kia mà trầm trồ ngắm nghía, chỉ trỏ dẫu rằng cái sản phẩm đồ chơi đó chả lấy gì làm tinh xảo cho lắm. Anh Tái tủm tỉm bộc bạch, lúc đầu chỉ là nhằm thỏa mãn cảm giác tò mò mà anh tìm cách ngó nghiêng con chuồn chuồn tre đó mà thôi.

Thế rồi trong giây khắc ngắn ngủi đầy xúc cảm, ký ức tuổi thơ vào những trưa hè tháng năm râm ran tiếng ve sầu đầu trần chân đất, chú nhỏ Tái trốn cha trốn mẹ lỉnh ra khỏi nhà để tìm tới hàng rào dâm bụt trước ngõ; tới bụi tre gai sau nhà rón rén hồi hộp thò tay nhón nhanh những chú chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt và chuồn chuồn ngô…

Những kỷ niệm từ tiềm thức ấy trỗi dậy trong lúc… nhà đang sẵn hàng đống nguyên liệu tre pheo bởi nghề mây tre đan vừa mới “giải tán”. Thế là anh Tái bắt tay mò mẫm chế tác chú chuồn tre đầu tiên trong đời.

Cảm hứng sáng tạo đó của anh Tái được người vợ tào khang của mình, chị Khương Thị Tân ủng hộ “cả hai tay”. Thì ra, người phụ nữ đảm đang, chung thủy ấy cũng vốn sẵn có tình yêu đặc biệt với những chú chuồn chuồn trong thế giới tự nhiên từ thuở còn chơi ô ăn quan cùng chúng bạn…

“Thú thật với anh – Anh Tái thủng thẳng bày tỏ – ngày đầu tiên mày mò bắt chước người ta làm chuồn chuồn tre, tôi cũng chỉ muốn thỏa mãn cảm giác được khám phá điều mới lạ cũng như thú đam mê với chuồn chuồn ngày còn mặc quần thủng đít chăn trâu cắt cỏ thôi. Mặt khác, cũng vì muốn cho trẻ con trong nhà có thứ đồ chơi nho nhỏ lạ lạ, hấp dẫn sinh động để chúng có thêm bầu bạn mà tôi quyết làm nó bằng được”.

Tiếp thêm trà vào chén của khách, anh Tái kể, mới đầu khi được nhìn con chuồn chuồn tre của vị khách nước ngoài ấy, anh thấy nó thật đơn giản, chắc mẩm “một phát ăn ngay” sẽ cho ra đời tức thì cả núi sản phẩm. Nhưng khi bập vào làm mới thấy… thậm khó. Khó nhất là cái khoản: làm thế nào để chú chuồn chuồn tre giống y thật và đặc biệt, phải khiến cho nó giữ được thăng bằng trong mọi tư thế.


Làng nghề – phù điêu sa mốt – Hồng Hạnh.

Tự nghĩ rằng mình không đến nỗi kém cạnh thiên hạ cái “đường tài hoa” là mấy, vậy mà sau mấy tháng trời mất ăn mất ngủ, rốt cuộc anh vẫn không “chế” được một con chuồn chuồn tre nào cho ra hồn. Lúc ấy, anh Tái có cảm giác bất lực, hoang mang, không dám tự tin vào bản thân nữa. Nhưng vốn là người không quen “cả thèm chóng chán”. Nhất là, cứ thấy đám con cháu trong nhà, ngoài giờ lên lớp ra chẳng biết lấy gì để chơi nếu không cắm mặt vào điện thoại chơi điện tử cho đến khi nào phải đeo kính cận vẫn không chừa, anh Tái cho rằng mình không được thối chí nản lòng.

“Phải làm ra bằng được con chuồn chuồn tre để tuổi thơ của bọn trẻ chúng nó trở nên lãng mạn, có ý nghĩa!”. Quyết tâm thế, cộng thêm được người vợ hiền động viên chia sẻ, cuối cùng sau bao ngày trầy trật phá đi làm lại, sau biết bao “đêm trắng” thao thức trăn trở cùng những mô hình các chú chuồn chuồn tre, cuối cùng vào “cái đêm cổ tích” ấy, anh Tái đã thành công, dẫu thành quả đầu tiên đó chưa thật sự mang lại cho anh cảm giác mỹ mãn tròn trịa.

Chú chuồn tre “đầu lòng” ra đời đã kích thích cảm hứng sáng tạo của anh Tái, anh “tiện tay” nhân thêm vài chú chuồn chuồn tre nữa, cũng là vừa tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, nâng cấp chất lượng thẩm mỹ vừa nhằm có thêm nhiều đồ chơi không chỉ cho riêng con cháu trong nhà mà còn rộng ra trong họ tộc, xóm làng.

“Đấy, mục đích ban đầu của tôi với con chuồn chuồn tre đơn giản thế thôi!” – Anh Tái chân thành giãi bày – “Nào ngờ, vào sáng sớm hôm đó cách đây hơn 20 năm, hai vợ chồng còn đang mắt nhắm mắt mở trên giường bỗng có người tới gọi cổng đề nghị được mua chuồn chuồn tre!”. Nghe anh Tái kể về cơ duyên đó, tôi hồi hộp đặt câu hỏi: “Cũng từ cái buổi sáng tinh sương đó anh “bắt được mạch thị trường” để biến những sáng tạo nghệ thuật của mình thành hàng hóa?!”. “Vâng, đúng thế anh ạ!” – Anh Tái không hề giấu diếm – “Nhưng trong khi tôi còn chưa kịp thăng hoa với nghề thì, một ngày nọ, “cơn bão đầu ra” bất thình lình quét qua làng khiến cho bản thân và gia đình một phen khốn khổ chưa từng thấy!”.

Tuy vậy, cơn chếnh choáng, hoang mang chấp chới ấy rồi cũng vụt qua mau trong tư tưởng anh Tái. “Thôi thì không thành hàng hóa thì thành đồ chơi cho trẻ con trong nhà, và cũng là để vợ chồng có cái ngắm nghía cho nguôi nỗi nhớ tuổi thơ, nhưng nhất định phải “number one” hơn trước mới được!” – Anh Tái tự tin an ủi mình. Vậy là những bữa quên ăn, những đêm mất ngủ cùng chú chuồn chuồn tre, anh Tái suy nghĩ tìm mọi cách “nâng cấp” để nó trở nên tinh xảo hơn, sống động hơn. Trời không phụ lòng người, một ngày kia, đám cháu con trong nhà anh kinh ngạc kêu lên: “Chuồn chuồn của bố Tái y như thật!”.

Còn chị Tân vợ anh Tái lặng người, rưng rưng cặp mắt đẹp đầy nữ tính của mình mà “tâm phục, khẩu phục” tính kiên nhẫn cùng khả năng khám phá, sáng tạo nghệ thuật của chồng. Rồi thảng thốt giọng như chỉ chực òa khóc, rằng: “Không thể chê vào đâu được, chú chuồn chuồn của chồng em!”. Đấy cũng chính là khi cánh cửa thị trường thêm một lần nữa mở ra với anh Tái: lại có khách tìm tới ngỏ ý xin mua chuồn chuồn tre “đẹp miễn chê” của anh!

Sau giây phút lặng phắc đầy xúc cảm chiêm ngưỡng một sản phẩm thô vừa hoàn thiện xong, anh Tái thủ thỉ: “Nói chả ai tin, hơn 20 năm về trước, những ngày “vạn sự khởi đầu nan” ấy, ngoài mục đích để vợ con có công ăn việc làm ra, nếu không vì trước đó từng bị những con chuồn chuồn trong thế giới tự nhiên “bỏ bùa mê thuốc lú” từ ngày còn là thằng trẻ trâu thì tôi đã rũ bỏ đam mê rồi, dẫu mình cũng là cái anh ít nhiều có được tý ty chữ “nhẫn”!

Anh Tái giải thích, chỉ là con chuồn chuồn tre trông rất đơn giản, nhưng bản thân lại phải nếm trải ty tỷ những lần hỏng ăn, tưởng cả đời không thể nên cơm cháo gì với nó. Lúc đầu là vô số bận “lên bờ xuống ruộng” vì không thể nào lắp được “đôi cánh thần tiên” vào thân chuồn chuồn cho thật cân xứng. Tới khi vượt cửa ải đó, anh Tái lại trải qua 1.001 những ngày đêm mất ăn mất ngủ – chỉ bởi, những chú chuồn chuồn tre của mình không tài nào giữ được độ thăng bằng.

“Một khi chuồn chuồn không thể đậu được thì “thằng cu Tý thò tay bắt chuồn” thế quái nào được. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ chẳng có ma nào thèm mua sản phẩm của mình ạ!”- Gương mặt trở nên méo xệch, anh Tái hóm hỉnh thở hắt ra một tiếng, vẻ cực bi – hài. Nhưng rồi một ngày nọ, khi đang ở “cuối đường hầm”, anh Tái bất ngờ phát hiện ra nguyên do tại sao mình lại phải trải qua cả trăm bận thất bại ê chề đầy những đắng cay như thế.

Không để khách phải chờ lâu, anh Tái cởi mở cho hay, cái lý do khiến anh phải khổ sở vì thất bại, tưởng phức tạp vô cùng, hóa ra lại rất đơn giản. Ấy là: cây tre! Theo anh Tái, vùng Thạch Thất xứ Đoài mây trắng quê anh và cả Hà Nội rộng lớn nói chung cũng như các địa phương vùng châu thổ sông Hồng “… đâu đâu cũng có lũy tre xanh rì rào ẩn hiện…” (“Cây tre Việt Nam” – Thép Mới) song thật tiếc, tất cả chúng đều không thể trở thành thứ nguyên liệu quan trọng số một làm nên những chú chuồn chuồn tre được.

Nhớ lại thuở mới chập chững tiếp cận nghề làm chuồn chuồn tre, anh Tái kể, bản thân vốn dĩ rất hồn nhiên thành ra cứ đinh ninh tre nào chả là tre, dù ở miền xuôi hay mạn ngược. Song rồi rốt cuộc, anh Tái nhận ra mình đã quan niệm sai. Chính bởi cái sự “bé cái nhầm” ấy mà anh phải “trả giá” hết thất bại này tới đổ vỡ khác.

“Chẳng phải là nhà khoa học nên tôi không thể biết kết cấu thành phần cơ học của một cây tre đồng bằng khác với thứ cùng loài với nó tại vùng núi Tây Bắc ra sao. Nhưng một điều đơn giản mà tôi dám chắc: chỉ những cây tre bánh tẻ Tây Bắc mới “đủ tư cách” làm cho những chú chuồn chuồn của tôi có “thần thái” để đậu thăng bằng được thôi anh ạ!” – Anh nói.

Cũng vì lý do đó, mấy chục năm nay, anh Tái phải thường xuyên lặn lội khi thì Lào Cai, Yên Bái, lúc Tuyên Quang, Hà Giang, v.v… lùng tìm mua cho mình thứ tre “ngon lành” nhất. Mới hay cái nghề chế tác chuồn chuồn tre của anh Tái vất vả khổ sở, trầy xước công phu đến nhường nào.

Mua được tre rồi, việc đầu tiên, người ta phải làm là cạo bỏ hết phần vỏ (tinh tre) xanh bên ngoài. Sau đó tre được đem phơi (hoặc sấy) thật khô. Tiếp theo, người nghệ nhân bắt buộc phải tiến hành đủ 12 công đoạn tỷ mẩn, công phu, chính xác thì mới có được những chú chuồn chuồn tre ở dạng thô đạt yêu cầu.

“Cái khó nhất và thuộc khâu quan trọng nhất, là công đoạn ghép cánh vào thân chuồn chuồn!” – Giọng anh Tái bỗng trở nên xúc cảm: “Nhất dáng nhì da! Dáng là linh hồn của sản phẩm, do đó phải gắn cánh chuồn chuồn vào thân sao cho chúng giữ được thăng bằng ở bất kỳ tư thế nào. Muốn thế, hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác để nó tự thăng bằng khi đậu trên bề mặt của một cái đế nào đó hay ngay trên đầu ngón tay, thậm chí là một sợi cước!”.

Sau khi hoàn thành những chú chuồn chuồn tre ở dạng thô, những người thợ mới chính thức tạo “phần hồn” cho chúng bằng việc quét sơn và vẽ họa tiết làm đẹp. Được tạo hồn tạo vía, bấy giờ những chú chuồn chuồn tre vốn trước đó đã vô cùng tinh xảo và chắc chắn về độ bền rồi, lúc này trở nên bóng bẩy lung linh, sống động… như bay ra từ trong thế giới cổ tích sương khói vi diệu.

Nhọc nhằn trầy trật trải qua biết bao thăng trầm khi được, lúc mất với đầy những hỉ nộ ái ố, cuối cùng thì cơ đồ của anh Tái cũng ngày một đi vào ổn định. Những con chuồn chuồn tre không còn chỗ chê đã giúp cho người nghệ nhân thỏa mãn tình yêu với chuồn chuồn thuở ấu thơ và còn “đền đáp” cho anh “đồng tiền, bát gạo” một cách căn cơ, bền vững.

Cũng vào thời điểm của gần 20 năm về trước, khi đã có được cảm giác tự tin về tương lai của mình, việc đầu tiên anh Tái nghĩ tới là san sẻ bát cơm của mình với những người bà con chung quanh. Anh mời bà con trong xóm, ngoài làng những người vốn có “máu tình yêu” với chuồn chuồn tới xưởng của mình làm việc.

Giải thích về việc này, anh Tái cười chất phác: “Bà con trong xóm, ngoài làng với nhau cả chứ nào phải “người dưng” đâu ạ. Mới lại “Ăn một mình đau tức. Làm một mình cực thân!”. Nhờ có duyên trời ban với con chuồn chuồn tre mà vợ chồng, con cái mình có bát ăn thì cũng nên mời bà con chung vui cùng để “tối lửa, tắt đèn có nhau!”.

Cuộc trao đổi với bạn hàng qua điện thoại kết thúc, anh Tái trở lại mạch chuyện trước đó bằng việc tiết lộ, liên tục nhiều năm nay, tháng nào gia đình cũng xuất bán ra thị trường nội địa và thế giới vài vạn chú chuồn chuồn tre. Sản phẩm đã được “đóng đinh thương hiệu” nên chuồn chuồn tre của anh đã xuất hiện ở hàng loạt các thị trường khó tính, như Pháp, Nhật Bản, Mỹ và vài quốc gia châu Âu khác.

Chốt lại chủ đề “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, anh Tái chắc nịch một câu: “Nói thật, nếu chỉ với khả năng trí lực của vợ chồng, con cái nhà này thì hàng tháng gia đình đào đâu ra số lượng chuồn chuồn tre “khủng” như thế để cung ứng đủ cho trong và ngoài nước được, cho nên phải có sự “đồng tâm hiệp lực” của bà con. Tôi giúp bà con có công ăn việc làm, song chính lại là bà con lo cho tôi có được sản phẩm để bán đấy chứ. Giúp người chính là giúp mình là như thế!”.

Nhân lúc nghệ nhân Nguyễn Văn Tái thực hiện các thủ tục cần thiết cho một lô hàng chuẩn bị lên đường sang Anh quốc, tôi lân la gặp gỡ một số thợ thủ công gắn bó với anh ngay từ cái thuở hàn vi. Là một trong số thành viên cao tuổi trong xưởng chế tác chuồn chuồn tre của anh Tái, ông Vũ Đình Tiên ngoài 60 tuổi, người làng Yên Thôn hỉ hả tự giới thiệu mình đã “làm quân” cho chủ nhà từ hơn chục năm nay.

“Vốn dĩ là anh nông dân thuần túy lại thêm tuổi cao thành ra mỗi ngày tôi chỉ làm được 100 con chuồn chuồn tre dạng thô thôi!” – Ông Tiên thật thà kể – “Như những người khác mỗi ngày họ “chế” hơn 200 con là chuyện thường!”. Hỏi thu nhập thế nào, ông phấn chấn: “Bình quân mỗi tháng tôi được anh Tái trả tầm 5 triệu. Có khoản thu nhập ổn định ấy vợ chồng già chúng tôi không phải phiền hà tới con cháu mà còn có tý giắt lưng phòng xa lúc nọ lúc kia!”.

Dáng nhỏ nhắn mặn mà, hoạt bát và lam làm, chị Bùi Thị Bính người thôn Thạch chân tình thật thà như đếm giãi bày: “Không có anh Tái đây thì chả biết đến bao giờ vợ chồng nhà em mới thoát cảnh giật gấu vá vai. Bác tính, nhà có mấy sào ruộng khoán, hai vợ chồng với 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, sao chả xo dụi. Nhưng 8 năm nay, vợ chồng nhà em được vợ chồng bác Tái đây tạo công ăn việc làm, tháng nào cũng có thu nhập ổn định thế nên mới dám ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ!”.

Trong khi đó với Phương Linh, cô sinh viên năm III trường Đại học Lâm nghiệp, người làng Bình Xá, xã Bình Phú kế bên háo hức kể: “Cháu làm cho chú Tài được hơn 2 năm rồi, chuyên việc “làm đẹp” cho “các em” chuồn chuồn thôi ạ. Nhờ chúng, chẳng những cháu chủ động được học phí mà còn có tiền chi tiêu này khác cho cá nhân. Nhưng quan trọng nhất với cháu là, được thỏa mãn đam mê nghệ thuật cùng “các em” chuồn chuồn nhỏ xinh nhưng vô cùng thần thái này đấy ạ!”.

Trước khi nói lời chia tay, khách được nghệ nhân Nguyễn Văn Tái phấn chấn cho biết, ngoài việc chia xớt thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của mình với nhiều bà con địa phương, mấy năm gần đây anh còn phối hợp với một số tổ chức xã hội để sản phẩm chuồn chuồn tre giúp khỏa lấp phần nào khoảng trống vắng ký ức tuổi thơ trong tâm hồn của các cháu thiếu nhi Hà Nội cũng như tại nhiều vùng, miền khác.

Vài ba trong số những đơn vị đó là tổ chức Cenforchil – Trung tâm Nghiên cứu & Bảo trợ trẻ em (thuộc Liên hiệp các Hội KH – KT Việt Nam). Và nữa là tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện Dự án nghiên cứu – bảo tồn đồ chơi dân gian Việt. Anh Tái xúc động tiết lộ cho biết: Thông qua hai tổ chức nói trên, hàng vạn chú chuồn chuồn tre đã góp phần nâng bước tuổi thơ của các em thiếu nhi thời công nghệ 4.0. Thời công nghệ văn minh nên bây giờ, không riêng gì trẻ em thành phố mà ngay cả ở vùng thôn quê, con em chúng tôi suốt ngày phải vùi đầu vào sách vở từ lúc mở mắt cho tới đêm khuya. Chủ nhật hay Tết lễ, không phải học thêm học nếm thì chúng lại chỉ biết tới các trò điện tử. Có vẻ như đám cháu con của tôi không còn điều kiện để được chơi một cách bổ ích, lý thú như thế hệ mình ngày xưa anh ạ!” – Lấy cái phích chế thêm nước sôi vào ấm trà, anh Tái tiếp tục bày tỏ nỗi lòng: “Trong khi đó, nông thôn lên đời mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút khiến cho đâu đâu cũng nhìn thấy bê-tông hóa. Còn đâu những khóm tre đổ bóng mát rượi trưa hè, còn đâu những bờ dậu râm bụt, những bờ cúc tần, những dậu chè dây… làm chỗ cho chuồn chuồn đậu để bọn trẻ trâu thời nay say mê tìm bắt nữa ạ?!”.

Ngẫm ngợi một lúc, anh nói: “Thú thật với anh, bán sản phẩm cho Cenforchil và MyHanoi, đương nhiên tôi có thêm thu nhập. Nhưng điều đó chưa phải là tất cả đâu. Cái tôi mong nhất, hy vọng nhất là những chú chuồn chuồn tre của mình sẽ mang lại sự lãng mạn, hồn nhiên cho các em thiếu nhi trên mọi vùng miền để sau này lớn lên chúng sẽ có được kỷ niệm thiêng liêng khi tìm về ký ức tuổi thơ. Mong sẽ là như vậy lắm đấy, anh ạ!”

Thịnh Quang, 9.2020

L.C.V

Theo Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 622