“Giấc mơ của một loài cỏ” xanh đầy hồn tôi

227

Nhân đọc tập thơ Giấc mơ của một loài cỏ của Thèn Hương

Thèn Hương – một nhà thơ dân tộc Nùng ở Tuyên Quang, là cái tên rất mới trong giới cầm bút hiện nay, cô vừa cho ra đời tập thơ – trường ca đầu tiên mang tên Giấc mơ của một loài cỏ (Nxb Hội Nhà văn, 8.2023). Đây là thi tập giàu nội hàm văn hóa và cách triển khai gợi nên nhiều ấn tượng với độc giả. Với chủ thể là Cỏ – Giấc mơ của cỏ, cô đã hình tượng hóa mang số phận con người, mà cụ thể là những cô bé vùng cao với nhiều sắc tộc Kinh, Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn, Sán Dìu… đã sống, đã tồn tại, đã ước mơ, đã thất bại, đã yêu thương như thế nào trên các bản làng miền núi phía Bắc sương giăng và núi đá.  

Tập thơ – trường ca Giấc mơ của một loài cỏ

Thèn Hương tên thật là Thèn Thị Hương, sinh 1983, cô mang dòng máu của Tày và Nùng, lớn lên theo đường Then và tiếng đàn tính trên đất Tuyên Quang với nhiều ngọn núi cao, có sông Lô và sông Gâm uốn lượn, với hồ Nà Hang, thác Mơ,… tất cả đã tạo nên một giọng thơ dường như khác biệt với người viết hiện tại dù là miền xuôi hay miền núi nơi cô đang sống.

Giấc mơ của một loài cỏ gồm 44 bài được viết bằng thể tự do, dài ngắn đan xen, phóng khoáng và hồ hởi vui buồn, câu ngắn nhất 01 chữ, câu dài nhất 48 chữ. Tập thơ được chia làm 03 phần: Tam tấu tôi – Giấc mơ của một loài cỏ – Thổ cẩm về xuôi, mỗi phần được sắp xếp đầy dụng ý và nhiều công phu của tác giả.

Mở đầu thi tập, Thèn Hương chưa vội bàn đến Cỏ, mà như để có một nền tảng, cô đã tách mình ra “Tam tấu tôi”. Thoạt nghe như có phần lý tính khi cô tự chia bản thân thành ba phần, với định lượng, tính rõ ràng, nhưng chưa hẳn thế, ta hãy nghe tiết tấu nào được “thổi lửa” đầu tiên đã: Tôi luôn nặng trĩu/ nhà tôi rộng nhưng lòng tôi chật hẹp/ xe tôi nhanh mà ý nghĩ rùa bò/ trang sức không làm tôi lấp lánh/ hồn tôi đầy ngõ tối quanh co// tôi muốn xóa bỏ tôi của ngày hôm qua/ tôi cần phiên bản mới… (Tôi và giọng nói nhỏ) ­- Đấy là một xác quyết ngay những chữ đầu tiên mà Thèn Hương đã dùng để mở ra một giấc mơ. Và không thể khác hơn, làm mới mình là khao khát muôn đời của người mang lòng sáng tạo, cho dù sự sáng tạo đó bằng cách này hay cách khác đều bắt đầu bằng nhu cầu tự làm mới mình. Và như hiểu rõ điều đó, thi sĩ của chúng ta tiếp diễn cuộc “hành hương về phía mình”, cô muốn hiểu bản thân từ những tiếng khóc đầu đời đến hơi thở hiện tại, cô đã “Trở lại trinh nguyên” trong tiết tấu thứ hai như sau: Em lách qua khe cửa hẹp giữa hai mùa đông, xuân/ cất cuộc tình buồn dưới vệt chân chim/ thu nước mắt vào đôi tay gầy guộc/ giấu thăng trầm cuộc đời trong mái tóc/ trở về… ­như một hướng đi được ấn định của muôn đời thi sĩ, để tiến xa hơn, đầu tiên ta phải quay về với chính bản thân để tìm chân giá trị bản ngã mình. Chưa hẳn là trở về để suy xét, nhưng thật cần thiết khi trở về để mang đi, thứ hành lý mà sơ khai mạch nguồn cuộc sống đã phó thác vào ta trong đêm trở dạ của mẹ. Với vốn liếng đó, nhà thơ đã phổ giấc mơ của mình vào cỏ, vào giấc mơ cỏ và vào giấc mơ của các cô thiếu nữ trên đã tai mèo ngàn năm ở vùng núi Tây Bắc này.

Nhà thơ Thèn Hương

Ở phần II, trường ca Giấc mơ của một loài cỏ, để bắt đầu cuộc hành trình của Cỏ cũng như của chính mình, nhà thơ đã phác họa nguồn gốc Sau đại hồng thủy// cỏ mọc lên. Vậy chăng Cỏ đã luôn mang giấc mơ bao đời nay để sống, để nảy nở, tàn lụi và cuối cùng để xanh lên, nhất thiết không phải từ tác giả, nhưng tác giả đã cho mình được dự phần vào sự tồn vong, quá trình hành hương của giấc cỏ, để tìm ra một sự khác biệt nào đó, vả chăng, chính tác giả là sự khác biệt: Một giấc mơ khờ khạo/ khi cánh rừng già bỏ đi/ bỏ đi nghiến, lim ngàn tuổi/ tảng Hin Mạ đầu nguồn bỏ đi// cỏ thấy nhiều giấc mơ bỏ đi// chẳng hẹn ngày về… – (Đi hay ở lại). Khi cất tiếng khóc chào đời chúng ta đều vô danh, không tên không tuổi, không danh không phận, như cỏ vậy, không ai vội đặt tên, nhưng có là gì cái tên có thể đổi dời khi không gì là chắc chắn kể cả hơi thở này. Thèn Hương cũng hiểu điều đó, cô trở về với vô danh, từ vô danh sẽ mơ những giấc mơ đầu sau tiếng khóc chào đời giữa đại ngàn xanh thẫm: Cỏ ước một tên gọi/ cỏ thèm tờ giấy khai sinh/ cỏ muốn bay/ cỏ mơ giấc mơ của cỏ/ dù mang thân bé nhỏ/ dù không họ không tên/ cỏ vẫn là mầm sống/ cỏ vẫn cần mọc lên. (Vô danh cỏ).

Cỏ không là một ai cụ thể nhưng luôn là ai đó khi cần, khi bị vùi dập hay muốn xanh lên, vươn lên. Ở giữa núi đá, quanh co rừng già, cỏ là những cô gái Thái, Tày, Nùng Mông, Dao, Pà Thẻn, Sán Dìu mới lớn. Cỏ là những mảnh đời như Mảy 15 tuổi không biết đến con chữ, mang cái bụng thật thà, mái tóc đuôi bò xuống phố; là Luyến ở giữa ruộng vườn nhưng ủ giấc mơ VAC không bao giờ thực hiện được, do đa mang cơ nghiệp nhà chồng// thuốc thang cho bố mẹ/ Luyến/ khóc thêm một giấc mơ; là Mây cô gái Nùng Xí Mần đỗ đại học duy nhất bản trong mấy ngọn núi này, là Mây cũng thường thôi/ như khối bạn sinh viên nơi đây/ sẽ chẳng có gì là đáng kể/ nếu không một lần/ Mây hủy hôn ước/ cho/ giấc mơ; là Dì Lèng, là Lục lấy thanh xuân vượt qua số phận để tìm hạnh phúc; và cả thầy Phà chao chát với nghề giáo vùng cao khi được đo bằng sợi dây đánh giá mang từ thành phố: Cơn gió cải cách giáo dục đâu len tới bản làng xa xôi/ giáo án mẫu thầy chưa tuân thủ/ dạy trẻ người Mông đâu giống trẻ dưới xuôi// ba lần dự giờ// không đạt chuẩn/ đề nghị nghỉ hưu sớm… Tất cả những mảnh đời trên núi, gắn bó với núi đó đều được Thèn Hương đưa vào giấc mơ của cỏ. Họ có điểm chung là xuất phát từ nghèo đói túng quẫn, nhưng họ không để giấc mơ mình bỏ ngỏ, họ sẵn sàng đốt cháy để được tái sinh, được xanh lại lần nữa. Nhưng không phải giấc mơ nào cũng đẹp, ánh trăng nào cũng viên mãn tròn đầy, có những ra đi vào lầm lỡ, có những hôm dậy thì buồn ghê gớm… Và cỏ được đặt tên/ Hoàng Thảo, Giáng Hương, Ngọc Thảo, Hồ Điệp và bao nhiêu tên nữa/ cỏ được đổi chác, được trả giá cao, cao hơn nữa… (Đi tìm đất sống).

Chao chát đấy, đắng cay đấy nhưng chúng ta âu cũng phải như cỏ, sau bão giông vẫn nảy mầm, sau bao nát nhàu ngày gió vẫn hát ca đời mình, vì cốt yếu hơi thở này không hoài phí, sự sống này có lý do… đó là hơi thở của phần III – Thổ cẩm về xuôi.

Những gian truân của Cỏ đi định danh mình, hay nói cách khác, tìm lẽ sống của đời mình, Thèn Hương đã dẫn ta đi một vòng rất xa, từ hồng hoang sơ khai đến bao thế hệ sắc tộc “sống trong đã và chết vùi trong đá”, với đầy ắp những nghi lễ của Then, của đàn tính, của khăn piêu, váy cốm, điệu khèn,… và giờ cô tìm gặp mình, định danh được mình trên chính mảnh đất nơi cô sinh ra, chính nhúm đất mà cỏ vươn mầm chồi dậy: Cỏ thảng thốt/ sao trước đây tôi không nhận ra/ quê mình đẹp thế// khi tôi sinh ta/ ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đúng mùa lúa chín// có dòng Lô trong xanh, rêu phong thành cổ// bay vút lên lời Then, lời Cọi// có cổng trời Quản Bạ// có cao nguyên đá Đồng Văn// thiêng liêng cột cờ Lũng Cú// máu lửa và nước mắt viết nên bản hùng ca// và rồi/ cỏ không cần nữa/ giấy khai sinh – (Quê nhà tìm thấy). Có thể nói quê hương luôn chữa lành mọi vết thương đời ban tặng, quê hương là tổ ấm, là nơi xoa dịu những mộng mị băn khoăn, nhưng phàm những gì gần gũi, vô cầu quá ta lại không lưu tâm đến nó, đến khi cuộc ra đi, truy lùng và vượt thoát diễn ra trong bản ngã làm ta nguy nan, khi ấy bất giác nơi phía làng lại cho ta cảm giác an toàn nhất.

Nhà thơ Thèn Hương

Mô típ anh hùng ca, hành hương này không mới, đó là mô típ được diễn ra trên ngọn nguồn các dân tộc kể cả phương Đông lẫn Tây, nhưng phải thừa nhận rằng với quá trình ra đi – vượt thoát – tìm thấy – về lại và thở của Thèn Hương đã mang dấu ấn riêng biệt. Sự riêng biệt đó không phải ở cách đi, mà ở ngay sắc tộc của cô, ở nơi cô sinh ra và lớn lên, mang khát khao, ước muốn, âm giọng, màu áo chàm… của cộng đồng người miền núi phía Bắc đã làm nên một Thèn Hương khác lạ, đó là: Ba tháng ngô – trăm ngày lúa/ 300 lần chào mặt trời nái trâu sinh nghé/ 3 năm cây sơn chảy nhựa/ 5 năm keo lai nên rừng (Rể đời); đó là lời Sình Ca vang vang/ điệu Chim gâu, Xúc tép, Cầu mùa// buồn như nàng Lưu Ba thủa ấy… (Vũ điệu Cao Lan). Với những kí tự đẹp của truyền thống Thèn Hương đã thổi vào âm hưởng hiện đại, cô bày giấc mơ của mình mang dáng dấp ông cha nhưng lại bằng lời nói của Thèn Hương hiện tại, sự kết hợp đầy quyến rũ của giấc mơ đậm văn hóa cộng đồng người dân tộc vùng cao với sự tự do của ngôn ngữ, thi pháp mà thi sĩ triển khai đã tạo nên sự cuốn hút với ánh sáng kỳ lạ. Đó là ánh sáng của giấc mơ, của môi cười: Đã qua bao nỗi tháng năm/ đã đi khắp nẻo bản làng quê hương/ đã ôm ấp vạn tâm hồn/ đã cay đắng/ đã thảo thơm khóc, cười/ hôm nay/ thổ cẩm về xuôi// môi cười/ trong sáng thơ ngây/ thổ cẩm em nắng ấm đầy hồn tôi – (Thổ cẩm về xuôi).

Khép lại tập thơ – trường ca Giấc mơ của một loài cỏ, Thèn Hương đôi khi đã làm tôi tiếc nuối. Tiếc vì những âm hưởng ấy sao không dài ra thêm mà chỉ có 44 khúc, sao không cho tôi thêm vài kí tự văn hóa nữa, tôi chưa muốn về xuôi, còn mê mải trên đá tai mèo và mùa hoa lê trắng phủ hoang vu lên vách núi. Phần tôi lại tiếc vì ở một vài câu kết trong các bài của cô còn dễ dãi, chưa thật lắng đọng, chưa gợi đến tôi phải đau hay nghĩ về nó, đôi chỗ chốt còn vụng về làm đứt giấc mơ tôi lưng chừng lữ thứ… Nhưng đây chỉ là thi tập đầu tiên của cô, để lại sự tiếc nuối đôi lúc cũng hay, vì chí ít, tôi còn nuôi được mộng. Giấc mộng của sự cho đi, sự kỳ vọng, tha thứ, kiêu hãnh và đôn hậu như cỏ, như Thèn Hương đã phổ vào tập này: Thì thầm với nắng/ rì rầm trong mưa/ ai hiểu lời hát/ xanh qua bốn mùa – (Cỏ hát).

Theo Trần Đức Tín/ Báo Ngày Nay