Giấc mơ của người đàn bà – Truyện ngắn Hồ Xuân Đà

618

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong phòng chờ sanh, của những thai phụ có tiền sử bệnh trong thai kỳ. Lan là một người năng động, bởi cô ấy luôn vậy. Khi bước, từng bước một với hơi thở đứt quãng, mắt nhìn như lu mờ tất cả… Còn tới 12 ngày, mới tới ngày dự sanh nhưng trong người nghe nặng nề, chân thì phù nề cả lên. Lan không thể đợi đến ngày đau bụng. Đứa con thứ hai rồi, kinh nghiệm lần sanh trước đã cho Lan thấy không thể đợi. Lan có cảm giác bực bội cho việc đi sanh đi đẻ này, lần đầu vào một bệnh viện phụ sản lớn của thành phố, Lan chẳng biết gì, hỏi thăm bảo vệ thì nhận được sự trả lời quá ư là tiết kiệm câu chữ. Mắt thì lờ mờ, cái bụng đã trễ xuống đi trông khệ nệ, nặng nề làm sao, trông thật ngán ngẩm cảnh tượng của những bà bầu sắp đẻ.

Nhà văn Hồ Xuân Đà 

Nhìn thấy cảnh bà bầu sắp sanh đi là thấy thương rồi. Huống chi với bà bầu có chứng cao huyết áp thai kỳ. Đi khám thai những tuyến dưới theo bảo hiểm y tế. Lan cứ tưởng mình ổn.

Nhưng không…

Sau một hồi đi lại làm thủ tục thăm khám, đăng ký, khai báo y tế với những câu hỏi đứt quãng thở dồn. Lan quyết định quay về phòng cấp cứu. Giác quan của một người đàn bà đã qua một lần vượt cạn bảo Lan thế!

Cố lếch cái thân nặng nề gặp cô y tá và nói:

– Em ơi…, Chị mệt quá em ơi!

Cô y tá hỏi:

– Chị đau bụng chưa? Chưa đau thì qua phòng khám, ở đây chỉ giải quyết cho trường hợp đau bụng sanh. Chị chưa tới ngày sanh thì qua phòng khám.

Nghĩ, với cái thân này mà qua phòng khám với cái bệnh viện rộng thênh thang, phòng ốc như mạng nhện, Lan sợ quá, lần này thôi thì đành nói sai sự thật một chút để được cấp cứu vậy, trước khi bị khiêng đi.

– Không, em ơi. Chị đã ra huyết hồng rồi!!!

Cô ý tá hỏi thêm vài câu rồi bảo Lan điền thông tin, mọi giấy tờ đã chuẩn bị sẵn, điền xong Lan cầm điện thoại gọi cho chồng. Cơn giận tối qua thôi đành bỏ qua một bên. Chồng biết vợ sáng mai sẽ đến viện vậy mà đêm xem bóng đá tới sáng mới về. Chở vợ đến viện thì bảo: “Bà vào khám trước để tôi ra uống ly cà phê ăn sáng rồi vào”.

Cũng đã quen với việc một mình đi khám thai và bao việc ở nhà, Lan lủi thui đi vào cổng bệnh viện nơi mà một bà bầu có đến 2, 3 người dìu…

Vừa vào phòng khám cấp cứu, Lan được các cô y tá đo huyết áp, làm các thủ tục. Lan nằm và nghe các cô nói huyết áp tăng nhanh. Bảo Lan nghỉ ngơi chút và đo lại. Sau một hồi không thấy xuống Lan được đưa vào phòng khác mà ở đó sau khi các y tá làm các xét nghiệm thật nhanh và huyết áp theo dõi thường xuyên. Thì Lan được truyền một nước dịch gọi là để hạ huyết áp. Khi đó người Lan nóng lên và cảm giác nằm trên băng ca thật ghê sợ. Người cứ run lên, nước mắt thì cứ rơi. chợt nghe đâu đó bên tai câu nói của ông bà xưa: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mô côi một mình”.

Với quyết tâm và mong muốn sau khi sanh thêm cô con gái thứ hai gia đình Lan sẽ là một gia đình hạnh phúc. Có nếp có tẻ, vợ hiền con ngoan thì người đàn ông nào đành buông bỏ. Lan luôn tự hào là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, biết thức cùng chồng và biết ngủ ngon bên chồng mà!

Vậy đó, sau một buổi sáng với việc hạ huyết áp và trải qua các phòng khám rồi siêu, rồi chụp. Lan nhận được thông báo là sẽ sanh mổ với các lý do: em bé to, nằm ngang, thai phụ cao huyết áp… Thế là vô tình hữu ý, Lan được nghỉ phòng máy lạnh, có chế độ ăn riêng cho người cao huyết áp. Lan chợt nghĩ hóa ra từ khi mang thai con thứ hai, hôm nay Lan được nghỉ ngơi hai ngày, không lo cho ai, không phải luôn lo lắng ngày mai con ăn gì, nhà mình sẽ sống ra sao. Mà chỉ ngủ và ăn theo chế độ để được lên bàn mổ. Hóa ra sư vô tình như duyên trời ban nó làm cho Lan biết thương bản thân mình hơn một chút. Cái cảm giác buộc phải nghỉ ngơi, nên không lo lắng cho ai. Với Lan, như vậy là tuyệt, tuyệt rồi, tranh thủ thời gian này để thảnh thơi chút, một chút thôi. Ôi,cái con đàn bà suốt ngày chỉ biết khóc, biết lo, và mỗi việc nhìn lên trời mà than thân trách phận.

Khi con người ta sống ở mức độ giản đơn, thì nhu cầu đơn thuần chỉ là bữa ăn hoặc giấc ngủ. Khi thiếu thốn tình cảm, khát khao tình yêu họ chỉ cần một lời nói, một cái nắm tay là đủ. Khi trong sự ràng buộc đau khổ chỉ cần một điều người bạn đời của họ để cho họ yên là được. Đêm ở bệnh viện phụ sản là đêm nước mắt rơi thầm khi bên cạnh những người đàn bà đau đẻ có những người đàn ông thao thức quạt cho vợ ngủ. Rồi sau đó mới trải một chiếc chiếu tạm để nằm lo cho vợ từng tiếng thở. Còn Lan với người mẹ già vừa ở quê lên – Lan nhói lòng khi chồng bao lần luôn có lý do để biện minh ở nhà. Ở nhà trông con, khi con đã vào lớp 1, nhà có ông bà nội và cô chú Bác. Lan dư sức hiểu, những lời dành cho hành động thoái thác trách nhiệm ấy, chồng Lan dành thời gian cho việc gì. Rất biết, và rất hiểu. Có người vợ nào không biết tính nết, tật xấu của chồng. Chỉ vì thương, chỉ vì sự yếu đuối như vốn bản năng của đàn bà, mà họ cứ cho qua, cho qua đồng nghĩa với sự bao che, dung túng đó thôi! Những người đàn bà làm hư chồng mình, hư cả gia đình mình. Do sự yêu thương vô điều kiện, hoặc là mù quáng.

Lan thừa biết giờ này chồng cô đang ở đâu. Nhưng thôi… nghĩ làm gì? Ngủ thôi không thì huyết áp – không hạ. Thì cứ nằm hoài trong cái phòng được quan tâm tối đa như thế này. Chút xíu gọi lên đo điện tim, chút có người đến đo huyết áp. Hạnh phúc thật khi sức khỏe của một thai phụ được đặt lên hàng đầu. Khi cần được chăm sóc thì sự công bằng của các công dân trên đất nước sẽ nói lên được mức an sinh của một xã hội. Khi ngoài kia biết bao thai phụ đang đợi tìm một phòng để nghỉ ngơi thì với lý do chính đáng mà Lan được nghỉ ngơi tại căn phòng tốt như thế này, mà không cần phải đăng ký trước. Bởi, tình trạng thai kỳ, sức khỏe của Lan cần được chăm sóc đặc biệt, theo đúng quy định của ngành y tế. Lan không hề biết mình là thai phụ trong trường hợp này, cho tới khi được sự thăm khám, cấp cứu, hội chẩn, thì Lan nhận được vô vàn sự chăm sóc của y bác sĩ ở bệnh viện này. Điều mà Lan chưa bao giờ nghĩ đến với việc đi sanh con cùng cái thẻ bảo hiểm y tế. Giờ thì an tâm thật rồi! Cứ vô tư thoải mái tận hưởng niềm vui chuẩn bị đón con cái, mà nghỉ ngơi tịnh dưỡng thôi.

Chị nằm cạnh giường bảo:

– Em vậy là vui rồi, cũng gần đến ngày sanh, sắp được đón em bé, chứ như chị vì chứng cao huyết áp mà bác sĩ buộc chị bỏ thai mấy lần. Nếu giữ thì phải theo dõi tối đa. Đang ăn cơm thấy mệt, đo huyết áp thấy chỉ số tăng vợ chồng chị vội vàng vào đây. Nguyên thai kỳ chị ra vào viện như cơm bữa.

Lan không nói gì chỉ im lặng lắng nghe, thỉnh thoảng trả lời vài câu, trong bụng nghĩ công nhận mình hay thật. Trong 9 tháng, mang bầu cơ thể mệt khác thường mà có đi bệnh viện lớn kiểm tra đâu. Những bệnh viện tuyến dưới làm việc như thế nào, hay tại máy móc trang thiết bị kém, làm sao trách được. Hoặc có thể, khi tay nghề từ nhân viên đến bác sĩ đều kém được cọ xát, thăm khám những trường hợp thai kỳ khó, biến chứng hậu sản nên không thể tiếp nhận những trường hợp như Lan chăng? Chẳng trách gì mà biết bao trường hợp đau lòng cho thai phụ xảy ra. Lan may mắn hơn là nhờ vào sự động viên của bạn bè và người thân đã không ngại đường xá xa xôi để đến với cái bệnh viện chuyên về khoa sản đứng nhất thành phố này. Cảm ơn nhất là mẹ chồng của Lan, bà biết trước sự việc, khi nhìn cái bụng bầu thật to, đôi chân phù nề như chân voi, mặt mũi của Lan luôn đỏ bừng kèm những hơi thở mệt mỏi, nên bà đã cho Lan một số tiền, bảo Lan vào bệnh viện phụ sản lớn nhất này mà sanh. Trong khi Lan, cứ ngại đường xá xa xôi, tốn kém chi phí mà dự định sanh ở tuyến huyện. Giờ vô tới đây, nằm đây rồi, hiểu bệnh của mình rồi, hiểu mình là một ca khó, Lan mới thấy mẹ chồng chính là người cho Lan bám víu, tin tưởng, hy vọng vào cuộc hôn nhân này sẽ có chút hy vọng, hay cảm xúc ấm áp.

Chiều nay, cô em gái Lan vào thăm và được nhân viên y tế gọi lên làm thủ tục hồ sơ phẫu thuật mổ đẻ. Em gái về lại phòng hỏi Lan :

– Chị ơi, Chị có chọn bác sĩ không ?

Cô em gái nêu ra một loạt giá tiền mà Lan nghe thấy oi cả đầu.

– Thôi em ơi, không cần thiết đâu. Cứ để viện tự sắp thôi. Chị còn bao việc phải lo, tiêu tốn tiền như vậy không phù hợp. Mà vào đây là an tâm rồi. Bác sĩ nào cũng đã được đào tạo bài bản họ chỉ hơn nhau cái danh cái thương hiệu. Em cứ đăng ký bình thường thôi.

– Vậy được. Chị bảo sao em làm theo ý chị. Em đi lên ký cam kết với bệnh viện đây.

– Mà em nè, em cầm cái bảo hiểm y tế và bản sao chứng minh thư lên nộp cho chị luôn. Chị pho to đầy đủ rồi đấy!

– Cô em gái cười: “Chuẩn bị chu đáo thế !”

Và bước đi làm nhiệm vụ chị giao. Còn Lan cứ thế mà nằm ngủ, trong một giấc mơ có một cô con gái xinh xắn hiền ngoan với một gia đình đầy ắp tiếng cười và sự quan tâm trìu mến. Những tia nắng cuối buổi chiều le lói qua khe cửa, tiếng còi xe của trung tâm thành phố cũng không cách nào phá được giấc ngủ của Lan. Phòng nghỉ, đầy tiếng chân người ra vào, cũng không làm Lan tỉnh giấc. Sau một giấc ngủ ngon Lan thức dậy và được phục vụ một bữa ăn dành riêng với khẩu vị nhạt và nhiều rau, tráng miệng là một quả chuối. Giờ này Lan mới ngộ ra cái nguy hiểm của chứng cao huyết áp thai kỳ. Trong ca trực buổi tối Lan được đo chỉ số huyết áp hai lần, cô y tá lớn tuổi, đo xong thì dặn:

– Huyết áp em đang dần ổn, nhớ uống thuốc hạ áp đúng giờ và ngủ ngon, nghỉ ngơi thư giãn nhiều, tránh xúc động mạnh.

Lan nghe rõ và thực hiện đúng lời dặn. Ngẫm trong bụng, thời gian qua sao mình có thể xem thường tính mạng bản thân đến vậy, bao lần khóc nức nở vì chồng, với cái thói nợ nần cá độ bóng đá, bao lần lủi thủi khóc sưng cả mắt vì thấy sao cô đơn trong căn nhà mình quá! Cái thai đang tượng hình, đang lớn dần, hình như không làm lay động trái tim một người đàn ông đã dính vào đỏ đen. Sao mình có thể chấp nhận một cuộc sống như vậy. Khi bụng mang dạ chửa lại vùi đầu vào công việc để mong kiếm thêm ít tiền nằm ổ. Để có những khi mang vác nặng nề, ức chế trong giao tiếp công việc, người Lan run lên với những cơn tức giận. Nhưng rồi Lan tự an ủi, tự vấn an mình, thôi thì, đôi dép còn có số, huống chi con người, chắc tại số trời định sẵn, mình phải sống như vậy. Lan chưa tới số chết nên qua hết, còn phải sống để trả hết nợ trần gian chứ ! Còn mắc nợ thì chưa thể chết.

Nghĩ vậy rồi, Lan cười…

Đúng là người điên thật, chẳng biết nghĩ đến bản thân. Coi thường sự sống cha mẹ ban cho là tội đồ mà. Nhớ lại còn thấy sợ, cảnh hồi sáng một thai phụ ở tuyến dưới chuyển lên nghe nói đâu là cũng cao huyết áp nên bị đẻ non, chuyển từ miền tây lên, không biết đã qua cơn nguy kịch chưa… Gai óc, da gà nổi hết lên, Lan vội kéo chăn đắp và ru mình vào giấc ngủ trong một đêm thứ Bảy lần đầu tiên xa con trai, sau sáu năm liền không đêm nào vắng hơi mẹ. Biết mẹ đi sanh em bé, thằng nhỏ ở nhà ngoan, thỉnh thoảng mẹ gọi về nói những câu nghe mát cả ruột:

– Mẹ Lan ơi, con ăn cơm rồi! Mẹ ăn chưa? Mẹ ngủ có ngon không?… líu lo đủ điều làm Lan chỉ mong sao mau về nhà với con.

Sau hai ngày thứ Bảy, và Chủ nhật nghỉ ngơi, sức khoẻ dần ổn định. Lan nhận được thông báo bắt đầu từ 8h tối là không được ăn gì để ca phẫu thuật bắt đầu vào sáng thứ Hai. Lan gội đầu tắm rửa thật sạch, vòng tay ôm mẹ đang nằm bên cạnh trong niềm vui đang đến.

Tay xoa chiếc bụng tròn to, Lan thầm nghĩ con gái mình sau này sẽ là một đứa đầy nghị lực. Cứ thế Lan ngủ say khi nào không biết, mặc kệ những tiếng rên đau của những thai phụ hậu phẫu. Đêm không dài với một bệnh viện lớn người ra vô tấp nập, nơi có uy tín người ta sẽ không ngại xa xôi để đến nhằm mang lại một niềm tin, hy vọng, bỏ đồng tiền ra cũng cốt là để cho mình một sự bình an. Có những người chồng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để vợ con mình được sự chăm sóc tuyệt đối. Nhưng cái xã hội này người giàu và người nghèo khoảng cách còn xa quá. Người phụ nữ như Lan với mức lương với lời hẹn rồi sẽ đủ sống thì những dịch vụ y tế hoàn hảo kia còn xa vời lắm. Nhưng, Lan thì đang rất hài lòng với những gì mình đang được hưởng, được chăm sóc. Lan may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều phụ nữ ớ nông thôn, miền quê hẻo lánh, còn gì. Còn mong cầu hơn, chính là sự tham lam không giới hạn.

8 giờ sáng, của ngày đầu tuần bệnh viện đông vui với bác sĩ đi thăm khám các khao phòng và sinh viên y khoa thực tập. Họ nhiệt tình đến thăm khám cho Lan rồi động viên Lan nữa. Một sáng thứ hai, ấm áp để Lan bước vào phòng mổ. Lan đi theo cô y tá với một tâm trạng háo hức xen chút hồi hộp với nhịp tim khác thường. Tự trấn an mình bằng một hơi thở thật sâu.

Lan bước vào phòng với ánh sáng vô trùng và những thiên thần áo trắng thật tự tin với một bác sĩ gây tê, một bác sĩ tuổi trung niên, một bác sĩ thực tập, một cô y tá rất dễ thương, lời nói ấm áp như một người chị. Lan thầm nghĩ, chắc chắn mình đã đúng khi quyết định không chọn bác sĩ, vì giây phút này đây khi một nửa cơ thể đã được gây tê tủy sống, đầu óc Lan hoàn toàn tỉnh táo sau bức rèm màu xanh được che ngang trước mặt. Ngước nhìn đồng hồ là 10 giờ 20 phút sáng trong tiếng tay của vị bác sĩ đang sờ chiếc bụng to để tìm vị trí em bé, chắc có lẽ bác sĩ đang xác định vết mổ của mình. Lan nằm lắng nghe từng tiếng động của dụng cụ y khoa, cả tiếng của một thế hệ đang học hỏi một thế hệ đi trước. Đây là giây phút mà Lan được trải nghiệm công đức của nghề y. Nếu không có sự tiến bộ của y học thì những bà bầu như Lan chỉ có con đường chết. Em bé nằm ngang, cao huyết áp, thai nhi được dự đoán trên 4kg. Lan thầm cảm ơn vị bác sĩ tên Hùng với gương mặt đầy phúc hậu, đã cho mẹ con Lan sự bình an tuyệt đối. Lan nhớ mãi, tên vị bác sĩ, qua sự trò chuyện của tiền bối và hậu bối trong căn phòng vô trùng, lạnh toát, và những ngôn ngữ của y khoa.

Sau một vài phút, Lan nghe tiếng con khóc.

– … oe…

– Lan gọi cô y tá, giọng thật khẽ:

– Chị ơi, cho em xem gương mặt con em với

Cô y tá sau khi cho em bé lên bàn cân thì nói:

– Mẹ giỏi quá, con em 4,3 kg. Sao hay vậy mẹ cao huyết áp mà sao con khoẻ thế! Hiếm thật! Lại nằm ngang, sẽ làm khó mẹ con lắm đây.

Nói xong cô bồng em bé đến trước mặt Lan. Lan nhìn con và nói :

– Ôi trời ! Sao lại giống anh trai và ba thế hả con?

Nhìn đôi chân con với những cái ngấn ở chân cùng cái trán thật cao. Lan mỉm cười hạnh phúc trong căn phòng với tiếng kim khâu vết thương của bác sĩ. Giờ này Lan an tâm để nhắm mắt thiếp đi vài phút đợi được đưa ra phòng hồi sức. Vậy là Lan đã trải nghiệm một lần sanh thường, một lần sanh mổ. Hoá ra vì nhẹ nhàng như thế này mà những bà mẹ đều thích được sanh mổ. Không đau, không chuyển dạ, không khóc la, còn Lan sao vẫn nhớ giây phút đón đứa con đầu lòng với bản năng của một người mẹ cảm nhận phút vượt cạn tự nhiên thiêng liêng biết chừng nào.

Ở phòng hồi sức, trên băng ca với một tấm ra trắng trên người và cơ thể bắt đầu nghe đau, có thể thuốc tê đã dần tan. Không khí làm việc của phòng tấp nập quá. Các bác sĩ bận rộn với việc kiểm tra tra sức khoẻ cho từng bệnh nhân. Có một vị bác sĩ còn động viên Lan cố lên, sau phẫu thuật cần lạc quan lên dù đau cũng phải cố vận động để khỏi bị dính ruột. Nên khi di chuyển các bác sĩ luôn bảo Lan tự vận động. Đau lắm nhưng Lan vẫn cố để lê cái thân từ băng ca này sang băng ca khác. Dù có tiền hay không có tiền thì vào nơi này mọi cái đều công bằng. Một mũi thuốc giảm đau thì một mũi như nhau. Có hơn chăng chỉ là câu nói nhẹ nhàng hay cáu gắt. Những thai phụ có tiền thì càng làm nũng không chịu tự lực bản thân mình, mọi cái đều phải chi tiền để được chăm bẳm như một bà hoàng. Cuối cùng cũng chỉ nằm vì đau vì có chịu tự thân vận động vượt qua cơn đau đâu. Bác sĩ làm hết nhiệm vụ của mình nhưng quan trọng là bệnh nhân phải chịu hợp tác.

Sức khoẻ ổn định, 5h chiều Lan được đưa ra khỏi phòng hồi sức. Cô hộ lý hỏi:

– Em đã đăng ký phòng chưa?

– Dạ chưa…

– Hiện tại bệnh viện đã hết phòng, chị sẽ xếp em ở tạm hành lang nhé!

Lan nghe sợ quá liền nói:

– Chị ơi, chị làm ơn xếp cho em chỗ nào ổn chút chị. Chút xíu người nhà em vào sẽ đền ơn chị. Trên người Lan chỉ là một tấm ra phủ làm gì mà không đợi được chứ!

Lan được cho nằm sát hành lang, nơi mà người ra vô như trẩy hội. May sao vừa lúc đó thì mẹ và em gái đã đến.

Em gái bảo:

– Đã đăng ký phòng dịch vụ nhưng đã hết phòng phải đợi đến ngày mai. Lan cảm thấy không ổn. Miên man trong dòng cảm xúc đầy nỗi lo. Thấy cô hộ lý vừa bước tới, Lan nháy mắt cô em gái, cô em nhanh nhẹn dúi vào túi áo cô hộ lý một tờ giấy, đổi lại là một ánh nhìn thiện cảm.

– Cứ nằm đấy một lát nhé!

Lan nằm im và được mẹ cho ăn từng thìa cháo nóng, cảm giác hạnh phúc vô bờ bến, ở nơi nào có bàn tay mẹ thì nơi ấy an toàn bình yên nhất.

Mười lăm phút sau, cô hộ lý quay lại trên tay là một tấm ra trải giường vội bảo người nhà phụ đỡ Lan lên băng ca đưa vào phòng.

– May mắn cho em đó còn được một giường trống này.

Và đưa Lan len nhẹ nhàng như một người thân trong gia đình. Bỗng nhiên Lan cảm nhận có cái gì đó khang khác khi trong phòng hồi sức cô hộ lý kia đối xử với Lan như một đồ vật, quát tháo với người sau phẫu thuật là một điều tối kỵ. Cơn đau thể xác không thể so sánh với nỗi đau bị xúc phạm đến tinh thần của con người. Những câu nói của cô hộ lý chua cay và lời của vị bác sĩ đáng kính kia cuộc đời Lan sẽ mãi mãi chẳng bao giờ quên. Bằng một phép tính đơn giản một cô hộ lý ở một bệnh viện lớn sẽ có thu nhập khủng hơn cả các bác sĩ và y tá. Có thể là một đánh giá chưa chính xác song như vậy cũng thấy rằng hình ảnh xấu của ngành y cũng từ đây. Nhiêu khê và khó lòng để quản lý một ngành nghề nhạy cảm cho trong sạch khi lòng tham con người không bao giờ dừng. Một vị bác sĩ với công sức học tập để hành nghề cùng với tinh thần là những thiên thần áo trắng vì những hành động nhỏ của toàn bộ máy đã làm cho xã hội mất niềm tin. Khi trải qua một ngày ở nơi này Lan cảm nhận được những cái rất riêng.

Đêm lại trở về, cảnh nhộn nhịp ở nơi này làm Lan không thể ngủ, cộng với nỗi mong con gái còn đang ở phòng dưỡng nhi, vì người mẹ có tiền sử bệnh không thể chăm con. Vết thương đau từng hồi, không thể di chuyển được. Lan dù cố bao nhiêu vẫn phải vừa đứng lên vừa khóc. Nhất là lúc phải đi vệ sinh. Tất cả những bà mẹ vừa phẫu thuật xong đều đợi chồng và người nhà cho đi vệ sinh tại giường nhưng Lan không thể. Lan vịn vào vai mẹ mà đứng lên, cơn đau còn hơn cả đau đẻ, vậy mà ai lại nghĩ sanh mổ sướng hơn sanh thường chứ? Sanh thường chỉ đau một lần duy nhất, còn như lúc này đây, giai đoạn tập đi tập đứng là cả một sự nỗ lực của các bà mẹ. Sợ đau thì chỉ có cơ hội vết thương lâu lành. Nếu sớm vận động ngồi dậy chăm con thì mẹ khỏe – con khỏe.

Sau ngày thứ hai sức khoẻ đã ổn định thèm cho con bú giọt sữa đầu tiên Lan đã gọi cho chồng vào để lên phòng dưỡng nhi đón con về, vì lúc này đây hai bầu vú Lan đã căng sữa, nhớ con, mong được gặp con cho con ngậm cái ti đang căng tràn nhựa sống đã cho Lan sức mạnh đứng lên tập đi, tự phục vụ vệ sinh cá nhân một cách vượt bậc so với các bạn cùng phòng. Anh chồng ở giường cạnh bên vừa chăm em bé vừa chăm vợ mà cô vợ thì suốt ngày than đau không chịu ngồi dậy, bác sĩ đến khám la:

– Cô không vận động thì đừng trách sao cô không được về sớm nhé!

Anh chồng đợi bác sĩ đi thì nói vợ:

– Em nhìn đi chị cạnh bên (là Lan) mổ ra sau em nhưng đã đi lại tốt và cho con bú mẹ rồi. Em cứ như vậy thì khi nào con mình được ti mẹ. Nhìn chị ấy mà cố lên đi em!

Cô vợ nghe xong quay sang hỏi Lan:

– Chị ơi, đứng lên có đau không? Em nằm quay người thôi đã thấy đau. Đứng lên em sợ.

Lan bảo:

– Có gì đâu em, đau thì phải đau. Cứ nhìn chị , chị làm được thì em sẽ làm được.

Nói rồi, em ấy nhờ chồng đỡ mình ngồi dậy và bắt đầu từng bước đi một, rồi đi nhiều hơn, chưa đầy một ngày sau em ấy đã tự làm được tất cả. Anh chồng trở nên vui vẻ hơn với việc ẵm bồng con cưng nựng, những giờ ở bệnh viện không còn áp lực nữa. Tiếng nói cười xen lẫn tiếng rên đau, người ra vô thăm viện khi cuối ngày khiến Lan vui tươi tràn trề hy vọng, những người bạn thân đến thăm, rồi gọi điện đã làm Lan không có thời gian để suy nghĩ. Với một người đàn bà thì hạnh phúc nhất là khi cho con tìm dòng sữa mẹ. Đôi mắt con ngủ, bàn tay con bé xíu, thật diệu kỳ khi chính cơ thể mình đã nuôi dưỡng một con người một tâm hồn biết nhận ra hơi mẹ khi còn đỏ hỏn trên tay.

Một ước mơ với bao hy vọng đang chờ đón ở phía trước. Những khuôn mặt của những người đàn ông đón con mình  cùng những cử chỉ vụng về khi pha sữa, khi thay tả cho con đã làm Lan thấy rằng có rất nhiều người đàn ông tốt, cùng rất nhiều người phụ nữ hạnh phúc. Và một chân lý đơn giản là con gái lớn lên lấy chồng trong nhờ đục chịu – với mười hai bến nước. Phụ nữ qua bao đời, có hơn nhau chỉ hơn ở tấm chồng. Người phụ nữ hy sinh quá thành thừa, sống cho bản thân quá cũng thành hư. Quân bình trong cuộc sống là cách tốt nhất, để thấy hạnh phúc, và bớt đi sự bất công. Đàn ông kiếm tiền, đàn bà cũng biết ra ngoài làm việc kiếm tiền nhưng đàn bà với bao việc không tên, mà khi chồng lên giường ngon giấc rồi đàn và vẫn còn đang thu xếp cho buổi sáng ngày mai con trai sẽ mặc gì và con gái cần những gì khi đến nhà trẻ.

Có được một người đàn ông biết chia sẻ là một hạnh phúc lớn của một người đàn bà. Mà ở đời hễ người đàn ông đã biết chia sẻ rồi thì họ luôn biết người đàn bà của mình cần gì. Trong mọi hoàn cảnh, cuộc sống thường nhật, bữa ăn tinh thần, cả chuyện thầm kín. Một khi đã đến hôn nhân cái cần nhất là tình yêu thật sự. Bởi có yêu, trái tim có rung động thì người ta sẽ vì nhau mà không biết mệt. Một khi đã đến với nhau khi chưa hiểu về nhau lại càng là một sai lầm không thể sửa chữa bởi dù bằng cách nào cũng là một bi kịch.

Nghĩ đến đây tự dưng nước mắt Lan muốn rơi nhưng không thể vì Lan biết rõ lúc này đây mình không thể xúc động. Ai đời một người rất nhạy cảm yêu hoa, yêu biển, yêu tình cảm gia đình, để ý tiểu tiết như Lan lại có thể đi bên cạnh một người đàn ông chỉ biết đến niềm vui cá nhân, lại giản đơn đến mức tẻ nhạt. Càng ngẫm chỉ thêm đau, thay đổi được gì khi người đàn ông đó có khuôn mặt giống hai đứa con Lan như đúc.

Cho con gái bú một bữa sữa thật no nê, thay cho con một cái tả để đảm bảo giấc ngủ. Dọn dẹp vài thứ trên giường, chuẩn bị thêm một ít nước, khăn giấy, uống một cốc nước sôi để nguội với hy vọng cơ thể sẽ tiết sữa tốt hơn. Sau đó Lan cho phép mình đi ngủ dưới ánh đèn sáng của căn phòng với hơn 30 giường bệnh, thỉnh thoảng vài tiếng oe …oe…, của những em bé khát sữa cùng tiếng rên đau của những thai phụ mới vừa vào. Giấc ngủ vẫn tìm đến cho đến khi tiếng rao của những người phát đồ ăn sáng từ thiện mới làm Lan thức giấc khi con gái vẫn còn ngon giấc. Lan cố gắng đứng lên tiếp tục đi vài vòng, chầm chậm từng bước vì vào giờ làm việc Lan sẽ được các bác sĩ khám xem vết mổ tiến bộ đến đâu. Nếu tốt đẹp thì Lan sẽ về nhà. Ở đây Lan sợ tiêm, sợ lấy máu, sợ mỗi lần bước vào nhà vệ sinh khi ý thức của những người thật tệ.

Lan chải lại mái tóc và mọi thứ đã sẵn sàng, mẹ Lan cũng đã ra khỏi phòng cùng tất cả người nuôi bệnh. Lan cùng con được các bác sĩ, ý tá, hộ lý làm từng khâu một, tắm cho con Lan, kiểm tra sức khoẻ, tiêm thuốc, truyền dịch. Một bác sĩ nữ giọng nói như một thiên thần thật sự đến xem vết mổ Lan và nói:

– Em giỏi lắm vết mổ em liền rất đẹp. Tiếp tục chịu khó vận động nhẹ, tự tay chăm con, uống và tiêm thuốc đúng giờ, ngày mai chị sẽ khám lại nội trong tuần nay em sẽ được về.

Lan cảm ơn và bác sĩ tiếp tục đến khám cho bệnh nhân khác

Lan nghe tiếng than phiền của bác sĩ với đồng nghiệp có một bệnh nhân phải phẫu thuật lại vì vết mổ nhiễm trùng bởi một lý do đơn giản cô này chỉ nằm một chỗ dẫn đến bí tiểu. Lan nghe mà thương bởi mổ lần hai khi nào cũng sẽ đau hơn lần thứ nhất. Lan muốn nói ghê, nói rằng một người đàn bà cần phải biết đi trên đôi chân của mình, nhất là trong giây phút mà chỉ đàn bà mới làm được là sinh con. Bằng cách vượt cạn tự nhiên hay có sự giúp đỡ của khoa học thì tinh thần của người phụ nữ sẽ quyết định tất cả. Lan may mắn bởi Lan nhận biết rõ về mình, một người đàn bà hạnh phúc không phải là một người thật xinh đẹp, không phải là giàu có, không phải là chồng cô ta là một đại gia mà cái chính là người đàn bà đó biết tự tin với chính mình, biết nở nụ cười với những nỗi buồn không thể nói nên lời, biết tự tạo cho mình niềm vui. Nhìn cuộc sống bằng tấm lòng vị tha, thể hiện được cảm xúc yêu ghét giận hờn. Nhìn cuộc đời bằng cả một trái tim nhân hậu. Người phụ nữ đó sẽ rất đẹp trong mắt những người đàn ông tốt. Khi đã trang bị được một nét đẹp tâm hồn thì ánh mắt, cơ thể sẽ biểu lộ lên một người đàn bà chân chính say đắm không chỉ là đàn ông mà là tất cả những người gần bên. Lan vẫn thường nhâm nhi tách cà phê nóng bốc khói ngắm những bông hoa trước sân nhà, nghe một ca khúc mình yêu thích và thấy rằng mình là người hạnh phúc.

Ngày mai thôi Lan sẽ được ra viện, cơ thể đang dần ổn định, Lan ăn ngon miệng, sữa cũng đã tiết ra nhiều. Lan cầm điện thoại gọi cho chồng:

– Con trai ở nhà anh chăm có tốt không đấy?

– Có cho con ăn và ngủ đúng giờ không?

– Có kiểm tra bài tập con như lời em dặn không?

Chồng cô trả lời:

– An tâm đi, Có mà! Sao lúc nào bà cũng không tin tưởng chồng bà. Tôi là chồng bà đấy nhé!

– Vậy thì an tâm, ngày mai đưa con đi học rồi 9h sáng mai vào đón hai mẹ con về.

Chồng trả lời gọn lỏn:

– Biết rồi.

Thế là. Tít, tít… ngắt kết nối.

Lan một người đàn bà đã hơn ba mươi, đã biết rằng mình muốn gì? Không như những người đàn bà khi đau đẻ thì mắng chồng, phải bắt buộc chồng phải thế này thế kia. Khi đã thêm con thứ hai thì phải chia việc ra thôi. Mà sao đâu đó vẫn thèm nghe tiếng vỗ về yêu thương – trìu mến, cần một lời động viên mà sao người bạn đời lại vô tâm hời hợt thế, thấy vợ mình làm được thì ỷ lại, vô trách nhiệm. Có biết đâu đàn bà dù giỏi giang như thế nào cũng cần một bờ vai cho mình dựa. Bởi dù cho có bình đẳng nữ giới bao nhiêu thì trái tim đàn bà vẫn mềm lòng, dễ vỡ như những bông hoa cần được nâng niu trân trọng, chăm sóc và nuôi dưỡng để bông hoa thắm mãi. Đàn bà sẽ như những mùa xuân sưởi ấm sau một mùa đông giá lạnh. Những ánh mắt trẻ con luôn cần những bàn tay mềm mại của mẹ chăm sóc, trao cho một tuổi thơ đong đầy niềm vui như cổ tích.

Ngày mai được về nhà, đêm Lan ngủ rất ngon.

– Mẹ ơi, Con viết chính tả được cô khen rất tốt mẹ ơi.

– Con còn viết tập làm văn về một buổi sáng đến trường, con còn được đọc trước lớp về bài văn của con nữa.

– Con cảm thấy sao?

– Các bạn nhìn con ngưỡng mộ. Thích ghê!

– Oh! Con trai mẹ tuyệt thật!

Vừa trò chuyện với con trai xong thì con gái thức. Chắc đòi ti mẹ đây!

Cho con gái vào lòng đôi môi thì vận động như biết rằng sữa mẹ ngon tuyệt!

Tiếng chồng Lan gọi :

– Em ơi, hôm nay ngày 8.3 anh tặng em nhé!

– Ôi! Một bó hoa hồng!

Hạnh phúc quá Lan say mê ngắm từng bông trong một sự bất ngờ chưa từng xảy ra.

Bỗng!

– Chị ơi. Thức dậy đi, cho em đo huyết áp.

Lan dụi mắt. Hóa ra mình đang mơ. Một giấc mơ rất đẹp. Mà hình như cũng là giấc mơ của tất cả mọi đàn bà. Có tình yêu của chồng, có những đứa con ngoan, thì mọi hy sinh chẳng mệt nhọc gì?… Người đàn bà chỉ có những giấc mơ như thế! Họ có thể không mặc một chiếc váy đẹp để bữa cơm gia đình đầy đủ hơn. Họ có thể bỏ hết bạn bè, để chồng để con cái họ được chăm sóc tốt. Họ cố tình vun vén tiết kiệm để con trai có một tương lai tốt và cho con gái một tri thức vững vàng khi bước vào đời. Chân lý “Có tình yêu em hy sinh nào mệt” chắc là không đúng rồi. Thiệt thòi quá, hy sinh không thể gọi là hy sinh mà quên mình. Đàn bà hãy cứ làm những việc mình thích mình yêu, Lan nói thầm:

– Tôi cho con bú mẹ hoàn toàn, thức khuya chăm con không phải là tôi hy sinh, nhưng bởi tôi là người mẹ mang con 9 tháng 10 ngày tôi có tình yêu với con, khi bên con lắng nghe con, tôi hạnh phúc thì tôi làm, tôi đang tận hưởng cái hạnh phúc làm mẹ của tôi.

– Tôi chấp nhận không chi tiền vào các khoản thời trang và thẩm mỹ, bởi tôi biết tôi không chạy theo được nó. Cái tôi cần là những gì tồn tại với thời gian. Nếu như chồng tôi yêu tôi thật sự thì cơ thể tôi khi là một người đàn bà đã cũ anh sẽ vẫn thấy đẹp!

Ngoài kia, thời tiết đang thay đổi, mùa đông se lạnh của Sài Gòn đã đến, đường phố luôn nhộn nhịp dù bước vào đầu giờ chiều.

Ngồi trong tắc-xi trên tay là một cô con gái thật đáng yêu, lòng Lan cảm thấy mình là người hạnh phúc! Khi ôm con gái trong vòng tay.

Cuộc sống không lấy hết của ai điều gì và cho hết những gì người ta mong muốn. Hãy biết rằng mỗi phút giây ta sống để ta cho đi nhiều hơn là nhận lại. Bởi khi bước vào đời sống hôn nhân một đôi đũa lệch cũng kê cho bằng. Bởi hôn nhân bên cạnh tình yêu còn là trách nhiệm với gia đình, với xã hội.

Về đến nhà, đón Lan là mẹ chồng, từ ngoài hẻm lớn bà đã đợi hơn cả tiếng đồng hồ để đợi mang hành lý và đón cháu nội gái. Hai bà thông gia gặp nhau cười nói rôm rả như người thân lâu ngày gặp lại. Cảm giác vui mừng của anh trai đón đứa em gái vừa gia nhập thành viên gia đình thật hớn hở, cứ ngồi cạnh giường nhìn ngắm em ngủ. Làm Lan không thể nào không cười. Giấc mơ là có thật, dù không bó hoa hồng, nhưng có thật nhiều cảm xúc rất người đan xen vào nhau.

Vườn hoa nho nhỏ trước sân nhà, của Lan tự trồng, sau một tuần Lan đi vắng, đang nở thắm. Đó là những loại hoa dại chỉ cần có nắng và nước là sẽ sống. Chồng Lan đi xe máy đã về nhà trước và đi chợ đang tất bật với một bữa ăn sau những ngày Lan ngán ngẫm với suất ăn bệnh viện. Căn nhà lại rộn ràng tiếng cười tiếng nói của trẻ con, và mùi thơm của thức ăn đang bốc khói chờ đợi cả nhà yên vị ngồi vào bàn.

Lan hỏi chồng:

– Ở nhà trời có mưa không, sao hoa nở đẹp vậy?

– Trời! mới tháng hai mà bà hỏi có mưa hay không, tôi là người mà tối nào, sáng nào cũng tưới cho vườn hoa dại của bà đó!

– Ờ, thì cảm ơn ông!

– Ăn cơm đi, ăn nhiều canh xương vào cho có sữa con bú.

– Tôi biết rồi, nhắc hoài.

Mơ hay là thật, thì giấc mơ và mong muốn của người đàn bà chỉ có vậy. Thật là đàn bà mộng mơ đến yêu lạ.

Truyện đã in trong tập truyện ngắn Khao Khát Bình Yên

H.X.Đ

Hội viên Hội Nhà văn TPHCM