Tiểu thuyết Thiên mệnh, của nhà văn Nguyễn Trọng Tân phản ánh bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ suy vi, một bước chuyển từ thời Lê mạt sang triều Tây Sơn. Cuộc càn khôn khép mở vần vũ mang mệnh trời, ý dân diễn ra trong 15 năm (1774-1789).
Trước ông đã từng có khá nhiều tác phẩm văn học viết về thời kỳ này như: Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái; Thượng kinh ký sự của Hải Thượng Lãn Ông; Bà chúa chè của Nguyễn Triệu Luật, Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác… Mỗi tác phẩm mang một cách nhìn và đều để lại những ấn tượng khó quên trong bạn đọc. Đó là một thử thách lớn với Nguyễn Trọng Tân khi ông “dẫm lên” vết chân của các nhà văn đi trước. Liệu có để lại dấu ấn gì?
Qua 500 trang Thiên mệnh mới thấy Nguyễn Trọng Tân đã chọn một lối đi khác. Ông không “kể sử”, không “phỏng dựng” lịch sử. Mà ông “giải mã” lịch sử. Như lời bạch ở đầu sách: “Sử liệu chính thống về triều đại Tây Sơn và Quang Trung – Nguyễn Huệ bị nhà Nguyễn hủy hoại hầu như không còn gì… Tây Sơn Thái tổ Quang Trung – Nguyễn Huệ xuất hiện sáng chói rồi tắt lịm như khối sao băng xé tan đêm đen phong kiến. Cái chết đột ngột của ông là đốt gãy lịch sử. Để lại nỗi bất hạnh lớn lao cho dân tộc này.
Số phận, võ công và thiên tài Quang Trung – Nguyễn Huệ như ánh xạ bi hùng vang vọng trong tâm khảm bao thế hệ, vọng vào tác phẩm của tôi. Nhưng Thiên mệnh không mang trong nó sứ mệnh của một thông điệp lịch sử”.
Vận dụng, xử lý một khối lượng sử liệu không chính thống từ nhiều nguồn để “dựng lên” bối cảnh xã hội 250 năm trước một cách khá mạch lạc, với bao nhiêu biến cố chóng mặt mà không gò gượng, thực sự sẽ làm nản lòng những cây bút tiểu thuyết bé gan. Nhưng Nguyễn Trọng Tân đã phổ vào Thiên mệnh một sức sống sinh động, hấp dẫn. Bằng quyền năng văn học, nhà văn dày công khắc họa hình tượng nhân vật trung tâm theo quan điểm thẩm mỹ của mình. Ông đặt các nhân vật vào cuộc sống đa chiều trong bối cảnh hỗn tạp của xã hội thời ấy để “giải mã” những ẩn khuất đằng sau các sự kiện, các số phận.
Nhân vật trung tâm, xuyên suốt tiểu thuyết là vua Quang Trung – Nguyễn Huệ. Trong lá thư gửi tôi khi đang viết Thiên mệnh, Nguyễn Trọng Tân tâm sự: “Lâu nay Quang Trung – Nguyễn Huệ trong mắt hậu thế hiện lên là bậc chiến tướng kỳ vĩ. Cả võ công và lầm lỗi đều kỳ vỹ. Một tượng đài đồ sộ, đơn điệu, lạnh lùng. Mình muốn góp thêm góc nhìn về bậc vĩ nhân này ở cuộc sống đời thường. Nguyễn Huệ cũng có điểm mạnh, yếu, tốt, xấu như bao người bình thường khác. Nhưng số phận không cho ông được hưởng đầy đủ, thể hiện đầy đủ những điều bình thường ấy”.
Là bậc Quân vương gánh trên vai sứ mệnh quá ư nặng nề trong một giai đoạn lịch sử vô cùng phức tạp, rối ren. Thù trong, giặc ngoài bao vây tứ phía. Nội bộ Tây Sơn lục đục. Nguyễn Huệ phải có tầm nhìn, quyết định và hành động vượt trên sức nghĩ của người bình thường.
Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ chúa Trịnh vào hàng Tây Sơn. Đem Tây Sơn ra diệt họ Trịnh. Rồi lại phản Tây Sơn về với nhà Lê, xui vua Lê chống lại Tây Sơn… Nguyễn Huệ sai cháu mình là Vũ Văn Nhậm ra Đông Kinh bắt Nguyễn Hữu Chỉnh giết đi. Nhưng rồi cái bả vinh hoa lại dẫn Vũ Văn Nhậm dẫm đúng vào lốt chân Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Huệ phải thân chinh ra Đông Kinh giết Nhậm… Vì chuyện đó, hình ảnh Nguyễn Huệ trở nên rất xấu trong mắt quần thần nhà Lê. Huệ lãnh đủ ác cảm cùng bao điều tiếng thị phi và cái nhìn sai lệch của người đời. Đại thần Uông Sĩ Điển nhận xét: “Nguyễn Huệ là kẻ vô đạo. Một ngọn cờ không sạch sẽ, còn mang nặng thói hủ lậu, man mọi rừng rú. Ông ta sẽ tạo ra một nền chính trị hoang dã, trí trá. Liệu gương mặt như vậy có xứng với ngôi báu không? Có nên hiệp tác không?”. Trần Công Sáng nói: “Tôi nghĩ một vị Quân vương mà đem lính đánh giết anh mình. Quyền huynh thế phụ. Nguyễn Huệ làm thế có khác gì đánh lại cha. Một kẻ bất hiếu bất mục như vậy, ta không thể theo?”. Phan Lê Phiên thêm: “Nguyễn Huệ còn thể hiện là một kẻ gian hùng, phản phúc và nhẫn tâm. Ông ta giết cả cháu mình là Vũ Văn Nhậm và làm nhiều điều bất tín khác…”.
Nguyễn Trọng Tân sử dụng ngòi bút “trung tính”. Ông không tô vẽ cho Nguyễn Huệ mà để nhân vật này hiện lên trần trụi cả tốt và xấu trong con mắt quần thần và giới sĩ phu Bắc hà. Hai lần Nguyễn Huệ ra Đông Kinh dẹp loạn nhưng không cướp ngôi vua Lê như bao người lầm tưởng. Rồi những việc làm nhân ái của Nguyễn Huệ khiến quần thần phải nhìn vị chúa Tây Sơn bằng con mắt khác. Lê Chiêu Thống bỏ nước sang cầu cứu Mãn Thanh. Sĩ phu Bắc hà muốn Nguyễn Huệ lên ngôi thiên tử, Nguyễn Huệ từ chối. Điều ấy khiến họ ngỡ ngàng, trăn trở. Cũng như Nguyễn Trọng Tân từng trăn trở: “Lâu nay tôi cứ nghĩ mãi, nếu Nguyễn Huệ tuy là một thần tướng dũng lược, nhưng tàn bạo, hung tợn, vô cảm, thì làm sao ông ta tập hợp được quanh mình những văn thần, võ tướng siêu phàm như vậy. Vì sao ông ta sai khiến được hàng chục vạn người lính đồng lòng như một xông vào hòn tên, mũi giáo như vậy. Nguyễn Huệ phải là một bậc chí nhân, chí thánh…”. Và đây, một Nguyễn Huệ anh hùng cái thế nhưng cũng dễ mủi lòng, vị tha được tác giả “giải mã” đầy bất ngờ, lý thú nhưng hợp lô gich. Mặc dù buộc phải giết Nguyễn Hữu Chỉnh để loại bỏ một kẻ lộng quyền, chống lại Tây Sơn nhưng Nguyễn Huệ đã rất nhân ái không quên công lao của Chỉnh. Ông đến mộ thắp nhang viếng Chỉnh, Nguyễn Huệ nói với Ngô Thì Nhậm:
– Quân sư biết không, lần đầu gặp Nguyễn Hữu Chỉnh ta đã bị Chỉnh cuốn hút rất mạnh. Ông ấy thực sự là một nhân tài đất Bắc. Một chỉ huy thủy chiến bậc thầy. Nguyễn Hữu Chỉnh đã giúp ta xây dựng thủy binh. Chỉnh cũng là người nối kết ta với vua Lê Hiển Tông. Và chắc hẳn việc vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho ta cũng có bàn tay sắp đặt của Chỉnh”… “Ôi! Đời người chẳng biết thế nào. Giờ Bằng Trung công đã trút sạch bụi trần. Quân sư cho tìm người thân của ông ta. Nếu họ muốn đưa hài cốt về quê, hay để nằm lại đây thì xây cất cho đàng hoàng. Hãy giúp họ một tay”.
Bằng những lời nói và hành động như thế, những thắc mắc, nghi ngại trong quần thần đã được giải đáp. Nguyễn Huệ tâm sự với Ngô Thì Nhậm: “Quân sư biết không, gần đây nhiều khi ta thấy lo sợ và cô đơn khủng khiếp. Triều chính Bắc hà đang ở cái thế châng lâng như vậy. Quần thần muốn ta lên ngôi báu. Việc ta từ chối hẳn làm không ít người thấy lạ. Nhưng ta nghĩ tới điều lớn hơn. Lê Chiêu Thống vẫn còn đó. Trên danh nghĩa Thống vẫn là vua nhà Lê. Mà các triều đại Trung Quốc thì chưa bao giờ nguôi mộng ăn cướp nước ta. Đừng vì chuyện cái ngai vàng có cũng như không ấy khiến giặc lấy cớ đem quân vào dày đạp lên tôn miếu xã tắc…”. Ngô Thì Nhậm sửng sốt, bật dậy thưa: “Điều chúa công vừa nói, trong đám quần thần chúng tôi không ai nghĩ tới. Không ai lượng định nổi. Giờ Nhậm này mới hiểu được sức nghĩ, tầm nhìn và tấm lòng của chúa công đối với đất nước, với muôn dân”.
Trong đời thường Nguyễn Huệ cũng hiện lên thật đáng yêu, gần gũi: “Nguyễn Huệ ôm công chúa Lê Ngọc Hân ngồi bên cửa sổ ngắm cảnh Đông Kinh về đêm. Hương sen thoảng trong không gian. Tiết này sen đã nở. Trà sen Dâm Đàm, món đặc sản rất quý trong cung đình nhà Lê. Ngọc Hân mỗi ngày tự tay hãm trà sen Đông Kinh cho chồng thưởng thức. Ngắm vợ hãm trà, Huệ mới thấy sự kỳ khu, tinh túy, lịch lãm và vẻ cao sang của giới quý tộc kinh thành. Từ khi làm bạn gối chăn với Ngọc Hân, mọi cử chỉ, lời thưa gửi của nàng làm cho cuộc sống của Huệ tươi nhuần hơn. Giảm đi nét thô bộc trong tính nết và khẩu khí”. Tình yêu Nguyễn Huệ dành cho Ngọc Hân quả là một tình yêu lớn, chân chất mà thánh thiện.
Bên cạnh hình tượng Nguyễn Huệ, hai nhân vật khác cũng hiện lên đầy đặn, sinh động và hấp dẫn không kém. Đó là Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh.
Nguyễn Hữu Chỉnh, một danh sĩ Bắc hà văn võ toàn tài. Nhưng Chỉnh lại cũng điển hình cho loại người lá mặt lá trái. Tài năng, mưu lược, hùng biện, cuốn hút, song hành với thủ đoạn, cơ hội, tham lam, lộng hành, phản trắc. Nguyễn Hữu Chỉnh là sản phẩm thường thấy của xã hội đang chất chứa những ung nhọt. Suy mạt là miếng đất màu mỡ sản sinh, dung dưỡng những quan lại như thế. Số phận Nguyễn Huệ dường như phải gắn với Nguyễn Hữu Chỉnh, như là một thử thách ông. Thâu nạp Chỉnh, tận dụng tài năng của Chỉnh nhưng bằng giác quan đặc biệt, Nguyễn Huệ rất sớm nhìn ra khoảng u tối, phức tạp, tráo trở trong con người Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng là tác nhân lớn nhất khiến Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đem quân ra Đông Kinh dẹp bỏ chúa Trịnh, củng cố rường mối nhà Lê. Bước khởi đầu cho đại cuộc đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh.
Ngô Thì Nhậm là hình ảnh đại diện cho giới sĩ phu Bắc hà. Nguyễn Trọng Tân đã rất thành công khi khắc họa nhân vật này. Một dạng nhân vật rất khó viết. Sĩ phu Bắc hà là hồn cốt của nền chính trị, văn hóa thời đại. Họ liêm chính, tiết tháo nhưng cũng rất bảo thủ, mực thước và đầy nghi kị. Họ được tôn vinh là “Nguyên khí quốc gia” mang nặng tâm trạng “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Chúa Trịnh đã tan. Vua Lê Chiêu Thống bỏ nước cầu cứu ngoại bang. Nguyễn Huệ ban chiếu cầu hiền… Lớp người như Ngô Thì Nhậm lâm vào bế tắc, rối trí. Phải theo ai để phục vụ xã tắc, cứu vớt muôn dân? Bản thân Ngô Thì Nhậm càng trớ trêu, lúng túng. Nhậm từng gọi Tây Sơn là lũ giặc man mọi, quyết không hợp tác với Nguyễn Huệ. Nhậm vật vã trong đau khổ, cô đơn, mâu thuẫn. Ông lang thang vào chùa Thầy với tâm niệm tìm lời giải nơi cửa Phật. Nhậm thụ giáo Hòa thượng Thích Minh Tuệ về sự đổi thay của thời thế. Về quan niệm “trung quân”. Về bổn phận của kẻ sĩ trong thời buổi trắng đen lẫn lộn này…
Nguyễn Huệ có con mắt thật tinh đời. Ông nhận ra tài năng trời phú của Ngô Thì Nhậm. Khi hợp quân ở Tam Điệp trước khi ra đuổi giặc Thanh, Nguyễn Huệ nói trước ba quân: “Lần trước ra Đông Kinh phò Lê, sĩ phu Bắc hà ngoài mặt thì sợ ta, nhưng trong ruột thì chê ta võ biền. Ta biết chứ. Đến khi được ông Nhậm, ta mừng như có người rửa mặt cho vậy. Người Bắc hà bảo: “Tài ông Nhậm rỏ qua ngọn bút sánh với trăm vạn quân là thế”. Lần này nhờ mưu kế của quân sư, ba chục vạn quân địch ta chỉ quét một trận là xong”.
Vai trò của Ngô Thì Nhậm chỉ đứng sau Nguyễn Huệ. Mối quan hệ Nguyễn Huệ – Ngô Thì Nhậm gợi cho chúng ta nhớ đến Lê Lợi – Nguyễn Trãi trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh.
Nguyễn Trọng Tân khá am tường lịch sử. Ông góp phần giải mã một giai đoạn xã hội phong kiến vô cùng phức tạp mà chính sử hầu như không còn lại gì, nhưng tạo được niềm tin cho người đọc. Bằng khả năng tưởng tượng và linh cảm mẫn tiệp của mình, tác giả đã làm cho các sự kiện trở nên sinh động, nhân vật được ánh xạ từ tâm hồn nhà văn trở nên lấp lánh, mới mẻ đến bất ngờ.
Giọng văn hoạt. Câu văn ngắn, hóm hỉnh và đối thoại rất nhiều, Nguyễn Trọng Tân làm cho những trang viết lịch sử không bị nặng nề, khô cứng. Dựng lên những màn đối thoại liên tục giữa các nhân vật lớn về triều chính, binh pháp, Phật giáo, đạo quân thần, tổ chức bộ máy triều chính… đòi hỏi tác giả phải có một nền kiến thức rộng và rất chắc tay, biến nó thành “kiến thức và ngôn ngữ” của nhân vật. Ai ra người đó, nhuần nhuyễn sinh động. Bởi thế, cho dù những người đã “thuộc sử” chắc chắn vẫn bị các sự kiện và nhân vật của Thiên mệnh cuốn hút, dẫn dắt.
Tôi cho rằng tiểu thuyết Thiên mệnh của nhà văn Nguyễn Trọng Tân là một tác phẩm có một vị trí nhất định mà mỗi khi nhắc đến thể loại tiểu thuyết lịch sử, người ta không thể bỏ qua.
Theo Lê Hoài Nam/Văn nghệ