Giải mã thơ qua “Mạch ngầm con chữ”

670

Trịnh Vĩnh Đức

 (Đọc “Mạch ngầm con chữ” của nhà PBVH Thy Lan – NXB Hội Nhà văn)

(Vanchuongchuongphuong.vn) – Trong thế giới muôn màu của văn chương, sáng tác văn học rất cần sự đồng hành sáng tạo giữa tác phẩm văn học và người viết phê bình. Nó giúp cho người đọc có hướng tiếp cận thuận lợi hơn về giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Sáng tác và lý luận phê bình đều có nhiệm vụ chung là phản ánh “hình hài một cơ thể” văn học. Nhưng để cho “hình hài” ấy có sức sống vươn lên, lan tỏa vào thế giới đời sống văn học nhanh hơn, không thể không nói đến vai trò hỗ trợ đắc lực của người viết lí luận phê bình.

Tác giả Trịnh Vĩnh Đức

Từ quan điểm này, tôi đã dành thời gian với tác phẩm “Mạch ngầm con chữ” của nhà PBVH Thy Lan, đọc nhanh rồi đọc chậm. Càng nghiền ngẫm càng thấy nhiều điều lí thú. Tôi nghĩ viết phê bình cho phê bình quả thật là khó. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người viết LLPB trong làng văn cũng đã từng tâm sự. Thôi đành gửi lại bạn đọc một số cảm nhận nho nhỏ về tác phẩm này.

Mạch ngầm con chữ” là tác phẩm đứng bên cạnh “Những cánh đồng mang gương mặt người” cùng một tác giả. Tác phẩm đạt giải B không có giải A của Hội liên hiệp VHNT Việt Nam, được Hội đồng lí luận TW trao giải C, tập hợp 16 bài viết. Với lối viết có phần hoa mĩ theo mạch nguồn cảm xúc nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị đích thực giữa lí luận và thực tiễn sáng tác đương đại. Nội dung cuốn sách rất cần cho người đọc tiếp cận trải nghiệm trên cánh đồng chữ của chị để rồi cắt nghĩa cho những suy tư, chiêm nghiệm mà các nhà thơ, nhà văn đem lại.

Khám phá các cấu trúc hình tượng nghệ thuật, nhà PBVH Thy Lan đã bắt đúng “mạch ngầm” của thi ca và những câu chuyện văn xuôi ngọt đắng, tình đời để thổi hồn vào “con chữ”, làm cho tác phẩm văn học thêm lung linh sống động. Và những “con chữ” ấy, lại hiện lên lớp phù sa văn chương màu mỡ để chị thăng hoa trong ngòi bút, góp thêm cho đời những gia vị ngọt ngào trong đời sống văn học hiện nay.

Thy Lan còn là nhà thơ được bạn đọc biết đến trên các trang báo và tạp chí từ TW đến địa phương. Chính yếu tố này là thế mạnh, chắp thêm cánh cho Thy Lan trong các bài viết tiểu luận phê bình văn học. Với vốn tính, luôn trau dồi chuyên môn, không quên tạo cho mình một phong cách mới có một giọng điệu riêng mang tính cá thể, chị đã cố gắng nghiên cứu đào sâu suy ngẫm để không lập lại dấu chân của người đi trước, kể cả chính mình.

Đọc sách “Mạch ngầm con chữ”, trong phạm vi bài viết, tôi đặc biệt chú ý đến 9 tiểu luận viết về thơ đương đại. Với thơ, Thy Lan viết phê bình theo hướng tiếp cận thơ hiện đại, luôn bộc lộ quan điểm chính kiến của mình. Là một người có cá tính sáng tạo, chị đã tạo một dấu ấn trong con mắt thơ của bao người mỗi khi phát hiện tín hiệu nghệ thuật mới trong lòng tác phẩm. Từ đó phát huy năng lực tố chất của mình để xây dựng nên cách tiếp cận mĩ học thơ đương đại.

Giá trị dễ nhận thấy trong lối viết của Thy Lan là cảm thụ tác phẩm luôn có sự đồng điệu sáng tạo cùng tác giả. Đến với thơ Lê Quang Sinh, chị đã bắt chuẩn mạch ngầm thơ anh về “Yếu tố lạ hóa và cộng hưởng trong “Dâm bụt vườn hoang”. Chị đã thổ lộ: “Trước hết tôi bị hút vào thơ anh đầu tiên bởi yếu tố lạ hóa”. Với tư duy trong con mắt đánh giá cảm quan của nhà phê bình, chị đã khơi nguồn dẫn dắt người đọc tiếp cận những lớp sóng ngôn từ bằng lối viết khá tường minh, làm thỏa mãn sự chờ đợi của mọi người. Chị quan niệm: Thơ Lê Quang Sinh “Có cái buồn khó lí giải nhưng là một cái buồn đẹp của một cái tôi có kiến văn sâu rộng, vốn văn hóa dày dặn… Anh luôn tìm tòi ngôn ngữ để trình diễn một vẻ đẹp có sắc thái cho thơ”. Khách quan mà nói, thơ Lê Quang Sinh có nhiều bài thơ trữ tình hay, đặc biệt những bài thơ viết về Tổ Quốc, viết về quê hương xứ Thanh. Những bài thơ ấy, bao giờ cũng đầy ắp ngọn lửa cội nguồn, chảy dài ấm áp trong liên tưởng. Ở một phương diện nào đó, Thy Lan đã giải mã thơ anh không phải bằng định tính mà cao hơn chị đã bắt được sóng trữ tình có sắc thái lạ, vừa trong trẻo vừa thiết tha sâu lắng, mang đậm hồn Việt, kể cả mảng thơ viết về đề tài tình yêu. Nhiều câu thơ hay trong “Dâm bụt vườn hoang” mà theo chị không cần bình vẫn hay: “Cát cứ trắng để mềm, nước cứ trong để vỡ”, “Mưa nắng đuổi nhau trong mầu tóc”… Cái cách khám phá còn thể hiện tính sáng tạo trong cách lấy dẫn chứng những đoạn lời bình đặc sắc: “Thơ Sinh có những bài vừa gợi vừa lan tỏa. Anh hái những lộc biếc ấy từ hồn”… (Hữu Thỉnh).

Trong phong cách viết của Thy Lan, người đọc nhận diện, văn phong của chị sáng không rườm rà không quanh co phức tạp. Những luận đề, luận điểm đưa ra thường đi thẳng vấn đề như bài bình thơ Kim Dũng “Lòng tay hình châu thổ”, một biểu tượng thơ không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có cả triết lý về thơ. Rồi thơ Lâm Bằng với “Mưa dắt ngang chiều – thơ dắt về ký ức”. Chị là người công tác cùng Lâm Bằng nên hiểu thơ Lâm Bằng khá rõ “Lâm bằng làm thơ để giải bày, để chiêm nghiệm và để tri ân cha mẹ, xóm làng, những anh hùng, những con người nhỏ bé giữa đời thường giàu lòng nhân ái, biết trọng nghĩa nhân”. Thơ anh đã kết hợp hai yếu tố lãng mạn và hiện thưc, có hương vị đậm dấu ấn cá nhân. Người ta biết về Lâm Bằng không chỉ sâu thẳm một tấm lòng với quê anh Hà Trung mà còn biết đến anh là tác giả của trường ca “Đò Lèn” khá nổi tiếng, và trong thơ anh cái bóng của “Đò Lèn” đã vắt qua “Mưa dắt ngang chiều” để lại sự trân quí với nhiều bạn đọc.

Một điều dễ nhận thấy, Thy Lan không hời hợt trong cách tiếp cận văn bản văn học. Chị đã tìm tòi phát hiện nhiều tầng nghĩa khá tinh tế trong thơ Nguyễn Minh Khiêm. “Thử giải mã về “Giải mã” thơ Nguyễn Minh Khiêm trong cách trình bày chị đã dành hết tâm huyết cho “Giải mã”. Vẫn một lối đi riêng trong cách cảm, cách bình, ngay cả đưa ra những quan niệm về thơ, Chị khẳng định đưa ra nhận xét: Nguyễn Minh Khiêm có một cá tính sáng tạo, không ngừng đổi mới nên thơ anh có nét hiện đại.“Giải mã” không chỉ có những bài thơ truyền thống giàu cảm xúc mà còn có cả thơ văn xuôi giàu tính triết lí nhân sinh. Theo chị, tập thơ “Giải mã” của Nguyễn Minh Khiêm ra mắt, đã thổi một luồng gió mới”. Điều ấy không ngạc nhiên khi tập thơ này đạt giải A của ủy ban toàn Quốc Hội liên hiệp các nhà văn Việt Nam. Và, chị đã tìm thêm phát hiện nghệ thuật thơ Nguyễn Minh Khiêm trong “Giải mã” có sự cách tân, đầu tiên là từ ngữ nhà thơ dùng có nhiều từ lạ mà đắt, gợi mà lôi cuốn người đọc: “Có gì xanh đau đáu dưới cỏ non/ xanh nhoi nhói rờn rợn bàn chân bước”. Nhưng còn hơn thế, cái mà anh định danh giá trị đã vượt qua được biên giới thử thách người đọc. Đó là giải mã hiện thực, giải mã tâm hồn, làm lay thức độc giả. Cái hay của người viết phê bình nghiêm khắc như chị là tính phát hiện có cả ưu và nhược. Với nhiều lợi thế trong kiến văn, chị là người có tâm hồn thơ đầy khát vọng. Phần hạn chế, chị chỉ ra với lý lẽ chắc chắn, không quá khắc nghiệt nhưng kiên định ý tưởng của mình, vì thế luôn được bạn đọc yêu mến cá tính.

Phong cách viết của Thy Lan, không bị ảnh hưởng cuốn theo mạch văn của người khác dẫu người ấy rất nổi tiếng. Tình cảm thể hiện trong lời văn chân thành, chân thật giàu cảm xúc, làm cho người đọc không chán, không bị khô cứng khi gặp phải nhiều từ chuyên môn. Nhiều khi cách lấy “tít” đặt tiêu đề cho tiểu luận thường rất sáng, mang ý nghĩa khái quát, hàm súc. Cách đặt tên đề bài viết có chút gì vui vui là lạ. Nhưng cái lạ đó đã gợi bao niềm cảm xúc, khơi thêm sự tò mò cho độc giả, bởi gợi nên một trường liên tưởng khá thi vị. Không phải ngẫu nhiên mà Thy Lan đặt tên cho tiêu đề bài viết: “Lắc lư cùng Văn Đắc”. Phải có cái gì đó hiểu từ gan ruột nhà thơ, hiểu được hồn thơ tận tâm can ông, với những câu thơ đậm phong cách chị mới dám đặt tên như thế. Tôi rất thích giọng điệu phê bình ngẫu hứng với cách giới thiệu có pha chút ký chân dung trong bài viết này. Cách tiếp cận tác phẩm của chị cứ tự nhiên như hạt mưa xuân thấm dần vào đất để tích nhựa, cho cây nẩy lộc đâm chồi. Và thế rồi chuyện đời, chuyện tình, chuyện xã hội, chuyện văn chương bước vào thơ cứ “bồng bềnh mây trắng”, “lãng đãng sương giăng” như những câu chuyện tình ám ảnh, không kém phần lãng mạn. Cái hay trong bài viết về thơ Văn Đắc không chỉ là lời phê bình thấm đẫm chất văn mà còn có sự hóm hỉnh bằng những câu chuyện dẫn dắt đời thường nhưng rất gần gũi sát thực với hồn thơ Văn Đắc.

Trong điểm nhìn của chị trong cách vận hành bình phẩm đánh giá thơ Văn Đắc ngoài chất trữ tình còn nổi lên cái chất ngông của thi sĩ. Thơ Văn Đắc mỗi khi rung ngân cứ ngọt ngào chữ “tình” như một cung đàn sâu lắng mà ở đó luôn vang vọng nhịp thở của trái tim yêu. Những câu thơ chị dẫn chứng rất điển hình, không trích dẫn nhiều, nhưng đã nhập hồn vào mạch nguồn con chữ làm cho thơ ông rất thơ và đời hơn.

“Mạch ngầm con chữ” còn có bài viết của chị về thơ Huy Trụ với cái tên “Lòng như suối cạn sao đành với thơ”. Chị cho rằng Huy Trụ rất hiểu rõ hạnh phúc của người làm thơ nhưng để có tác phẩm hay với nhiều câu thơ hay không đơn giản, mà bạc đầu mới có được. “Câu thơ viết đứng viết ngồi/ Ngổn ngang con chữ xác phơi trắng đầu”. Đây là một câu chuyện mà chị đã hiểu hơn ai hết để cắt nghĩa thơ Huy Trụ. Chị cho rằng thơ Huy Trụ cảm hứng chủ đạo trong thơ ông là tụng ca và tự bạch. Những nhận xét thơ ông có phần chủ quan chăng? nhưng có cái gì đó rất đúng với hiện thực. Tôi đồng tình với chị: Thơ Huy Trụ có ưu thế mạnh và giàu cảm xúc tập trung nhiều ở thể loại lục bát. Những bài lục bát ấy có nhiều bài hay bởi cái tài của ông đã học tập nhiều nét tinh túy ở ca dao dân gian. Giành nhiều ngôn từ tri âm cùng Huy Trụ, chị đã đi vào ngõ ngách thơ Huy Trụ để tìm thêm những điểm sáng thẩm mĩ.

Trong phê bình, chị thường diễn ngôn theo cách phê bình truyền thống nhưng vẫn có sự đầu tư nghiêm túc theo hướng mở trước đối tượng nghiên cứu. Đó cũng là phong cách rất riêng của Thy Lan, là sự đề cao cá tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân trong sáng tác văn học. Không bằng lòng với phong trào phê bình khen là chính, chị là người có bản lĩnh khi đưa ra những ý kiến chủ quan của mình để đối diện với những phản biện trong phê bình. Chị thông hiểu quan điểm, đã là nhà phê bình vừa phải mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan trong khi viết. Phải luôn có sự đồng sáng tạo cùng với nhà văn, nhà thơ, tác giả đối tượng phê bình. Có lẽ chị đã thấm hiểu câu nói của nhà phê bình Hoài Thanh “Tôi lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. nên vẫn còn đâu đó những ý kiến của chị khi viết bài phê bình cho bạn thể hiện thái độ rất thẳng thắn nhưng chân tình.

Điều đáng nói, dưới con mắt khá tinh của Thy Lan, theo chị, cả nhà thơ Văn Đắc và Huy Trụ, tuy thơ đã định danh vẫn cần phải đổi mới ngôn ngữ thơ để không cũ với người đọc và chính mình.

Thy Lan là người đã nhanh chóng hòa nhịp với đời sống học thuật phê bình văn chương đương đại. Trong cách tiếp cận trường ca, chị đã có cái nhìn khá táo bạo về thơ. Chị cho rằng Trong lúc thơ hiện nay vừa có chiều hướng cũ đi, vừa có chiều hướng tân kỳ thì ở ba trường ca của Hữu Thỉnh gồm: “Sức bền của đất”, “Trường ca biển”, “Đường tới thành phố” là sự tích tụ khát vọng tư tưởng, tình cảm của tác giả trong cuộc đời con người. Bắt được mạch chảy cảm xúc trong thơ hữu Thỉnh khá nhuần nhị, chị đã phát hiện thiên nhiên trong thơ ông cũng là lựa chọn để nhà thơ “ký thác” những tâm tư và suy nghĩ trước nỗi đau nhân thế, trước thế sự đời thường, giữa cái còn cái mất, giữa cái cho đi và cái nhận về điều có qui luật của nó. Như hiểu được hồn thơ và tính chủ đề tư tưởng tác phẩm, nhà phê bình văn học Thy lan lấy “Thiên nhiên nơi ký thác tâm hồn” làm điểm cho sự tìm hiểu khám phá trường ca thơ Hữu Thỉnh là một sự thông minh vừa đủ. Bởi trường ca của ông đề tài rộng, chủ đề tư tưởng lớn. Nếu phê bình quá rộng tưởng chừng không đủ sức. Nhưng dẫu sao chỉ ngần ấy kiến thức của chị đưa ra, cũng đã nói lên một Thy Lan có con mắt tinh trong phê bình cảm nhận trường ca Hữu Thỉnh. Cái cách phê bình từ diện đến điểm không mới nhưng hiệu quả vô cùng. Chị đã điểm trúng “mạch ngầm” để khai thác tài nguyên trong lớp võ ngôn từ của thơ ông để làm nổi bật lên cái tình “con chữ” được biểu hiện qua hình tượng nghệ thuật, đem đến sự lan tỏa chạm vào thế giới thơ ca in đậm sắc mầu.

Nếu như chị viết “Thiên nhiên nơi ký thác tâm hồn” thơ Hữu Thỉnh có sức gợi thì “Thao thức nỗi rừng” viết về trường ca “cổ tích rừng” của nhà thơ Đặng Bá Tiến mang tính sử thi khá ngọt ngào. Với những hoài niệm tìm kiếm từ ngôn ngữ thơ chất chứa thao thức về rừng, Thy Lan đã khai thác yếu tố ngôn ngữ bản địa như tác động thêm hòa thanh vào “mạch ngầm con chữ”, làm cho thế giới thi ca của vùng đất Tây nguyên có thêm vũ điệu của tiếng chim kơ tia ngân dài xa vút, có nét rất riêng mộc mạc, với một rừng cổ tích đẹp như mơ. “Chớp mắt trong hương rừng/ Trong tiếng ru/ Trong bàn tay vuốt ve của lá” là lời kêu gọi của núi rừng xanh biếc, là tiếng thì thầm của rừng với thực trạng kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ, để Tây nguyên với “cổ tích rừng” vẫn tràn đầy khao khát nhịp thở xanh.

Một điều đặc biệt, viết cho tác giả đã khuất, ta thấy giọng phê bình của Thy Lan rất nhân văn. Chị cảm văn bằng cả tình cảm yêu mến của mình với tác giả trong một trường văn dạt dào cảm xúc chân tình. Những đánh giá về nhà thơ Mạnh Lê không khuôn sáo như nhiều người đã viết về ông mà có một sự cảm nhận bình thơ sâu sắc mượt mà giản dị. Chị đã tìm thấy hồn cốt trong thơ Mạnh Lê có cái tâm của người thi sĩ. Chỉ riêng tiêu đề chị viết “Mắt ngủ rồi trái tim còn thao thức” đã bao hàm khái quát nhiều ý nghĩa với bao người, bao thế hệ yêu thơ ông. Tôi đặc biệt tâm đắc cùng chị về những lời bình sáng ngời “con chữ”, làm nổi bật căn cốt trong tâm hồn thơ Mạnh Lê. Chị đã cắt nghĩa thơ Mạnh Lê “Ông là nhà thơ có tư duy sáng tạo cách tân về thơ mới. Thơ ông có lúc như một dòng thác chảy tràn cảm xúc có khi kết cấu như một câu chuyện vừa tự sự vừa trữ tình… Thơ ông đa sắc, đa thanh nhưng nhất quán trong phong cách, luôn có sự trải nghiệm, hồn hậu, nhân ái được gửi vào trang đời những gì đẹp nhất”.

Chị viết về thơ Mạnh Lê như có gì thao thức. Bởi Thy Lan là lớp trẻ chỉ biết ông qua những áng thơ, vọng vào hồn cốt xứ Thanh. Thế mà dư âm những lời bình của chị cứ đọng mãi. Hình như, chị đã say thơ Mạnh Lê, nên những lời bình man mác ngấm vào thế giới thơ ông đã nổi lên những phút đồng hiện giữa chủ thể đọc và chủ thể viết. Chị cho rằng cái đẹp trong thơ ông không phải là cái gì khác, chính là “hồn quê”. Ta nhớ mãi ý thơ ông đã hóa thành nhạc cho đời, cho sông Mã và bao đời khó nhọc, vẫn nhẹ nhàng con sóng hóa trường sinh. “Một cuộc đời sông bao đời thuyền nát/ Mãi còn câu hát vỗ vào ánh trăng”. Chị đã kết thúc bài viết trong “Mạch ngầm con chữ” thể hiện bút pháp phê bình rất giàu năng lượng, thấm đẫm chất văn “Ta nhớ Mạnh Lê, ta nhớ câu thơ tài hoa ấy, và có cả sự linh diệu trong cảm xúc được chắt lọc từ hồn thi sĩ vọng đến hôm nay”.

Có thể nói, tập tiểu luận phê bình “Mạch ngầm con chữ” của nhà PBVH Thy Lan đã gây sự ngạc nhiên chú ý ở giới phê bình trong nghề với một cái nhìn thiện cảm. Sách của chị được Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chọn để tái bản vừa qua là xứng đáng với sự kỳ vọng của độc giả. So với cuốn tiểu luận phê bình “Những cánh đồng mang gương mặt người” cuốn sách này có nhiều ưu điểm hơn. Song, bên cạnh đó vẫn còn một vài tiểu luận viết còn mỏng, dung lượng ngắn so với yêu cầu của tiêu đề. Có bài viết lại quá dài hoặc chưa tới. Sự vận dụng thi pháp học trong phê bình thơ vẫn có chỗ chưa cân đối trong việc gắn giữa khái niệm lý thuyết với thực tiễn đời sống văn chương hiện nay.

Phía trước là bầu trời của văn chương. Thi ca luôn mang đến niềm thi hứng để khai nguồn sáng tạo cho các tác giả viết và đọc. Hy vọng, sau “Mạch ngầm con chữ” độc giả sẽ tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo của nhà văn Thy Lan, để “mạch ngầm con chữ” mới tiếp theo trong văn của chị, lại tiếp tục sáng hơn trên văn đàn văn học cả nước.

                                                                   T.V.Đ

  (Hội VHNT tỉnh Thanh Hóa)