Tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah 72 tuổi, đã trở thành nhà văn da màu thứ hai ở châu Phi đoạt giải Nobel Văn học năm 2021 vì những tác phẩm thể hiện sự thâm nhập kiên định và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa.
Mức tiền thưởng trị giá 10 triệu krona (hơn 26 tỉ đồng) là khoản tiền khá lớn, song sức hấp dẫn của giải thưởng danh giá nhất hành tinh này còn giá trị hơn gấp nhiều lần mà tiền bạc không thể đo dếm được. Theo di chúc của Alfred Nobel – người sáng lập giải Nobel thì Giải thưởng sẽ được trao cho “người sẽ tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất theo một định hướng lý tưởng trong lĩnh vực văn học”.
Quán quân của giải thưởng Nobel Văn học năm nay là người gốc Phi thứ 2 tiếp theo đoạt giải Nobel Văn học kể từ sau khi nhà văn Wole Soyinka (người Nigeria) được vinh danh năm 1986. Việc trao giải Nobel Văn học 2021 cho một tác giả đến từ châu Phi cho thấy Viện Hàn lâm Thụy Điển muốn giải thưởng danh giá này trở nên đa dạng hơn. Trong số 117 người đoạt giải kể từ khi giải Nobel Văn học đầu tiên được trao năm 1901 (chưa tính giải năm nay), 95 người là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Tiểu thuyết gia Abdulrazak Gurnah.
Abdulrazak Gurnah sinh năm 1948, lớn lên trên hòn đảo Zanzibar và đến Anh tị nạn vào những năm 1960. Ông đồng thời là Giáo sư tiếng Anh và Văn học hậu thuộc địa tại Đại học Kent, Canterbury. Ông Gurnah lấy bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Kent (Anh) năm 1982. Trong giai đoạn 1980-1982, ông giảng dạy tại Trường Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Mãi đến năm 1984, ông mới có thể trở về quê nhà ở Zanzibar để gặp mặt cha không lâu trước khi cha ông qua đời.
Gurnahbắt đầu viết năm 21 tuổi trong lúc sống cảnh lưu vong. Ông viết bằng tiếng Anh dù tiếng Swahili là ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng tiếng Anh trở thành công cụ để ông sáng tác văn học. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã xuất bản 10 tiểu thuyết cũng như một số truyện ngắn và từng có bài viết gây chú ý về những nhà văn như V.S.Naipaul, Salman Rushdie, Zoe Wicomb…
Quyển tiểu thuyết đầu tiên của ông là “Memory of Departure” (năm 1987), nói về một cuộc nổi dậy bất thành ở Kenya. Các tác phẩm đáng chú ý khác của ông là “Desertion” (2005), “By the Sea” (2001)… Tiểu thuyết mới nhất – “Afterlives” (2020) – có tên trong danh sách rút gọn của Giải thưởng Orwell cho tiểu thuyết chính trị năm 2021.
Theo báo The Guardian, Ủy ban Nobel cho biết chủ đề về người tị nạn xuyên suốt các sáng tác của ông ấy. Cuốn tiểu thuyết thứ 4 “Paradise” (năm 1994) của Abdulrazak Gurnah là bước đột phá của ông trong sự nghiệp văn chương. Tiểu thuyết phát triển từ một chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi vào khoảng năm 1990. Đây là câu chuyện về quá trình trưởng thành và một chuyện tình buồn trong thế giới khác biệt và va chạm những hệ thống niềm tin khác nhau. Đây cũng được xem là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông được lọt vào danh sách rút gọn của giải Booker và giải thưởng văn học Whitbread, được trao hằng năm cho những nhà văn sống ở Anh và Ireland.
Người phát ngôn của Ủy ban trao giải Nobel văn học đã nhận xét về ý nghĩa to lớn trong các tác phẩm của Gurnah như sau: “Xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là sự thâm nhập không nhân nhượng và đầy lòng trắc ẩn đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”. Ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển, đánh giá các tiểu thuyết của Gurnah khiến người đọc biết nhiều hơn đến một nền văn hóa Đông Phi vốn còn xa lạ với thế giới.
Người phụ nữ duy nhất đoạt giải Nobel 2021
Với 12/13 người đoạt giải Nobel 2021 về các lĩnh vực y học, hóa học, vật lý và văn học, kinh tế, Hòa Bình đều là nam giới đã khơi lại cuộc tranh luận về sự đa dạng trong các giải thưởng danh giá, đặc biệt là lĩnh vực khoa học.
Nhà báo Maria Ressa.
Đó là hai nhà khoa học Ardem Patapoutian và David Julius đã nhận giải Nobel Y học; 3 nhà khoa học Giorgio Parisi, Syukuro Manabe và Klaus Hasselmann đã giành giải Nobel Vật lý; Hai ông Benjamin List và David MacMillan nhận được giải Nobel Hóa học; Tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah đoạt giải Nobel Văn học. Giải Nobel Kinh tế thuộc về David Card, Giáo sư Đại học California tại Berkeley (Mỹ), Joshua D. Angrist của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và nhà kinh tế Guido W. Imbens của Đại học Stanford; Và bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov đoạt giải Nobel Hòa bình cho thấy sự chênh lệch giới tính ở giải Nobel quá cao.
Nhìn lại từ giải Nobel đầu tiên năm 1901 đến năm 2021, giải Nobel đã được trao cho 58 phụ nữ, trong đó Marie Curie đã giành được hai giải thưởng cho vật lý năm 1903 và hóa học năm 1911. Con số này ở mức khá thấp khi so với 885 nam giới đoạt giải.
Chân dung nhân vật nữ duy nhất đoạt giải Nobel năm nay, bà Maria Ressa đã có hai thập niên công tác trong lĩnh vực báo chí với tư cách là phóng viên điều tra, phóng viên nước ngoài và Giám đốc văn phòng CNN, trước khi lãnh đạo bộ phận tin tức của Rappler – kênh thông tin lớn thứ 4 tại Philippines. Nhà báo Maria Ressa người Philippines đã chia sẻ giải Nobel Hòa bình với đồng nghiệp Dmitry Muratov của Nga, và trở thành người phụ nữ duy nhất trong số 13 người nhận giải Nobel 2021 vì những nỗ lực bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Bà Maria Ressa phát biểu tại lễ nhận giải: “Tôi không nghĩ người đoạt giải thưởng này (Nobel Hòa bình 2021) là tôi, mà đó là Rappler. Tôi – chúng tôi – đã tuyên bố điều này kể từ năm 2016, rằng chúng tôi đang đấu tranh cho sự thật. Khi chúng ta sống trong một thế giới mà sự thật là điều dễ gây tranh cãi, khi các hãng thông tấn lớn nhất thế giới ưu tiên lan truyền những câu chuyện chứa đựng sự giận dữ và thù hận, lan truyền nó nhanh hơn và xa hơn sự thật, thì báo chí sẽ trở thành hoạt động xã hội. Vì vậy, trong cuộc chiến giành sự thật, tôi cho rằng Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình đã nhận ra rằng một thế giới không có sự thật là một thế giới không lòng tin”.
Về giải thưởng Nobel Y tế, một số người, bao gồm bà Ellie Murray, Phó Giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công thuộc Trường ĐH Boston, tỏ ra thất vọng khi giải thưởng năm nay loại sự đóng góp của hai bà Katalin Kariko và Kizzmekia Corbett, các nhà khoa học chính đứng sau sự phát triển của vaccine công nghệ MRNA đang thay đổi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, những người theo dõi giải Nobel cho biết, hoàn toàn có khả năng hai bà Kariko và Corbett sẽ được xướng tên trong những năm tới. Họ cho biết Ủy ban Nobel có xu hướng trao giải cho người xứng đáng sau một khoảng thời gian.
GS Morgan cho hay: “Vấn đề đối với giải Nobel là tiêu chí và truyền thống nên khó có thể phá vỡ điều đó”. Theo Giáo sư này, Ủy ban Nobel có thể xem xét những cải tiến khoa học trong thời kỳ đại dịch trong 3 hoặc 4 năm tới. Về vấn đề chênh lệch giới tính, ông Morgan lạc quan nói thêm rằng khi nhìn vào lịch sử trao giải Nobel có thể thấy số lượng các nhà khoa học nữ đang dần tăng lên cũng như những ứng viên nam đoạt giải đến từ Nhật Bản và Trung Quốc.
WHO hai năm liền (2020 và 2021) trượt giải Nobel
Giải Nobel Hòa bình năm 2021 trước đó có nhiều đồn đoán cho rằng nhiều khả năng thuộc về Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các công ty cá cược Anh Betfair và William Hill nhận định WHO là ứng viên sáng giá nhất cho giải Nobel Hòa bình 2021. Các ứng viên khác được nhà cái xếp tỉ lệ đặt cược cao gồm thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg. Hồi năm ngoái, WHO được đề cử giải Nobel Hòa bình nhưng giải thưởng này cuối cùng được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới với nỗ lực giúp gần 100 triệu người là nạn nhân của tình trạng mất an ninh lương thực. Và năm nay, WHO lại tiếp tục trượt giải Nobel Hòa bình khi chủ nhân giải thưởng này đã thuộc về bà Maria Ressa và ông Dmitry Muratov về những nỗ lực bảo vệ quyền tự do và ngôn luận.
Theo Thủy Giang/VNCA