Giải thoát – Truyện ngắn của Chinh Văn

118

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vị sư nữ đang lần tràng hạt niệm công phu. Sự nỗ lực, chuyên cần tụng niệm là công việc của mỗi ngày nhưng giờ đây ni sư không làm được.

Ảnh minh họa

Người ta chỉ công phu khi không bị ngoại cảnh quấy nhiễu. Dẫu cố hướng tâm về Phật nhưng trong bà lúc nầy tâm cảnh của quá khứ  cứ ùa về. Đã hơn bốn mươi năm, đã quá xa xôi sao nó cứ hiện về rất rõ. Và rồi ni sư cứ ngồi như pho tượng để xem lại đoạn phim đời mình bắt đầu từ lúc là cô giáo mới ra trường

Mặc dù cố giữ lấy tà áo dài nhưng gió vẫn như trêu ngươi, cứ vẫy tung khiến cô giáo đến lớp lần đầu thêm bối rối. Ai đó đã ví tà áo phất phơ trong sân trường như cánh bướm nhưng trong hoàn cảnh nầy cô không thấy nó đẹp chút nào. Nơi cô được phân công là một trường tiểu học nằm sâu trong vùng hạ lưu sông Hậu. Vậy là đã hơn ba tháng cô trở thành cô giáo, đã thực hiện được ước mơ. Gió chiều từ sông thổi vào, mưa dầm từ trời trút xuống, tiếng ếch nhái, côn trùng từ cánh đồng vang lên khiến cô đi vào giấc ngủ mỗi đêm một cách vô cùng mệt nhọc. Hàng ngày, cô vui với tiếng đánh vần, với những đôi mắt tinh khôi của những đứa trẻ bơi xuồng đi học. Hàng đêm cô sống bằng kỷ niệm về một tình yêu đẹp. Anh ấy là một người lính. “Lấy chồng thời chiến chinh mấy người đi trở lại”, đâu ngờ lời  thơ nầy ứng vào số phận của cô. Dẫu chưa là vợ, chỉ là trên tình bạn nhưng cô vẫn để tang cho một cuộc tình. Liệu thời gian có làm lành vết thương lòng và cô giáo trẻ đẹp nầy sẽ được hạnh phúc?

Sau giải phóng cô không còn đi dạy. Cha mẹ đã mất, chỉ mình cô là con độc nhất. Mưu sinh của cô bây giờ là dựng lên một mái che nửa trại nửa lều để buôn bán ven đường ngay trước cửa nhà. Cô vẫn chưa chồng dù đã ở tuổi năm mươi.

Bảo, tên đứa trẻ cô xin về nuôi, giờ đã mười chín tuổi. Mang tiếng là con cô giáo ngày xưa nhưng vất vả lắm nó mới được học hết phổ thông. Những tưởng đứa con nuôi nầy sẽ là nơi cô nương tựa, nào ngờ nó đã lớn mà cô vẫn phải nuôi con. Sức học yếu kém và thói ham chơi lêu lổng không cho phép nó học cao hơn nữa. Thế là nó ở nhà đánh bạn với bọn chơi bời và nhanh chóng trở thành đầu têu của bọn du đãng miệt vườn. Giờ thì cô không phải là nuông chìu nó mà là sợ nó. Vết sẹo của cánh tay gãy đã nhắc cô về trận đòn mà nó đã đánh cô trong lần ép cô sang tên chủ quyền ngôi nhà cha mẹ cô để lại. Tuy cũ kỹ nhưng đó là ngôi nhà có giá trị vào thập niên bảy mươi của thế kỷ trước.

Có lẽ trong cuộc đời cô, lời nói khủng khiếp nhất mà cô nghe được là lời tuyên án của tòa mà cả cuộc đời cô không thể nào quên:

– Căn cứ vào điểm h khoản 4 điều, điểm s khoản 1 và khoản 2 điều,

điểm g khoản 1 điều của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Trần Kim Bảo, xử phạt bị cáo Trần Kim Bảo 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, thời hạn tù tính từ ngày bị bắt 16/5/20.

Nhà thì nó đã bán trước đó. Giá bán bao nhiêu thì cô không biết, nó có cho tiền cô hay không và cho bao nhiêu thì xóm giềng không biết. Mọi người chỉ biết là ngày mà người ta đến lấy nhà, cũng là ngày nó chính thứ “xuất gia” đi bụi.Từ đó, cô dọn ra ở luôn ngoài căn lều nơi gọi là quán. Một vài tháng nó về đó ngủ lại một đêm. Rồi cũng một đêm như thế nó bị công an đến đọc lệnh bắt đưa đi. Sau vài lần thăm nuôi trong trại tạm giam, mãi đến hôm nay cô mới được thấy mặt nó ở tòa và nghe tuyên án…

Cuộc sống của cô vẫn tiếp diễn một cách nhọc nhằn.

– Sáng giờ bán được nhiều hàng không chị?

Đáp lại lời chào hỏi của người hàng xóm chỉ là nụ cười hiền. Nơi cô bán hàng chỉ là quán cóc dựng bên đường. Cái gọi là “hàng” chỉ là tương cà mắm muối và những thứ ăn vặt của trẻ con. Ngồi bên lò than nướng những củ khoai, những chiếc bánh tráng, không biết là cô nướng thời gian hay muốn đốt cho tiêu tan quá khứ buồn đau và tương lai mờ mịt ?. Theo lẽ thường tình, khi người ta bế tắc hoàn toàn không còn bám víu vào đâu được thì bám vào thế giới tâm linh. Thế là cô cùng những bà hàng xóm rủ nhau xem bói như cố tìm ra chút ánh sáng của tương lai. Không biết dựa vào đâu hay thấy chị đã quá năm mươi và vẫn chưa chồng nên thầy bói phán một câu chắc nịch:

– Số của chị là trọn đời canh cô mồ quả.

Những người đi cùng không ai quan tâm đến câu nói nầy nhưng cô thì vẫn nghĩ: “Chẳng lẽ….”, và rồi cô không dám nghĩ thêm.

– Giải tỏa lề đường, quán bị dẹp rồi chị ở đâu và sống thế nào? Có lần bà bạn già của cô đi chợ về ngồi nghỉ ở quán cô và hỏi vậy.

– Không sao đâu chị, sư cô trong chùa đã kêu tôi vào ở tạm. Tôi cũng đã xin với sư cô cho vào nương náu ở chùa làm công quả. Cũng may là dẹp quán, trên phường có cho chút ít tiền gọi là “đền bù” chắc tôi cũng đủ thuốc thang.

Cây bồ đề cổ thụ trong chùa mùa nầy lá rụng nhiều quá. Chỉ một cơn gió nhẹ cũng làm cho nhiều chiếc lá vàng rơi như những cánh bướm chập chờn. Chúng lượn mấy vòng rồi đáp xuống mặt sân chùa đầy những rêu phong rồi dính chặt vào đó. Sáng nào cũng vậy, người đi đường luôn nhìn thấy một ni cô già vừa quét lá bồ đề vừa như tâm sự với chúng. Vậy là cô giáo ngày xưa, bà chủ quán nghèo năm trước nay đã là một ni cô. Hơn ai hết, cô hiểu rất rõ là mình không có căn tu bởi tiếng mõ lời kinh chưa bao giờ làm cô thiền tâm tịnh trí. Sư nữ trụ trì cũng nhận thấy điều nầy. Sở dĩ cô thành ni cô cũng là do lời sư nữ:

– Chị giờ đã già, A di đà Phật, thầy chỉ sợ chị không còn đủ thời gian để đợi chú Bảo trở về. Đức Phật từng nói rằng, ai cũng có Phật tánh, ai cũng có thể tu tập thành Phật. Vậy chỉ có muốn phát nguyện tam quy nương nhờ cửa Phật?

– Dạ, nếu sư cô đã trót thương thì tôi xin được quy y.

Trong lễ quy y thí phát, từng mớ tóc hoa râm rơi xuống cô cảm thấy như từng mảng quá khứ đau buồn được vỡ ra. Từ nay cô đã trở thành con Phật, đã chính thức phát nguyện quy y. Nếu tinh tế, mọi người có thể nhận thấy giọng nghẹn ngào trong ba lần đọc lời phát nguyện:

– Đệ tử là Tâm Nguyên,Thế danh là Trần Kim Hạnh xin suốt đời qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng

 Cô đã định hướng và cầu mong cô được đi hết chặng đường tam bảo: Đi theo con đường Phật bảo, giữ giới luật Pháp bảo và noi gương Tăng bảo. Cầu mong cho cô trên đường tu tập không bị vô minh che khuất mà quên đi tam bảo.

          Nhẫm tính đã hơn sáu mùa sen nở. Hoa sen trong ao chùa đã bao lần khoe sắc phô hương là bấy nhiêu năm cô sống trong thương nhớ đứa con nuôi. Nó luôn hiện diện trong những lời cô cầu nguyện. Cứ mỗi năm bốn lần, ni sư già đi thăm con với tay xách nách mang những thực phẩm chay mà cô có được trong chùa. Có lẽ năm nay là năm cuối cùng cô thăm nó bởi bây giờ cô già yếu lắm. Không còn quét sân chùa nhưng người đi đường vẫn thấy mỗi sáng cô ngồi trong sân chùa chăm chút bữa ăn cho những con chó chạy rong. Rồi chiều đến, ngồi trên băng đá sân chùa, cô hướng đôi mắt trắng đục về cõi xa xăm…

          Sáng nay, không phải ngày vía nhưng những người quanh chùa bỗng nghe vang lên những tiếng đại hồng chung và ni sư trong chùa tất bật chạy đi chạy lại. Thì ra ni sư Tâm Nguyên đã về cõi Phật. Thanh thản ra đi cô nhé, tất cả những nghiệp nhân của cô về ngôn ngữ, ý nghĩ, hành vi, cùng tất cả những cảm giác giờ đã được giải thoát. Hoa khai Phật quốc, vườn hoa nước Phật giờ đã nở thêm một bông hoa.

          Không biết ngày trở về của Trần Kim Bảo, đứa con nuôi mà cô hết mực yêu thương sẽ ra sao?. Nó đã trả giá cho những tội lỗi của mình và giờ đã được trả tự do, liệu lương tâm có cho nó con đường giải thoát?./.

C.V