Giải thưởng… nghẹt thở

891

Lại Văn Long

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuối tháng 10-2020, 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam gồm tôi (Lại Văn Long), Trầm Hương (TPHCM) và Bạch Lê Vân Nguyên (Khánh Hòa) cùng nhận được cuộc gọi từ Nhà Xuất bản Công an Nhân dân (NXB CAND) mời ra Hà Nội dự lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học đề tài “vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống 2017-2020”, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Được tài trợ vé máy bay khứ hồi nên chúng tôi hí hửng rủ nhau cùng đi với niềm tin chắc chắn là “ra nhận giải thưởng”…

Lãnh đạo Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam cùng các tác giả đạt giải

Sáng 28-10, rảnh rang nên Bạch Lê Vân Nguyên rủ tôi với Trầm Hương sang cửa hàng sách của NXB CAND chơi. Tại đây, anh Nguyên gặp một nữ nhà văn lão thành và được bà cho biết từ Tây Bắc mới về Hà Nội để dự lễ trao giải như chúng tôi. Bà nói thêm là đợt này tất cả các tác giả có sách được NXB CAND in đều được mời, chứ không riêng các tác giả được giải và bà là trường hợp không có giải vẫn được mời…

Nghe xong câu đó anh Nguyên buồn rượi nói với tôi và Trầm Hương:

– Hai bạn chắc được giải rồi nên mới có giấy mời. Còn tôi không có giấy mời nên chỉ được dự với tư cách tác giả có sách được in thôi!

Tác giả Lại Văn Long do Trầm Hương chụp ở Hà Nội

Từ cửa hàng sách, chúng tôi đi bộ ra công viên Thống Nhất gần đó để dạo mát, ngắm cảnh. Đây là công viên vừa lớn, vừa đẹp nhất nước với trung tâm là một hồ nước rộng mênh mông. Trên bờ hồ còn có cây đa hùng vĩ do chính Bác Hồ trồng từ 60 năm trước. Lần trước đi Hà Nội tôi cũng tranh thủ dậy sớm ra đây chạy bộ. Nhưng sáng nay, anh Nguyên buồn tách ra đi lang thang một mình, tôi và Trần Hương cũng mất hứng nên ngồi nghỉ chân một lát rồi cả ba rủ nhau đi ăn bánh cuốn Hà Nội…

Trưa ấy, tôi và anh Nguyên ở chung phòng nhưng không ai ngủ được. Đến 14 giờ 30, cả ba mới sang Hội trường Bộ Công an để dự lễ…

Trong tài liệu được phát có nói rõ, 32 tác giả có sách in đợt này đều được mời, nhưng chỉ có 21 người đạt các giải thưởng từ khuyến khích đến giải A (giải nhất). Bây giờ thì không chỉ Bạch Lê Vân Nguyên mà cả tôi và Trầm Hương đều “hoảng sợ” với viễn cảnh “không được giải”. Trầm Hương bảo “Mình lỡ khoe với hai con, bạn bè là đi nhận giải. Mà giờ trở về tay không thì… quê hết biết luôn!”. Tôi còn “phức tạp” hơn khi bổ sung thêm một dòng vào bìa cuốn sách sắp xuất bản: “Giải thưởng cuộc thi viết truyện ký, tiểu thuyết do Bộ Công an – Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 2017-2020”. Tôi dám liều như vậy vì có 2 vị tướng trong Ban Giám khảo khẳng định tôi có giải và người của Ban Tổ chức cũng đã gọi điện, gửi giấy mời ra Hà Nội dự lễ trao giải. Bây giờ không có giải thì phải bỏ tiền ra đền để in lại 1000 bìa sách đó. Nếu sách đã phát hành ra thị trường, không thể thu hồi được thì “khai gian” này làm sao “thanh minh thanh nga”, có lấy hết nước sông Sài Gòn rửa cũng không hết nhục. Càng nghĩ tôi càng hoảng sợ! Mấy lần rút điện thoại tính gọi nhà in ở Sài Gòn sửa lại bìa hoặc dừng in…

Từ trái qua (hàng đầu): Bạch Lê Vân Nguyên, Lại Văn Long, thượng tá Trần Cao Kiều; (hàng sau): thượng tá Phạm Thị Mỹ Nương và nhà văn Trầm Hương

Anh Nguyên nói nhỏ với tôi và Trầm Hương:

– Hồi sáng lúc ghé phòng thượng tá Trần Cao Kiều (phó giám đốc NXB CAND), tớ cố hỏi ba anh em mình được giải gì, mà ông ấy chỉ cười cười tránh né. Chứng tỏ bọn mình “hụt” giải rồi…

Lời anh Nguyên lúc này như xát thêm muối vào vết thương, càng làm tôi và Trầm Hương vừa lo vừa sợ. Chúng tôi tìm một góc cuối hội trường ngồi cho “đúng thân phận”… không có giải!

Bỗng Đức Long – cán bộ trẻ của NXB CAND mà chúng tôi mới gặp lúc sáng đi đến hối:

– Mời các cô, chú lên khu vực phía trên để lát lên nhận giải cho gần.

Ba anh em bàng hoàng nhìn nhau rồi nhìn Đức Long, ai cũng mừng rơn, nhưng chưa tin hẳn. Tôi ấp úng thăm dò:

– Không lẽ… cả… ba… người đều có giải?

Đức Long cười vui vẻ:

– Vâng, các cô, chú đều có giải mà!

Anh Nguyên nửa tin nửa ngờ chỉ tôi với Trầm Hương:

– Nhưng hai người này có giấy mời thì chắc có giải rồi, còn tôi không giấy mời…

Đức Long quả quyết:

– Chú Bạch Lê Vân Nguyên cũng có luôn, nhưng giải gì thì lát mới biết!

Cả ba chúng tôi nhiều lần nhận giải thưởng Văn học, riêng tôi có thêm 20 lần nhận giải báo chí, trong đó nhiều lần nhận giải nhất, nhì báo chí quốc gia, báo chí TP HCM và các bộ ngành. Vậy mà giờ đây lại căng thẳng, hồi hộp không thể tả khi từng cái tên được xướng lên trong hội trường trang nghiêm, long trọng này mà vẫn chưa thấy tên mình. Trầm Hương quay sang tôi với trống ngực đập thình thịch:

– Cầu trời giải gì cũng được…

Bạch Lê Vân Nguyên vẫn còn bi quan, thở dài:

– Đức Long động viên thôi, chứ đời nào người không có giấy mời như mình lại đoạt giải! Giải thưởng lần này căng thẳng, nghẹt thở y như đọc tiểu thuyết hình sự của Lại Văn Long!

Thế mà chuyện “đời nào” rất khó tin đó đã xảy ra, Bạch Lê Vân Nguyên được giải nhì cho cuốn truyện ký “Nắng Cam Ranh”; còn Trầm Hương được giải khuyến khích cùng thể loại ký cho cuốn “Đường 1B huyền thoại – những bờ vai con gái”. Tôi được giải ba cho tiểu thuyết “Gia tộc tướng cướp”…

Ba anh em vỡ òa trong hạnh phúc. Tôi với Trầm Hương quay sang “bắt đền” Bạch Lê Vân Nguyên:

– Anh được giải cao nhất (trong 3 người) mà còn làm bộ suốt sáng giờ. Phạt!

Anh Nguyên cười sung sướng:

– Sẵn sàng mời hai bạn đi ăn phạt thôi!

Nhưng lúc đó tôi và Trầm Hương lật đật đón taxi ra sân bay cho kịp chuyến bay 20 giờ về Sài Gòn nên cho anh Nguyên “nợ”. Ngồi trên xe vừa bốc xôi ăn, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng được dựng thành phim “Người đẹp Tây Đô” vừa phàn nàn: giải thưởng của Bộ Công an gây hồi hộp kinh quá… Ê, kỳ này tui với ông (Lại Văn Long) viết truyện ngắn dự thi giải “cây bút vàng” của Bộ Công an năm 2021 đi. Tui khoái cái vụ úp úp mở mở gây nghẹt thở này rồi đó!

L.V.L