‘Giải thưởng tác giả trẻ năm nay sẽ để lại dấu ấn’

495

Tôi tin giải thưởng cho các tác giả trẻ năm nay sẽ để lại dấu ấn vì sự đợi chờ những người trẻ không phí phạm. Chúng tôi đặt lòng tin vào họ sẽ trở thành những nhà văn xứng đáng trong tương lai.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

2021 là năm đặc biệt, không chỉ của Việt Nam mà toàn thế giới, vì đại dịch Covid-19. Nó thay đổi thế giới, thay đổi con người một cách vô cùng đặc biệt. Cho dù đại dịch có qua đi thì tư duy, cảm xúc con người về đời sống này cũng đã thay đổi rất lớn.

Chúng ta phải nghĩ lại đời sống, nghĩ lại năm tháng đã sống, nghĩ lại những điều gì chúng ta đã viết và đặt bút xuống viết về tương lai, số phận của con người trong đại dịch Covid-19 này. Khi bị một kẻ địch vô hình tiến công, chúng ta mới bắt đầu chạm tới những vấn đề lâu nay có thể đã lãng quên.

Đã có những tác phẩm viết về Covid-19, truyện ngắn, tiểu thuyết và cả trường ca. Vấn đề Covid cũng là những vấn đề của con người, về thái độ và cách ứng xử với thế gian khác đi. Tôi tin rằng, sau này sẽ có những tác phẩm lớn, quan trọng mang dấu ấn sâu đậm về thời đại Covid-19. Nhưng không phải bây giờ, vì nhà văn cần thời gian để lắng sâu, tìm cách nói về thời đại này. Không phải chúng ta đang nói về một con vi trùng, chúng ta nói về nhân loại, số phận con người, những điều khác ẩn sâu trong con người chúng ta được hé lộ. Các nhà văn không ai bỏ lỡ cơ hội này, dù không ai muốn nó xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra để thay đổi thế giới, cách sống, cách nghĩ, tình cảm và cách viết của các nhà văn, đặc biệt các nhà văn trẻ.

Sắp tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ phát động cuộc thi viết về đề tài thiếu nhi, viết về các em và cho các em. Đây được coi là chiến lược văn học thời kỳ mới. Văn học thiếu nhi của Việt Nam đang bị lép vế. Chúng ta có lo âu về thực tế đó không? Có, bởi mặc dù những cuốn sách thiếu nhi nước ngoài là những cuốn sách rất tốt, hướng trẻ em tới những điều tốt đẹp, tiếp cận thiên nhiên, văn hóa và con người, dòng tộc, gia đình, bạn bè… Nhưng một đứa trẻ Việt Nam phải lớn lên, trở thành người tốt, tử tế trong tinh thần văn hóa của chính dân tộc mình.

Chúng ta chưa có nhiều cuốn sách thật hay, đẹp đẽ cho thiếu nhi, bởi vậy chiến lược sách cho thiếu nhi là chiến lược cần thiết, quan trọng không chỉ của Hội Nhà văn, mà còn của Nhà nước, của toàn xã hội. Chúng tôi dự định kêu gọi xã hội đóng góp để hằng năm chúng tôi có thể in vài chục vạn những cuốn sách tốt nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam trong quá khứ và tương lai.

Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có trên tay những cuốn sách lọt vào chung khảo giải thưởng cho các tác giả trẻ. Chúng tôi đã đọc những cuốn sách đó và chúng tôi đã hạnh phúc. Ở đó, họ mang đến cho chúng tôi những cái nhìn mới mẻ, mang đến phong cách, thi pháp hiện đại. Nhưng trong sự hiện đại, mới lạ ấy lại chứa đựng vẻ đẹp nhân tình, sự chia sẻ. Ở đó, có những câu hỏi vô cùng bức thiết, quan trọng về con người trên thế gian này là gì? Họ thấu hiểu gì về chính bản thân họ… Tôi tin giải thưởng cho các tác giả trẻ năm nay sẽ để lại dấu ấn vì sự đợi chờ những người trẻ không phí phạm. Chúng tôi đặt lòng tin vào họ sẽ trở thành những nhà văn xứng đáng trong tương lai.

(Trích ý kiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại tọa đàm “Một năm văn học Việt” do VOV6 và Khoa Văn học – Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội tổ chức).

Theo Vũ Anh/Vanvn