Giàn bầu nhà má Tư – Truyện ngắn Trần Bảo Định

806

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáu Tẻo chưng hửng và nghiệm ra cái tình người đầy nhân đạo của người Nam Bộ. Giận thì nói lời hung bạo, chớ thiệt lòng bụng dạ hiền khô. Khi khổ đau, họ chỉ biết kêu Trời, chẳng nghĩ tới việc trút khổ đau sang người đã nhẫn tâm làm họ đau khổ!

Nhà văn Trần Bảo Định

1.
Nắng cù lao Năm Thôn chưa bao giờ nóng rát, bức bối lòng người. Có lẽ, thiên nhiên ưu đãi đất cù lao bởi, con sông Tiền tẽ nhánh làm ba ngả Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông trước khi đổ về biển Đông. Nhà má Tư ở ngay doi đất ngó thẳng cù lao Tân Phong, quanh năm sóng nước bủa giăng mờ như mây. Người ta gọi cô Hai Súng là má Tư, vì bất kỳ ai cơ nhỡ lỡ bước đường đời, cô Hai đều hết lòng giúp đỡ, chăm sóc tận tình chẳng khác gì má đối với con. Chớ thiệt ra, từ nhỏ tới lớn cô Hai chỉ có mối tình đầu và mối tình đầu đó, chưa kịp dẫn đến hôn phối để lập gia đình. Ba má thì bị tên Lộc họ Trần lót chữ Bá bắt mang về Cái Bè tra tấn để tìm manh mối nghĩa binh và khi cụt đường manh mối, Trần Bá Lộc thủ tiêu ba má cô, lúc cô thiếu một tuổi tròn mười tuổi. Cô không sợ Trần Bá Lộc, không dời dạt đi đâu. Từ đó, tâm hồn cô Hai trưởng thành trước tuổi.

– Mấy đứa lo “cơm đắp đầu gối”(1) rồi ra ruộng kẻo “chiêm chấp chới đợi mùa nhau”(2)!
Má Tư giục mấy đứa trong xóm tới phụ má công việc đồng áng.

Sáu Tẻo, con bà Năm Chờ, thấy má Tư lúi húi tìm cái ang bằng gỗ để đong gạo, nó tìm phụ và giúp má một tay. Má Tư nhắc:

– Con nhớ, một ang đong đúng hai mươi hai lon gạo, nha!

Sau khi cơm đắp đầu gối xong, đám bạn Sáu Tẻo ra ruộng, nó khẽ lời với má Tư:

– Hồi hôm, có đàng mình về, nha má!

Má Tư đưa ngón tay trỏ ra dấu lặng chặn đứng miệng, thốt hơi thành tiếng “suỵt”, nhẹ như nắng mai rớt đầu nhụy bông bầu.

Sáu Tẻo hiểu ý nên nín thinh.

Gần đây, Trần Bá Thọ nối nghiệp vong nô theo cha, nó thường xuyên thả đám bộ hạ trà trộn trong dân nhằm dò la tin tức những người yêu nước chống Pháp. “Tai vách mạch rừng”, sợ nhứt là kẻ làm nội gián, trở mặt chỉ điểm giết những người thân quen chòm xóm mà người đời, thường gọi là bọn chó săn. Chẳng ngẫu nhiên, người ta gọi cù lao Năm Thôn là cù lao Ngũ Hiệp và cũng chẳng ngẫu nhiên, má Tư trồng bầu bí chung một giàn trên đất cù lao!

*

– Ngũ Hiệp hàm nghĩa hợp lại, hòa vui trên vùng đất mới của năm thôn, nơi trước đây đàng cựu ra sức khẩn hoang, khai phá với cái tên ban đầu là cù lao Trà Tân hoặc cũng có lúc gọi cù lao Kiến Lợi.

Má Tư giải thích.

Nghe má Tư giải thích, Sáu Tẻo nghiệm ra rằng, giàn bầu bí má trồng quanh năm trước sân nhà chắc là lấy từ ý nghĩa của câu:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
(Ca dao)

mà cả xóm cồn ai cũng thuộc lòng. Rồi, nó nhớ có lần má Tư vui miệng nhắc: “Thuộc là một lẽ, còn mọi người có đồng lòng mần theo cái điều đã thuộc hay không, lại là một lẽ khác!”.

Người sống cố cựu ở cù lao Ngũ Hiệp thường nói chuyện xưa trong bữa cơm chiều, bữa cơm cả nhà sum họp sau một ngày làm lụng cực nhọc để cùng nhau ứng xử tốt chuyện nay. Trước khi hiệp, chắc là đã có lúc tan. Bởi, có ly tan thì người ta mới mong hiệp lại. Năm Dậu (1861), Định Tường thất thủ trước quân xâm lược Pháp, đám quan quân triều đình nhà Nguyễn tháo chạy. Dân Định Tường chẳng những không tháo chạy theo quan quân mà họ còn hiệp nhau ứng nghĩa đánh quân thù(3) , khiến quân Pháp tuy chiếm Định Tường nhưng, cũng chỉ đóng được vỏn vẹn ba đồn Gò Công, Chợ Gạo và Gia Thạnh. Ông nội của má Tư đền nợ nước, khi Pháp đánh nống ra vùng Rạch Chanh, Mỹ Tho.

Người dân Ngũ Hiệp tức cù lao Năm Thôn bất hợp tác với Pháp, hè nhau bỏ xứ ra đi. Trong số người ra đi đó, có ba má và cô Hai Súng. Pháp đặt chân lên đất cù lao trong cảnh “vườn không nhà trống, vắng bóng người”. Vắng bóng người, chả lẽ chúng cai trị với ma! Do đó, chúng bày trò ra cái luật của chính quyền thuộc địa: “Ai không trở về đất cũ đăng ký, nếu quá hạn thì điền sản đó bị sung công”. Ấy vậy, mỗi năm một gia đình và phải đợi tới sáu năm, mới có sáu gia đình quay trở lại đất cù lao; trong đó, có gia đình ba má cô Hai. Họ về chốn cũ không phải vì tiếc của mà nhằm tạo thế hợp pháp để mần ăn và làm tai mắt giúp những người bị chính quyền thuộc địa truy nã.

Từ ngày ba má cô Hai Súng thọ nạn, dân Năm Thôn cù lao ai cũng sẵn lòng đùm bọc cô. Bởi, cô Hai là giọt máu duy nhứt và cuối cùng của người nghĩa khí, đang đi tới tuyệt tự vì gia tộc không có con trai nối dõi!

2.
Năm cô Hai tuổi “Mười rằm trăng náo” (Đồng dao), có chàng trai thương hồ khi chèo ghe ngang nhà cô, hay hò thả huê tình theo gió Hàm Luông:

Củ co, bông súng, rau tràng
Chờ đôi năm nữa cho nàng lớn khôn
(Ca dao)

Ở cái tuổi lòng chưa chớm hoa tình mà dạ thì đã nhuốm màu tương tư. Hằng đêm, khi con nước xuôi chèo mát mái, cô Hai thường ra bến trông đứng trông ngồi chờ nghe câu hò của người… Cô âm thầm chờ năm mười đêm, lòng bâng khuâng và buồn vu vơ vì chỉ nghe tiếng nước vỗ bờ…

Lắm lúc, Hai Súng nghĩ dại, hay là tại ba má đặt cho mình cái tên Súng, ứng với câu hò nơi miệng kẻ vô tâm:

Tiếc cho bông sen nở chen bông súng
Con chim phụng hoàng đậu trúng nhánh tùng khô

Trách ba má như vậy thì cũng tội nghiệp, có lẽ, ba má muốn con gái của mình như loài cây bông súng, củ nằm bồng bềnh phơi mặt nước để người nghèo khó khi đói có cái ăn thay cơm. Dù súng lớn lên hoang dại nơi ao hồ, mương rạch hoặc láng nước đìa bàu…, súng vẫn mang màu xanh trên mặt lá, màu hồng dưới mặt lá cả đời dính nước và vì, mặt dưới của lá dính nước nên bông súng có bốn lá đài màu trắng hay hồng hoặc xanh nhạt. Nó gần gũi người như trăng gần gũi sao và nó giúp người có cơ may:

Cảm ơn bông súng, củ co
Nợ nần trả hết anh lo cưới nàng
(Ca dao)

Cuộc sống ngày một khó khăn, ruộng đất vườn tược ngày một lọt vô tay thằng Tây thực dân Taillefer, lần hồi cù lao Ngũ Hiệp chẳng khác gì đảo quốc riêng của hắn và dân trên cù lao như đám thần dân nô lệ. Lại thêm Trần Bá Lộc với hỗn danh “Cọp Cái Bè”, khiến cả vùng Cái Bè chìm trong sợ hãi và chết chóc. Tây Taillefer gom ruộng đất của nông dân nghèo ở cù lao Ngũ Hiệp, Trần Bá Lộc chuyên lượm đầu người yêu nước từ Nam Kỳ tới Trung Kỳ rồi hắn tự phong Thuận Khánh Tổng đốc(4); về sau, chức danh hắn tự phong đó được Pháp thay là Tổng đốc danh dự Cái Bè. Rồi, “trời bất dung gian”, kẻ gian Taillefer tán gia bại sản nên cái gì nó cướp của dân cù lao Ngũ Hiệp đều trôi theo dòng sông Tiền ra biển cả. Chớp thời cơ, Trần Bá Lộc nhảy vô thế Tây Taillefer và nghiễm nhiên trở thành tay đại điền chủ giàu có nhứt Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Cô Hai nghe những người cao niên ở cù lao lật lại lai lịch của Trần Bá Lộc, mới hay hắn tuy sinh trưởng ở cù lao Giêng nhưng gốc gác ở tận Quảng Bình. Cuối năm hai mươi của thời vua Minh Mạng, cha Trần Bá Lộc là Tú tài Trần Bá Phước rời quê chạy vô Nam tới Cái Nhum – Rau Má thuộc Vĩnh Long làm thầy đồ dạy chữ. Thời gian sau, cụ đến xứ đạo cù lao Giêng sinh sống và tại đây, cụ kết duyên cùng Nguyễn Thị Ở, con gái của Phó Quản cơ Nguyễn Văn Thắng. Trần Bá Lộc chào đời nơi quê mẹ, uống nước Cửu Long và bưng chén cơm ăn từ những giọt mồ hôi của người nông dân nghèo kiết xác vùng châu thổ. Vậy mà, tâm địa Trần Bá Lộc chứa toàn là thứ hung ác; nghĩ cũng lạ thiệt!

Có người hiểu thấu đáo ngọn ngành thì cho đó, chẳng có chi là lạ. Bởi, lúc Trần Bá Lộc mười sáu tuổi, đã chứng kiến cảnh cha bị quan binh địa phương đánh đập, bắt giam ở Châu Đốc, rồi phát lưu ra Bình Định. Bản thân Lộc, sau cưới vợ một năm, cũng bị quan binh sở tại bắt hành hạ, tống giam; thời may, được người thương tình giúp trốn thoát.

Trốn thoát, Trần Bá Lộc rời quê mẹ, đưa gia đình qua đất Mỹ Tho, sống nghề chèo ghe cá buôn đường dài. Giáo sĩ Marc giới thiệu Trần Bá Lộc với viên Tham biện Philastre ở Mỹ Tho, Lộc gia nhập đội lính tập và kể từ đây, cuộc đời Trần Bá Lộc bơi trong bể ác, ngập ngụa máu của đồng bào cho đến hồi tắt thở!

*

– Tháng trước, con vần công nhổ mạ ruộng ông Bảy, lúc nghỉ tay lên bờ trâm bầu ngồi hút thuốc, nghe ông Bảy kể chuyện cũ ở xứ mình, báo hại cả đám công nhổ mạ hứng được một trận cười sặc thuốc muốn chết!

Sáu Tẻo vừa cột nuột lạt sửa lại giàn bầu bí, vừa bắt chuyện với má Tư.

Má Tư cười và hỏi:

– Ông Bảy kể chuyện chi mà tụi con cười sặc thuốc muốn chết?

– Ông Bảy kể chuyện con trai độc chiếc của “Cọp Cái Bè” với Cử Thạnh, người cùng quê đàng mình.

Chẳng đợi má Tư hỏi thêm, Sáu Tẻo kể một hơi quên thôi:

– Hồi nẳm, Cử Thạnh kẹt thế đành nhận dạy học cho con trai độc chiếc của “Cọp Cái Bè” là tiểu tử Trần Bá Thọ, cốt là giữ cái mạng trước nanh vuốt “Cọp Cái Bè”. Tên tiểu tử này có hình dạng miệng lém, môi mỏng, lỗ mũi hỉnh dốc ngược lên trời như muốn giữ của cải do cha ăn cướp được đến thiên thu; lại thêm cái đầu hói, tóc lưa thưa giống hệt Trần Bá Lộc. Tiểu tử thường bắt chước cha, đi đâu cũng cầm ba-ton dộng dộng xuống đất phát ra âm thanh hống hách. Một hôm, không biết do tính ngang ngạnh hỗn láo hay do có kẻ xúi biểu, thấy Cử Thạnh để râu ba chòm, miệng hút thuốc chưa hết điếu nầy lại mồi điếu khác… Tiểu tử thình lình ra câu đối:

“Râu ba chòm lém đém, miệng hút thuốc phì phèo.”

Cử Thạnh bất ngờ bị tên tiểu tử sanh sự nhưng cũng kịp ứng đối:

“Tóc vài sợi le the, tay cầm gậy ngúc ngắc”

Tiểu tử cười the thé, tỏ vẻ tự đắc ngạo mạn, nhanh nhảu đọc luôn:

“Phụ từ, tử hiếu, sanh con thế ấy là vàng”

Tới nước này, Cử Thạnh thấy không cần kềm chế, bèn xổ toẹt, tiếp:

“Tham phú, phụ bần, đụ mẹ thằng nào ở bạc”(5)

Má Tư nghe xong muốn nín cười nhưng không nín được. Rồi, hồi lâu, má nói:

– Chẳng phải khi không ông Bảy kể chuyện thằng Thọ xấc láo với thầy Cử cho tụi con nghe. Đó là, ông Bảy nhắc khéo tụi con, cái nết lộ ra từ tính cách.

Mượn chuyện Sáu Tẻo học lại lời kể của ông Bảy, má Tư nói tiếp:

– “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”.

Trần Bá Thọ chẳng những độc ác hơn cha mà còn thâm hiểm giết người không để dấu vết. Nó rình rập, dòm ngó, hòng phá hoại phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ, tiêu diệt các phong trào yêu nước. Nó che cái bản mặt người mà lòng dạ thú bằng thứ son phấn giả nhơn, giả nghĩa, giả danh… qua hoạt động văn hóa dưới chiêu bài giữ gìn luân lý, đạo đức của Nho giáo. Nghe nói, nó mướn người dịch Nhị thập tứ hiếu ra tiếng Pháp, tiếng Quốc ngữ, rồi đứng tên xuất bản.

Sáu Tẻo thán phục sự hiểu biết và nhớ dai của má Tư, chòm xóm tin cậy má Tư là có cơ sở.

– Coi vậy, chớ thằng Thọ không xí gạt được ai bởi, nó không thể “lấy vải thưa che mắt thánh” của dân!

Má Tư nói chắc cứng như đinh đóng cột.

Trần Bá Thọ nhiều năm làm Quận trưởng Cái Bè đồng thời, thừa hưởng toàn bộ gia sản trong đó, có đất cù lao Ngũ Hiệp do cha cướp giựt của thiên hạ để lại. Nhưng, “của tàu đổ âm ty” vì ở đời, người ta không ai giữ được cái không phải do mình làm ra mà có thì, cha con Trần Bá Thọ cũng không ngoại lệ. Má Tư, kể:

– Thằng Thọ nuôi tham vọng trở thành lãnh chúa cù lao Ngũ Hiệp như thằng Tây thực dân Taillefer ngày trước. Quen thói dâm đãng, bạo ngược; giữa ban ngày ban mặt, nó uy hiếp và cướp đoạt cô dâu của người khác ngay tiệc cưới ở làng Tân Dương, Sa Đéc. Ông Đặng Thúc Liêng cùng dân chúng Sa Đéc yêu cầu André Mast, chủ tỉnh, giải quyết. Thọ bị bắt giải lên Sài Gòn và mấy tháng sau, nó bị cách chức trụi lủi như gà bị nhổ lông dù công trạng cha con nó làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp có lớn bằng trời!

Từng luồng gió giựt nước sông Tiền thổi về, chẳng hề hấn gì những dây bầu tựa vào dây bí bám giàn cùng nhau sống. Há lẽ, con người ngu muội đến nỗi không biết tựa vào nhau sống như dây bí với dây bầu! Má Tư thấy tội nghiệp cho cha con Trần Bá Lộc, coi vậy mà chưa biết sống với đồng loại, đồng bào.

– Thằng Thọ tán gia bại sản và mang nhục trăm điều bia miệng, chịu không thấu, nó đành tự sát bằng viên đạn súng lục do thực dân Pháp cấp cho để làm kiếp vong nô; đúng mười năm sau ngày cha nó mất.

Má Tư kết thúc câu chuyện Trần Bá Thọ bằng lời nói về mình:

– Năm đó, má bước vào tuổi mười chín trăng nín canh!

Sở dĩ má nhắc là vì, Trần Bá Thọ chỉ Tây bắn chết người buông câu hò sông nước khiến lòng má xao xuyến nhớ thương; lúc người đó làm liên lạc cho phong trào Minh Tân do ông Trần Chánh Chiếu chủ soái.

Biết nỗi niềm của má, Sáu Tẻo càng thương má Tư nhiều hơn!

Người cù lao Ngũ Hiệp vốn hiền lành, chất phác và chỉ mong được trực canh trên mảnh ruộng, miếng vườn của mình. Bao đời, họ tha thiết hòa hiệp nhau cùng sống trong cái nôi tình làng nghĩa xóm. Nhưng bọn Tây, lũ quan tham có bao giờ cho họ thực hiện ước mơ bình dị đó, có bao giờ chúng để yên cù lao Ngũ Hiệp. Thằng này sập tiệm thì thằng khác nhảy vô cạp đất cù lao. Trần Bá Thọ vừa tự xử “tiêu tán thoòng”, thì liền tay Đốc phủ Lê Văn Mầu thuộc hàng phú hộ quyền thế đất Mỹ Tho(6), cha vợ Mathieu Franchini, chủ nhà hàng Continental (Sài Gòn), nhảy vô trám chỗ.

Má Tư nói:

– Lúc má bốn mươi tuổi đời thiếu một năm tuổi, thì cù lao Ngũ Hiệp dậy đất; dân Hưng Long, Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hiệp Đức… ùn ùn kéo qua cù lao Ngũ Hiệp, đốt cháy cơ ngơi Đốc phủ Mầu, phá lẫm lúa phát cho dân nghèo…

Đêm Ngũ Hiệp vui như Tết!

3.
Có lần, Sáu Tẻo hỏi má Tư:

– Nghe nói, ngày trước dân Cái Bè, Sa Đéc nổi giận đốt dinh thự của cha con Trần Bá Lộc, vì sao dân chúng nương tay không phá bỏ mồ mả kẻ phản dân hại nước, hả má? Má Tư cười, nụ cười vị tha của người phụ nữ Nam Bộ.

Má nói chậm rãi:

– Điều bất hạnh vô cùng của một đời người là cái chết và cái chết là sự công bằng nhứt mà ông Trời ban phát cho mỗi con người. Đừng trách móc, hay yêu cầu hoặc đòi hỏi gì ở người đã chấm hết mọi quan hệ chốn trần gian. Cho nên, người xưa từng dặn: “Nghĩa tử là nghĩa tận”.

Sáu Tẻo hỏi cắc cớ:

– Con thấy ở cù lao Ngũ Hiệp của mình, có người nghĩa tử nhưng chưa nghĩa tận là sao, má?

Má Tư cười hồn hậu và dường như, từng nét hồn hậu của má đang mon men bò lên những nếp xếp nhăn trên vầng trán cô quạnh.

Má Tư ngồi vạch vạch ngón tay xuống đất, có lẽ tính nhẩm sự đời:

– Cù lao Ngũ Hiệp trải qua ba lần thất lạc vô tay của ba kẻ nuôi ảo vọng làm “vương đảo quốc”, nhưng cái gì của dân sẽ trở lại với dân. Người Nam Bộ đốt dinh thự của kẻ cướp chén cơm chan mồ hôi nước mắt trên tay họ, là nhằm cảnh cáo kẻ cướp đời sau. Tuyệt nhiên, họ không trả thù trả oán và nhứt là, kẻ đó đã chết. Vì, họ không muốn mang tiếng là “quân đào mồ cuốc mả”!

Như thể, khẳng định điều đã nói, má chỉ chỗ mồ mả gia tộc của Trần Bá Lộc ở Cái Bè (7). Đồng thời, má nói thêm, rằng:

– Người đời chẳng chấp nhứt ông bà Trần Bá Phước và Nguyễn Thị Ở; bởi “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Thiên hạ giữ yên mồ mả cha con Trần Bá Lộc và Trần Bá Thọ, nhứt là, cái thây ma Trần Bá Lộc chôn đứng, để cha con người đứng kẻ nằm lắng nghe tiếng than lẫn lời nguyền rủa của dân lành từng bị cha con hắn tàn độc sát hại.

Sáu Tẻo chưng hửng và nghiệm ra cái tình người đầy nhân đạo của người Nam Bộ. Giận thì nói lời hung bạo, chớ thiệt lòng bụng dạ hiền khô. Khi khổ đau, họ chỉ biết kêu Trời; chẳng nghĩ tới việc trút khổ đau sang người đã nhẫn tâm làm họ đau khổ!

Bất chợt, đôi mắt má vướng sợi nước buồn và má Tư, thổn thức hò khe khẽ:

Ai làm bầu bí đứt dây
Chàng Nam thiếp Bắc, gió Tây lạnh lùng
(Ca dao)

Giờ thì, Sáu Tẻo đã hiểu nguồn cơn vì sao, quanh năm má Tư trồng và chăm sóc giàn bầu bí trước sân nhà!

TBĐ

(1) Nông dân ăn lót dạ buổi sáng.
(2) Lúa chiêm cấy trước trổ trước, lúa mùa dù cấy sớm hay muộn đều trổ một lượt.
(3)Trương Định, Đỗ Trình Thoại (Tân Hòa, Gò Công), Nguyễn Trung Trực (Tân An, Rạch Giá), Quản Tu (Bến Tranh), người giết tên Trung tá Bourdais tại vàm rạch Bến Chùa (chi lưu kinh Trạm, tức sông Bảo Định) vào chiều ngày 10.4.1861; Phủ Câu (Rạch Chanh), Thiên Hộ Dương, Đốc binh Kiều (Tháp Mười), Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Lân (Tân An, Bình Cách)…
(4) Bình Thuận, Khánh Hòa.
(5) Giai thoại về Trần Bá Thọ ở Cái Bè.
(6) Đốc phủ Lê Văn Mầu, sinh 1867 tại xã Điều Hòa, Mỹ Tho. Học sinh lớp đầu Collège de Mytho, sau chuyển theo học trường Taberd Sài Gòn; đậu Thành chung đi làm Thông ngôn, rồi Tri phủ, Đốc phủ, chủ quận Chợ Gạo (Mỹ Tho).
(7) Phía sau Nhà thờ Cái Bè (thị trấn Cái Bè, Tiền Giang) là khu mộ gia tộc Trần Bá Lộc.