Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em trong thời gian nghỉ dịch Covid 19

762

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ở trường mầm non, sự hướng dẫn của giáo viên góp phần không nhỏ trong việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ. Giáo viên tận dụng các thời điểm trong ngày, bất cứ khi nào có thể sử dụng các cơ hội và cảm thấy trẻ hứng thú để dạy kỹ năng sống cho trẻ. Là một giáo viên mầm non, tôi xin được kể ra một số tình huống dạy trẻ, để cha mẹ có thể áp dụng trong thời gian nghỉ hè, ở nhà do giãn cách xã hội, để phòng dịch Covid-19. Khi ở nhà, sự tương tác của gia đình sẽ rất tốt cho trẻ, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh, hình thành thói quen từ thực tế cũng rất hữu hiệu.

Bé phụ mẹ lau và sắp xếp tủ sách – Ảnh: Hồ Xuân Đà

Khi dạy trẻ quan sát rau củ quả, chúng ta không chỉ cho trẻ làm quen với những loại rau củ quả tươi ngon mà còn chuẩn bị thêm những loại không ngon, héo dập… khác nhau. Sau đó, yêu cầu sự trợ giúp của trẻ, giúp cha mẹ chọn những rau củ quả sử dụng được và trẻ sẽ giải thích xem, tại sao chọn những loại rau củ quả đó. Cùng những câu hỏi về cách ứng xử với việc phân loại rác thải theo quy định, tận dụng những phần rau chưa ngon- còn sử dụng được cho gà, cho thỏ ăn, hoặc nếu bỏ vào thùng rác thì xử lý ra sao… Lời nói đi đôi với việc làm, cha mẹ sẽ là những người thực hiện những nguyên tắc sinh hoạt có kỹ năng thường xuyên đó, để trẻ thực hiện thường xuyên. Việc lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ thành kỹ năng in sâu trong cuộc sống của trẻ, tạo nên nhân cách của trẻ sau này khi lớn lên.

Trong thời điểm hiện nay, khi trẻ em nghỉ hè và ở nhà hoàn toàn để phòng dịch Covid-19, thì cha mẹ nên áp dụng các phương pháp linh hoạt, để hướng dẫn trẻ, theo hướng vừa học vừa chơi, vừa được giáo dục kỹ năng sống. Ở nhà trẻ cùng nhặt rau, cùng chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, cùng chung tay dọn dẹp nhà cửa.  Trong các bữa ăn, cần cho trẻ biết về những quy tắc khi ăn, những giá trị từ bữa ăn của gia đình, cùng cách ứng xử, chăm sóc lẫn nhau của người lớn trong nhà. Ngoài ra, các buổi sinh hoạt gia đình như xem truyền hình, xem phim, đọc sách, thì cha mẹ cũng nên nói cho trẻ nghe về những nội dung của các câu chuyện, những bài học giáo dục mà những chương trình đó mang lại. Với trẻ nhỏ, ở tuổi mầm non chú trọng về dạy cách an toàn bảo vệ bản thân, như cách leo lên xuống thang, cách cầm chắc xích đu khi chơi, khi có bạn đang chơi xích đu thì không được đứng gần phía trước vì sẽ rất nguy hiểm, cách thoát hiểm trong thang máy, cách cầu cứu khi gặp nguy hiểm, cách cách giải quyết một số vấn đề khi ba mẹ đi vắng, tiếp xúc với người lạ, cách phòng cháy chữa cháy, cách giải quyết những xung đột với bạn bè.

Có rất có rất nhiều kỹ năng sống mà cha mẹ cần dạy trẻ trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt là ứng phó với dịch bệnh, cách ứng phó với biến đổi khí hậu thời tiết, cách phòng chống xâm hại, bạo lực học đường… Trong các bữa ăn, nên tận dụng thời gian này để giáo dục và hình thành kỹ năng sống cho trẻ như, cách mời chào trước khi ăn, khi ngồi ăn phải ngồi ngay ngắn lưng thẳng, đầu thẳng không nhoài người về phía trước, cách cầm thìa khéo léo để không làm đổ cơm canh, hoặc khi cho trẻ ăn trứng gà thay vì bóc vỏ giúp trẻ, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ bí quyết bóc vỏ trứng luộc sao cho nhanh và hiệu quả. Sẽ mất thời gian như lâu, phiền phức khi trẻ lau bàn không sạch, vắt khăn không ráo, bê đồ ăn dọn bữa chậm chạp – dễ làm đổ, cha mẹ cũng không nên la mắng, chê trách trẻ. Điều cần thiết là giảng giải, hướng dẫn, động viên để lần sau trẻ làm tốt hơn.

Bé lau lá cho chậu cây xanh – Ảnh: Hồ Xuân Đà

Nếu như chúng ta cứ vô tình ngăn cản việc học kỹ năng của trẻ, thì sẽ tước mất đi những cơ hội cho trẻ được lớn lên. Vì vậy cha mẹ hãy cứ việc nhờ trẻ, cứ sai vặt trẻ. Khi cần thiết cũng có thể dạy trẻ cách làm sao cho sạch – cho nhanh khi trẻ đã thuần thục một số kỹ năng cơ bản. Có một số cha mẹ cho rằng, muốn trẻ học kỹ năng sống chỉ có thể tìm với các chuyên gia trong các trung tâm đào tạo kỹ năng sống và phải đợi trẻ khi trẻ thực sự đủ lớn mới cần thiết. Thiết nghĩ rằng, trong thời điểm hiện nay khi trẻ ở nhà hoàn toàn, đã dừng việc đến trường đã gần tròn ba tháng và tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài, thì cha mẹ làm giáo viên cho trẻ lúc ở nhà là rất tuyệt vời và hữu dụng đối với trẻ. Cha mẹ, bằng chính tấm gương của mình, bằng những việc rất quen thuộc, giản dị bình thường trong cuộc sống hàng ngày sẽ là những trải nghiệm đáng quý cho việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ, như việc cùng tập thể dục, cùng làm việc nhà, cùng đọc sách, cùng quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi, cùng sắp xếp lại kệ sách, tủ quần áo, chăn màn…

Bé đọc sách ở nhà – Ảnh: Hồ Xuân Đà

Những bài học kỹ năng rất quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày mỗi gia đình. Tuy nhiên trẻ em Việt Nam chúng ta còn gặp một số lúng túng, khó khăn vì cha mẹ thường làm thay trẻ, không tin tưởng trẻ. Cho nên, trẻ không được thường xuyên làm, từ đó đó không hình thành được kỹ năng sống, không tạo nên thói quen thường xuyên. Do đó khi lớn lên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, khi vào môi trường tập thể, đòi hỏi sự tự lập cao hơn.

Trong thời gian này, tất cả trẻ em đều được ở nhà, thì việc bồi dưỡng kinh nghiệm sống, rèn luyện thói quen là tốt nhất, để hình thành kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, biết hợp tác cùng mọi người, xây dựng tính độc lập, kích thích khả năng sáng tạo, biết yêu thương chia sẻ, biết lắng nghe người khác nói, đồng thời biết diễn đạt ý nghĩ của mình trong nhóm bạn, trong gia đình, khi giao tiếp trong xã hội. Ngoài ra, dạy kỹ năng sống cho trẻ còn là xây dựng ở trẻ lòng tự tin, khi tiếp nhận những thử thách mới, để hình thành bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non, lứa tuổi tiểu học, lứa tuổi trung học. Rất nên áp dụng tại gia đình, nhất là trong thời điểm nhà nhà tự chăm sóc nhau trong trong thời điểm giãn cách xã hội hiện nay. Mỗi gia đình có trẻ em cần tạo lập những kế hoạch sinh hoạt khoa học kết hợp việc giáo dục trẻ là điều rất nên làm.

H.X.Đ

Hội Nhà văn TP.HCM