Hồ Xuân Đà
(Vanchuongphuongnam.vn) – Gia đình là môi trường đầu tiên trẻ được tiếp xúc, là nơi trẻ được giáo dưỡng, hướng dẫn học hỏi, là nơi để lại dấu ấn lâu nhất trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Chính vì vậy, môi trường giáo dục gia đình có ý nghĩa cần thiết và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trong thời điểm hiện nay, trẻ em nước ta được nghỉ dịch bệnh, trẻ ở nhà lúc này rất cần sự giáo dục của gia đình. Các bậc phụ huynh cần tận dụng thời gian này, để các em được hưởng nền tảng giáo dục với những lợi ích không kém phần hiệu quả như ở trường học.
Cùng con học tập – Nguồn internet
Trẻ được chăm sóc bằng tình thương yêu ruột thịt, của các thành viên trong gia đình, sẽ có những biểu hiện tâm lý ổn định, không căng thẳng, không cáu gắt, đặc biệt là luôn biết yêu thương quan tâm chia sẻ với những khó khăn của hoàn cảnh gia đình, cũng như biết cảm nhận hạnh phúc khi luôn được bảo vệ, chở che. Từ đó tạo nên những chuẩn mực đạo đức vững chắc, để tự tin bước vào đời. Và gia đình chính là một tế bào của xã hội. Nếu trẻ được giáo dục những bài học có giá trị về nhân cách và hướng nghiệp từ một gia đình tốt, thì khi bước vào môi trường học đường sẽ nhanh chóng hòa nhập tiếp thu những giá trị sống một cách tích cực, cùng với việc là tấm gương sáng cho các bạn học tập.
Trong gia đình, với một môi trường sinh hoạt, học tập đa dạng, phong phú từ các thành viên trong gia đình như ông bà cô, chú, bác, anh chị em, là nguồn trải nghiệm kiến thức ứng xử, kiến thức, văn hóa, giải trí, kỹ năng sống rất thiết thực. Khi trẻ tham gia dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, rửa chén bát, đọc sách, xem phim cùng gia đình, đó là khi trẻ được học tập. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình cần ý thức truyền tải những giá trị kiến thức xã hội, khoa học, văn hóa, thông tin một cách phù hợp, nhằm tránh gây cho trẻ những suy nghĩ lệch lạc, xa rời định hướng của chủ trương giáo dục hình thành nhân cách con người. Chú trọng việc giáo dục đạo đức luôn là vấn đề hàng đầu mà mỗi gia đình cần phải đặt ra.
Muốn con cái của mình an toàn, bảo vệ sức khỏe con em mình trong mùa dịch bệnh, thì có lẽ rằng mỗi gia đình cần tự sắp xếp tạo nên những điều kiện thuận lợi nhất, để môi trường giáo dục gia đình, với tầm quan trọng rất to lớn, cần được phát huy tác dụng. Để làm được điều này, các thành viên trong gia đình phải thực sự thương yêu nhau, đối xử công bằng với trẻ, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của trẻ. Trẻ phải được gia đình yêu thương, quan tâm, và đối xử công bằng. Mỗi gia đình cần phải ấm êm, hòa thuận, có nếp sống tiến bộ, có văn hóa. Các thành viên trong gia đình luôn là tấm gương tốt cho trẻ noi theo. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần phải luôn có tri thức về khoa học, về lối sống đạo đức phù hợp, về ý thức cộng động, kỹ năng ứng phó với thời tiết khí hậu, thiên tại, dịch bệnh, phải làm sao để mỗi gia đình phải cùng nhau cập nhật những kiến thức xã hội, để cùng nhau hình thành nên ý thức chung cho các thành viên gia đình, khi bước vào môi trường xã hội.
Giáo dục gia đình có vai trò rất quan trọng trong sự giáo dục hình thành nhân cách một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên. Và điều này, càng trở nên được chú trọng sâu sát hơn trong thời gian các em học sinh, sinh viên, từ mầm non cho tới đại học, phải ở nhà, không di chuyển nhiều, không tham gia hoạt động tập thể, cộng đồng, thì môi trường sinh hoạt học tập ở gia đình cần được cha mẹ quan tâm, nên chăng rất cần sự tham gia của các thành viên trong gia đình vào việc thảo luận cùng nhau một vấn đề xã hội, thảm họa môi trường hay đơn giả là công thức nấu món ăn ngon, hay ý nghĩa nhân văn của một cuốn sách, một bộ phim truyền hình, hay điện ảnh đối với xã hội loài người. Cha mẹ hãy dành thời gian cho con em mình, tận dụng thời gian nghỉ dịch bệnh mà không ai mong muốn, để thể hiện vai trò nền tảng giáo dục gia đình vững chắc cho những giai đoạn về sau của con em mình.
H.X.Đ