Giao lưu, tọa đàm tác giả, tác phẩm trại sáng tác VHNT chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi Ngày hăm ba”

654

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng 16/2/2022, tại Hội trường trụ sở Liên hiệp Các Hội VHNT TPHCM số 81 Trần Quốc Thảo, Q3, TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm tác giả, tác phẩm trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi Ngày hăm ba”.

Đến tham dự buổi giao lưu tọa đàm gồm có các nhà thơ, nhà văn: Nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Liên Hiệp các hội VHNT TPHCM, Nhà văn Trầm Hương – Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, Nhà thơ Bùi Phan Thảo – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Trưởng Ban kiểm tra,  nhà thơ Phùng Hiệu – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Thường trực website Văn chương TPHCM, nhà văn Phương Huyền – Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Trưởng Ban truyền thông, nhà nghiên cứu phê bình Bùi Thanh Truyền – Uỷ viên Hội đồng NC -PB.

Chương trình, giao lưu, giới thiệu 4 tác phẩm trong trại sáng tác chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi Ngày hăm ba” gồm: Ký sự nhân vật “Cha tôi nhà thơ Nguyễn Bính” của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, tập truyện ngắn “Phù sa châu thổ” của nhà văn Hoài Hương, tập tản văn “Sài Gòn thở chậm hít sâu” của Trương Gia Hòa và tiểu thuyết “Dòng biên viễn” của nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài.

Phát biểu tại buổi giao lưu, nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Liên Hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM hoan nghênh tinh thần sáng tác của các nhà văn, nhà thơ trong thời gian qua, đặc biệt là qua trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi Ngày hăm ba”. Buổi tọa đàm giao lưu quảng bá tác phẩm của các hội viên có bề dày kinh nghiệm, có uy tín, nhiệt tình, không chỉ tham gia với trại mà còn với Hội. Thời gian qua Hội Nhà văn TPHCM đã có rất nhiều những nỗ lực để đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đến cho đông đảo công chúng, bạn đọc và chương trình giao lưu các tác giả, tác phẩm trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi Ngày hăm ba” cùng góp phần vào việc quảng bá các tác phẩm văn học đến với công chúng.

Tác phẩm “Phù sa châu thổ” của nhà văn Hoài Hương gồm có 12 truyện ngắn và 5 tạp văn, theo chủ đề “Tiếp bước mùa thu rồi ngày 23”. Truyện của Hoài Hương giàu tính thời sự, mang không khí của thời đại, từ chuyện môi trường sinh thái đến cơn hồng thủy của đại dịch Covid vẫn còn đang nóng bỏng hiện nay, đặc biệt là những câu chuyện của tuổi trẻ năng động trong thời đại thông tin, thể hiện ở những nhân vật chính trẻ trung, sôi nổi. Chị cũng nắm bắt được ngôn ngữ của giới trẻ, ngôn ngữ của thế hệ GenZ với những netizen, với những trend, style. Nhờ vậy mà văn phong chị trẻ trung, linh hoạt. ​Đọc truyện ngắn Hoài Hương, thấy một sự lạc quan không hề nhỏ của nhà văn về tương lai của thành phố chúng ta, một sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước, đặc biệt là niềm tin ở thế hệ trẻ.

Tiểu thuyết Dòng biên viễn, nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh. Qua tác phẩm, qua kỹ thuật viết theo dạng độc thoại nội tâm đã giúp cho người đọc dễ dàng hình dung được “cảnh cũ người xưa” một cách sinh động, thu hút và rất thú vị. Viết về lịch sử đã có nhiều tác giả viết trước đó, thế nhưng nhà văn Hồ Thị Ngọc Hoài không ngại khi chuyển từ thành công với viết truyện ngắn sang thể loại tiểu thuyết.

Sau tác phẩm thứ hai, tác giả Trương Gia Hòa đã dành thật nhiều cảm xúc tình cảm của mình cho quyển sách thứ ba “Sài Gòn thở chậm hít sâu”. Tập sách gồm 39 tản văn, chia làm 3 phần: Phần 1 – Sài Gòn thở chậm hít sâu, Phần 2 – Sống như đóa hướng dương, Phần 3 – Điên rồ và say đắm ấy. Với sự tinh tế trong chi tiết của từng tác phẩm và duyên dáng trong dẫn dắt bạn đọc góc nhìn đầy riêng tư và đầy quyến rũ. Qua từng tác phẩm thì người đọc có thể thấy những câu chuyện đời thường nhưng rất sâu sắc. Tác giả Trương Gia Hòa chia sẻ, đây là những chuyện thật, những chuyện về cuộc sống của mình. Quyển sách này tôi viết trong 4 năm, thì những bài viết mình viết về năm 2021 không nhiều, ít thôi nhưng mình hy vọng chia sẻ được nỗi đau của xã hội và mình cũng có chút chia sẻ được với ngôi nhà rộng lớn của mình, đó là Sài Gòn.

Tập truyện Phù sa châu thổ là mạch cảm hứng, là dòng chảy truyền thống cách mạng quê hương hay cuộc đời người – cuộc đời thơ của nhà thơ Nguyễn Bính thì độc giả sẽ có thêm được tư liệu, cảm xúc trong tập Ký sự nhân vật “Cha tôi Nhà thơ Nguyễn Bính”.

P.H