Trần Mai Chi
(Vanchuongphuongnam.vn) – Sáng 28/7, Giáo sư Phùng Gia Thế – tác giả cuốn tùy bút phê bình Hiểm địa văn chương đã có buổi tọa đàm giao lưu và giới thiệu sách với độc giả tại Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tác giả Phùng Gia Thế và buổi tọa đàm
Buổi ra mắt sách do Ban Văn học nghệ thuật – VOV6 tổ chức có sự tham dự của gia đình, thầy cô, bạn hữu văn chương và học trò của tác giả, trong đó có những gương mặt tên tuổi như, GS. La Khắc Hòa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà phê bình Hoài Nam, nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ, nhà văn Đỗ Phấn, nhà văn Phùng Văn Khai, nhà thơ Bùi Việt Phương,… Những cái ôm chầm hội ngộ. Những cái bắt tay thật chặt. Những con người cùng chung điểm chạm với nghệ thuật. Tất cả tạo nên một buổi lễ ấm cúng, gần gũi, thân tình.
Nhà văn Phùng Văn Khai cùng gia đình tác giả Phùng Văn Thế
Tác giả Phùng Gia Thế chia sẻ: “Phê bình với tôi vừa là cơ duyên, vừa là công việc và trên hết có lẽ là tình yêu với văn học và với nghề dạy học.” Nhiệm vụ giảng dạy các chuyên đề văn học đương đại trở thành cầu nối giữa ông với văn học đương đại Việt Nam, thôi thúc PGS.TS Phùng Gia Thế chấp bút cuốn sách Hiểm địa văn chương.
Hiểm địa văn chương là cuốn sách gồm 27 bài viết đa dạng thể loại từ phê bình, tiểu luận, điểm sách, chân dung gắn với những tên tuổi đã định hình diện mạo của văn chương Việt Nam Đổi mới: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương,… Đây có thể coi là sự tri âm đặc biệt của PGS.TS Phùng Gia Thế với các “ngòi bút” ông thật sự ấn tượng trong giới văn chương đương đại bằng một công trình chọn lọc, thẩm bình và diễn giải.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Phùng Văn Khai đã có những chia sẻ xúc động: “Phùng Gia Thế viết phê bình rất uyển chuyển. Ông còn rất biết đặt các tên tiểu luận: “Điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam”; “Tính chất các-na-van trong ngôn ngữ văn xuôi Việt Nam đương đại”; “Tính bất khả tín, hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại”; “Tiểu thuyết đương đại – một cuộc chơi khó”; “Ngợm hóa nhân vật, loạn hóa xã hội? Liệu có đơn giản như thế không?”; “Một thí dụ tiêu cực về tiểu thuyết trẻ”; “Tiểu thuyết như là sự hiện hữu những khoảnh khắc thầm kín của tâm trạng”; “Văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới”; “Văn học đang có nhiều cơ hội để phóng thoát…”
Đương nhiên, chất lượng các tiểu luận không thể nào phụ thuộc vào tiêu đề nhưng sự chuyên nghiệp luôn phải được đặt ra ngay từ các tiêu đề. Không thể có một tiểu luận hay, thanh thoát, giàu tính văn chương nghệ thuật từ những cái tên ẩu tả. Điều này, Phùng Gia Thế luôn ý thức rất sâu. Ông viết chậm nhưng bay bổng, thanh thoát và hết sức chí lý từ quan điểm và tri thức của mình. Phùng Gia Thế tự tin vào những gì mình viết ra.
Các bài viết của ông về các tác giả Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân… đều trên nền tảng kiến thức sâu rộng, dung nạp những cái khác biệt và cái cơ bản là đã chuyển hóa tài tình chúng bằng ngôn ngữ chắc nịch nhưng cũng rất bay bổng của riêng ông. Nhiều trang văn phê bình của Phùng Gia Thế đọc không khác gì những trang sáng tác hay của các nhà văn. Điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi cho ông, nhưng ít ra, trong phê bình rất cần sự thăng hoa như thế.”
Bằng sự tử tế, tỉ mỉ, công tâm, trách nhiệm, tác giả Đỗ Gia Thế và cuốn sách Hiểm địa văn chương mang đến cho người đọc một góc nhìn phong phú, tràn đầy sức sống và giá trị nhân văn của văn học đương đại Việt Nam.
T.M.C