Giao lưu văn học giữa hai nhà thơ đến từ Hungary và các tác giả của TPHCM

307

Ngày 8-2, tại NXB Hội Nhà văn – Chi nhánh TPHCM, đã diễn ra chương trình giao lưu văn học giữa hai nhà thơ Hungary: Halmosi Sándor và Attila F. Balázs cùng các tác giả của TPHCM.

Nhà thơ Phan Hoàng nhận Giải thưởng Nghệ thuật Danube cho tập thơ “Chất vấn thói quen”.

Sau Hà Nội và Cần Thơ, hai nhà thơ đến từ Hungary là Halmosi Sándor và Attila F. Balázs đã có cuộc giao lưu thân tình và ấm cúng với các nhà văn, nhà thơ của TPHCM như Hoài Vũ, Trầm Hương, Cao Chiến, Chu Quang Mạnh Thắng, Phạm Phương Lan, Doãn Thụy Như, Nguyên Trân…

Tại chương trình, hai nhà thơ Hungary là Halmosi Sándor và Attila F. Balázs đã trao Giải thưởng Nghệ thuật Danube cho nhà thơ Phan Hoàng với tập thơ Chất vấn thói quen. Tác phẩm do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2012 và NXB Văn hóa – Văn nghệ tái bản năm 2015, đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Vào năm 2022, tập thơ đã được dịch sang tiếng Anh và xuất bản ở Canada.

Giải thưởng Nghệ thuật Danube do NXB AB Art và Hội Văn học Danube sáng lập. Trước nhà thơ Phan Hoàng, một số tác giả của Việt Nam như Bảo Ninh, Trần Quang Đạo và Kiều Bích Hậu đã nhận được giải thưởng này.

Nhận xét về tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng, theo nhà thơ Halmosi Sándor, tập thơ đưa ra những vấn đề cốt lõi và quan trọng trong cuộc sống đương đại, đó là mối quan hệ giữa hiện đại và truyền thống.

“Không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước, chúng ta cũng đều biết rất là trân trọng những giá trị truyền thống, vì đó là những giá trị cha ông để lại nhưng chúng ta sống ở thời hiện đại, chúng ta cũng cần chất vấn những thói quen, chất vấn truyền thống để chúng ta tìm ra những điều mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn rồi cống hiến cho đời sống”, nhà thơ Halmosi Sándor bày tỏ.

Chương trình được dẫn dắt và phiên dịch bởi nhà văn Kiều Bích Hậu. Từ trái qua: nhà thơ Halmosi Sándor, nhà thơ Attila F. Balázs và nhà thơ Phan Hoàng

Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Hungary được thiết lập từ năm 1950. Trong thời gian đó, đã có hơn 70 tác phẩm văn học được dịch giữa hai nước. Đặc biệt, sau Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần IV năm 2019, Hội Nhà văn Việt Nam và NXB AB Art của Hungary đã kết nối chặt chẽ với nhau trong việc dịch và xuất bản tác phẩm văn học của mỗi bên.

Về phía Hungary, hai nhà thơ, dịch giả Halmosi Sándor và Attila F. Balázs đã có những hỗ trợ và đóng góp đắc lực đối với văn học Việt Nam. Trong 3 năm qua, hai tác giả kiêm dịch giả và NXB AB Art đã dịch và xuất bản cho Việt Nam 5 ấn phẩm, gồm: Hợp tuyển thơ chiến tranh Việt Nam của 6 tác giả: Huy Cận, Giang Nam, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh; tập truyện ngắn Trại bảy chú lùn của nhà văn Bảo Ninh và các tập thơ: Bay trong mơ (Trần Quang Đạo) và Chất vấn thói quen (Phan Hoàng)…

Ở chiều ngược lại, tại Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam cùng sự góp sức cũng như hỗ trợ kinh phí từ một số tác giả, dịch giả đã xuất bản 4 tập thơ, văn Hungary của hai tác giả Halmosi Sándor và Attila F. Balázs.

Đó là các tập thơ Mười ngày 57 (dịch giả Nguyễn Chí Hoan chuyển ngữ), Xương của nắng (Phan Anh Sơn chuyển ngữ, nhà thơ Trần Quang Đạo đầu tư in sách), Xác thịt vô cảm (Văn Minh Thiều chuyển ngữ) cùng tập truyện ngắn Sự biến hóa của Casanova (Khánh Phương chuyển ngữ, nhóm HFT đầu tư in sách).

Chia sẻ tại chương trình, nhà thơ Attila F. Balázs cho biết, ông và nhà thơ Halmosi Sándor đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2019. Chuyến đi đó đã mang đến cho ông cảm tình với Việt Nam, giúp ông yêu con người, yêu văn hóa cũng như văn học Việt Nam.

Đông đảo nhà văn Việt Nam đến giao lưu

“Kể từ đó cho đến nay, chúng tôi đã xuất bản một số tập thơ đương đại cũng như tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20 để độc giả Hungary có được một cái nhìn tổng quát về thơ ca cũng như đất nước Việt Nam”, nhà thơ Attila F. Balázs chia sẻ.

Cũng tại chương trình giao lưu, hai nhà thơ đến từ Hungary và các tác giả của TPHCM đã có những trao đổi, thảo luận cùng nhau về những vấn đề liên quan đến văn chương, trong đó có dịch văn học.

Theo nhà thơ Attila F. Balázs, dịch văn học là chiếc cầu nối lý tưởng để các dân tộc tiến gần đến với nhau, hòa nhập tâm hồn cùng nhau. Nếu không có dịch văn học thì sẽ không có nền thi ca thế giới, các dân tộc sẽ mãi khép vào khuôn khổ của mình và sẽ không có sự giao lưu và phát triển, kết nối thành cộng đồng thơ thế giới.

Ông cũng lưu ý: “Trong vấn đề dịch văn học, chúng ta cần quan tâm đến các dịch giả, bởi những dịch giả văn học có vai trò rất quan trọng, họ như những chú ngựa thồ để chở văn chương đến các quốc gia khác nhau. Chúng ta cần quan tâm đến chất lượng dịch. Những dịch giả tốt sẽ mang đến cho bạn đọc những bản dịch với những từ ngữ đẹp đẽ hơn và ngược lại”.

HỒ SƠN/ SGGP