Giao lưu văn học Việt – Hàn: Nhiều điểm chung để kết nối, hợp tác

679

24.11.2017-10:15

NVTPHCM- Sáng 23.11, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo quốc tế Triển vọng giao lưu văn học Việt Nam – Hàn Quốc do Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa thế giới TPHCM – TP Gyeongju cùng Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Lưu niệm Dongni – Mogwol tổ chức. Đây là hội thảo đầu tiên về văn học 2 nước được tổ chức.

Các nhà văn Việt Nam, Hàn Quốc tại cuộc hội thảo

 

Văn học Việt tại Hàn Quốc

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cho biết: Hàn Quốc là quốc gia quan tâm đến văn học Việt Nam nhất. Số lượng các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đến tham dự các hoạt động văn học là khá thường xuyên hơn các nước châu Á khác, nhiều nhà văn Việt Nam thậm chí còn đoạt các giải thưởng văn chương tại Hàn Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng dịch và xuất bản khá nhiều tác phẩm văn học của Hàn Quốc. Nhà nghiên cứu Trần Xuân Tiến, Trường Đại học Văn hiến, thì đưa ra số liệu, cho đến tháng 11.2017 đã có hơn 150 tác phẩm văn học Hàn Quốc được xuất bản tại Việt Nam.

 

Nhà phê bình văn học Hàn Quốc Gu Mo-ryong cho biết, thực tế người Hàn Quốc biết đến văn học Việt Nam từ khá sớm, với các tác phẩm của Phan Bội Châu như Việt Nam vong quốc sử (từng là sách gối đầu giường của các nhà hoạt động cách mạng Joseon, khoảng năm 1906), sau này là các tác phẩm của Nguyễn Văn Bổng, Sơn Tùng, Chim Trắng, Hữu Thỉnh, Văn Lê… Dù vậy, con số đó vẫn là quá ít. Thực tế văn học Việt Nam tại Hàn Quốc, đặc biệt là văn học hiện đại vẫn còn quá xa lạ.

Quang cảnh Hội thảo Văn học Việt – Hàn

Từ phải sang: nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Lee Soon Won chủ trì hội thảo;

dịch giả Jae Hong Ha và Hiền Nguyễn thông dịch

Hàng đầu, từ phải sang, các nhà văn: Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Minh Ngọc, Văn Lê

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân, khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học KHXH-NV cho biết, Việt Nam đang là một đề tài được nhiều nhà văn Hàn Quốc quan tâm, ví dụ điển hình là hai tác phẩm Cái bóng của vũ khíThời gian ăn tôm hùm. Ở Cái bóng của vũ khí của nhà văn Hwang Suk Young, nhân vật chính là một sĩ quan Hàn Quốc nhận nhiệm vụ điều tra buôn lậu vũ khí, quân nhu tại Đà Nẵng trong những năm chiến tranh. Tại đây, anh gặp nhiều người, từ những quân nhân Hàn Quốc chán nản khi phải chiến đấu và chết trong một cuộc chiến mà chính họ cũng chẳng hiểu vì sao phải tham gia, cho đến những người Việt – kẻ chán nản tìm cách trốn tránh chiến tranh, người lợi dụng cuộc chiến để làm giàu và cả người sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng giải phóng đất nước. Việt Nam một thời chiến tranh hiện ra dưới con mắt bạn đọc Hàn Quốc với nhiều hình ảnh, góc độ khác nhau. Còn Thời gian ăn tôm hùm của nhà văn Bang Hyun Suk (đã được NXB Hội Nhà văn xuất bản) lại là sự pha trộn giữa Việt Nam thời chiến và thời bình, là sự sám hối của nhân vật một người có cha từng tham gia vào cuộc thảm sát của lính Hàn năm xưa. Tác phẩm phản ảnh con người, văn hóa Hàn Quốc và cả Việt Nam cùng những vấn đề nóng từ quá khứ cho đến hiện tại.

 

Và văn học Hàn Quốc tại Việt Nam

 

Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhận xét văn học Hàn Quốc là một trong những nền văn học vừa gần gũi lại vừa xa lạ với bạn đọc. Gần gũi bởi văn hóa Hàn thông qua nhiều con đường đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, xa lạ bởi riêng với văn học còn quá ít tác phẩm Hàn tạo ấn tượng sâu đậm với bạn đọc Việt Nam. Nhà nghiên cứu Trần Xuân Tiến, giảng viên Trường Đại học Văn Hiến nhận xét, văn học Hàn đang có một sự nỗ lực đầy mạnh mẽ và chuyên nghiệp để đến với bạn đọc thế giới, trong đó có bạn đọc Việt Nam. Ngoài một số lượng khá lớn tác phẩm được dịch, in và xuất bản tại Việt Nam, họ còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đọc khác như chương trình Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn được tổ chức từ năm 2014 đến nay. Tại chương trình, mỗi quốc gia có một nhà văn tham gia và trao đổi trực tiếp với nhau, cũng như với bạn đọc những vấn đề về sáng tác, văn hóa…

 

Bên cạnh đó, còn có các cuộc hội thảo, tọa đàm liên tục được tổ chức như Dịch thuật văn học Hàn Quốc tại Việt Nam; Văn học Hàn Quốc tại Việt Nam; Phương hướng tăng cường trao đổi, hợp tác dịch thuật và giới thiệu văn học góp phần xúc tiến quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc; Xúc tiến giao lưu văn học dịch Việt Nam – Hàn Quốc…

 

Tuy nhiên, dù vậy văn học Hàn Quốc ở Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo dấu ấn với bạn đọc. Nhà phê bình Hàn Quốc Gu Mo-ryong cho rằng, vấn đề có thể nằm ở việc các tác phẩm Hàn dịch ở Việt Nam còn thiếu tính đa dạng, chủ yếu tập trung ở mảng sách hậu chiến, trong khi đây lại là một đề tài vốn đã khá quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Các dòng sách viết về những vấn đề hiện đại, những câu chuyện mang đậm hơi thở cuộc sống hôm nay, những vấn đề thời đại… vẫn còn quá ít. Đây cũng là vấn đề nóng ngay tại Hàn Quốc và đang trên đà thay đổi.

Từ phải sang, các nhà văn: Nguyễn Thị Thanh Xuân, Xuân Trường, Trần Xuân Tiến

Từ phải sang, các nhà văn: Trầm Hương, Phan Hoàng, Bang Hyun Suk, Văn Lê,

Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Vũ Quỳnh, Phùng Hiệu. Ảnh: Chu Quang Mạnh Thắng

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, câu chuyện văn học Hàn Quốc ở Việt Nam là một bài học quý về cách họ đưa văn học quốc gia ra khỏi biên giới lãnh thổ. Việc chưa thực sự thành công nằm ở chỗ thiếu tác phẩm đặc biệt xuất sắc, thế nhưng sự quen thuộc của bạn đọc với văn học Hàn rõ ràng đã thay đổi ngày càng mạnh mẽ. Trong khi đó ở chiều ngược lại, chính phía Hàn Quốc phải thừa nhận, có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam gây ấn tượng rất tốt với bạn đọc nước họ, nhưng số tác phẩm Việt được dịch quá ít và hầu như mang tính tự phát chứ không phải nằm trong một chiến lược cụ thể.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiết lộ, mấy năm trước Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Trung tâm dịch văn học nhưng lại yêu cầu trung tâm này tự lo kinh phí, kết quả trung tâm gần như không phát huy được hiệu quả. Trong khi ở Hàn Quốc có chính sách cụ thể, thông qua các tập đoàn kinh tế, các quỹ văn học, nghệ thuật để đưa văn học trong nước ra nước ngoài, thì ở ta, chính sách quảng bá văn học ra nước ngoài lại rất hạn chế.

 

Nhà nghiên cứu Trần Xuân Tiến nêu lên một ví dụ, khi nhận thấy sự khó khăn của dịch giả Việt khi chuyển ngữ tác phẩm Hàn, thường phải chuyển dịch từ một ngôn ngữ thứ ba là bản tiếng Anh, phía Hàn ngay lập tức đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về dịch tiếng Hàn, mở các lớp hỗ trợ dịch sách…

 

Nhà phê bình Gu Mo-ryong phân tích tại hội thảo, nền văn học Việt có rất nhiều điều đáng để các nhà văn Hàn quan tâm. Sau sự cố chìm phà Sewol, các nhà văn Hàn mới giật mình, viết nhiều hơn những vấn đề nóng của xã hội thay vì những chủ đề “hư vô” như trước đó. Trong khi đó, từ lâu văn học Việt đã có những tác phẩm hay về những góc khuất cuộc sống, nhất là cuộc sống kinh tế thị trường.

 

TƯỜNG VY/SGGP

 

 

>> XEM TIẾP HOẠT ĐỘNG HỘI…