Giáo sư Đào Duy Anh: “Con chim Tinh Vệ” suốt đời vun biển học

272

Cách đây 35 năm, Giáo sư Đào Duy Anh đã qua đời ngày 01.4.1988 tại Hà Nội. Ông là nhà văn hóa lớn, một học giả uyên bác với vốn tri thức bách khoa sâu rộng và là người thầy của những thế hệ sử gia đầu tiên được đào tạo sau Cách mạng tháng Tám. Những công trình nghiên cứu của ông đã khai phá và đặt nền móng cho sự hình thành nền sử học và nền văn hóa học hiện đại Việt Nam.

Theo Giáo sư Phan Ngọc: “Đào Duy Anh là học giả lớn nhất Việt Nam thế kỷ XX và là người có uy tín quốc tế. Ông đã mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam theo quan điểm duy vật. Có thể nói, không một người nào trong nước hay ngoài nước nghiên cứu văn hóa, xã hội, lịch sử Việt Nam mà không đọc những công trình của ông, thậm chí không dựa vào những kiến giải của ông để làm việc”.


Giáo sư Đào Duy Anh (1904-1988)

Người trí thức trẻ tuổi giàu lòng yêu nước

Giáo sư Đào Duy Anh sinh ngày 25.5.1904, tại Thanh Hóa, trong một gia đình nho học. Năm 1923, sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, ông chọn nghề giáo và dạy học ở trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình), chứ không chịu làm công chức cho chính quyền thực dân Pháp.

Sau buổi tiếp xúc với chí sĩ Phan Bội Châu tại Đồng Hới, năm 1926, Đào Duy Anh dấn thân vào hoạt động chính trị văn hoá, “tìm nơi trời cao biển rộng” để có điều kiện “mở mang tri thức”. Ông có nhiều bài viết về thời sự trong nước đăng trên tờ báo Echo Annamite của Nguyễn Phan Long ở Sài Gòn. Sau khi gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc này là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ ở Đà Nẵng, ông cùng cụ sáng lập Báo Tiếng Dân và giữ chức Thư ký tòa soạn. Cuối mùa hè năm 1926, ông tham gia tổ chức yêu nước Tân Việt và trở thành Tổng Bí thư của đảng này khi mới 24 tuổi.

Cùng với chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, GS. Đào Duy Anh sáng lập tờ báo Tiếng Dân (Cơ quan ngôn luận đầu tiên, đại diện cho tiếng nói nhân dân miền Trung) năm 1926

Năm 1928, ông sáng lập Quan Hải tùng thư, với sự cộng tác của nhiều trí thức yêu nước như: Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu…

Bên cạnh đó, ông còn xuất bản sách phổ cập về tư tưởng khoa học, tư tưởng duy vật lịch sử, nhằm mở mang dân trí và ngầm truyền bá tinh thần yêu nước. Tuy thời gian tồn tại không dài nhưng nhà xuất bản đã cho ra đời 13 ấn phẩm, trong đó ông biên soạn hay phỏng dịch những cuốn, như: Lịch sử các học thuyết kinh tế, Phụ nữ vận động, Lịch sử nhân loại, Tôn giáo là gì?, Xã hội là gì?, Dân tộc là gì?… Đó là những trước tác đầu tay của ông nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác và tư tưởng khoa học tiến bộ, góp phần vào phong trào đấu tranh chính trị và văn hóa thời bấy giờ. Với bút danh Vệ Thạch, Đào Duy Anh tự ví mình như con chim Tinh Vệ, nguyện suốt đời ngậm đá để lấp biển học mênh mông.

Nhà bách khoa của thế kỷ XX

Tháng 7.1929, giữa lúc phong trào yêu nước đang lên, Đào Duy Anh bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1930, sau khi được thả, ông chuyển sang hoạt động nghiên cứu văn hóa với định hướng rõ ràng: “Tôi tự xác định cho mình là phải cố gắng làm sao đem cái ánh sáng của chủ nghĩa Mác để khai thác vốn văn hóa của dân tộc và chọn lấy những cái tốt đẹp mà góp phần vào cuộc cải tạo văn hóa nước nhà”. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông.

Với niềm đam mê và nghị lực phi thường, Giáo sư Đào Duy Anh tìm tòi, nghiên cứu và tự trang bị cho mình vốn cơ sở kiến thức rộng lớn Đông Tây kim cổ, bao gồm nhiều ngành khoa học xã hội. Lĩnh vực đầu tiên mà ông quan tâm là Từ điển học. Ông xuất bản hai bộ từ điển lớn, gồm: Hán-Việt từ điển vào năm 1932 và Pháp-Việt từ điển vào năm 1936. Hai bộ từ điển này không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, khoa học lúc bấy giờ mà còn qua các từ, các khái niệm chính trị, ông còn đưa vào đó cách giải thích tiến bộ và khoa học theo quan điểm mác xít và trào lưu tư tưởng hiện đại. Đây là những công cụ tra cứu vô cùng hữu hiệu thời bấy giờ, đồng thời được coi là cầu nối giữa hai thế hệ, gồm lớp người già theo Nho học và lớp người trẻ theo Tây học. Năm 1974, Từ điển Truyện Kiều của ông ra đời và trở thành cuốn từ điển tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam. Những tác phẩm này của ông đã đặt cơ sở cho từ điển học hiện đại Việt Nam.


Bộ “Hán – Việt từ điển” (40.000 từ) do Giáo sư Đào Duy Anh biên soạn lúc mới 28 tuổi năm 1932

Từ năm 1938, Giáo sư Đào Duy Anh chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học. Ông thực hiện trên 30 công trình về nghiên cứu và dịch thuật cổ văn được in thành khoảng hơn 60 tập sách nổi tiếng, như: Việt Nam văn hóa sử cương, Khổng giáo phê bình tiểu luận (1938); Trung Hoa sử cương (1942); Khảo luận về Kim Vân Kiều (1943)… Trong đó, tác phẩm Việt Nam văn hoá sử cương của Giáo sư Đào Duy Anh cùng với Văn minh An Nam (La Civilization Annamite, 1944) của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là những công trình khoa học đánh dấu và đặt nền tảng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam một cách khoa học.

“Cây đại thụ” của nền sử học Việt Nam hiện đại

Có thể nói, lịch sử là lĩnh vực khoa học mà Giáo sư Đào Duy Anh dốc nhiều tâm sức nhất. Ông coi lịch sử là phương tiện tốt nhất để thức tỉnh tinh thần yêu  nước, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong nền sử học thế giới và khu vực. Theo ông, “phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử vì chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc thì mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai”. Ông cũng tự nhận thấy hành trang cần thiết để đi vào lĩnh vực khoa học này là một cơ sở kiến thức rộng về lịch sử thế giới, lịch sử đông tây và nhiều ngành liên quan về khoa học xã hội, như: Triết học, Kinh tế học, Dân tộc học, Xã hội học… đặc biệt là về phương pháp luận sử học và tư liệu lịch sử.

Tại Thư viện Bảo Đại, Thư viện của Hội đô thành hiếu cổ (Société des Amis du Vieux Hue) ở Huế, Thư viện Long Cương của họ Cao ở Thịnh Mỹ (Diễn Châu, Nghệ An) và nhiều thư viện tư gia, Giáo sư Đào Duy Anh thuê chép và tìm mua được nhiều sách quý. Ông xây dựng cho mình một tủ sách Hán Nôm khá phong phú, gồm nhiều thư tịch của Việt Nam và Trung Quốc. Ông cũng dành nhiều thời gian đi về các thế gia, các dòng họ từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để thu thập các loại tư liệu lịch sử. Năm 1938, ông ra Hà Nội gặp Nguyễn Văn Tố và nhóm Tri Tân để chuẩn bị xuất bản bộ “Tùng thư sử học” và bộ “Tùng thư văn học”, nhưng công việc này buộc phải dừng lại vì Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Giáo sư Đào Duy Anh bắt đầu sự nghiệp sử học của mình bằng công việc dịch và chú giải Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn và nghiên cứu cổ sử Việt Nam từ thời tiền sử, nguồn gốc dân tộc đến văn hóa Đông Sơn, kháng chiến chống Tần, nước Âu Lạc…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Giáo sư Đào Duy Anh được mời giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Văn khoa Hà Nội, cùng với các trường đại học và cao đẳng khác. Ông còn là Ủy viên Ban vận động Đại hội văn hóa toàn quốc năm 1946.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Giáo sư hoạt động trong Chi hội văn nghệ Liên khu IV. Đến năm 1950, ông được mời ra Việt Bắc làm Trưởng Ban Sử-Địa thuộc Vụ Văn học nghệ thuật, Bộ Giáo dục. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa.

Năm 1956, sau khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập, Giáo sư Đào Duy Anh được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam, chăm lo công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy chỉ công tác ở khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hơn 2 năm, nhưng đây là thời gian ông tập trung tất cả tâm sức vào lĩnh vực Sử học và đạt hiệu quả cao nhất. Cũng trong hai năm này, Giáo sư đã tham gia đào tạo được 3 khóa sinh viên của khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội (1954-1958). Đây là những thế hệ sử gia đầu tiên của nền đại học Việt Nam độc lập, trong đó nhiều người trở thành giáo sư, phó giáo sư và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nền sử học hiện đại của đất nước.

Bên cạnh đó, ông còn xây dựng một cơ sở tư liệu lâu dài cho khoa Lịch sử và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tìm mua những thư tịch quý, thuê người sao chép những bộ sử và tư liệu Hán Nôm của Việt Nam, thu thập những nguồn tư liệu nước ngoài viết về Việt Nam, dịch những tư liệu cần thiết cho sinh viên tham khảo.

Với những tư liệu tích lũy từ nhiều năm cùng những suy ngẫm và một số bản thảo chuẩn bị trong những năm kháng chiến, ông đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu rất cơ bản về lịch sử Việt Nam, nhất là về lịch sử cổ đại và trung đại, như: vấn đề phân kỳ lịch sử, nguồn gốc dân tộc, vấn đề chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, sự hình thành dân tộc Việt Nam… Giáo sư đã hoàn chỉnh bản soạn thảo cũ và cho xuất bản hai bộ giáo trình nổi tiếng là: Lịch sử Việt Nam và Cổ sử Việt Nam (giáo trình đại học). Một năm sau, ông bổ sung và viết lại thành tác phẩm Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), gồm 4 tập: Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Vấn đề An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc, Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt, Giai đoạn quá độ sang chế độ phong kiến, đồng thời cho ra mắt cuốn Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX (2 tập, 1958), Đất nước Việt Nam qua các đời (1964), Chữ nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến (1975)…

Năm 1958, Giáo sư Đào Duy Anh chuyển sang Bộ Giáo dục và chuyển sang Viện Sử học vào năm 1960. Giáo sư đã hiệu đính, biên dịch, chú giải nhiều bộ sách quý, như: Lịch triều Hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục, Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Binh thư yếu lược và Hổ trướng khu cơ, Gia Định thành thông chí, Nguyễn Trãi toàn tập, Đại Nam nhất thống chí, Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều, Đất nước Việt Nam qua các đời, Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến, Thơ chữ Hán Nguyễn Du… Ông còn viết tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (viết xong 1974, xuất bản 1989).

Với những đóng góp to lớn cho lĩnh vực lịch sử nước nhà, năm 2000, Giáo sư Đào Duy Anh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, với hai tác phầm là Lịch sử cổ đại Việt Nam và Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX. Tên của ông được ghi vào bộ từ điển Larousse của Pháp với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư thời hiện đại.

Ngày 01.4.1988, Giáo sư Đào Duy Anh qua đời tại Hà Nội, để lại một di sản khổng lồ và vô giá trên nhiều lĩnh vực vực, từ từ điển, ngôn ngữ, văn hóa, văn học đến sử học, khảo cổ học, văn bản học, dân tộc học, địa lý học lịch sử. Với tinh thần lao động khoa học không mệt mỏi, niềm đam mê và một nghị lực phi thường, Giáo sư đã trở thành “tượng đài” cho lớp lớp thế hệ những nhà nghiên cứu khoa học xã hội noi theo.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Đào Duy Anh là hành trình đi từ tinh thần yêu nước, yêu văn hóa dân tộc đến hoạt động khoa học. Ông đã dành cả cuộc đời để kiên trì theo đuổi và nhất quán cho sự nghiệp tinh thần đó, với một niềm tin mãnh liệt vào sức sống của dân tộc cũng như con đường mình đã lựa chọn.

Theo Hoàng Yến/TTXVN