Giáo sư Lê Trí Viễn và sự chuyển đổi hệ hình tư duy nghiên cứu – phê bình trong thời kỳ đổi mới

771

                  

                                            Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Là một nhà giáo dục, một Giáo sư dạy văn, một nhà nghiên cứu am hiểu nhiều vấn đề của lịch sử văn học, từng trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử dân tộc, hơn ai hết, GS Lê Trí Viễn đã nhận thức rất rõ sự tác động của bối cảnh chính trị xã hội đối với sự vận động và phát triển của văn học”. 

Giáo sư Lê Trí Viễn

1.Trong bài viết: “Từ văn học ta xưa nhìn lý luận phê bình ta nay” in trong công trình “Lê Trí Viễn – Một đời dạy văn, viết văn” Toàn tập (tập 3 – Nghiên cứu phê bình) (Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2016), GS đã rất khiêm tốn khi tự nhận: “Về lý luận và phê bình văn học, tôi cho tôi nên dựa cột mà nghe. Nhưng vì có biết chút ít lịch sử văn học nước nhà và phê bình văn học trong công cuộc đổi mới hiện nay, nên xin phép được phát biểu mấy ý kiến” (1) Nhưng với hàng trăm bài viết bàn về những vấn đề khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình như: tác giả, tác phẩm, tiến trình văn học, trào lưu văn học, thể loại văn học được dung chứa qua gần hai nghìn trang sách in ở tập 2 và  tập 3 – nghiên cứu phê bình của công trình  “Lê Trí Viễn – Một đời dạy văn, viết văn” thì GS thực sự là một nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học. Song trong bài viết này chúng tôi chỉ bàn đến sự thay đổi hệ hình tư duy lý luận phê bình của ông trong thời kỳ đổi mới mà theo chúng tôi đó là sự kết tinh khát vọng và ước mơ của ông, một người Thầy khả kính, một nhà nghiên cứu phê bình uyên áo, cẩn trọng với những ưu tư về một nền nghiên cứu, lý luận, phê bình dân chủ, nhân văn và khai phóng mà suốt đời ông đã dấn thân như một định mệnh.

  1. Là một nhà giáo dục, một Giáo sư dạy văn, một nhà nghiên cứu am hiểu nhiều vấn đề của lịch sử văn học, từng trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử dân tộc, hơn ai hết, ông đã nhận thức rất rõ sự tác động của bối cảnh chính trị xã hội đối với sự vận động và phát triển của văn học. Và, cũng như bao nhà nghiên cứu khác ông không thể nào vượt qua những giới hạn của tư duy lý luận phê bình văn học của thời kỳ tiền đổi mới. Vì vậy, khi luận giải về các hiện tượng văn học được coi là “nhạy cảm” và “có vấn đề” lúc bấy giờ như phong trào Thơ mới, Tự lực văn Đoàn, của trào lưu văn học lãng mạn, hay hiện tượng Vũ Trọng Phụng… ông không tránh khỏi những đánh giá cực đoan của trường tiếp nhận nặng tính xã hội học, thậm chí xã hội học dung tục của khí quyển nghiên cứu lý luận phê bình lúc bấy giờ. Chẳng hạn trong bài “Xu hướng lãng mạn” viết năm 1960, khi nhận định về trào lưu văn học lãng mạn, ông đã cho rằng: “Trọng tâm văn học lãng mạn là chủ nghĩa cá nhân, Nói chủ nghĩa cá nhân là chủ nghĩa hưởng lạc, là nói thỏa mãn cảm giác. Bởi vậy, một mặt của nghệ thuật lãng mạn là đi tìm cảm giác. Ban đầu thì người ta còn chuộng mơ mộng, còn biết e thẹn dè dặt, nên còn ưa cái gì nhẹ nhàng, mềm mỏng êm dịu; dần dần khi lãng mạn đi vào suy đồi, trụy lạc thì người ta sỗ sàng, muốn cấu xé, đập phá, thậm chí tự hủy nữa. Quá trình suy đồi của văn học lãng mạn gắn liền với quá trình trụy lạc của cảm giác là vậy.” ( 2) Nhưng rồi, trong bài “Suy nghĩ về văn học lãng mạn 1930 -1945) viết năm 1989, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, trong khí quyển của việc đổi mới tư duy lý luận phê bình, ông đã có một cái nhìn mới, một cách nghĩ khác với những đánh giá công bằng, khách quan, khoa học về văn học lãng mạn ở chính những vấn đề mà trước kia ông đã từng phê phán khá gay gắt, khi ông xác quyết: “Cốt lõi của văn học lãng mạn và chủ nghĩa lãng mạn này là vấn đề giải phóng cá nhân số phận lịch sử của cá nhân được giải phóng” (3)  Không những thế, khi luận bàn mở rộng về vấn đề giải phóng cá nhân trong văn học lãng mạn ông đã biện minh cho việc tồn tại tất yếu của cái tôi thuộc phạm trù cá nhân với một cái nhìn hết sức nhân văn. Theo ông “Khẳng định phạm trù cá nhân thì tự xưng là tôi, logic là vậy. Từ chỗ không có cái tôi ấy, chỉ có tộc họ, chỉ có cuộc sống cho tộc họ, cho đạo lý phong kiến, Nho giáo nay có được cái tôi thì cấm sao được cái vui, bởi gốc của nó, dù sao cũng là cái vui giải phóng khỏi mọi ràng buộc phong kiến và Nho giáo, cho nên nó bộc bạch, nó kể lể và chung qui nhiều nhất, say sưa nhất vẫn là chuyện trái tim của nó. Sao lại trách? Trong văn học nhân loại, cái hồ hỡi ấy có hàng thế kỷ. Cả việc nó như quyện chặt lấy tình yêu. Lại chê, lại bĩu môi là hưởng thụ, lại lên án là quên việc nước nhà. Sao nỡ? Tuổi trẻ là tình yêu. Mỗi người có một tuổi trẻ. Đây cái tôi ấy có tới những hai tuổi trẻ: Tuổi trẻ của mỗi người, tuổi trẻ của xã hội, của cả một thế hệ, một giai tầng được giải phóng. Chưa nói, theo nhận định của Hêghen thì tự do tình yêu là tiêu biểu cho mọi thứ tự do, nó bật lên và điển hình hóa bằng văn học và trong văn học.” (4) (Lưu ý: đây là luận giải từ ý tưởng của một nhà nghiên cứu đã đã 71 tuổi (năm 1989), so với những ý tưởng trong bài viết của ông năm 1960 khi ông 42 tuổi như đã dẫn ở trên là hoàn toàn trái ngược. Điều này cho thấy sự giới hạn của hệ hình tư duy lý luận phê bình của thời đại đã ảnh hưởng và tác động đến tư duy của nhà nghiên cứu phê bình như thế nào!?).

    Và cũng nằm trong từ trường thẫm mỹ của những năm 1960, khi luận về tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, ông cho rằng Vũ Trọng Phụng: “căm ghét xã hội tư sản, nhưng lại đi bênh vực cho đạo đức phong kiến, căm ghét mọi thứ hư hỏng trụy lạc của chủ nghĩa cá nhân tư sản, nhưng lại chống luôn sự giải phóng cá nhân khỏi ràng buộc phong kiến. Đậm nét hơn cả là ông mô tả tỉ mỉ sự dâm dục. Trong sự mô tả ấy, bên cạnh cái ghê tởm lại xen vào một sự thích thú bệnh hoạn, rất tai hại cho người đọc. Hồi còn sống ông có bào chữa rất nhiều cho mình, nhưng vô luận dụng ý của ông như thế nào tác dụng khách quan của tác phẩm như thế vẫn là nguy hiểm.” (5) Rồi tác giả đi đến kết luận: “Ngòi bút của ông (VTP) lại phạm rất nặng vào chủ nghĩa tự nhiên nên càng làm cho lệch lạc kia nghiêm trọng hơn.” (6) Nhưng đến năm 1987 trong bài viết “Tuổi nhỏ tôi đọc Vũ Trọng Phụng” Và năm 1993 với bài viết “Tuổi lớn đọc lại” Vũ Trọng Phụng, với sự qui chiếu từ hệ hình tư duy nghiên cứu phê bình của thời kỳ đổi mới thì cái nhìn của GS về Vũ Trọng Phụng lại hoàn khác với cái nhìn của ông trước đó khi ông xác quyết: “ Vũ trọng Phụng là một nhà văn có tài lớn, rất sớm vạch cho mình một địa bàn khám phá làm mảnh đất riêng, làm chủ mảnh hiện thực ghê ghớm ấy một cách vững chắc, sắc sảo không mấy ai sánh kịp.” ( 7) Rồi ông kết luận: “Vũ Trọng Phụng sẽ là một giá trị vào bậc nhất thời 30 – 45 của văn học nước nhà.” (8)

     Dẫn ra một số vấn đề như thế để thấy rằng sự thay đổi về hệ hình tư duy nghiên cứu phê bình của GS Lê Trí Viễn không chỉ là lý luận suông mà đã biến thành hiện thực ở các bài viết của ông về các hiện tượng văn học mà ông quan tâm trong hàng trăm công trình nghiên cứu  nhưng vì dung lượng của bài viết có hạn nên chúng tôi không bàn đến những bài viết khác. Và để minh chứng rõ hơn về sự thay đổi hệ hình tư duy nghiên cứu phê bình của GS, chúng tôi tập trung tìm hiểu bài viết “Từ văn học ta xưa nhìn lý luận phê bình ta nay” in trong công trình “Lê Trí Viễn –Một đời dạy văn, viết văn” Toàn tập (Tập 3 – Nghiên cứu phê bình) (Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2016). Bài viết là sự kết tinh tư tưởng đổi mới trong tư duy nghiên cứu phê bình một cách rõ nét nhất, cụ thể nhất của một nhà nghiên cứu có một nền tảng kiến thức sâu sắc về triết học, lịch sử, văn hóa, xã hội được tích tụ từ quá trình tự học của một người luôn song hành với lịch sử văn học dân tộc.

     Trong bài viết này, điều đầu tiên GS bàn đến là tư duy sáng tạo của nhà văn đã được thể hiện qua thực tiễn sáng tác ở các thời kỳ lịch sử văn học mà phẩm tính đầu tiên đó là “Đầu óc rộng mở, dám suy nghĩ độc lập, dám nói, dám làm.” (9) Và để minh chứng cho luận điểm này ông đã viện dẫn tư tưởng phóng khoáng của những nhà văn trong buổi cuối Lê đầu Nguyễn như “Nguyễn Dư (quen đọc là Dữ) cho cô gái ma “sống” lại để yêu vì cô chết mà chưa được yêu. Nguyễn hữu Hào cho các cô gái nói thẳng chuyện trai gái trong buồng kín đâu đợi tới Nguyễn Du bất thần làm nhà điêu khắc! Nguyễn Cư Trinh vừa đùa vừa cho ông sãi khai thật là “Sãi chẳng yêu gì hơn mụ vãi”. Từ Chinh phụ ngâm tới Chu Thần, Miên Thẩm thì như là đem tâm trạng con người với đủ trăm nghìn màu sắc của bảy tình trải ra trên giấy. Cô Chinh phụ nằng nặc đòi có chồng bên cạnh, tưởng tượng mà để hiện lên cả mùi hương của chồng, đá rắc mọi thứ công danh, chức tước. Cô cung nữ rít lên về cái “đêm hôm ấy đêm gì” về “mấy giọt chung tình”…) (10) Rồi GS đi đến kết luận những điều này “làm ta kinh ngạc một lần nữa là cái đầu óc rộng mở , cái gan suy nghĩ độc lập, cái dám nói dám làm của con người nhân văn thời trước đã chuyển sức sáng chớp của mình vào thế giới nhân tình, vào cõi thường ngày, với chiều sâu của nó, trong ngóc ngách trái tim và hỗn độn cuộc đời. Con người nhân văn Việt Nam trước sau như bù đắp nhau, trí tuệ. Xúc cảm cân bằng.” (11) Và cái cần bằng được ông quan tâm đề cao ở đây là sự cân bằng, bổ sung cho nhau giữa “con người chính trị và con người nhân bản”. Và ông luận giải: “Tố Hữu làm thơ cách mạng, Xuân Diệu viết về tình yêu rộng và hẹp. Ca ngợi Kép Tư Bền song song với khen Đoạn tuyệt. Có Đề cương văn hóa nhưng Nguyễn Tuân cứ nhẩn nha với tùy bút và tiểu thuyết của mình. Buổi chiều xám hoặc Mò sâm banh là sự kết hợp xúc cảm công dân và xúc cảm nhân văn.” (12) Và theo ông đây là một qui luật tất yếu trong sáng tạo và tiếp nhận văn học của dân tộc đã được hình thành trong sự vận động của tiến trình lịch sử văn học.

     Thiết nghĩ, điều đúc kết ở trên của một nhà giáo, một nhà văn, một nhà nghiên cứu phê bình ở cái tuổi “thất thập cỗ lai hy” (GS viết bài này năm 1990, khi ông 72 tuổi) cũng là kết tinh sự trải nghiệm của cả một đời người với những khát khao sống, khát khao yêu, khát khao sáng tạo với một tinh thần dấn thân của một tâm thức hiện sinh mãnh liệt, không phải là những cảm xúc chợt đến, nhất thời và nông nổi của tuổi đôi mươi. Hiểu được điều này mới thấy hết được sức tươi trẻ không chỉ trong cuộc sống mà trong cả tư duy khoa học của GS, một con người suốt đời lấy học thuật và tình yêu làm lẽ sống.

       Một vấn đề khác trong bài viết này được GS quan tâm bày tỏ đó là vấn đề tiếp nhận “văn học, tư tưởng nước ngoài và sự kết hợp văn hóa Đông Tây trên cơ sở dân tộc” mà theo sự luận giải của ông: “Quy luật hiện đại hóa với nội dung thế giới hóa và dân tộc hóa dân chủ hóa đã biến đổi cái chất của văn học. Ở tất cả các phương diện: ngôn ngữ, thể và loại, tư duy, xúc cảm, trí tuệ, chất liệu cuộc sống cho văn thơ, kỹ thuật và nghệ thuật… Phương diện nào cũng theo hướng học tập của người nhưng chuyển hóa thành của mình trên cơ sở vốn dân tộc, nhằm phục vụ cho cuộc sống dân tộc, nhân dân mình.” (13)

    Trên cơ sở những đặc điểm đúc kết từ thực tiễn sáng tác của nền văn học nước nhà được phân tích, luận giải một cách khoa học cùng với sự nghiệm sinh của một nhà giáo đã có thâm niên trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu phê bình văn học, Giáo sư đã trình bày những vấn đề mà theo ông đó là “Suy nghĩ đổi mới cho mình và cho văn học của môn lý luận phê bình.” (14) trước yêu cầu của công cuộc đôỉ mới đất nước, trong đó có đổi mới về hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học. Đó là: “a/ tinh thần rộng mở, sự độc lập suy nghĩ, việc dám nói, dám làm, dám viết; b/ hai mặt chính tri (hay công dân) và nhân văn ở con người, tùy lúc mặt này nổi lên, mặt kia nổi lên, nhưng nhìn chung là bổ sung cho nhau; c/ đường hướng tiếp nhận những yếu tố nước ngoài, rồi chuyển hóa thành của mình, sự kết hợp dân tộc và giai cấp, Đông và Tây” (15) Và để thực hiện được ba điều trên một cách hiệu quả, xuất phát từ thực tiễn của đời sống nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học thời kỳ tiền đổi mới, GS đã chỉ ra những giới hạn của hoạt động lý luận phê bình lúc bấy giờ mà ông gọi đó là ba cái sai cơ bản làm ảnh hưởng đến tính học thuật của lý luận phê bình.

      Cái sai thứ nhất đó là việc: “Chính trị hóa văn học. Nó có thể nhiều dạng: lấy tiêu chuẩn chính trị để xét văn học, chỉ thấy ở văn học mặt xã hội chính trị, qui giai cấp các nhân vật… Gốc gác của nó có phần từ nước ngoài, nhất là từ phương Bắc, nhưng chính vì không hiểu đúng ý nghĩa văn nghệ văn hóa là một mặt trận trong cách mạng, quên khuấy mặt trận ấy có đặc thù của nó là đặc thù nghệ thuật. Đây không phải vấn đề quan hệ giữa chính trị và văn học, một vấn đề lắm gai góc.” (16)

    Cái sai thứ hai đó là “phi nhân tính hóa. Nói cách khác là văn học không công nhận có con người nói chung, mà chỉ coi có con người giai cấp (…) Và trong văn học là quan tâm tới mặt quần thể của con người chứ ít hoặc không chú ý tới mặt cá thể, hoặc trong bất kỳ tình huống nào cũng chăm lo cho con người công dân (hay con người chính trị) còn bỏ mặt hoặc thậm chí mạt sát con người nhân văn (hay con người – con người bình thường) hay chẳng bao giờ chấp nhận một người có thể đúng mà tập thể lại sai… đặc biệt là bằng lòng với một kiểu viết văn quần thể ai cũng như ai và qui nó thành một điểm cực nhỏ trong cái gọi là phong cách, một khái niệm chẳng ai hiểu như ai, rộng mở đến mơ hồ.” (17)     Và cái sai thứ 3 đó là việc: “lược đồ hóa cuộc sống, con người. Chỗ này liên quan tới quan niệm về hiện thực và điển hình. Hiện thực cuộc sống chỉ còn là chính trị thì còn chỗ nào cho mọi hình dạng phong phú khác của cuộc sống? Điển hình là con người giai cấp, con người quần thể thì còn chỗ nào cho con người cá thể chen chân vào?” (18)

     Không những chỉ ra cái sai trong tư duy lý luận phê bình của nước ta trong thời kỳ tiền đổi mới mà trong đó bản thân ông, vừa là nạn nhân vừa là một chứng nhân, ở bài viết này GS còn chỉ ra cái “quyền uy” của lý luận phê bình lúc bấy giờ mà theo cảm nhận của ông đó là “một thứ thế lực vô hình, gần như siêu nhiên, khiến cầm bút lên là run, đáng đi thẳng thì cân nhắc phải đi quanh cách nào, hoặc phải bóp nặn lại kẻo nguy. Ngày một ngày hai nó mang màu sắc tôn giáo, mình tạo ra nó rồi mình trở lại sợ hãi nó, thờ kính nó. Không riêng đối với người sáng tác mà ngay đối với kẻ làm lý luận phê bình cũng vậy. (…) Do đâu có cái quyền uy ấy? Bởi lý luận đã trở thành “phép nước”, nó cho nó là chân lý tuyệt đối. Và sâu xa hơn, bởi nó nắm quyền hành, bởi nó là lãnh đạo nhất là ở nước ta, một nước chưa quen dân chủ, phong kiến giáo điều còn mạnh.” (19)  Và từ những kiến giải một cách thấu đáo về tình hình sáng tác và lý luận phê bình văn học của nước nhà trong quá khứ cũng như hiện tại, GS đã chia sẻ suy nghĩ về những định hướng cho sự phát triển của nền lý luận phê bình văn học nước mà theo ông, đó là: “Phải học dân chủ và tôn trọng con người, giải phóng tài năng của họ. Muốn vậy phải có luật. Có dân chủ là nhà văn có tự do. Hiểu đúng chức năng, vị trí trách nhiệm trước xã hội, sáng tác lý luận phê bình cứ tự do nói điều mình cho là đúng. Nói đi nên có nói lại. Nhưng đừng ai cho mình có quyền uy, mình nắm chân lý tuyệt đối, và mọi người phải nghe theo. Luật đúng mới là chuẩn.” (20) Tuy nhiên ở bài viết này theo ông chỉ là việc “ôn cũ để biết mới chứ chưa phải giải quyết cái mới. xin cứ tin là lịch sử đã đặt ra vấn đề thì tất có cách giải quyết.” (21) Và những điều trăn trở của GS về tình hình lý luận lúc bấy giờ đến hôm nay không phải không còn tồn tại trong đời sống văn học của chúng ta. Thế mới biết tính mẫn cảm trong đổi mới tư duy lý luận nghiên cứu phê bình của giáo sư sâu sắc như thế nào?

       3.Nhân 100 năm sinh của Giáo sư Lê Trí Viên, một trong những người Thầy mà tôi có may mắn được học khi Thầy là Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa văn, Đại học Sư phạm Huế ở những năm bảy mươi khi đất nước thống nhất, đọc lại các công trình nghiên cứu phê bình của GS, đặc biệt là bài viết “Từ văn học ta xưa nhìn lý luận phê bình ta nay” in trong công trình “Lê Trí Viễn – Một đời dạy văn, viết văn” Toàn tập (tập 3 – Nghiên cứu phê bình) (Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2016), tôi không chỉ học được ở GS tinh thần lao động miệt mài của người cầm bút, cả đời chỉ lấy việc tự học làm trọng mà còn học được tinh thần sáng tạo, dấn thân và khát khao đi tìm cái mới, cái đúng, cái đẹp từ trong tầng sâu văn hóa của dân tộc và trong thực tiễn của đời sống mà sự thay đổi hệ hình tư duy nghiên cứu phê bình được thể hiện qua các bài viết của GS là một minh chứng đầy thuyết phục không chỉ về mặt khoa học mà cả về mặt thực tiễn. Những kiến giải đầy sự uyên bác của GS trong các công trình nghiên cứu phê bình trong đó có bài viết “Từ văn học ta xưa nhìn lý luận phê bình ta nay” đã góp phần khẳng định tính minh triết và bản lĩnh của một nhà nghiên cứu lý luận phê bình, một lĩnh vực không chỉ cần có tài năng mà còn cần có nhân cách văn hóa, có cốt cách khoa học. Bài viết “Từ văn học ta xưa nhìn lý luận phê bình ta nay” tuy ra đời trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, bởi nó thức nhận cho chúng ta nhiều vấn đề có tính qui luật trong việc hướng đến xây dựng một nền nghiên cứu lý luận phê bình dân chủ, nhân văn và khai phóng như kỳ vọng mà GS Lê Trí Viễn luôn ấp ủ.

    Di sản “một đời dạy văn, viết văn” của GS, trong đó có các công trình nghiên cứu phê bình mãi mãi là một hệ giá trị của nền văn học dân tộc mà điều góp phần làm nên hệ giá trị đó chính là sự chuyển đổi hệ hình tư duy nghiên cứu phê bình của GS trong thời kỳ đổi mới.

                                              Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 28/12/2018

   Chú thích:

  • (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) (20) (21), Lê Trí Viễn, Một đời dạy văn, viết văn Toàn tập(tập 3 – Nghiên cứu phê bình), Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2016, tr.523; tr. 387; tr. 398;  tr.401 – 402;  tr.423, 424; tr.424;  tr.429; tr.429; tr.524; tr. 524; tr.524; tr.525; tr.525; tr.525;  tr.525; tr.528; tr.528-529; tr.529; tr.529, 530; tr.530; tr.531;