Giáo sư Phan Huy Lê về miền lịch sử

565

25.6.2018-09:15

 Giáo sư Phan Huy Lê

 

Giáo sư Phan Huy Lê về miền lịch sử

 

THANH HẰNG

 

NVTPHCM- Tôi nhói lòng khi nhận tin GS. NGND. Phan Huy Lê, cây đại thụ của nền sử học nước nhà, đã từ trần vào 13h6 phút ngày 23-6-2018, ở tuổi 84. Với tôi, ông là một một nhân cách khoa học toàn vẹn mà tôi luôn kính trọng.

 

Từ lâu, GS. Phan Huy Lê đã được vinh danh là một trong “Tứ trụ” của sử học hiện đại Việt Nam: “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” (là các GS: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng).

 

Bởi ông không chỉ  là nhà sử học minh triết với tri thức sâu rộng, mà còn là một nhân cách được nể trọng. GS. Phan Huy Lê đã có nhiều cống hiến to lớn cho dân tộc, đặc biệt, ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử – văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

 

GS sử học Nguyễn Quang Ngọc đã dành cho ông sự trân trọng: “Nói đến Phan Huy Lê, người ta nghĩ ngay đến chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm với số lượng vượt trội các công trình nghiên cứu và với những tổng kết sâu sắc. Hiếm có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như GS. Phan Huy Lê với tầm uyên bác không thể phủ nhận”.

 

Trong bối cảnh suốt gần thế kỷ qua, nhiều thế hệ vẫn được học về việc “bán nước” của nhà Nguyễn, thì từ hơn chục năm trước, với vai trò là người đứng đầu Hội Lịch sử Việt Nam, GS. Phan Huy Lê đã tổ chức nhiều hội thảo đánh giá lại vai trò nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.

 

Bằng những nghiên cứu của mình, ông khằng định: “Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ – không gian sinh tồn của nước Việt Nam. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn”.

 

Ông đưa các minh chứng để san lấp các khoảng trống lịch sử, nhằm “xác lập một quan điểm, nhận thức mới về lịch sử Việt Nam”. Cả chục năm qua, ông vẫn kiên tâm với quan điểm này… Có thể nói, đó là một sự dũng cảm, khách quan cần có của một nhà sử học.

 

Tôi may mắn nhiều lần được gặp gỡ, phỏng vấn hoặc trò chuyện cùng ông. Mỗi lần gặp, ông đều để lại trong tôi sự ngưỡng mộ. Bởi thế, mỗi khi gặp những vấn đề liên quan đến lịch sử, tên ông luôn là sự lựa chọn đầu tiên của tôi.

 

Từng nhiều năm “bám sát” hành trình hồ sơ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trình UNESCO để được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, tôi phần nào thấy được tình cảm và trách nhiệm mà GS. Phan Huy Lê dành cho Khu di tích đặc biệt này, cũng như vai trò quan trọng của ông trong suốt quá trình lập hồ sơ.

 

Ông đau đáu ngày đêm với từng trang hồ sơ di tích. Bất cứ lúc nào, những người trong đơn vị lập hồ sơ đều có thể gọi ông, đề nghị giải thích hay bổ sung điều gì đó. Những nghiên cứu uyên thâm của ông có tiếng nói quan trọng trong việc xác định các giá trị lịch sử-văn hóa của Hoàng thành Thăng Long và đã được các chuyên gia của UNESCO đánh giá cao.

 

Khi Hoàng thành Thăng Long đã trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, GS. Phan Huy Lê tiếp tục cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tìm câu trả lời “Làm cách nào để bảo tồn và phát huy tốt nhất?” ở nhiều hội thảo lớn.

 

Quan điểm của ông đã được lãnh đạo UBND TP Hà Nội ghi nhận để thực hiện: “Về lâu dài, phải làm quy hoạch tổng thể Khu di tích. Ngoài ra, phải thực hiện cam kết với UNESCO, là tất cả các cơ quan, hộ dân trong phạm vi Di sản phải di chuyển ra bên ngoài; đẩy mạnh nghiên cứu, trong đó có vấn đề khảo cổ học; bảo vệ an toàn cho Di sản…”

 

Còn nhớ, khi Hoàng thành vừa được công nhận, một doanh nghiệp đề nghị tổ chức sự kiện dài ngày ở trong khu vực với hàng vạn người tham gia.  Nếu vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến di sản. Nhưng khi tôi liên lạc với nhiều nhà chuyên môn, hầu hết đều cho rằng không nên tổ chức, song đều từ chối phát biểu vì ngại động chạm. Tôi quyết định gọi cho GS. Phan Huy Lê, trình bày cụ thể và xin ý kiến ông.

 

Dĩ nhiên, một người đau đáu với Hà Nội, với Hoàng thành Thăng Long như ông lập tức tỏ rõ quan điểm không đồng tình, vì việc tổ chức sự kiện sẽ tác động xấu đến đi tích, ảnh hưởng tới cam kết của Việt Nam với UNESCO. Bài báo đăng trên chuyên đề An ninh thế giới với ý kiến đầy uy tín của ông đã có tác dụng góp phần để sự kiện trên không diễn ra nữa, dù đơn vị này đã họp báo công bố thời gian tổ chức.

 

Khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào khu vực thuộc thềm lục địa của nước ta trên biển Đông, được phân công phỏng vấn các chuyên gia, người đầu tiên tôi mong được gặp là ông. Dù rất bận, nhưng trước vấn đề hệ trọng của đất nước, ông vẫn nhận lời và chủ động sắp xếp thời gian cho cuộc phỏng vấn tại nhà riêng.

 

Những thông tin ông đưa ra đầy ắp, chi tiết và cụ thể, có chiều sâu lịch sử nên mang tính thuyết phục cao, đặc biệt là việc phân tích giá trị kép, vừa lịch sử vừa pháp lý của châu bản triều Nguyễn để khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt ít nhất từ thế kỷ XVII.

 

Ông còn cho biết thông tin về nguồn gốc “bản đồ đường lưỡi bò” là do năm 1947, một cán bộ Cục Nội chính của Trung Hoa dân quốc tùy tiện vẽ. Năm 2009, Trung Quốc trình bản đồ đó lên Tổng thư ký LHQ, nhằm hợp thức hóa, nhưng đã bị Việt Nam và Malaysia, Philippin, Indonesia… kịch liệt phản đối.

 

Tuổi đã cao, sức không còn khỏe, nhưng tâm huyết của vị giáo sư sử học danh tiếng dành cho dân tộc, cho đất nước lúc nào cũng luôn đầy ắp và trọn vẹn..

 

____________________________

 

GS. Phan Huy Lê sinh ngày 23- 2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư – nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.  Ông là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhiều khóa.

 

GS. Phan Huy Lê được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Ông được phong hàm giáo sư đợt đầu tiên, được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1994. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka; Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm; danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc.

 

CAND

 

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…