(Vanchuongphuongnam.vn) – Có lẽ xin bắt đầu từ mấy câu thơ của Mỹ An khi nói đến thời khắc thiêng liêng của Giao thừa: “Giao thừa thời khắc của đêm/ Có xuân tôi đỡ bạc thêm mái đầu/ Có tôi em vịn qua cầu/Có con đò cũ nông sâu tôi tìm/Trong vườn xuân nở tiếng chim/ Nở bông hoa cỏ nỗi niềm riêng tôi”. Mà không nỗi niềm sao được khi đến ngày cuối năm, những cơn mưa phùn đang ngập ngừng trước cửa như còn vương vấn năm cũ, ngỡ ngàng, bâng khuâng sau một năm trôi qua thật nhanh với bao thành công vất vả, bao kỷ niệm vui buồn, những dự tính còn dang dở, những ký ức chưa phai nhòa… Tất cả đã hóa thành kỷ niệm ùa về trước thềm xuân mới được nén đọng cảm xúc dâng lên trong thời khắc giao thừa.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Cảm xúc ấy bắt từ chiều cuối năm, một buổi chiều êm như một giấc mộng, mấy cây sưa ở đầu vườn đứng lặng yên đợi gió, chờ xuân như lan tỏa khắp không gian muôn vạn sắc màu. Đó là lúc cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, là mùa của những bắt đầu cho một tâm hồn mới, một sức sống tình yêu mới. Đó cũng là lúc cảm xúc trong ta trở nên thổn thức, dễ rung động. Hạnh phúc vốn dĩ rất mong manh, dễ vỡ nên mùa xuân chính là thời điểm để con người chăm chút, bồi dưỡng thêm năng lượng cho hạnh phúc, cho tình yêu. Mùa xuân là mùa ta dễ vượt qua chính mình nhất, dễ buông bỏ những nhỏ nhoi ích kỷ thường ngày để xích lại gần nhau, yêu thương nghĩa tình đầy đặn hơn… Thực tế cuộc sống hiện đại cho ta những cảm giác ngày một hối hả, con người ngày càng ít dành thời gian cho nhau. Đến lúc giật mình nhìn những trang lịch cuối cùng rơi xuống, thảng thốt nhớ ra Tết đến nơi rồi, mỗi người sắp bước sang một tuổi mới. Tết đến rồi ta mong thời gian chậm lại, để vượt qua những con đường gập ghềnh, khó đi đến đích. Thời gian trôi, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác tạo nên một dòng chảy không ngừng. Hành trình đời người tưởng dài mà cũng thật ngắn ngủi. Người ta phải vật lộn với từng miếng cơm, manh áo, với đại dịch Covid -19, với thiên tai bão lũ, hạn hán, lỡ núi cháy rừng khôn lường thảm họa. Có chứng kiến những giây phút đau thương để chung tay đùm bọc sẻ chia mới thấy cuộc sống này có ý nghĩa và đáng trân trọng biết nhường nào!
Chừng ấy những suy tư trăn trở thôi cũng đủ để làm cho giao thừa trở thành thời khắc thiêng liêng đọng lại trong ta mà những phút giây thường ngày không có được nên thấy lòng nôn nao khó tả.
Thật vậy, khi tiếng pháo giao thừa nổ, những “chùm hoa trời” lung linh rực sáng trên bầu trời đêm se lạnh cũng là lúc chuông nhà thờ gõ đều đều thong thả, đồng hồ từ từ điểm “không giờ, không phút, không giây”, thời khắc giao thừa đã đến! Lòng lâng lâng xao động trước bàn thờ tổ tiên hương khói. Cha ta mặc áo dài khăn đóng thắp hương khấn vái ông bà. Giữa không gian trầm mặc khói hương nghi ngút, lòng mênh mang nhớ về nguồn cội, về quê hương đất nước con người, nguyện cầu cho một năm mới: “Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc/ Đời vui, sức khoẻ, Tết an khang/ Trời thêm tuổi mới, người thêm thọ/ Xuân khắp dương gian, phúc khắp nhà”. Đây là khoảnh khắc để nghĩ, để nhớ, để từ bi hỉ xả, để hồi ức ôn cố tri tân về cuộc đời, về những cái Tết xưa bình dị, mộc mạc mà đậm đà ấm áp.
Tết xưa bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp đưa Ông Táo về trời, treo cây nêu, khép ấn, các hoạt động của mỗi nhà như bán buôn, xay lúa giã gạo đều phải được gác lại để lo cho Tết. Trong không khí rạo rực ngày Ba Mươi Tết, con cháu quây quần bên nồi bánh chưng bánh tét, bên bếp lửa đốt than hồng nướng chả nướng nem. nghe có tiếng heo en ét ở nhà bên, trẻ con săm se súng sính trong bộ đồ mới, gia đình dọn dẹp nhà cửa, bày mâm ngũ quả chuẩn bị lễ để chiều cúng tất niên rướt ông bà tổ tiên về vui cùng con cháu.
Đến ngày Mùng Ba, Mùng Bốn Tết gia đình còn bao nhiêu bánh trái, thức ăn đều bày ra hết để cúng đưa ông bà. Có thể nói Tết của ngày xưa nhẹ nhàng, giản đơn và đẹp theo một cách rất riêng. Cha mẹ dặn dò cháu con những điều kiêng kỵ từ sau thời khắc Giao thừa đến hết ngày Mùng Ba Tết, không được khóc lóc buồn tủi, nói những điều không vui, không quét nhà hốt rác, không cho nước, cho lửa, kỵ vay mượn, trả nợ ngày đầu năm, kỵ mặc quần áo màu đen màu trắng, Kỵ đi chúc Tết sáng Mùng Một, kỵ làm đổ vỡ đồ đạc trong nhà, kỵ xuất hành ngày Mùng Năm, kiêng để tang vào ngày Mùng Một, kiêng ăn các món ăn xui và kiêng chúc Tết người đang ngủ. Những điều kiêng kỵ ấy nếu không thực hiện được thì cả năm xui xẻo rủi ro. Đó cũng là cách răn dạy tỉ mỉ cho con cháu về cách hành xử điều chỉnh hành vi thích nghi đúng mực với cuộc sống.
Rồi cha mẹ chuẩn bị lễ vật để: “Tết cha, tết mẹ, tết thầy/ Xong ba việc ấy Tết này mới vui”. Ngoài ra còn Tết các loài gia súc như trâu cày ngựa kéo bắng cách cho trâu ngựa ăn no và dán vàng mã trên các cây cột chuồng trâu chuồng ngựa như một cách để con người bày tỏ sự thân thiện gần gủi bảo vệ động vật, tự nhiên.
Rồi sáng ngày Mùng Một Tết, chọn giờ hoàng đạo hướng thật tốt để xuất hành, bước ra đường nô nức đón mùa xuân với dòng người vừa lạ vừa quen, lòng như trẩy hội hòa vào hương sắc xuân với bao cảm xúc mới mẻ hân hoan. Mùa đông đã xa dần nhường cho mùa xuân mang nắng ấm yêu thương về với mọi người và vạn vật. Tháng năm với trẻ thơ theo cha mẹ tung tăng về thăm ông bà nội ngoại và bà con nhận bao lì xì trong mấy ngày tết sao mà hồn nhiên không lo nghĩ, chính là miền kí ức đẹp nhất của đời người. Dường như khi ấy ta đón nhận mọi thứ bằng trái tim không tì vết, bằng cảm nhận ngây thơ, trong sáng nhất.
Qua bao mùa Tết, trải đủ mọi cung bậc xúc cảm. Có một chút vấn vương, một chút tiếc nhớ và một miền hoài niệm. Nhưng đành giữ lại tất cả. Giữ lại những mùa xuân trong trẻo của tuổi thơ. Giữ lại những cảm giác an yên của quá khứ. Ta mãi yêu những mùa Tết, dù là tuổi thơ hay tháng ngày khôn lớn, để Tết vẫn là một phần của miền cảm xúc trong ta giữa phút giao thừa “Trong vườn xuân nở tiếng chim/ Nở bông hoa cỏ nỗi niềm riêng tôi”
Hãy gửi lại ký ức những tháng ngày mệt mỏi, bước tiếp cùng thời gian xòe đôi tay hứng lấy những giọt xuân thấm đượm để biết trân trọng từng khoảnh khắc thiêng liêng của cuộc đời vơi đầy hoan hỉ! Xin cám ơn đời vì qua mỗi mùa Tết đến cho ta có thêm những nỗi niềm suy nghĩ, thêm một lần để bản thân trưởng thành và sống tốt hơn. Xuân của đất trời mãi tươi đẹp và xuân của lòng người vẫn cứ thiết tha đón đợi…
Tết này, đất nước có nhiều đổi thay, phong tục tập quán cũng dần khác đi, những điều kiêng ky chừng như phai lãng, song đến nay vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống trong Tết cổ truyền của dân tộc, nhất là trong thời khắc thiêng liêng của giao thừa thao thiết. Trước kia ta được đón nhận những lời Bác Hồ chúc Tết đêm giao thừa thì nay, ta cũng được nghe Chủ tịch nước chúc Tết đồng bào trong giao thừa chuyển sang năm mới. Năm nay được nhà nước cho đốt pháo hoa để thêm không khí rộn ràng Mừng Đảng đón Xuân, ta cầu mong cho đất nước quê nhà Tiên Phước bước sang năm Tân Sửu – 2021 an khang thịnh vượng “Lo nước ghi lòng: Dân Vi bản/ Làm người tạc dạ: Đức vi căn”, “Phúc đem lễ nghĩa trong nhà thịnh/Lộc nảy vinh hoa phú quý xuân”. Vẫy tay tiễn đưa năm cũ, chào mừng năm mới với ước mơ hoài bão quyết tâm mới, xin được kính chúc mọi nhà mọi người tràn đầy sức khỏe an vui may mắn thành công và hạnh phúc!
An Tây, Tiên Kỳ, Tiên Phước, Xuân Tân Sửu – 2021
M.A