Phạm Thị Mỹ Liên
(Vanchuongphuongnam.vn) – Đã gần hết tháng giêng, màu vàng của hoa mai, cúc không còn rực rỡ khoe sắc trước cổng nhà ai hay trên đường phố, những cây quật cũng được chở đến nơi chăm sóc. Nhưng hương mùa xuân vẫn còn thoảng trong gió nhẹ những buổi sớm mai. Như nhà văn Vũ Bằng đã từng nói “Đẹp quá đi mùa xuân ơi!” nên những phong vị của mùa xuân vẫn còn vương trong tâm hồn. Mang yêu thương ấy nên bước xuống phố, khoác nhẹ tấm áo mỏng lang thang qua ngõ nhỏ lòng vẫn tràn ngập sắc xuân trong gió xuân, nắng xuân dịu dàng. Bất chợt ngẩn người bởi thoảng nghe hương xuân quấn quýt đâu đây.
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã từng thấy “tháng giêng ngon như cặp môi gần”. Ông thấy mùa xuân với bao vẻ đẹp sinh động giống cặp môi đỏ mọng của thiếu nữ đang gần kề. Một khao khát, háo hức với những rung động tận đáy lòng vừa có gì rất thiêng liêng vừa có gì rất trần tục. Tháng giêng làm cho mùa xuân, tình yêu, sắc xuân như hòa quyện với nhau. Nắng xuân ngọt ngào, sự mơn man của làn gió nhẹ, thoang thoảng hương sữa lúa đang thì con gái. Một cảm xúc lâng lâng khó diễn tả bằng lời khi cảm nhận được vị ngọt tình yêu vừa chớm nở cùng mùa xuân.
Ra giêng mọi người gạt bỏ mọi lo toan của những ngày đầu năm để hòa mình vào mùa lễ hội cảm nhận được những giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp, bản sắc của dân tộc Việt. Mấy năm nay dịch bệnh triền miên nên lễ hội cũng tổ chức gọn ghẽ, không hoành tráng như các năm chỉ mong bình an quay lại để những lễ hội trở thành ngày hội của quê hương. Tham gia lễ hội ta như được ôn lại những bài học giáo dục đạo lý mà ông cha ta để lại. Tháng giêng hướng về tâm linh, hướng về những ngày thánh an yên trong tâm hồn.
Ra giêng lúa đang thì con gái, người dân quê tôi lại ra đồng. Với bàn tay khéo léo cần mẫn của người dân quê trong đó có ba má tôi đã khoác cho cánh đồng quê hương bộ quần áo mới. Mấy ngày tết ngắn ngủi sum họp gia đình cùng con cháu, tự thưởng cho mình những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi. Tết đến nhưng các bác nông dân vẫn tranh thủ ra thăm đồng. Với tâm thế của tháng giêng bắt đầu năm mới nhộn nhịp khẩn trương người ra đồng, học sinh đến trường, mọi việc đã trở lại dù tiếng trống hội còn vọng đâu đây.
Ra giêng bãi bồi của quê lại vàng rực hoa cải. Mùa hoa cải đẹp lắm, mê hồn và đắm say, không chỉ dụ được nhiều ong bướm ở quanh vùng dập dìu bởi mùi hương đầy quyến rũ, mỗi lần ghé qua lại thấy thổn thức nỗi lòng. Nhớ ngày xưa vì mê đắm hoa mà mải ngắm để bò phá rau của người khác, một trận đòn đau đến tận bây giờ. Má nói mỗi một loại cải cho ra một sắc màu riêng biệt, cải canh với màu vàng óng ả; cải củ trổ màu trắng tinh khôi; cải cúc nở màu vàng nhạt… Mùa hoa cải làm ta say và ray rứt trong lòng bởi mối tình thời học trò tinh khôi được dấu kín. Giêng xôn xao trong mắt của ai để lòng ngất ngây men tình vừa ủ theo hương của đất trời vừa chợt nhớ cùng xuân.
Tết vừa hết xuân chưa đi xa nhưng các con lại gói ghém tình thân, yêu thương chuẩn bị cho hành trình mới. Lỉnh kỉnh rất nhiều những thứ quà quê bình dị đậm đậm đà hương vị quê hương, trọn vẹn tình yêu thương của ông bà ba má. Những thức quà không cao sang, không đẹp đẽ chỉ là mớ rau củ, mấy đòn bánh tét, hủ kiệu chua, hủ thịt muối cùng với vài loại quà bánh của quê hương. Trong hương thơm của mùi nếp dẻo còn có vị ngọt ngào của công sức mà ba má gieo trồng. Những cánh tay cứ vẫy mãi dù bóng con đã khuất xa, bước chân thất thểu trở về nặng trĩu nỗi buồn. Thế nào cũng nghe câu “con đi rồi nhà vắng như chùa bà đanh”. Hành lý con mang về phố chất chứa nhiều yêu thương, ấm áp sau những ngày sum họp.
Ra giêng gắn với những hồi ức khó quên, gắn với những làn mưa bụi, màu nắng mới. Thương những cánh hoa phai vàng trước gió, nhớ vườn rau tần tảo dáng quê nhà, ngẩn ngơ theo cánh chuồn chuồn rập rờn trước sân, cả những nhớ thương của chốn ta quay về. Vẳng đâu đây tiếng trống hội, câu bài chòi theo gió xa đưa. Giêng mang theo một niềm ước mong cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dịch bệnh qua mau, tết sau con sẽ về.
Ánh mắt ta ngập tràn rạo rực giêng hai!
P.T.M.L