Gió bãi trăng ghềnh – Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

106

Má mày bị đánh đĩ rồi Nhơn ơi! Chưa kịp hiểu gì Nhơn đã bị Ngỡi lôi tuột ra chiếc xe đạp cũ mòn. Chiều in bóng trên bờ ruộng hai đứa nhỏ hấp tấp chở nhau đi như trối chết.

Nhơn nghe tim mình thình thịch. Sao ngay lúc này cái đảo nhỏ xíu mà dường Nhơn thấy rộng đến nỗi có khi đi cả đời vẫn không hết. Đánh đĩ. Hai cái từ gieo vào đầu Nhơn điều gì đó rất khủng khiếp. Nó tựa như những tảng đá đè mãi nơi cuối ghềnh. Năm năm tháng tháng thành một khối bện vào đất này. Đứng đó hứng gió cuối mùa, hứng bão quay đầu, hứng luôn cái cơ cầu nhất đảo. Cứ vậy mà không dưng nước mắt nó rơi, mặc cho thằng Ngỡi cứ quay đầu lại. Khóc cái gì? Làm đàn ông phải cứng rắn lên. Có buồn thì đem ra biển mà bỏ, hay lên rừng Đôi mà thả cho gió.

Nhưng, chưa kịp đem cơn buồn ra biển hay lên rừng thả cho gió thì Nhơn thấy từ ruộng muối đám đông lố nhố. Tiếng la chửi um sùm.

Con đĩ quay lại. Nó, ngày xưa con bà bán bia ôm. Bà mẹ nó dựng cái quán bia duy nhất trên đảo. Nhậu bia thì ít mà nhậu bả thì nhiều. Chẳng biết nó là con thằng say nào. Bả đẻ nó nhằm ngay cơn bão chẳng có đò lên huyện nên băng huyết mà chết. May nhờ ông cụt tay nuôi. Vậy đó mà nó lẹo tẹo với thằng con ông cụt tay. Vợ thằng đó bỏ đi nó tính nhảy vào nhà người ta để cướp ruộng cướp đất. Nay quay về đây tưởng tử tế gì. Ai dè đem theo đứa con hoang để dụ ông chồng tui nè. Mướn nó gánh muối, xếp kho. Nó lúi húi xếp hình với cha già mắc dịch trong kho. Tui mà không bắt được chắc là nó đẻ thêm đứa nữa lấy hết đất, hết ruộng nhà tui.

Tiếng chửi lồng lộng giữa ruộng chiều. Tiếng chửi lảnh lót hơn tiếng đám sẻ ríu rít gọi nhau về tây sau một ngày xoải cánh kiếm ăn. Tiếng chửi như cơn ba đào sóng giăng lên đảo nhỏ này. Tiếng chửi đang mênh mông thì ngưng bặt bởi ông cụt tay ở đâu chạy lại. Ổng đứng nhìn má thằng Nhơn. Cũng có tiếng bước chân rầm rập của người đàn ông nào đó chạy ù lại. Rồi tiếng chân cũng im bặt trân trối ngó.

Ai đó giờ mới xì xào tụi tui thấy hình như ổng làm càn, làm bậy con An, chớ con nhỏ này nó dụ dỗ gì đâu. Ổng xé áo con An nè, chứ nếu mà con An dụ thì mắc gì áo nó rách te tua? Tiếng xì xào không to nhưng đủ rõ. Mặc cho bà chủ ruộng muối gào rống la lớn. Mặc cho thiên hạ người nói người nghe, người tin người không thì chuyện thị phi luôn là món ngon trên cửa miệng của người đời. Tiếng ráo hoảnh ngựa quen đường cũ. Tiếng đãi bôi không lửa sao có khói râm ran giữa chiều thẫm tím.

Ông cụt tay xua mọi người về. Làm ăn phải đàng hoàng. Ăn tạp thì làm ra muối tạp. Muối tạp thì ra khỏi hợp tác xã. Ổng chủ ruộng muối lấm lét kéo tay bà vợ. Chiều tan mằn mặn. Bóng má con thằng Nhơn xiêu vẹo đi về cuối ghềnh.

Hồi Nhơn theo má về đây, nó ngơ ngác hỏi phải nơi này thuộc Sài Gòn không má. Cũng mang tiếng dân thành thị phồn hoa bậc nhất nước, nhưng, đứng từ phía đảo nhìn về đất liền, sao giống như ông hoàng tử ra đảo trồng dưa hấu. Có khi nào xuôi con nước má con nó thành cổ tích? Nhơn mười tuổi, bắt đầu tập làm dân đảo Thiềng Liềng sau cuộc thấp thỏm giữa lằn ranh sống chết nơi thị thành.

Chiều cầu đá, hoàng hôn võ vàng lên mấy cây tra ven biển. Có lần, Ngỡi nói với Nhơn nếu mày dạy tao chữ, tao chỉ cách mày kiếm tiền. Đảo mình nghèo lắm, mỗi nghề muối mà sống. Đời diêm dân cực thí mồ, nên tao phải học. Học để hết nghèo. Học để còn ra thành phố kiếm tiền nhẹ nhàng khỏe re. Chứ ở đây thì cả đời bán lưng cho trời bán mặt cho muối. Người Thiềng Liềng ăn muối trước khi biết ăn cơm. Mười hai giờ trưa thiên hạ trốn nắng trong nhà, hay rung đùi ngồi cà phê chứ dân làm muối phải chạy ra ruộng hì hục lăn con lô, hay khâu đầm, cũng có khi cào muối. Cứ vậy đó, sáu tháng nắng chang chang làm để nuôi sáu tháng mưa thất nghiệp. Cũng có khi ba tao theo mấy người đàn ông ra huyện hay lên thành phố làm hồ mùa mưa. Nhưng cũng có khi ngồi suốt ngoài chợ huyện mà đâu ai mướn, vậy là về lại đảo, cứ lay lắt cho tới mùa gió chướng.

Cũng mang tiếng là khai sinh ở Sài Gòn này, mà dân đảo mình có người cả đời chưa đi hết cái đảo này lấy đâu ra biết thị thành náo nhiệt làm sao. Mỗi năm chỉ chực chờ giao thừa đi ra bến Lòng Tàu mà đứng ngắm những chùm pháo hoa rực rỡ bay lên không trung rồi tự hỏi pháo hoa tàn pháo hoa về đâu? Đời người Thiềng Liêng khoác lên mình cái tên diêm dân. Trăm nóc nhà trên đảo là trăm ruộng muối như vậy. Cũng ngần ấy cái kho muối chất đầy sự sống. Năm nào muối được giá cỡ một ngàn trở lên thì năm đó sống khỏe. Nhưng mấy năm nay, muối Thiềng Liềng bị dân thương lái ép giá. Người ta nói xăng dầu lên giá, tàu chở muối hay mấy cái sà lan cũng tăng tiền công lên gấp đôi gấp ba, giá muối cao họ không có lời. Người Thiềng Liềng giảm xuống tám trăm đồng, họ trả năm trăm, có kì kèo thêm cũng là sáu trăm. Đứng ngay giá đó. Họ không trả nữa. Dân Thiềng Liềng ghim muối đầy kho, nhưng rồi túng cùng thì phải bán. Cũng có khi phải tháo kho đầu mùa, để cuối mùa còn có chỗ chứa muối mới. Lúc đó bốn trăm đồng cũng phải bán. Đâu cần ăn muối mà môi người Thiềng Liềng vẫn mặn chát. Ngỡi thở dài, bệt xuống cầu đá.

Chiều lồng lộng gió.

Lúc mới về đảo, má chạy xin cho Nhơn vào cái lớp học ghép. Trường nho nhỏ nằm ở đầu bãi có năm lớp học, nhưng chỉ ba thầy cô giáo. Học sinh đồng phục nhăn nheo nhàu nhĩ. Áo trắng bạc thếch. Cái quần dài cũng vá víu năm bảy đường. Chân mang dép lê. Có khi lớp học thiếu đứa này, vắng đứa kia. Thầy cô hỏi thì nay nhà đứa này tháo nước, mai nhà đứa kia cân muối. Nó thế mà là tay lăn con lô duy nhất của nhà đó cô. Hay cũng đại loại ba nó cao huyết áp, một mình má nó sao khâu đầm nổi, nên nó con gái chứ cũng phải phụ đó thầy. Xứ muối nên ai về già cũng cao huyết áp như ăn cơm bữa. Lớp học tuổi tác lổn nhổn thấp cao như mấy tảng đá cuối ghềnh. Đứa mười tuổi cũng có khi ngồi chung đứa mười ba, mười bốn tuổi. Nhơn gặp Ngỡi như vậy.

Với cái trường đảo, Nhơn như ngôi sao. Dân thành thị dạt về nên đám bạn còn đang học thuộc bảng cửu chương thì Nhơn đã biết góc vuông góc tù như thế nào. Đám bạn tả biển toàn là muối thì Nhơn tả biển bằng cá bằng tôm, bằng tàu căng cánh buồm. Bài tập làm văn của nó đọc lên trước lớp mà đứa nào cũng mơ về những chân trời xa lắc. Chân trời nằm phía biển. Chân trời rực rỡ mỗi khi ánh bình minh nhô lên gọi ngày mới. Chân trời của Nhơn đẹp đến mức độ Ngỡi dứt khoát phải kì kèo cho bằng được Nhơn nhận dạy mình. Bù lại Ngỡi sẽ chỉ Nhơn gánh muối. Một đôi cũng được hai ngàn. Ngày gánh năm đôi là được mười ngàn. Mấy đứa con nít nhà nghèo không có ruộng muối thì chỉ duy nhất cách đó kiếm tiền.

Từ phía bãi Nhơn ngó về ghềnh. Tàn cây tra bóng đổ. Con trăng chưa tròn. Ngọn gió thôi non.

*

*        *

Nhơn không biết ba mình là ai, dân xóm trọ nói má nó về đây khi nó còn đỏ hỏn. Má nó xin đi cắt chỉ ở một xí nghiệp may, rồi xin làm thêm đánh số công đoạn, dần dà học vắt sổ, học may đáp túi, học tra cổ, học đóng gói. Má nó chịu cực giỏi nhất cái dãy nhà trọ này. Làm quần quật đến chiều tối về, lại lang thang gặp thứ này lụm, gặp thứ kia lụm, về nhà bỏ đầy bao để cuối tuần đạp xe ra vựa ve chai bán. Vài năm sau chắc má nó chịu thương chịu khó nên người ta cho làm chuyền trưởng, má nó mới thôi đi lụm ve chai.

Thoảng khi người ta hỏi má nó từ đâu tới, ba nó là ai. Nhưng má nó cười nhẹ tênh rồi lẳng lặng sống. Dân nhà trọ toàn nghèo, lao động bình dân, tứ chiếng quá giang phận đời mình nơi đại đô thị phồn thịnh này. Hiểu nhau mà thương. Thương nhau mà sống. Đời đã cực khổ thì nhắc cái mớ kí ức đớn đau làm gì để lòng trĩu trịt. Sống ở cái đất này, người qua vội vã, thời gian cũng như cái chớp mắt. Nhắm lại là hết đêm. Mở là đến ngày. Là quăng quật đời mình với cơm áo gạo tiền. Bấy nhiêu cũng đủ mòn cả đời.

Có bận Nhơn hỏi Ngỡi sao mười bốn tuổi mà chưa học hết cấp một. Học trước quên sau, học đuôi chẳng nhớ đầu, học lâu là Ngỡi quăng sách vở chạy đi đâu mất tiêu. Học vậy mà đòi ra thành phố. Học dở thì làm sao mà kiếm nhiều tiền để giàu. Làm người giàu đâu dễ. Nếu dễ thì ai cũng giàu hết trơn. Đâu có ai thèm ở đảo này nữa.

Ngỡi cười tỉnh queo, băng qua mấy mấy tảng đá rồi lững thững đi dọc bãi. Gió ngoài bãi lúc nào cũng là gió hỗn. Gió táp cát xốn xang mắt. Gió rải nước ướt nhem người. Gió thổi cong lời nói. Lời thốt ra nhão nhòe nhão nhoẹt. Kì thực dân đảo này gốc tích miền tây chạy giặc về đây. Những năm chiến tranh dội xuống pháo đạn tan hoang dày đặc. Dân miệt Long An, Tiền Giang, bôn ba tìm đường thoát thân. Cả nhà đùm túm nhau lên ghe men theo con nước từ sông ra biển. Theo dừa nước um tùm bên bờ mà cập bãi hoang này. Nội của Ngỡi cũng theo đó mà tìm về đất này định cư khai hoang. Dân miền Tây về đảo gặp thời can qua nên với tài bơi lội giỏi thì được huấn luyện thành đặc công nước, thuộc đoàn 10. Nội của Ngỡi khi đó thuộc đội 5. Trận chiến vang danh đánh Tổng kho xăng dầu Nhà Bè năm 1973 đã lấy đi một cánh tay của nội. Với nội Ngỡi đó lại là trận đánh hiển hách nhất đời mình. Một đêm đầu tháng 12, tiếng nổ lớn vang lên với cột lửa rừng rực rung chuyển cả Sài Gòn. Hơn 80 kg thuốc nổ C4 được chính đồng đội đặc công nước với nhóm đặc công cạn từ miền Bắc chi viện vào đã cài kín 80 vị trí. Các thùng dầu làm bằng gang nổ tung văng xa. Lửa bắt lửa lan ra cả vùng đất rộng. Mười hai ngày đêm lửa như đuốc soi đường cho đặc công đánh phá thêm các tàu hàng, các kho dự trữ. Chỉ một điều tiếc nuối nhất cho đến tận bây giờ là vài đồng đội đã vĩnh viễn hòa mình vào sóng nước Nhà Bè.

Sau trận đánh đó cả nửa tháng trời, người dân thấy có hai cái xác trôi dạt vào chân bến Lòng Tàu. Trương phình và biến dạng. Lừng khừng là của bên nào? Phải chăng đồng đội? Hay là từ bên kia của chiến tuyến? Nhưng, chết là hết, đâu ai sinh ra mà muốn mình đi vào lửa đạn. Ai lại chẳng mong mình bình an mà sống trọn kiếp người. Sống còn biết lấy lòng thành mà đối đãi nhau huống chi đã là cái xác không danh tánh. Họ trôi về đây, cũng là chọn đất này mà ở lại. Nội nói vậy rồi vớt lên, khiêng về phía rừng tra mà chôn. Cứ nghĩ đó là đồng đội mình đi. Ắt tâm mình lành lặn không ám mùi thuốc súng. Đầu mình thanh thản không ám tiếng hỏa châu. Nội Ngỡi cũng chọn ở lại Thiềng Liềng từ đó. Rừng tra được dân đảo gọi là rừng Đôi. Hai cái mộ vẫn hưởng nhang khói ngày rằm ngày vong. Những khi biển động, lắm khi bão đổ, hay lòng mình bất an có điều cầu khẩn, người đảo vẫn chạy lên rừng Đôi mà rải muối rì rầm khấn nguyện. Họ nói người nằm dưới hai ngôi mộ luôn giữ bình an cho đảo nhỏ này.

Đất này cơ cầu thấu trời, có người vì nó mà ở lại, nhưng cũng có người đâu chịu nổi những nghèo nàn túng quẫn của đảo mà ra đi. Như má Ngỡi đó. Nội nói má đẹp nhất đảo. Ba Ngỡi may mắn có má. Nhưng yêu thương thôi thì không đủ để níu giữ một con người phải không Nhơn. Má cũng đi. Một sớm nào đó khi Ngỡi mới lên bốn, tìm từ đầu bãi đến cuối ghềnh Ngỡi chẳng thấy má. Chạy xuôi rồi chạy ngược. Chừng về đến nhà thì thấy ba ngồi nhậu một mình. Mớ lá lìm kìm xanh chấm muối trắng. Muối tồn kho của mùa trước. Ngỡi lừng khừng rồi đi ra đầu bãi. Bãi đầy gió. Lần đầu tiên Ngỡi thích gió. Gió thổi tung nỗi buồn của Ngỡi ra biển. Người ngoài bến Lòng Tàu nói với Ngỡi, má đi theo ông chủ sà lan gom muối. Ông chủ đeo chiếc cà rá to chà bá. To hơn hột muối nhà Ngỡi.

Hai thằng con trai đi dọc bãi căng gió. Lần đầu tiên, Nhơn cũng thích gió nơi này.

*

*         *

Con An được vợ chồng ông cụt tay cưu mang cho đến lớn thêm chút thì dạy nấu nướng làm việc nhà. Nó được cất cho cái nhà phía sau bếp. Ông cụt tay thương nó như con cháu trong nhà, dạy cho cách lăn con lô tay từ hồi mười tuổi. Mười bốn tuổi đã tự mình đắp bờ, bừa ô. Mười tám tuổi biết canh trời mà cào muối, biết ngó nắng mà rải mồi. Lắm khi thương lái ghé ngang ngó con An hỏi ông cụt tay gả không. Con nhỏ mặn mòi da biển, má lúm đồng tiền cười duyên hết biết. Con nhỏ lanh tay, lẹ nhân. Cái giò thẳng tắp, cái hông xiết chặt, cái mông căng tròn. Mấy cha thương lái ngó con An mà uống nước ừng ực thể như vừa bỏ cả bụm muối vào miệng.

Con An lớn lên cùng trang lứa với thằng út của ông cụt tay. Hai đứa quần quật trên ruộng xong thì nhảy ra biển cùng tắm. Chiều mát trời thả diều chạy dài trên bãi. Có khi tối mười sáu tròn trăng, hai đứa lôi nhau ra ghềnh ngồi tỉ tê gì đó. Nhưng chỉ vậy thôi bởi vợ chồng ông cụt tay đã hứa hôn với người bạn chiến đấu năm xưa. Ngay năm ông cụt tay được chọn làm xã trưởng của cái hợp tác xã muối thì đám cưới cũng rình rang diễn ra. Con An lúi húi sau bếp bắt nước pha trà, rửa chén chà nồi, chứ tuyệt nhiên không bén mảng lên nhà trên.

Nhưng cái hợp tác xã lần đầu thu gom rồi bán buôn nên chưa có kinh nghiệm. Bốn năm cứ chịu sự bắt tay của đám thương lái mà đè giá. Thành ra, giá muối cứ thấp lè tè, dân đảo rên quá trời. Nghèo lại hoàn nghèo chứ thấy đổi đời nhờ hợp tác xã gì đâu? Vậy nên, nhỏ con dâu út ông cụt tay lên cái sà lan tỉnh rụi. Ông cụt tay chạy ra bến Lòng Tàu mà con nhỏ vẫn không ngoái đầu nhìn lại.

Thằng con út cũng im re, làm bạn cùng rượu. Vẫn quăng quật với ruộng muối, vẫn đắm đuối với gió bãi chỉ là không đi về phía ghềnh mỗi mùa trăng, không ra phía sau nhà bếp.

Nhưng, có một đêm khi gió chướng thổi hiu hắt, vợ chồng ông cụt tay dắt thằng cháu ngược lên huyện đi đám cưới, phía nhà sau nghe tiếng lạch bạch. Thằng con út ông cụt tay đang ngồi nhấp rượu chợt lóng tai nghe, càng nghe lại càng thấy tiếng lạch bạch to hơn. Nó chạy ra thì thấy con An đang co giựt người, miệng sùi bọt trắng. Phía dưới đất là mấy cái vỏ ốc đuôi tròn. Tròng mắt con An bắt đầu đỏ và tay chân cứng ngắc. Thằng con trai chợt nhớ lời ông cụt tay dạy khi có lần đi biển gặp con ốc này. Nó bồng ngay con An vào kho muối. Lừng khừng vài giây, nó quyết định lột hết đồ con nhỏ ra, lấy muối đắp lên toàn thân. Nó ngồi đó xoa bóp từng ngón tay, ngón chân, từng thớ thịt con An. Không dưng nước mắt nó rơi. Nó sợ con An chết. Lần đầu tiên trong đời nó nghe tim mình như ai bóp nghẹn. Bóp chặt đến nỗi hơi thở hước lên từng hước. Như con cá ai thảy lên bờ. Như cây tra thiếu hơi chướng nên bông vàng ố tàn bầm đỏ. Như cá kèo thiếu rau lìm kìm nên xãm miệng.

Cơ thể con An bắt đầu tứa ra mồ hôi. Ánh mắt dần dà đen lại. Các thớ thịt từ từ mềm ra. Muối cũng tan ra, thấm vào nước. Càng thấm, nước càng nhiều. Nước trôi xuống làn da nâu khỏe khoắn. Nước lách qua đôi bồng đảo đang căng tràn nhựa đời. Nước chảy từ thượng nguồn trôi xuống thung sâu. Nước luồn lách từ hốc xương trườn tới gò thịt. Nước mờ mịt dát tinh thể bạc vào trũng thanh tân. Mụ mị và quyến dụ.

Đêm đó trăng tròn như hai mảnh khuyết vừa ghép lại. Gió không biết. Mây không hay. Chỉ cơn say là nồng nàn da diết.

Nhưng, đời đâu có gì giấu mãi được. Chướng chưa tàn mùa thì cái bụng con An lum lúp, cái cổ dài ra, cánh mũi bắt đầu nở. Dân đảo chỉ trỏ xầm xì. Vợ ông cụt tay gói mớ đồ vào ba lô, nhét tay con An mấy trăm ngàn, đón chuyến đò tờ mờ sớm cho con An rời khỏi đảo. Thằng con út trở về nhà nghe sau bếp im lìm lòng đầy hoang hoải. Nó chạy lên rừng Đôi. Rừng Đôi vang tiếng hét chói trời. Tiếng hét gọi con trăng đêm méo mó đến lạ kì.

*

*         *

Con An đi nhưng thoảng khi vẫn lén lút gọi điện hỏi thăm ông cụt tay. Không công sanh nhưng công dưỡng. Nó chỉ cần biết đó đã là gia đình của nó. Đảo là nhà. Muối nuôi nó lớn. Biển dạy đời nó khôn. Có lần ông cụt tay được lên thành phố nhân kỉ niệm mấy mươi năm trận đánh tổng kho xăng. Ổng ghé căn phòng trọ ọp ẹp ven đô. Ổng thấy thằng cháu. Ổng nhìn con An. Hay về đi con. Nhưng, con An lắc đầu. Ông cụt tay trước khi rời phòng trọ còn ngoái đầu nhìn lại, khẽ thở dài. Dĩ lỡ cùng đường sống thì cứ về đảo. Con An cúi đầu nước mắt cứ vậy mà rơi.

Tưởng đi là hết, nhưng đời con An như mang phần số long đong. Cơn đại dịch tràn qua thành phố. Lố nhố người bỏ chạy khỏi thị thành. Trước giờ phong thành, con An chẳng biết mình sẽ về đâu. Có quê mà không dám về, có xứ mà không dám nhận. Đời người như vậy, đôi khi chết còn sướng hơn. Nhưng, còn thằng Nhơn? Câu hỏi cứ mênh mang như phố ngày tàn. Những thanh chắn bằng rào kẽm gai xé nát phố thị ra làm trăm mảnh nhỏ như ai đánh vẩy con cá. Thành phố như bong tróc lên vì cơn đại dịch. Người lén lút về trong đêm. Kẻ thấp thỏm phá vòng vây chốt kiểm. Người đi vẫn cứ đi dù các cửa ngõ bị phong tỏa. Vậy sao họ chui qua được? Con An chẳng biết. Chỉ biết dãy nhà trọ bắt đầu thưa dần. Cho đến khi nhà không gạo, không mì, cả cọng rau cũng không còn thì con An mới thao thiết cho chuyến về. Những mũi tiêm nhan nhản rêu rao tận nơi đâu chứ chưa thể len vào xóm trọ ven đô này. Xóm trọ hắt hiu chờ mũi chích như người ta chờ trúng số độc đắc. Mãi hơn ba ngày kêu đói qua số điện thoại nghe trên tivi thì con An cũng được 5kg gạo, vỉ trứng và mớ rau muống. Đám xếp hàng cũng chỉ mấy chục người nhìn nhau qua lớp kiếng che, hỏi thăm qua khẩu trang kín mít, và khoảng cách xa nhau thể như chỉ cần tiến về một bước là đại họa giáng ngay xuống đầu mình.

Dãy nhà trọ có ông tài xế công nghệ hơn năm chục tuổi vẫn cố gắng bươn chải ngoài đường chở hàng cho siêu thị đến các nhà dân. Một bữa người ta cho xe xuống hốt má con của con An đi cách li bởi ông tài xế bị dính dịch. Cái xóm trọ còn có mấy nhà đâu, chẳng ai nói với nhau lời nào, cứ giam mình trong bốn bức tường như chực chờ cơn điên tìm đến. Đâu có tiếp xúc. Ai đó phản ứng. Hốt đi hết. Không đi là chết. Người mặc đồ chống dịch lăm lăm cây bút điền tên chỉ vào mặt. Vậy ở lại không chết thì sao? Ai đó ngao ngán hỏi. Lời chưa dứt là đã bị chặn họng bởi câu “cấm cãi”. Cái gì cũng cấm. Ờ thì đi. Người thị thành đi cách li như mô-đen thời thượng.

Ăn cơm hộp và chờ đủ ngày trong sự lo lắng. Tám người vào một phòng. Khu nhà tái định cư chưa hoàn thiện thành bãi đáp cho người cách li. Trong cơn thoi thóp của sự vô vọng. Mỗi lần nghe có ca biệt dịch là người lầm rầm khấn trời, kẻ nhắm mắt tụng chú đại bi gọi Phật. Cũng có người tếu táo may quá trước khi chết được ở nhà cao cửa rộng. Sống cả đời phòng trọ lần đầu tiên ở nơi cao cấp trước dân có tiền. Ở xong chết cho nó sang cái con người mình ra. Con An không biết có sang hay không, chỉ có điều ngay cả ngày tới tháng cũng không tìm nổi băng vệ sinh. Lấy cái khăn lót rồi gặt khô để xài tiếp năm bảy hôm sau. Lén lút giấu giếm như thể mình đang làm điều gì đó nhục nhã lắm.

Giữa những nhốn nháo, con An thấy đầu mình quay vòng vòng. Như bánh xe thời gian đang gõ lóc cóc trong tâm trí nó. Trong hỗn độn chênh chao, hình ảnh đám cây tra chắn sóng gió, mưa giông ven biển dội về. Những cây tra cong vòng trước cuồng nộ phong ba nhưng vẫn luôn bám đất. Mùa hoa vẫn thắm vàng bãi cát dài.

Về đi! Cây tra quen phong ba, nhưng chỉ là với đảo mà thôi!

*

*         *

Mưa quất vào lòng ngàn ngọn roi nước. Chớp ì đùng, thoảng lóe lên những vết rạch đêm chưa kịp khâu. Sóng gào thét, xé toang tấm khiên đám cây tra đầu bãi. Căn nhà cuối ghềnh chao đảo. Nhơn ngồi thấp thỏm. Điện mất từ lúc trời vỗ trận mưa non mồi đầu. Ánh đèn pin chỉ đủ chiếu sáng một khoảng không trong căn nhà tạm bợ, bốn bức tường xây bằng thứ gạch ống cũ kĩ. Mái tôn như muốn bật tung lên sau những chuyến gió ào ạt gào rú. Má chạy ra phía trước dằn lại cửa, chạy ra phía sau hứng nước đang rào rạo chảy vào bếp nhà.

Tháng chín nổi phong ba dầu dãi lên ốc đảo. Cơn bão quật ngang không như dự báo. Đảo trong đảo chìm giữa màn mưa trắng đục. Từ phía bến Lòng Tàu nhìn sâu vào Thiềng Liềng như một chấm nhỏ nằm gọn trong trùng khơi. Tứ bề là biển. Mênh mông nước. Sáu tháng nắng rồi sáu tháng mưa. Dân xứ này hột muối cắn làm đôi. Sáu tháng no rồi sáu tháng đói. Dân xứ này quẩn quanh đời chát mặn.

Nhơn nghe ruột gan mình quặn đau, cuồn cuộn từ bụng lên tới ngực. Nó ôm ngực thở dốc. Người lạnh ngắt. Cặp mắt như đứng lại. Một màu đen bao phủ. Miệng nó sủi lên những bọt trắng. Trong thâm thâm u u, nó nghe tiếng má la. Nghe mình nằm trên lưng má băng bão chạy dọc bờ ruộng về phía kho muối nhà ông cụt tay. Có tiếng đập cửa. Tiếng người la hét. Hình như đôi tay to bè, thân ảnh rắn chắc của ông cụt tay xốc nó vào kho muối. Muối toàn thân nó. Trước khi lịm đi trong nhịp tim co thắt, nó nghe tiếng thét con ơi bằng một giọng trầm đục.

Ngoài cửa kho, thằng Ngỡi đứng giữa trời mưa như trút nước. Hay là tại mớ ốc hồi chiều Nhơn khoe bắt được phía cuối ghềnh trước cơn bão đổ? Biển động ốc lên bờ bám đá. Nhơn bảo mấy con ốc ú nu để dành tối luộc ăn. Con so hay con sam, hai con giống nhau. Nhưng con sam đuôi nhọn, con so đuôi tròn. Con sam ăn vào không sao, nhưng con so ăn vào là ngộ độc đó. Dân đảo mới biết. Mà lỡ ngộ độc con so phải đem vào kho muối, lấy muối ủ thân mình thì mới giải được độc. Thằng Ngỡi đang đứng trân mình ngoài mưa thì ông cụt tay tung cửa kho chạy ra, tay cầm bịch muối, nhắm hướng rừng Đôi mà băng gió bão mưa sa. Ổng rải muối khắp hai ngôi mộ. Ổng quỳ sụp xuống. Ổng gào trong tiếng bão xé thinh không. Mãi đến khi ba kêu Ngỡi đi đón ông về, phía rừng Đôi mới thôi tiếng thét.

Khi Ngỡi đón ông về đến thì cửa kho muối đã mở. Phía bên trong, má thằng Nhơn đang dập đầu lạy muối. Ba nó ôm chầm thằng Nhơn.

Đảo vẫn hỗn mang sóng. Sóng to, sóng nhỏ. Con sóng nào thì cũng là nước mà thôi.

Theo VNQĐ