Gió biển thổi qua đèo – Truyện ngắn của Văn Luân

989

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiếc cổng với hai cánh cửa sắt sơn màu xanh lục thay cho hai trụ vôi có mái che lợp ngói, làm Bê ngỡ ngàng. Cô cố hình dung hàng chè tàu có dây tơ hồng quấn quýt lấp lánh hoa. Cái giếng giữa sân đâu rồi? Cây mận đỏ trái treo lủng lẳng trên đầu không còn nữa! Tất cả đã nhường lại cho lối vào xi măng, thay lối đi sân đất vào nhà. Dĩ vãng thường bị đánh thức bởi những thay đổi nhỏ nhặt, Bê không lục lọi ký ức nhưng nó tự trở về như cuốn phim chắp vá chậm rãi.

Bê hình dung sân chơi của mình, chỗ này chị Thúy treo võng nằm đọc sách, nơi kia Bê cũng lũ bạn nhảy lò cò, chơi nấu ăn, làm đám cưới cho Ngưu Lang Chức Nữ. Cô bật cười với kịch bản ngộ ngĩnh của mình, làm đám cưới cho cặp tình nhân suốt đời đọa đày, ly hợp. Ngày ấy không hiểu sao Bê đã khóc mỗi khi kết thúc trò chơi. Lũ bạn sắp mận đỏ rụng giữa sân làm chiều cầu ô thước. Con Hương làm Ngưu Lang, bộ mặt “Thiên Lôi” của nó tội nghiệp, bi hài như kẻ thất tình.

Mười lăm năm theo chồng về phố núi, đến giờ Bê mới trở lại mái nhà đầy ắp thương yêu. Cô nhủ lòng đừng khóc, nhưng khi đứng trước cổng nhà, nước mắt tự nhiên trào ra. Bê cúi xuống không dám nhìn thẳng vào mặt của mẹ. Mẹ vẫn khỏe song gầy đi nhiều lắm. Ở nhà với mẹ giờ chỉ còn lại đứa con trai út vừa lấy vợ. Chị Thủy theo chồng, về nhà riêng ở bên kia sông. Con gái gần gũi chỉ thế thôi. Mẹ thở dài. Bê nhìn lên bàn thờ, mắt cha nhìn xa xăm, cô hiểu nổi cô đơn của người lớn tuổi.

Tối mấy đứa bạn học nghe tin, kéo đến đứa nào cũng xơ xác như nhau. Bổn phận làm vợ làm mẹ đã mang thời con gái đi xa tận đâu đâu, còn lại những người đàn bà quần ống cao ống thấp, đôi mắt thâm quầng, tóc thưa vàng úa. Con Hương già trước tuổi, tính nết thẳng thừng, ngổ ngáo vẫn như thuở nào.

– Tui chưa thấy ai bạc bẽo như cô. Đi không thèm ngoảnh mặt lại. Cô có còn là Chức Nữ nữa không?

Bê thèn thẹn rồi ôm Hương, bờ vai nó gầy gò xương xẩu, thời con gái chỉ còn lưu lại trên mái tóc xoăn đã loe hoe chẻ ngọn. Hương là đứa bạn thân nhất, ngày đó hai đứa thích chọn chung màu áo dài xanh nhạt để đi học, cùng đội chiếc nón huế như cặp song sinh. Hương còn là con chim xanh chấp nối tình cảm, hồn nhiên thơ ngây.

– Long có còn ở thành phố này không?

Đôi mắt hiền, miệng lúc nào cũng cười, có nốt ruồi son bên chân mày phải ám ảnh cô suốt thời gian về phố núi. Hương nói nhỏ vào tai Bê:

– Long của cô từ ngày đi bộ đội đến giờ vẫn chưa thấy về.

Bê tảng lờ, nhưng thật ra muốn biết tin về Long, kỷ niệm dễ thương mà ai cũng có trên sân trường. Bê với Long nồng ấm hơn, lãng mạn hơn. Mối tình trong trắng cứ ngỡ họ sẽ mãi bên nhau…

Cô xa Long khi không đủ can đảm để từ chối cuộc hôn nhân định sẵn, sớm nhốt mình trong vỏ ốc của người phụ thuộc. Có thời nào đi nữa, vâng lời mẹ vẫn là điều khó cãi trong gia đình còn nặng định kiến của mình… Cuộc đời cô đã đóng đinh số phận.

Khác hẳn nhiều năm về trước, Thành phố như một con tàu khát khao lao ra phía biển sau bao năm buông neo chờ đợi. Giờ đây đã lộ vẻ kiêu sa như cô gái mười tám, đôi mươi. Bê cùng với đám bạn hẹn nhau ra biển, cùng sống lại thuở vô tư tinh nghịch. Họ đèo nhau đi Bãi Bụt, Bãi Nam, dành nhau đĩa hến, trái bắp luộc, chén chè. Ném cát vào tóc nhau, chơi đùa chán đến trưa, họ trải lá nằm dưới rặng phi lao. Sống biển ru giấc ngủ mọi tạm quên đi lo nghĩ đời thường. Bê không nhắm mắt được, cô quay người nhìn vào bán đảo, xa xa một doanh trại bộ đội. Chợt đâu đó, cô nghe tiếng bập bùng ghi ta, hình như sau tảng đá lớn “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liểu rũ lê thê… ”. Tiếng hát đàn ông trầm buồn, bất chợt Bê nhỏm dậy bước đi, bài hát quen thuộc Long chỉ hát cho cô mỗi lần gặp mặt. Đó là người lính, dựa lưng vào tảng đá, cây đàn cũ với bài hát cũ. Hôm qua, tự nhiên cô nằm mơ thấy cây đàn của Long bị đứt một dây. Cô lặng lẽ dừng lại, đưa tay lên ngực, giữa giấc mơ và hiện thực có sự trùng hợp thế sao? “… Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương” (Trịnh Công Sơn)… Người lính kéo dài đoạn cuối bài hát…

– Chị thích nghe bài này?

Tiếng hỏi bất chợt làm Bê giật mình. Người lính quay lại, một chàng trai còn rất trẻ. Cô thoáng thất vọng.

– Em biết chị đứng nghe?

Người lính chỉ chiếc bóng của Bê trên vách đá

– Chị đến rón rén và lắng nghe. Lính cảnh giác và nhạy cảm như vậy đó.

Bê ngối xuống, đối diện với người lính trẻ.

– Em đi bộ đội lâu chưa?

– Hơn hai năm, em mới từ đảo ngoài kia chuyển về.

Người lính chỉ về hòn đảo mờ ảo ngoài xa khơi. Chị biết không bài hát này Thủ Trưởng dạy em đàn và hát đó. Nếu như chị nghe anh ấy hát…

Bê lảo đảo, cô dự cảm điều gì đó. Người lính trẻ có vẻ ngạc nhiên, buông đàn nhìn cô.

– Có sao không? Hình như chị không khỏe lắm!

– Không sao! Em có thể kể về thủ trưởng của em cho chị nghe được không?

– Chị buồn cười thật, sao lại muốn nghe chuyện người chưa từng quen biết? Thôi được! Chuyện của anh ấy cũng đáng nghe lắm, ưu tiên chị đó, bởi chị có vẻ thật lòng… Anh ấy là tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn công binh. Tuy là dân thành phố nhưng thích ở đảo, làm thơ rất hay, hát nhạc Trịnh Công Sơn số một, đặc biệt khi hát chỉ tự mình đánh đàn chứ không chịu cho ai đánh. Lính ở biển nhiều hơn ở đất liền, nhưng da trắng như con gái, gần bốn mươi vẫn chưa có gia đình, yêu thương đồng đội như anh em, có lần hỏi chuyện bạn gái anh ấy kể trước khi đi bộ đội anh có một mối tình rất đẹp. Khi hỏi tiếp thì anh không trả lời, ngày em chuyển vào đất liền thủ trưởng của em cũng lên đường về quân khu nhận nhiệm vụ mới. Cây đàn này anh ấy tặng cho em, có cả chữ ký trên thúng đàn.

Bê nói vội vã nghe tiếng của mình nghèn nghẹn.

– Cho chị xem cây đàn.

Đúng là chữ ký của Long, nét chữ nghiêng nghiêng chân phương, cuối dòng Long thường trang trí mấy cánh hoa cúc. Bê buộc miệng:

– Anh Long không nói gì bạn gái của ảnh sao?

Người lính trẻ tròn mắt:

– Chị biết anh ấy?

Bây giờ người lính trẻ trở nên tò mò, nhìn thẳng vào mặt Bê dò hỏi.

– Hèn gì thấy chị quen quen, có một lần em thấy chân dung của chị ở trong sổ tay của anh ấy, tấm ảnh tuy trẻ nhưng vẫn còn nét đặc trưng không thay đổi, nhất là cái miệng và đôi mắt… Chắc chắn anh ấy vẫn còn yêu chị, em đoán vậy từ cuốn sổ tay với rất nhiều bài thơ viết cho một người.

Người lính trẻ ngần ngừ một lát để quyết định một điều gì rồi nói:

– Nếu chị thích em xin thay mặt anh tặng chị cây đàn.

Sự mộc mạc chân thành của người lính làm nước mắt Bê trào ra. Không, cô không có quyền và không xứng đáng nhận vật kỷ niệm của Long. Cô xấu hổ với người lính, xấu hổ bởi cuộc chạy trốn đầy nước mắt mà Long cũng không hiểu tại sao. Cô cảm ơn rồi chạy nhanh về chỗ các bạn. Người lính trẻ nhìn theo chị ngơ ngác, lắc đầu, ôm đàn bước đi.


Minh họa (Ảnh Internet).

Ngày mai Bê phải về phố núi. Buổi chiều Hương chở Bê đi ăn bánh tráng đập chấm mắm nêm, đặc sản miền biển, đã ăn rồi thì nhớ mãi vị mắm thơm trên đầu lưỡi. Sau đó đến quán chè quen nhớ về kỷ niệm, rồi lên chiếc cầu sắt nối bờ đông nhìn ra cửa biển. Bê không nói chuyện đã gặp cây đàn của Long.

Tối chị Thủy ngủ lại nhà mẹ, đêm hai chị em nằm mỗi người một suy nghĩ. Chị Thủy khuyên Bê về ở với mẹ.

– Chồng bỏ đi với người người đàn bà khác, lâu lâu ghé nhà như hàng xóm thì mong gì mái ấm? Về với mẹ, cả nhà gần gũi nhau vẫn hơn.

Bê lắc đầu, lau mước mắt. Khuyên vậy thôi, thân phận đàn bà lệ thuộc vào nhiều điều, hơn nữa hai đứa con cần có người cha dù không mong gì một tương lai tốt đẹp. Mẹ nhìn hai cô con gái im lặng thở dài, thầm thương con, trách sự đặt đâu ngồi đấy của những người mẹ lỗi thời.

Sáng sớm chị Thủy chở hai mẹ con Bê ra đường tránh chờ xe, mùa thi đại học đi lại nhiều, cô không mua được vé nên phải đón xe khác tuyến từ phía Bắc, có lộ trình đi qua phố núi.

Giã biệt hàng chè tàu, cây mận đỏ trong quá khứ, từ giã hình bóng của Long qua lời kể của anh lính trẻ, quá khứ khép lại sau lưng Bê, chút nuối tiếc, ân hận rồi cũng qua, tất cả phải trở về với thực tại. Gió biển thầm thì, con sông hoài niệm và mối tình trong sáng… Cô mường tượng vị ngọt của ly chè quán “Lưu Luyến” trước mặt ngôi Chùa Tam Bảo và đôi mắt trìu mến, đen sâu của Long, những bài thơ vụng về, ngu ngơ ném qua cửa sổ lớp học…

Cuộc sống là thế, không lãng quên quá khứ và chấp nhận hiện tại để không phải ray rức!
Trời xế chiều, chuyến xe nặng nề dừng lại quán ăn dưới chân Đèo. Bê bồng con đi rửa mặt rồi gọi tô cháo, hai mẹ con ăn qua loa rồi lên xe chờ chuyển bánh. Đêm qua thao thức cô mệt mỏi, vật vã trên chuyến xe chật người. Cô nhắm mắt cố tìm giấc ngủ. Xe nổ máy, trên xe hành khách nói chuyện với nhau về bữa ăn ngon, dở, đắt, rẻ… rồi ai cũng xuề xòa:

– Còn hơn là cơm tù ngày trước!

Đèo dài, khúc khuỷu, mãi đi lên như muốn chạm vào vành trăng vừa khuyết, Bê ôm chặt con đang ngủ say, những khúc cua hẹp, co thắc ruột gan…

– Đến Đắc Plơ rồi ai xuống xe thì đi ra phía trước.

Người phụ xe nói to, Bê đập con dậy, lấy hành lí lần ra cửa. Trời tối đen, cô bước luống cuống suýt ngã thì có bàn tay đở lấy Bê:

– Cẩn thận! Chị xuống trước, ttôi bế cháu cho, cháu vẫn còn mơ ngủ.

Bê đón lấy con, ccô thoáng nghi hoặc vì giọng nói sao quen thuộc ám ảnh cô suốt thời con gái. Phải Long không? Người đàn ông đội chiếc mũ Kêpi quân đội, hình như đón xe trạm dừng chân, ánh sáng dù yếu ớt cô vừa nhìn ra đôi mắt có nốt ruồi son bên chân mày phải…

– Long phải không ? Bê ở ĐN đây!

Người đàn ông chưa kịp trả lời thì cửa xe đóng lại, lăn bánh vội vã trong đêm. Bê nhìn theo, hình như cô thoáng thấy cái vẫy tay muộn màng…

Cùng trên chuyến xe, cùng rong ruổi mấy tiếng đồng hồ lại không nhận ra nhau, huống gì trời cao đất rộng? Dẫu sao cũng cám ơn chuyến xe cho Bê gặp lại người ngỡ như đã tan vào lời hát Biển nhớ ”…Nghe trời gió lộng mà thương”. Bê đứng một lúc lâu giữa thung lũng, cô ngẫn người như vừa qua một cơn mơ. Về biển gặp lại hình bóng Long qua cây đàn, giờ về núi lại gặp trong tình cờ trong cùng chuyến xe. Phải chăng có sự sắp đặt của định mệnh. Long còn theo Bê trong hành trình nào nữa không? Gió vụt qua, Bê rùng mình. Đêm cao nguyên, đêm nào cũng đầy gió. Long như ngọn gió thổi từ thời áo trắng, gió thổi từ bờ biển miền Trung, thổi lên tận cao nguyên. Vẫn là ngọn gió ấy lúc mơn trớn, lúc ấm lòng và giờ lạnh cả đôi vai… Thôi nhé dĩ vãng ơi! Gió đã qua đèo.

Bê nắm chặc tay con để trấn tỉnh, nhìn ánh đèn chiếc xe đang rồ ga lên ngọn đèo tiếp theo…

V.L